Thursday, May 30, 2019

GIÁ TRỊ CỦA TỰ DO


Ai cũng biết cuộc sống trôi qua từng ngày, có những kế hoạch được triển khai, có những tham vọng đã thành hiện thực, có nhiều thành công, có nhiều thất bại, có những khó khăn, có lúc tuyệt vọng…

Cái quan hệ “hữu cơ” giữa con người với con người vô cùng phức tạp.

Ngày xưa, khi ta còn bé ta cứ nghĩ cuộc đời là một chuỗi màu hồng ở phía trước, cứ học cho giỏi để tốt nghiệp, theo đuổi một trường đại học để lấy bằng cấp, ra trường đi làm, cưới vợ gã chồng, sinh con đẻ cái… Rồi lại bắt đầu một vòng Circle of the life mới. Thế nhưng những điều tưởng chừng như vô cùng đơn giản này đối với một vài người quả thật không phải dễ.

Khi còn bé, ta ghét gì?


Chúng ta ghét bị cấm chơi bi, chúng ta ghét phải đi ngủ đúng giờ khi đang xem đến tập phim hay, chúng ta ghét mỗi ngày phải đi học, chúng ta ghét bị đòn khi chúng ta hư, chúng ta ghét bị la khi ta làm bậy…


Khi ta còn bé, ta thích gì?

Ta thích đi chơi thả giàn, ta thích cởi truồng tắm mưa, ta thích ăn kem miễn phí… Ta thích lớn cho nhanh để trờ thành người lớn. Ta không còn bị buộc phải ăn đúng giờ, ngủ đúng giờ, sáng xách cặp đi (học) trưa xách cặp về. Còn gì nữa: đi chơi phải xin phép, hết tiền phải xin tiền, làm trẻ ngoan thì được thưởng, hư thì bị phạt… Tóm lại là chúng ta thèm khát trở thành người lớn để thoát khỏi sự bảo hộ của cha mẹ ta. Chúng ta ao ước sự tự do.

Nhưng khi lớn rồi chúng ta có được cái tự do đó hay không? Bây giờ chúng ta có thể làm nhiều việc mà không cần xin phép cha mẹ. Chúng ta có thể thản nhiên hút một điếu thuốc giữa nhà mà không bị la, chúng ta có thể bỏ đi bụi vài ngày ở Nha Trang hay Đà Lạt mà không phải sợ ăn đòn, chúng ta có thể tự sắm cho mình một chiếc xe mà không phải xin tiền, chúng ta có thể đổi máy di động mà không bị chửi, chúng ta có thể thua độ đá banh vài chai mà không tiếc… Ôi tự do sung sướng biết bao!


Thế nhưng nếu chúng ta vượt đèn đỏ, coi chừng bị phạt; chúng ta phạm pháp, có thể bị ở tù; chúng ta thua độ triền miên, lấy tiền đâu mua sữa cho con? [sữa mẹ nó thì đã hết từ lâu chứ không có chuyện lạm dụng chức vụ để tham nhũng sữa ở đây]; chúng ta vui chơi thâu đêm suốt sáng, coi chừng cây cột nhà càng ngày càng teo tóp; chúng ta tiêu xài hoang phí, tiền đâu để đổi ti-vi, máy tính? Rồi tiền chợ, tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền xăng, tiền học phí, tiền hiếu thảo phí, tiền điện thoại cố định, điện thoại di động, điện thoại vô tuyến cố định, tiền truyền hình cable, tiền ADSL, tiền relax phí, tiền cheer-up phí…

Do vậy khi chúng ta có được cái gọi là sự tự do (limited) thì chúng ta lại bị ràng buộc vào cái gọi là trách nhiệm (unlimited) giống y như… (hix) cha mẹ ta ngày xưa! Mà đã bị ràng buộc thì làm sao có thể gọi là tự do? Khi thiếu tự do chúng ta lại đi tìm cách ăn cắp tự do ở con cái chúng ta.

Tóm lại là khi trưởng thành ta cũng không được cái gọi là tự do mà ta hằng mong ước.


Điều này giải thích tại sao nước Mỹ luôn hô hào kêu gọi về một “thế giới tự do”: tự do dân chủ, tự do thương mại, tự do tín ngưỡng…; còn người Việt Nam thì tuyên bố: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Biết bao nhiêu máu xương đã đổ cho công cuộc cách mạng để tiệm cận sự tự do mà tui vừa đề cập ở trên.

Kết luận: tự do giống như một vì sao sáng, nó lấp lánh hấp dẫn lôi kéo lòng người, những người mà chẳng bao giờ vươn tới sự hoàn mỹ của vì sao đó.

Nguyễn Hạnh Dzuy

No comments: