Saturday, April 18, 2020

BƯỚC CHÂN PHIÊU BẠT NGƯỜI TRIỀU CHÂU

Đoàn du lịch chúng tôi từ biệt Mai Châu, được coi là “thủ phủ người Hẹ” Trung Quốc. Chạy được 50km, đến TP. Triều Châu, vùng có 95% dân số nói tiếng Tiều (Triều).


Đúng như tục ngữ Trung Quốc (TQ) “bách lý bất đồng âm” (một trăm dặm tiếng nói đã khác), không tiện như bên mình, chỉ nói tiếng Việt có thể xuyên suốt từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau.

TQ nhờ có thứ chữ hình vuông khó nhất thế giới mới gắn kết lại thành một khối, trở thành nước lớn duy nhất trên thế giới không theo thể chế liên bang.

Nhà văn Sơn Nam trong tiểu thuyết Xóm Cù Là có đoạn: “Dân trong xóm sống vui vẻ tập trung tại Ngã Tư, nơi gặp gỡ tự nhiên của hai con rạch cong queo và dùng đến ba thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Miên, tiếng Triều Châu…”.

Chứng tỏ tiếng Tiều đã theo bước chân hồng hoang người Hoa truyền bá khắp thế giới, người Việt cũng mở rộng cửa đón nhận nền văn hóa ngoại lai này.

Có cơ hội khảo sát một nền văn hóa độc đáo Triều Châu – Sán Đầu đối với tôi là “hành trình trong mơ”.

Thành cổ ngàn năm

Triều Châu nằm ở cực đông tỉnh Quảng Đông TQ, nợi hợp lưu sông Tân và sông Hàn. Thành cổ Triều Châu được xây từ năm 1053, thời Bắc Tống TQ, cuối đời Nam Tống, Tổng binh Mã Phát tử thủ Triều Châu, chống lại gót sắt của kỵ binh Mông Cổ. Thành Triều Châu bị phá tan tành.

Năm 1653, Tổng trấn Triều Châu Sác Thượng Cửu dấy binh phản Thanh. 10 vạn quân Thanh chia làm hai ngả bao vây thành Triều Châu.

Do có nội gián, thành nhanh chóng thất thủ, Sác Thượng Cửu và các con nhảy lầu tuẫn tiết, nay vẫn còn “đền trung liệt” thờ các vị anh hào.


Năm 2001, tường thành đã được tu sửa, trở thành bức tường thành lâu đời nhất và được bảo tồn nguyên vẹn nhất TQ.

Tường thành đã tẩy sạch bụi trần ngàn năm, đứng đầu “Triều Châu bát cảnh”, là tiêu chí của TP. Triều Châu, gợi lại những ký ức xa mờ của một cuộc bể dâu.

Chúng tôi dọc theo hành lang Tân Giang, một bên xa xa là dãy tường thành màu tro xám, một bên là công viên ven sông với hàng liễu rủ, lác đác mấy cây đa cổ thụ, tô điểm cho thành cổ dạt dào ý thơ.

Thả hồn theo trời xanh nước biếc, cảnh tôi mường tưởng không phải là người reo ngựa hí, khảng khái bi ca của chiến trường xưa, mà là vấn vương tiếng hát trên thuyền bến Cô Tô…

Tác giả tại cổng thành Quảng Tế

Triều Châu có bảy cổng thành, tráng lệ nhất là Quảng Tế Môn. Thành lầu ba tầng, cao 18,85m, mái cong lợp ngói lưu ly, xây trên một nền đài đồ sộ kiểu cung điện. Cổng thành cao 3,52m, rộng 3,99m, giáp sông Hàn và cầu Tương Tử.

Phía đông thành cổ Triều Châu có cây cầu cùng tên Quảng Tế, còn gọi là cầu Tuơng Tử, xây năm 1171, thời Nam Tống, tạo hình trang nhã, trên mỗi đôn cầu có một đình đài như đình viện, đứng thứ 3 trong “Triều Châu bát cảnh”.

Cầu bắc qua sông Hàn, dài 518m, trước kia là đường yết hầu nối liền tỉnh Phúc Kiến, cùng với cầu Lư Câu Bắc Kinh, cầu Triệu Châu tỉnh Hà Bắc, cầu Lạc Dương tỉnh Phúc Kiến, gọi là “bốn cây cầu xưa” TQ.

Cầu Quảng Tế gộp chung đặc điểm cầu xà ngang, cầu phao, cầu vòm. Nhờ đoạn cầu phao bắc trên 18 con thuyền gỗ, là cầu đầu tiên trên thế giới có thể đóng mở cho thuyền bè qua lại.

Cầu phao Quảng Tế

Năm 1989, 1km về phía hạ lưu sông Hàn, đã thông xe cầu Hàn Giang hiên đại, kết thúc sứ mệnh đầu mối giao thông của cầu Quảng Tế, hiện chỉ dành cho du khách đi bộ thưởng ngoạn, phải mua vé qua cầu 20 tệ (68.000 đồng).

Theo truyền thuyết dân gian, đại văn hào đời Đường Hàn Dụ bị giáng chức xuống làm Thái thú Triều Châu. Để nối liền hai bờ sông Hàn, ông đã mời cháu mình Hàn Tương Tử hội cùng Bát tiên, thi thố pháp lực với Quảng Tế hòa thượng làm cầu.

Màn “tiên phật đấu phép” diễn ra từ hai bờ đông tây. Giữa chừng hụt hơi, đoạn giữa không hợp long được.

Quảng Tế hòa thượng dùng thiền trượng, Hà Tiên Cô (một trong Bát tiên) dùng hoa sen hóa thành dây cáp và 18 con thuyền gỗ mới hoàn thành nối kết. Nên cầu đồng thời mang hai tên Tương Tử và Quảng Tế.

Tản mạn phố Cổng Chào

Cách cổng thành Quảng Tế không xa là phố Cổng Chào dài 1.980m. Đây là phố dành cho người đi bộ, dãy phố hai bên đều là kiến trúc ban công, che nắng cho người đi bộ. Phố có 22 ngôi cổng chào xây từ đời Minh-Thanh.

Xây cổng chào là nét văn hóa đặc sắc của người Hoa. Chinatown ở nước ngoài đều được đánh mốc bằng ngôi cổng chào đỏ chói.

Mỗi ngôi cổng chào đều ghi lại sự nghiệp vĩ đại của các danh nhân Triều Châu, đa số là tiến sĩ, trạng nguyên, hàn lâm, phụ nữ trinh liệt… Một cổng chào bốn trụ ba cổng điển hình, chữ trên cổng chào là “Thất tuấn phường” (ngõ Bảy tuấn kiệt).

Cổng chào có ghi sự nghiệp các danh nhân Triều Châu

Người Triều Châu đã dùng quất hồng bì bỏ hột, ngâm muối, hong khô, thêm đường, cam thảo, hương liệu, sên thành mứt, có tác dụng thanh đờm, khỏi ho, kiện tỳ khai vị.

Tương truyền, có vị công chúa bị chứng ăn không tiêu, bao nhiêu thái y dùng đủ các vị thưốc đắt tiền đều chữa không khỏi, nhà vua đành phái dán yết thị, trưng cầu người tài.

Có chàng thanh niên người Triều Châu đến gỡ bảng yết thị, nhà vua liền cho mời vào. Anh chàng đã dùng một vị mứt hồng bì trị khỏi bệnh tích thực của công chúa. Nhà vua muốn trả công anh ta thật hậu hĩnh, chàng trả lời không cần gì, chỉ cần vinh quy cố hương.

Không ngờ công chúa thấy chàng trai khôi ngô, lòng sinh mến mộ, lại cảm thấy mình không thể rời xa món mứt hồng bì, nên muốn được lấy chàng.

Vua gia ân nhận chàng làm phò mã, cho vinh quy Triều Châu. Từ đó, Triều Châu mới có cây quất hồng bì và đặc sản mứt hồng bì, tính ra món ăn đã có lịch sử 800 năm.

Mứt hồng bì đã cùng với trái tắc tẩm thuốc, mứt phật thủ gọi là “Triều Châu tam bảo”, là đặc sản Triều Châu, bán rất nhiều ở hai bên phố Cổng Chào.

Mức quất hồng bì có tác dụng chữa bệnh của người Triều Châu

Tôi mua một mớ về ngậm khi ho, công hiệu rất tốt. Về lại Việt Nam, tôi thấy dọc đường xe đẩy bán rất nhiều phật thủ, chẳng ai mua, vì ngoài chưng mấy ngày tết, chẳng biết mua về để làm gì.

Trái tắc càng nhiều vô kể; quất hồng bì có nhiều ở miền Bắc, còn gọi là quả nhâm. Nếu ba nguyên liệu đó mình biết gia công sâu, chắt chắn sẽ tạo được giá trị gia tăng, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.

Đặc sản Triều Châu bán ở hai bên phố Cổng Chào

Triều Châu là xứ sở của bò viên, người Triều Châu kiên trì đánh tay theo phương pháp cổ truyền, nên phong vị hơn hẳn bò viên xứ mình.

