Sunday, April 5, 2020

DI HÒA VIÊN (頤和園)

Tôi đến tham quan Bắc Kinh 2 lần, lần đầu khoảng năm 1990. Trong lần đó tôi mướn một chiếc xe và đi thăm tất cả các nơi có trong một gói post card giới thiệu phong cảnh ở Bắc Kinh trong 5 ngày. Tôi có đến Di Hòa Viên tham quan, được vào bên trong các cung điện, đi lên chiếc thuyền đá chụp hình nhưng lần sau là năm 2018 thì cũng vào Di Hòa Viên nhưng chỉ được đứng bên ngoài mà nhìn chứ không được vào bên trong các cung hoặc đi lên thuyền đá như hồi đó nữa. Bây giờ mà hỏi tôi trong đó có gì thì tôi không nhớ nhưng có một bài viết giới thiêu về nơi này rất cặn kẽ nè. (LKH)


KHÁM PHÁ DI HÒA VIÊN

Di Hòa Viên, còn được gọi là cung điện mùa hè, được xây dựng dưới triều Thanh, cách thủ đô Bắc Kinh 15km về phía Tây Bắc. Đây là lâm viên giữ được nguyên vẹn hầu hết các kiến trúc, hiện vật duy nhất còn tồn tại đến ngày nay trong “tam cung ngũ viên” của triều đại phong kiến Trung Quốc. 

Di Hòa Viên có ý nghĩa là “Nơi nuôi dưỡng sự an hòa”, nơi vua, các hoàng thân quốc thích đến vui chơi, giải trí. Cung điện đã trải qua nhiều thời đại với tên gọi khác nhau, là một kiệt tác kiến trúc và có ý nghĩa phong thủy hết sức to lớn đối với người Trung Quốc.

Một góc Di Hòa Viên.

Được xây dựng trên diện tích hơn 2.900 m2, Di Hòa Viên nằm bên cạnh núi Vạn Thọ cao vút và hồ Côn Minh có màu nước xanh ngọc bích quanh năm. Nhìn từ trên cao xuống, Di Hòa Viên như một hòn đảo ngọc, bao quanh là núi và hồ nước, biểu tượng cho ý nghĩa trường tồn cùng thời gian. Khi du lịch đến Di Hòa Viên, du khách nhất định phải ghé thăm những địa điểm sau đây:

Khu Đông Cung Môn

Khu Đông Cung Môn nằm ở phía Đông Di Hòa Viên, là nơi các Hoàng đế nhà Thanh bàn việc triều chính với các quan đại thần. Khu này có cung điện, sân khấu lớn, hoa viên,... Trong Đông Cung Môn có công trình nổi bật nhất là Điện Nhân Thọ, rộng 7 gian, là nơi vua Quang Tự và Thái hậu Từ Hy nghe việc triều chính, gặp mặt các sứ thần.


Đông Cung Môn - Di Hòa Viên

Hồ Côn Minh

Hồ Côn Minh rộng 220ha, chiếm ¾ diện tích Di Hòa Viên. Dọc theo bờ hồ là một dãy hành lang dài 728m chia thành nhiều gian khác nhau. Nhìn từ trên cao, hồ Côn Minh có hình dáng giống như một quả đào lớn có cuống là một con sông dẫn nước vào hồ qua cửa Tây Môn. Đến du lịch Di Hòa Viên, du khách nhất định phải khám phá hồ Côn Minh, chụp ảnh lưu niệm, tìm hiểu lịch sử văn hóa và tham quan xung quanh cung điện bằng thuyền.

Hồ Côn Minh có màu nước xanh biếc.

Lạc Thọ Đường

Lạc Thọ Đường là khu nhà chính trong khu vực lưu trú tại Di Hòa Viên. Phía trước có treo biển tên ba chữ vàng do chính Hoàng đế Quang Tự chấp bút. Bên trong điện Lạc Thọ Đường còn có ngai vàng, quạt, bình phong, ngự án,... để vua thiết triều và giải quyết công việc chính sự quốc gia. 

Đặc biệt, trước cửa chính của điện còn trồng một cây hồng, tượng một con hươu, một bình hoa và một con hạc. Theo phong thủy truyền thống Trung Quốc thì đây chính là những vật tượng trưng cho sự bình an, thiên hạ thái bình. Ngoài ra, trong khuôn viên cung còn trồng nhiều loại cây đại diện cho sự cao quý, giàu sang như hải đường, ngọc lan, mẫu đơn,...

Điện Lạc Thọ Đường trong Di Hòa Viên.

Hương Phật Các

Hương Phật Các được xây dựng trên lưng núi Vạn Thọ với khu nền cao 21m theo kiến trúc cổ điển của các tòa tháp Trung Quốc. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, từng bị đốt cháy, Hương Phật Các được trùng tu và hoàn thành vào năm 1894, trở thành nơi Thái hậu Từ Hy niệm Phật.

Hương Phật Các là nơi niệm Phật của Thái hậu Từ Hy.

Cầu Thập Thất Khổng

Cây cầu được làm bằng đá với 17 nhịp nối bờ với một hòn đảo nhỏ nằm ở giữa hồ Côn Minh. Cầu Thập Thất Khổng rộng 8m, dài 150m và là cây cầu dài nhất trong Di Hòa Viên. Trên lan can cầu có hơn 500 tác phẩm tượng điêu khắc hình sư tử đá với hình hài, nét chạm khắc sống động khác nhau.

Cầu Thập Thất Khổng có nhịp thứ 9 lớn nổi bật. 

Tượng trâu đồng

Tượng trâu đồng được đúc bằng đồng vào năm 1755, nằm ở phía Đông Bắc cầu Thập Thất Khổng. Người dân địa phương gọi đây là “Kim Ngưu”. tương truyền có thể ngăn chặn lũ lụt. Du khách đến tham quan Di Hòa Viên, đến tượng trâu đồng này có thể thấy bài thơ do chính vua Càn Long sáng tác được in trên thân tượng với ý nghĩa trấn thủy, trị lũ.

Tượng trâu đồng trong Di Hòa Viên.

Thanh Yến Phảng (Thuyền đá)

Một công trình kiến trúc rất độc đáo có mặt trong Di Hòa viên mà bất cứ một ai khi đến đây đều phải đến chiêm ngưỡng chính là Thanh Yến Phảng – Thuyền đá.

Chiếc thuyền đá này được làm vào năm thứ 20 đời vua Càn Long (1755) được chế tác từ hán bạch ngọc thạch, tạo hình theo mô hình thuyền truyền thống của Trung Quốc với chiều dài 36 m, toàn thân thuyền được điêu khắc tinh xảo với những hoa văn hình rồng.

Thanh Yến Phảng – Thuyền đá. (Ảnh: wordpress.com)

Cung điện mùa hè Di Hoà Viên tại Bắc Kinh không ấn tượng không chỉ về kiến trúc cảnh quan tuyệt đẹp mà còn mạng nội hàm văn hóa sâu sắc, xứng đáng một trong những biểu tượng của 5000 năm văn hóa Trung Hoa huy hoàng.

Hy vọng với những thông tin về Di Hòa Viên trên sẽ giúp nhiều người chọn được điểm tham quan du lịch thích hợp dành cho mình. Di Hòa Viên rất thích hợp dành cho những ai yêu thích văn hóa truyền thống Trung Hoa, cảm nhận không khí trong lành, khung cảnh bình yên.

(Sưu tầm trên mạng)


No comments: