Tuesday, May 7, 2019

TRỊ TỘI NGƯỜI

Những tấm gương xưa:
TRỊ TỘI NGƯỜI


Luật pháp đặt ra để trừng trị kẻ có tội. Người quân tử vạn bất đắc dĩ mới dùng đến, về khi dùng đến, tuy giữ lẽ công bằng khép kẻ có tội vào lý, nhưng vẫn có chút tình thương xót mà chẳng nỡ thẳng tay. Kẻ chịu tội gặp được ông quan toà công minh và thân ái, thì chẳng những không oán trách mà còn kích phục và tri ân. Như trường hợp Quí Cao và người dân nước Vệ.


Quí Cao làm quan sĩ sư coi xét việc hình ngục ở nước Vệ, một người thường dân phạm tội, bị Quí Cao làm án chặt chân. Sau đó nước Vệ có loạn, Quí Cao chạy trốn, ra đến cửa thành thì của thành đã đóng kín. Người giữ thành lại là người đã bị tội chặt chân ngày trước.

Trong thấy Quí Cao, người giữ cửa bảo:

- Nơi kia có chỗ tường đổ.

Quí Cao nói:

- Quân tử không trèo tường.

Người giữ cửa lại bảo:

- Đàng kia có lỗ hỏng.

Quí Cao lại đáp:

- Người quân tử không chui lỗ hỏng.

Người giữ cửa liền giục:

- Phía sau kia có ngôi nhà hư.

Quí Cao vội chạy vào nhà núp. Nhờ vậy mà khỏi bị giặt bắt.

Khi ra đi, Quí Cao hỏi người giữ cửa:

- Trước ta theo phép nước mà chặt chân người. Nay ta gặp nạn, chính là cơ hội để báo thù. Song lại ba lần ngươi chỉ lối cho ta trốn. Thương ta như thế là nghĩa làm sao?

Người giữ cửa đáp:

- Tội tôi đáng chặt chân, tránh sao cho khỏi. Lúc ông luận tội, xoay xở pháp luật, ý muốn nới tay, tôi biết lắm. Lúc án đã định, đem ra hành hình, nét mặt ông buồn rầu, tôi lại càng biết rõ lắm. Thái độ ông như thế, há phải vị riêng gì tôi. Đó là tâm địa người quân tử tự nhiên như vậy...Thế cho nên tôi mới cứu ông.


Đức Khổng Tử nghe chuyện, nói cùng các đệ tử rằng:

- Cũng thì dùng pháp luật, mà dùng với lòng nhân từ thì gây nên ân, còn dùng mà ra dáng tàn bạo thì gây nên oán. Như Quí Cao thật là người làm quan biết dùng pháp luật vậy.

Trừng trị kẻ có tội là một giáo dục. Kẻ có tội biết ăn năn sẽ hoá ra ngoài lương thiện. Cho nên người quân tử dùng đến pháp luật là mong thâu thập được một kết quả tốt.

Nhiều khi vì độ lượng, bao dung được lỗi của người, thì cái kết quả lại càng tốt đẹp hơn là trừng trị. Như trường hợp vua Sở Trang Vương.

Một hôm Trang Vương thiết tiệc đãi các quan. Tiệc vui từ chiều cho đến tối, có cung phi mỹ nữ hầu hạ ca xướng. Đang lúc vui say thì đèn nến bị gió thổi thình lình tắc cả. Một viên quan thừa cơ kéo áo được người cung nữ. Người cung nữ chụp giật đứt dải mũ, rồi tâu cùng vua:

- Có kẻ kéo áo ghẹo thiếp. Thiếp giật được giải mũ. Xin cho thắp đèn ngay để xét. Kẻ nào bị đứt dải mũ thì chính là kẻ đã vô lễ làm càn.

Nhà vua nghĩ:

- Cho người ta uống rượu, để say đến quên cả lễ phép, lại vì câu chuyện đàn bà làm sỉ nhục người ta, thì lòng nào nỡ thế. Bèn lập tức ra lệnh:

- Ai uống rượu với Quả Nhân hôm nay mà không say đến giật đứt dải mũ là chưa thật vui.

Các quan theo lệnh, đều giật đứt dải mũ. Khi đèn nến thắp lên thì không còn phân biệt được ai là người phạm tội. Nhờ vậy mà suốt buổi tiệc được vui vầy.

Hai năm sau, nước Sở đánh với nước Tấn. Đánh luôn trăm trận, mà trận nào cũng có viên quan võ trẻ tuổi liều sống chết chiến đấu ở bên cạnh nhà vua. Nhờ vậy mà quân Sở thắng. Trang Vương lấy làm lạ, cho đòi viên quan ấy đến hỏi:

- Quả Nhân đãi nhà người cũng như các quan khác. Cớ sao nhà người hết lòng giúp Quả Nhân khác người như thế?

Viên quan tâu:

- Thần rắp tâm muốn đem thân mệnh để hiến nhà vua đã lâu. Mãi đến ngày nay mới gặp dịp báo đền ơn nghĩa, thật là may cho thần lắm. Thần tên là Tưởng Hùng, chính là người đã bị giật đứt dải mũ mà nhà vua không nở làm tội đó.

Nhà vua hứa về triều sẽ thưởng công. Tưởng Hùng tâu:

- Thần là người có tội. Nay đã đền được tội rồi, như thế là đủ, đâu còn dám mong ân.

Nói đoạn bái biệt Trang Vương, quất ngựa chạy biệt tích.

Sở Trang Vương cũng như Quí Cao vì có lòng nhân đối với người có tội, nên được người có tội tìm cách báo đền. Lòng tốt của nhà vua nước Sở và quan sĩ sự nước Vệ kia là lòng tốt tự nhiên, chớ không phải vì có tình riêng với người có tội.

Kẻ cầm cân công lý mà để tình riêng chi phối, thì sự xét xử sẽ bất công. Quan tòa đối với kẻ có tội mà đem lòng ghét thì tội nhẹ cũng hoá nặng.

Như xưa kia có một tên lính giữ kho ăn cắp một đồng tiền kho. Viên quan quản khố bắt được đánh mắng thậm tệ. Tên lính xấu hổ qua mới nói:

- Tôi chỉ lấy một đồng tiền mà ông hành hạ tôi đến thế. Ông cậy quyền thế đánh mắng tôi được, chớ ông giỏi thì thử giết tôi xem Viên quan khố liền kết án:

Mỗi ngày mỗi tiền, Ngàn ngày ngàn tiền.
Dây kéo gỗ đứt, Nước nhỏ đá xuyên

Rồi đem tên lính chém chết! Chém chết vì tội ăn trộm của kho, mỗi ngày một ít, kho sẽ rỗng, nước sẽ nghèo!

Đó là một cách quảng diễn, căn cứ vào một sự lý rồi đem sự lý ấy mà suy rộng ra. Lập luận như thế nghe qua thì rất phải, nhưng xét lại thì không lấy làm vững vàng! Bởi vì trên thực tế có thể nào mà ăn trộm hằng ngày, ăn trộm thường xuyên và liên tục được. Bởi ăn trộm thì phải có cơ hội thuận tiện, mà cơ hội thuận tiện thì không lẽ có hằng ngày? Thế mà vì ghét người ta mà cũng làm án được!

Lại nhiều khi, cũng thì một việc mà lúc thương cho tốt, lúc hết thương chê xấu. Như chuyện vua nước Vệ và kẻ bề tôi là Di Tử Hà.

Một hôm Vệ Vương cùng Di Tử Hà đi dạo vườn đào. Lúc bấy giờ đã hết mùa hoa quả. Nhưng Tử Hà lại tìm được một quả đào muộn chín thắm còn sót trên cành cao. Tử Hạ hái ăn hết một nửa thấy ngọt quá, bèn trao cho nhà vua. Nhà vua khen:

- Di Tử Hà thật yêu thương ta. Món ngon đã ăn trong miệng, mà còn nhịn cho ta ăn. Đó là người bạn chí tình.


Nước Vệ lại có lệnh cấm bất cứ người nào, không ai được tự tiện dùng xe vua, nếu ai phạm tội thì chặt chân. Một hôm Tử Hà nghe tin mẹ ốm nặng liền lấy xe vua về nhà thăm mà không xin phép. Vệ Vương khen:

- Tử Hà thương mẹ đến nỗi quên sợ tội bị chặt chân, thật là người con chí hiếu.
Về sau Vệ Vương hết thân cùng Tử Hà, muốn làm tội, bèn nhắc lại hai chuyện trên:

- Tử Hà là đứa khi quân. Miếng đào đã ăn trong miệng rồi lại nhả ra bắt ta ăn! Không kể đến phép nước, cả gan dùng xe của ta để về thăm mẹ hắn!

Rồi cách hết chức tước đuổi đi.

Người đời nghe chuyện, cười vua Vệ bị tình cảm làm mất lý trí. Nhưng trên đời đâu phải một vua Vệ mà cười.

Chúng ta không nên cười vua Vệ. Chúng ta chỉ mong sao những ông vua Vệ không có trong các nhà cầm cân công lý, trái lại những ông Quí Cao có rất nhiều, rất nhiều.

(Sưu tầm trên mạng)