Saturday, May 11, 2019

NHỮNG PHIÊN BẢN KHÁC NHAU CỦA MÓN BÁNH BAO TRÊN THẾ GIỚI

Bánh bao là món ăn khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, tùy vào khẩu vị của từng quốc gia mà chúng sẽ được chế biến với những phiên bản khác nhau để phù hợp.

PITEPALT, THỤY ĐIỂN


Có nguồn gốc từ thành phố Piteå (Thụy Điển), Pitepalt là một loại bánh bao có thành phần chủ yếu từ khoai tây, lúa mì hoặc lúa mạch. Đây là loại bánh khá được nhiều người ưa chuộng. Phần nhân bánh thường được nhồi với thịt băm, thịt xông khói, hoặc thịt lợn chiên. Bánh Pitepalt thường được ăn kèm cùng bơ và mứt lingonberry, một loại mứt nổi tiếng của Thụy Điển.

KARTOFFELKNOEDEL, ĐỨC


Kartoffelknoedel là một loại bánh bao làm từ khoai tây, bạn có thể tìm thấy món ăn này trên khắp các đường phố của nước Đức. Chúng có thể được chế biến bằng nhiều cách như luộc, hấp, nhồi với các vị ngọt hoặc mặn, đó có thể là dưa cải bắp và thịt xông khói hoặc để không với những ai ăn chay.

SVESTKOVE KNEDILY, SÉC

Món bánh đến từ Cộng hòa Séc này có thành phần chủ yếu là các loại trái cây như mận, đào, mơ... Vỏ bánh được làm từ hỗn hợp trứng, bột mì, bơ và sữa, sau đó bọc xung quanh nhân trái cây. Svestkove knedily ăn kèm với bơ và phủ đường lên bề mặt, hoặc phủ pho mát vụn.

KHINKALI, GEORGIA


Khinkali là món ăn truyền thống của Georgia. Hình thức bên ngoài của Khinkali khá giống hoành thánh, bên trong là nhân bằng nhiều nguyên liệu khác nhau, chủ yếu là với gia vị thịt (thường là thịt bò và thịt lợn, đôi khi thịt cừu), rau xanh, và hành. Nấm hoặc pho mát có thể được sử dụng thay vì thịt. Khi thưởng thức, người ta ăn không Khinkali hoặc với hạt tiêu thô. Nhân thịt chưa nấu chín khi làm bánh Khinkali, vì vậy khi nấu các loại nước thịt được giữ lại trong bánh bao. Khi ăn Khinkali người ta thường hút nước trong nhân khi cắn miếng đầu tiên để bánh khỏi bị phun nước.

MODAK, ẤN ĐỘ


Modak là món tráng miệng truyền thống của người Ấn Độ. Món bánh này thường được dùng chúng để dâng lên thờ thần Hindu Ganesh. Bánh modak có lớp vỏ màu trắng ngần được làm từ bột gạo hoặc bột mì trộn với khava hoặc bột maida. Phần nhân ngọt bên trong là dừa xào với đường thốt nốt tạo cảm giác ngọt thanh và dịu. Modak chiên hay hấp đều rất hấp dẫn.

MANDU, HÀN QUỐC


Ở Hàn Quốc, bánh bao được gọi là Mandu. Nguyên liệu của một chiếc Mandu là bột gạo bọc xung quanh hỗn hợp bao gồm thịt, đậu hũ và rau. Người dân Hàn Quốc thường ăn kèm Mandu cùng với kim chi. Món bánh này có thể hấp, luộc, chiên hay đôi khi dùng trong các món súp mang lại hương vị thơm ngon.

DAIFUKU, NHẬT BẢN


Daifuku là một loại mochi ngọt trứ danh xứ Phù Tang. Với người Nhật, Daifuku rất đặc biệt, không chỉ ở hương vị, mà còn về màu sắc, ý nghĩa của loại bánh nhỏ xinh này. Daifuku có nghĩa là Đại Phúc, được ăn Daifuku là một niềm vui lớn vì thế người Nhật tặng nhau bánh Daifuku vào những dịp lễ lớn như năm mới, đầu xuân.

GYOZA, NHẬT BẢN


Gyoza hay còn biết với cái tên khác là sủi cảo Nhật Bản. Đây là một loại bánh bao với nhân là thịt bằm và rau củ được bao bọc trong một lớp bột mỏng. Bánh Gyoza có nguồn gốc từ Trung Quốc và cực nổi tiếng tại Nhật Bản với nhân gồm thịt lợn băm, hẹ Nira, hành lá, bắp cải, gừng, tỏi, nước tương và dầu mè... Goyoza có nhiều dạng và có thể được nấu bằng nhiều cách khác nhau để có được mùi vị hơi khác nhau. Một số cách phổ biến là nướng, luộc, rán, rán ngập mỡ, hấp.

BÁNH BAO XÁ XÍU, TRUNG QUỐC


Loại bánh bao nhân thịt này có nguồn gốc từ Quảng Đông (Trung Quốc). Trong bánh chứa nhân thịt nướng kèm với hương vị của thịt xá xíu. Bột của bánh bao xá xíu hấp đặc biệt bởi nó được làm từ nấm men và bột nở lên men. Chính cách kết hợp độc đáo này khiến bột của bánh bao xá xíu hơi đặc nhưng vẫn mềm ngon. Có hai kiểu chế biến bánh bao xá xíu là hấp và nướng. Bánh bao xá xíu hấp có mặt ngoài màu trắng, trong khi loại bánh nướng có màu sắc chín vàng bóng.

SỦI CẢO, TRUNG QUỐC


Sủi cảo hay còn gọi là bánh chèo, là một trong những món ăn chính trong dịp Tết Nguyên đán của Trung Quốc. Ngoài ra nó còn phổ biến ở nhiều khu vực khác của Châu Á và các nước phương Tây. Sủi cảo bao gồm thịt nghiền, rau, mộc nhĩ cuộn trong một mảnh bột mỏng, sau đó được ép chặt lại bằng cách nhấn mạnh các góc bánh vào nhau hoặc xếp thành nếp.

MOMO, TÂY TẠNG


Loại bánh bao nổi tiếng ở Tây Tạng này còn xuất hiện ở các nước Nam Á như Nepal hay Ấn Độ. Momo được chế biến đa dạng, có thể luộc, chiên hoặc hấp tùy ý thích. Phần nhân bánh Momos chứa thịt, rau. Người Tây Tạng dùng Momo với nước sốt nóng hoặc nước luộc thịt.

BÁNH BAO, VIỆT NAM


Ở Việt Nam bánh bao là món ăn phổ biến có thể dùng suốt các bữa trong này, tuy không cầu kỳ nhưng vẫn có sức hút nhất định. Thành phần của một chiếc bánh bao gồm có thịt băm, trứng cút, mộc nhĩ, miến kèm thêm một chút hành. Sự hòa quyện của nhân bánh béo ngậy cùng độ thơm mềm của vỏ bánh khiến bánh bao ngày càng được ưa thích.

Theo Anh Trần (Wiki Travel)

No comments: