Tử Đằng trong tiếng Nhật là Fuji hay còn được gọi là hoa Wistera hay hoa Đậu Tía. Đây được xem là một trong những thức hoa thiêng được trồng từ hàng trăm năm trước ở nước Nhật trong một sự kính ngưỡng vẹn toàn. Một cây hoa Tử Đằng cao đến 20m so với mặt đất và mở rộng ra khoảng 10m. Hoa của cây mọc thành từng chùm treo lơ lửng, dài từ 10 - 80 cm. Sự kết tinh thành chùm của hoa được xem là đại diện cho ý thức đoàn kết của dân tộc nước này. Có thể vì vậy mà Tử Đằng từ đã xuất hiện từ rất lâu trong nhiều gia huy của các dòng tộc vĩ đại của Nhật Bản.
Chính vì hoa chỉ nở theo mùa, nhưng cây lại có thể sống rất lâu nên Tử Đằng trở thành một thức hoa biểu trưng cho một “tình yêu bất tử”, rằng dù em có đi thật xa thì anh sẽ nguyện chờ như dây Tử Đằng vẫn đợi trăm năm sau mà nở hoa. Quả thực vậy, Tử Đằng ngay trong thực tế từ khi trồng nó đã mất tới 15 năm để có thể ra hoa lần đầu, bản thân nó đã là loài hoa biết thách thức sự đợi chờ của con người, như tình yêu thật sự cần nảy nở sau thật nhiều năm vun đắp và mở lòng giữa con người với nhau, chứ chẳng phải là thứ tình cảm nhợt nhạt thoáng qua.
Hơn nữa hoa còn mang hai màu đặc thù đó là tím và trắng, những màu sắc từ lâu đã gắn liền với những ý niệm về sự thủy chung và thanh khiết của tình yêu. Đặc biệt trong đám cưới của người Nhật xưa, áo váy của cô dâu là màu trắng chứ không phải đỏ, nên sắc trắng với người Nhật gắn liền với không ít với niềm vui kết hôn của người phụ nữ. Dẫu ngày nay thành ngữ này đã khó lòng truy nguyên bởi vô số câu truyện dị bản. Nhưng khắp nơi ở nước Nhật thời hiện đại này các cặp tình nhân vẫn hạnh phúc đi dưới những thác hoa Tử Đằng ước hẹn thế nên cái ý nghĩa kia đã không cần phải chứng minh nữa.
Ngoài ra, Tử Đằng trong văn hóa Nhật chịu ảnh hưởng từ Phật giáo, nó còn được hiểu như những sợi chỉ đẹp đẽ mang ánh sáng dẫn lên thiên đàng. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên khi bạn đắm chìm và tản bộ dưới loài hoa này trong ánh bình minh hay dãy đèn lồng rực rỡ.
Theo VYC Travel