Tôi bỏ ra 5 tệ mua một xâu ba viên, thật là ngon tuyệt. Tôi chụp tấm hình ở nhà hàng chuyên doanh thịt bò “A Bân” được công nhận là “soái hạm” trong chuỗi cửa hàng bò viên Triều Châu. Trước quán ăn có một giếng cổ, phải múc nước giếng lên chế biến thì bò viên mới ngon.

Món “áp mẫu niếp”

Nghe hướng dẫn viên người Triều Châu giới thiệu, muốn biết các món ăn vặt Triều Châu, phải thưởng thức thêm món bánh khoai môn và “áp mẫu niếp”. Món áp mẫu niếp, thoạt nghe tôi cứ tưởng thịt vịt, khi lại gần coi, mới biết là bánh trôi nước nặn hình con vịt mẹ dẫn bầy vịt con bơi trên mặt nước. Thực khách và người làm phải cùng có sức tưởng tượng mới hình dung nổi. Tôi chỉ coi cho đã, chứ không sao ăn nổi nữa.

Tác giả bên giếng cổ trước quán ăn

Người Triều Châu nói riêng và người Hoa hải ngoại nói chung, đều thờ Quan Công, coi như võ thần tài. Khác với ông địa “ăn xó mó niêu”, Quan Công oai nghiêm ngự bệ thờ trên cao.

Tượng Quan Công, chân bị khóa (Ảnh: Chung Linh)

Khi đi trên phố Cổng Chào, tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy ngài được phơi nắng ngay bên lề đường, chẳng có hương án, lớp sơn bị tróc, chân lại bị khóa, trông thật thê thảm. Hỏi người xung quanh, chỉ được câu trả lời bâng quơ là do sợ ngài đói quá bỏ đi nhà khác (!).

Chùa cổ Khai Nguyên

Trong thành cổ Triều Châu còn có chùa Khai Nguyên, đứng thứ 2 trong “Triều Châu bát cảnh”. Chùa được xây năm 789, vào năm Khai Nguyên thứ 28, đời Đường Huyền Tông, nên mang tên chùa Khai Nguyên, đích thực là ngôi chùa “ngàn năm cổ tự”. Chùa tọa lạc trên diện tích 2ha, kiến trúc hoành tráng, nhiều văn vật, hương khói nghi ngút.

Trước điện, có chiếc lư đồng đen, trên khắc dòng chữ “Lư hương thiền đường chùa Khai Nguyên cung phụng vĩnh viễn, Tam Hàn đệ tử Nhâm Quốc Tộ”.

Bán đảo Triều Tiên đời nhà Đường chia thành ba nước: Bách Tế, Tân La, Cao Câu Lệ, gọi là “Tam Hàn”. Nhà sư Tam Hàn từng đến đây du học đã cúng dường lư hương.

Tác giả trước điện Đại Bi

Trong điện Đại Bi cung phụng 86 pho tượng Quan Âm hóa thân, là chùa thờ phụng Quan Âm bằng ngọc thạch nhiều nhất TQ.

Tượng Quan Âm trong điện Đại Bi

Chùa đã có lịch sử 1.200 năm, lại chưa bị họa binh đao, ai cũng gửi gắm lòng thành kính. Các thiện tín cứ việc ghi ước nguyện của mình lên chiếc lồng đèn nhỏ, cúng chút tiền hương hỏa, rồi treo trên hồi lang nhà chùa, sẽ được toại nguyện.

Ước nguyện được ghi vào lồng đèn rồi treo lên hành lang nhà chùa

Món chay tại Nhà hàng Hoa Sen (Triều Châu)

Viếng chùa xong, cả đoàn dùng cơm chay ở Nhà hàng Hoa Sen gần chùa. Các món chay gồm la hán chay, bí nhồi thập cẩm, gỏi chay cuốn… Đặc biệt, các món chay ở đây không nhái theo món mặn, nhưng là món chay ngon nhất mà tôi từng được ăn.

Người Do Thái phương Đông

Người Triều Châu khắp toàn cầu ước tính có 30 triệu, nhưng vùng gốc gác của họ ở Triều Châu chỉ có 2,6 triệu.

Do tính phiêu bạt cao, lại căn cơ, giỏi doanh thương, gom của cải, nên Quốc vương Thái Lan Rama VI từng viết cuốn sách Người Do Thái phương Đông chỉ cộng đồng đông đảo này, hàm ý chê bai, nhưng ông quên mất chính ông cũng là dòng dõi Triều Châu với tên TQ là Trịnh Bảo.

Thái Lan có cộng đồng người Triều Châu đông đảo nhất thế giới, ước tính 5 triệu người (1994), ở VN ước tính có 300.000 người.

