Saturday, April 18, 2020

PITAYA - CÂU CHUYỆN VỀ TRÁI THANH LONG


Vào thập niên 1990, khi nhà nông học – trại chủ người Israel Yossi Zaphrir lần đầu tiên thử nghiệm trồng một loại xương rồng có trái tên là pitaya, người ta thường nói với ông rằng thứ trái cây trông rất hoa mỹ ấy “có vị giống như gỗ”. Bây giờ, sau nhiều năm tuyển chọn giống để có được trái pitaya ngon ngọt nhất, nhu cầu của khách hàng về “siêu trái cây” này – đặc biệt là loại Bilu pitaya ruột tím đỏ – cao đến mức ông Yossi Zaphrir, nay đã 88 tuổi thọ, phải tăng gấp đôi sản lượng tại nông trại của ông ở Rehovot, Israel.

Trái pitaya còn có tên tiếng Anh là “dragon fruit” (trái rồng) mà Việt Nam là đất nước trồng và xuất khẩu tầm cỡ thế giới, vượt xa nhiều quốc gia trồng thanh long, với cả hai loại ruột trắng và ruột tím đỏ. Thế nhưng ông Yossi Zaphrir và các nhà nông học cùng chí hướng ở nhiều nước khác nhau về địa lý như Nam Phi, Colombia và Nicaragua đang đưa ra thị trường những dòng pitaya mới có hình dáng và hương vị thơm ngon lạ lùng trong khi vẫn đảm bảo về chất lượng, tốt cho sức khỏe mà vẫn đem lại lợi nhuận lớn cho người trồng.

Thanh long trồng tại Bình Thuận, “thủ phủ thanh long” của Việt Nam

Đơn cử như trong thập niên vừa qua, Công ty Frieda’s Specialty Produce, nhà bán sỉ hàng đầu thanh long tại bang California, Mỹ đã “đi từ con số 20.000 pound (1 pound tương đương 0,454kg) lên đến 1 triệu pound/năm”, theo lời ông Alex Jackson Berkley, trợ lý giám đốc bán hàng của công ty.

Có nguồn gốc từ Trung Mỹ, thanh long được các nhà truyền giáo người Pháp đem đến xứ Đông Dương thuộc địa của Pháp trồng vào thế kỷ XIX. Loại xương rồng dây leo này phát triển mạnh ở Việt Nam khí hậu nhiệt đới để rồi loại trái này được biết đến rộng rãi ở nước ngoài với tên gọi là “dragon fruit”, cái tên và sự liên tưởng từ cái tên ấy không hẳn khiến nhà sản xuất thanh long nào trên thế giới cũng cảm thấy hoàn toàn hài lòng.


Ông Zaphrir bảo những khách hàng của ông “nói về trái pitaya ở Israel” trong khi Công ty nhập khẩu thanh long Pitaya Plus ở Mỹ thì “nói nước đôi” theo lời người sáng lập công ty Ben Hiddlestone, nghĩa là dùng từ “pitaya” cho tên công ty nhưng dùng “dragon fruit” với khách hàng của công ty! Còn Công ty Amorentia Nursery ở Nam Phi đã đăng ký tên giao dịch thương mại là Amorentia Sweet Dragon Fruit, nhấn mạnh từ “sweet” (ngọt).

Bên cạnh vấn đề ngữ nghĩa, loại trái cây mới này còn phát sinh những dị biệt về kích cỡ lớn – nhỏ, có hay không dùng thuốc trừ sâu khi trồng, tuy nhiên các cách trồng thì khác nhau ở từng quốc gia. Sau nhiều thập niên chuyên tâm lai tạo và tuyển chọn giống, ông Zaphrir đã có được trái thanh long với chỉ số BRIX đáng kinh ngạc (con số chỉ hàm lượng đường và chất khoáng có trong trái cây): 16 và 18, trong khi chỉ số này thông thường ở thanh long là 10 đến 12. “Phải mất tám đến 10 năm để đưa một giống thanh long mới ra thị trường và để thuyết phục được khách hàng mua sản phẩm mới đó”, ông cho biết.

Riêng Công ty Pitaya Plus ở Mỹ đã nhập khẩu thanh long được trồng hoàn toàn hữu cơ và phải là thanh long ruột tím đỏ. Khởi đầu với 15 nông trại trồng thanh long cỡ nhỏ ở Nicaragua, nay Pitaya Plus đã có nguồn thanh long từ 650 nông trại (430 trong số đó trồng thanh long hữu cơ).

“Siêu trái cây” với hai loại ruột trắng và ruột tím đỏ

Công ty còn thuê hơn 250 bà mẹ đơn thân ở Nicaragua làm việc trong quá trình tuyển chọn sản phẩm. Và gần đây Pitaya Plus đã mở rộng cách làm của công ty sang Việt Nam. “Một khi chúng tôi giúp các gia đình nông dân chuyển đổi trồng thanh long theo phương pháp hữu cơ, họ mau chóng có được loại trái nhỏ với lượng đường, các khoáng chất magnesium và potassium nhiều hơn. Nhờ vậy, nay Pitaya Plus chỉ bán thanh long hữu cơ đã qua chế biến (đóng hộp, làm thành món tráng miệng, thái hạt lựu) với trái thanh long được hái khi đã “chín hết cỡ”.

Salad thanh long và bơ

Rượu thanh long của Công ty Marilen Fontanilla ở Paskong, Philippines

Cocktail thanh long

Còn Công ty Amorentia, sau khi đã có những vườn ươm quả bơ và mắc-ca, đã có được bản quyền về một giống thanh long mới tự thụ phấn (hầu hết thanh long phải được thụ phấn bằng tay để ra hoa) và có chỉ số BRIX đáng ngạc nhiên. Amorentia đang tiếp thị loại thanh long mới này với các trại chủ ở Nam Phi bằng cách liên doanh sản xuất với họ như đã làm thành công với các loại trái như bơ, chuối, mắc-ca.

Theo bà Sarie Espach, Giám đốc chương trình thụ phấn của Amorentia thì giống thanh long mới đã được trồng ở bốn tỉnh của Nam Phi và trái thanh long giống mới này sẽ sớm được đưa ra thị trường. Cũng theo bà, thanh long “khá là dễ trồng” về mặt nông nghiệp nhưng để loại trái này có được giá cao trên thị trường đòi hỏi việc trồng trọt phải rất đặc biệt. Với giống thanh long mới tự thụ phấn, công việc của người trồng sẽ nhẹ đi rất nhiều, lại giảm được chi phí khi phải thụ phấn bằng tay, nhất là ở Israel, một cường quốc trồng và xuất khẩu pitaya.

Một giống thanh long mới được lai tạo

Ông Zaphrir, người từng lao tâm khổ tứ vào thập niên 1970, 1980 với trái bơ từ khi bắt đầu trồng cho đến lúc có được sản phẩm tốt nhất cung ứng cho thị trường cũng đang mong chờ pitaya từ trang trại của ông rồi sẽ trở thành loại trái cây được ưa thích nhất trên thế giới. Nhưng điều đó chỉ đến khi tuyển chọn được giống mới, cho trái ăn ngon nhất, được thị trường toàn cầu chấp nhận. Loại “siêu trái cây” này có những ưu điểm về mặt y học là giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp tiêu hóa tốt, ngăn ngừa ung thư và cải thiện sức khỏe tim mạch.

Thêm nữa, đã có bằng chứng khá thuyết phục rằng thanh long còn giúp các bệnh nhân tiểu đường type 2 điều hòa lượng đường trong máu. Không chỉ là loại trái để ăn tráng miệng, làm các món giải khát, thanh long còn được đưa vào nhiều món ăn, làm salad và được ăn trong bữa điểm tâm. Thuở ban đầu trong quá trình chinh phục thị trường, thanh long còn khiến nhiều người e ngại khi nhìn hình dáng khá lạ lùng của nó cũng như chưa cảm thấy ưa thích hương vị của nó. Điều đó đã thành quá khứ. Các giống thanh long mới đang giúp các nhà nông tự tin. Ông Ben Hiddlestone tin rằng tốc độ phát triển lên đến 130% mỗi năm của Công ty Pitaya Plus kể từ năm 2009 “chỉ mới là bắt đầu”. Cho cả công ty và cả pitaya.

Thu Thảo
Nguồn: DoanhNhân+


No comments: