Monday, April 20, 2020

MỦ TRÔM - QUEN MÀ LẠ

Mủ trôm, một đặc sản của vùng đất Nam bộ mà có người nghe thấy lạ, nhưng chỉ ăn một lần, đã thành quen.


Nhà văn Vũ Bằng trong lần về quê ngoại, đã viết thế này: “Tôi yêu miếng ngon Miền Nam nhiều là vị nó lạ – lạ đến nhiều khi không thể tưởng tượng được – và chính những cái lạ đó đã cho tôi thấy rõ hơn tính chất thực thà, bộc lộ và chất phác của người Nam. Ăn cháo cóc, nhậu nhẹt đuông chiên, nhắm món dơi xào lăn với bánh mì; ăn ve con lăn bột, nhắm nấm chàm... rồi tráng miệng bằng một ly chè rùa hay một chén mủ trôm... thoạt mới nghe, mấy mà du khách không phải cho là “lạ hoắc”, “kỳ cục” hay “ớn quá”!”.


Quả là “lạ hoắc” và “kỳ cục” thật khi nghe xướng lên những món ăn “chẳng đâu có” như thế. Nhưng nghe rồi thì ngẫm lại, mấy năm trước đây thôi, một chàng Tây chính hiệu phải lòng một cô gái Việt Nam đã sang giữa Thủ đô mở nhà hàng bán các món ăn côn trùng. Vậy thì nào “cóc”, “đuông”, “dơi”, “ve”… có lạ gì nữa nhỉ. Có chăng là cái ly chè rùa và chén mủ trôm, chắc đặc sản miền Nam thứ thiệt!
Cây trôm (tên khoa học: Sterculia foetida, họ Sterculiaceae) (1) còn có tên là cây cốc (vì quả có hình dạng giống như mõ cốc), cây gạo (ở miền Trung), trôm hôi, trôm thối (vì hoa có mùi hôi)…
Là loài cây gỗ lâu năm, lá hình chân vịt giống như lá gòn. Hoa trôm có đài đỏ, quả trôm to, giống như cái mõ và có hạt màu đen bóng. Vỏ quả trôm có tiềm năng làm thuốc nhuộm tự nhiên. Hạt, vỏ cây, lá và mủ trôm (nhựa trôm) được dùng như một vị thuốc, trong đó mủ trôm là phổ biến nhất.
Cây trôm được trồng chủ yếu để thu hoạch mủ làm nước uống (ngoài ra còn làm mỹ phẩm). Một trong những cách thu hoạch mủ trôm là cạo bỏ lớp vỏ ngoài của thân cây (một đoạn dài khoảng 50 cm) rồi đục các đường rãnh dọc theo thân cây và dùng ni lông quấn bên ngoài để che bụi. Sau 7 ngày thì thu được mủ trôm ở dạng đặc sệt rồi phơi khô khoảng 3, 4 nắng là tốt nhất. Phần vỏ cây sau đó sẽ hồi phục lại và người thu hoạch tiếp tục thực hiện lại các bước như trên.
Lần này theo chân ông Việt kiều Phan Thành về quê nhà Trà Vinh, ngồi ngắm những thân cây khổng lồ đủ hình thù ở Ao Bà Om, nghe ông kể thật say sưa về những câu chuyện thuở nhỏ. Và trong câu chuyện ấy lại nhắc đến món mủ trôm, tôi đã nghe rồi mà chưa từng được biết. “Ở Trà Vinh có nhiều món ăn dân gian. Các vùng khác thì có thạch, có các loại chè, nhưng ở đây có sâm, có mủ trôm, tức là mủ cây gòn. Những người bị nóng trong người nên ăn mấy thứ này. Cái mủ trôm trong, ăn như ăn yến vậy, rất mát. Tôi ăn món này thường lắm. Nếu về Trà Vinh mà chưa ăn món này thì coi như chưa về Trà Vinh.” – ông Phan Thành chia sẻ.

Mủ trôm khô

Vậy là… lên đường thôi. Chưa đầy 15 phút, Chợ Trà Vinh đã tấp nập ở trước mắt. Quán chè của chị Nguyên nằm ở ngay cổng chợ, giữa trưa hè mới đông khách làm sao. Cầm ly mủ trôm sóng sánh trên tay, nuốt tới đâu mát lạnh tới đó, vị ngọt thanh, hương vị lạ mà thấy như quen lắm rồi. Bà chủ hàng chè bảo, cách chế biến mủ trôm là dễ nhất: “Chỉ cần đổ nước mưa vào ngâm, không có nước mưa thì đổ nước lọc. Tối ngâm là sáng uống thôi. Tôi bán lâu năm rồi nên không phải đi gom, người ta đem tới giao cho mình làm bán”.

Chị Nguyên cho biết, mỗi ký mủ trôm chị bán được trong khoảng 10 ngày. Ngâm đười ươi hột é, pha chung với mủ trôm, nhỏ 1 giọt dầu hoa chuối, ăn với nước đá, đường, ăn mát lòng. Mủ trôm rất lạ, 1 thỏi mủ trôm khô (chừng bằng 1 lóng tay) chỉ ngâm với nửa galon nước, không thôi thì đặc quá, uống không ngon. Cả mấy thứ hột é, đười ươi, mủ trôm đều có tác dụng giải nhiệt, riêng mủ trôm còn làm đẹp da.


Rồi còn nghe ông Phan Thành đọc mấy câu thơ mà ông bảo lấy từ bài Quê hương của Trường Phong:

Nhớ khi cái thuở long nhong
Nhặt hoa phượng đỏ thắm hồng tặng em
Nhớ khi trốn học ăn kem
Trưa hè nắng cháy lại thèm mủ trôm
Quê hương cuối xóm đầu thôn
Chổ nào cũng có mảnh hồn trẻ thơ


Lại nhớ nhà thơ Vũ Bằng: “Ồ, tại sao lại thế ? Thì ra ngon hay không là tự ở lòng mình. Chưa chắc miếng ngon miền Nam bây giờ khác trước. Nhưng người xa nhà cảm thấy ngon lành khác trước, có lẽ vì bây giờ y nhận thức được lòng thương yêu của những người ở chung quanh rõ rệt, đậm đà hơn trước.” Mủ trôm, quen mà lạ, là thế!./.

Thuận Phương