Triều Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, nhưng tiếng Triều Châu chẳng liên quan gì với tiếng Quảng Đông, lại gần với tiếng Phúc Kiến hơn. Tiếng TQ hiện đại chỉ có bốn thanh, tiếng Phúc Kiến tám thanh, tiếng Quảng Đông chín thanh, đã thấy rối bời, nhưng tiếng Triều Châu có tới 15 thanh, được coi là “hóa thạch sống” của Hán ngữ cổ.

Ngôn ngữ phức tạp như vậy, nên ở những nơi nhiều nhóm người Hoa sinh sống, tiếng Triều Châu thường bị tiếng Quảng Đông lấn áp.

Người Hoa giàu nhất Hong Kong, cũng là người Hoa giàu nhất thế giới, chính là tỉ phú Li Ka-seng, cũng là người Triều Châu. Người Triều Châu giàu nhất Việt Nam là ông Quách Thông Hiệp – vua tàu thủy, vua lúa gạo, là người xây chợ Bình Tây.

Người Sài Gòn xưa có câu tục ngữ “đi tàu Chú Hỷ, ở nhà Chú Hỏa” đã nói lên điều đó. Chú Hỷ chính là ông Thông Hiệp. Có lần tôi dự lễ hội từ thiện cuối năm của Hội quán Nghĩa An của người Triều Châu, ông Trầm Bê, Chủ tịch Bệnh viện Triều An hào phóng quyên góp 600.000 USD. Dưới sự thán phục của mọi người, thì một nữ doanh nhân gốc Triều Châu không do dự ký ngay séc tặng 1 triệu USD!

Tại TP.HCM, chúng ta hay gặp những tên: Triều An (bệnh viện), Lục Ấp (nhà tang lễ, bệnh viện xưa), Nghĩa An (hội quán). Thì đích thực là sản nghiệp người Triều Châu. Tiếng Triều Châu cũng để lại dấu ấn trên các món ăn: bánh pía, bò bía…

Sống với người Triều Châu, ta cảm thấy họ buổi sáng rất thích ăn cháo và uống trà sành điệu. Món cháo “trạng nguyên cấp đệ” (cháo thập cẩm) rất phổ biến ở Chợ Lớn chính là món ăn Triều Châu.

Các món ăn Triều Châu tuy không nổi tiếng bằng món ăn Quảng Đông, nhưng cũng rất đặc sắc và hình thành hệ phái ẩm thực riêng.

Món giò heo mắn dưa chua

Ở Sài Gòn, tôi từng ăn món giò heo mắn dưa chua do người bạn Triều Châu chiêu đãi, thơm lừng và rất lạ miệng, béo mà không ngấy.

Một thoáng Sán Đầu

TP. Sán Đầu nằm ở phía tây nam Triều Châu, vì cũng sử dụng phương ngữ Triều Châu, nên người TQ thường gộp chung thành cụm từ Triều-Sán.

Sán Đầu dân số 5,6 triệu, là một hải cảng lớn, nằm trong bốn đặc khu TQ mở cửa đầu tiên, nhưng trình độ phát triển thua ba đặc khu còn lại (Thâm Quyến, Chu Hải, Hạ Môn).

Công viên Hành lang ven biển

Khu trung tâm thành phố nằm ở phía bắc bờ biển, có một công viên hình dải lụa dài 2km, rộng 17m, gọi là “Công viên Hành lang ven biển”, được xây dựng năm 1967.

Hai bên hành lang không những trồng nhiều hoa thơm cỏ lạ, còn xen kẽ những cụm phù điêu và nghệ thuật lâm viên, mô phỏng rừng ngập nước là nơi thư giãn của nhân dân thành phố.

Công viên Thạch pháo đài

Giáp hành lang là công viên Thạch pháo đài. Pháo được xây năm Quang Tự thứ 5 (1879), là một quần thể lô-cốt hình vòng cung, án ngữ đường ra biển của Sán Đầu, là tuyến phòng ngự biển quan trọng nhất phía đông tỉnh Quảng Đông.

Khi xây pháo đài chưa có xi măng, chất kết dính là hồ nếp và mật, thế mà đã hơn trăm năm, pháo đài vẫn kiên cố như xưa. Cổng tường, bệ pháo đều xây bằng đá hoa cương, nên gọi là “Thạch pháo đài”.

Tác giả bên cỗ pháo

Pháo đài có đường kính 116m, tường trong cao 5m, tường ngoài cao 6m. Pháo đài gồm hai tầng, mỗi tầng có 18 cỗ pháo, cỗ lớn nhất có thể bắn xa 8km.

Chiều tối, trời se lạnh, chúng tôi theo đường cao tốc ven biển về đến Hạ Môn đã 9 giờ tối. Tôi lại bước vào chuẩn bị cho hành trình sáng hôm sau đi vùng núi Võ Di Sơn.

Lữ Khách



No comments: