Tuesday, June 9, 2020

NGẮM NHÌN TRANG PHỤC XƯỜNG XÁM TRUYỀN THỐNG CỦA TRUNG QUỐC


Xường xám hoặc sườn xám là những tên gọi khác nhau được người Việt chúng ta gọi về loại trang phục truyền thống này. Nó còn được gọi là áo dài Thượng Hải (Thượng Hải trường kì bào上海長旗袍) do xuất hiện nhiều ở vùng này. Nó được coi là mẫu mực trong thiết kế trang phục Trung Hoa, thể hiện nét giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Loại trang phục này rất thịnh hành của chị em phụ nữ Trung Quốc, bởi nó thể hiện được phong thái đoan trang, đường nét mĩ miều, yêu kiều, mềm mại của người phụ nữ.

Xường xám được xem là thiết kế điển hình cho trang phục truyền thống Trung Quốc, thêm vào đó là sự mẫu mực trong sự kết hợp giao thoa giũa văn hóa thời trang Trung Quốc và Phương Tây, điều này đã được công nhận là sự kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc cùng học thuật. Loại trang phục này là hoàn toàn bắt buộc đối với các thiếu nữ triều đinh Mãn Thanh.


Từ thời vua Đạo Quang (1821-1850) tới Quang Tự (1875-1908), cho đến những năm đầu của thế kỷ 20, chiếc áo dài xường xám đã trải qua nhiều thay đổi, nhưng vẫn luôn gắn liền với nhiều mỹ nhân nổi tiếng của Trung Hoa như: Tống Mĩ Linh, Lâm Huy Âm, Hồ Điệp, Nguyễn Linh Ngọc, Trương Ái Linh… Nó đạt tới đỉnh điểm khi người ta đặt ra những câu hỏi bông đùa kiểu không biết là xường xám đã “tạo” nên thế hệ mỹ nhân hay thời đại mỹ nhân tồn tại là để làm đẹp cho xường xám. Có lẽ cũng từ đó là trên các sàn diễn nghệ thuật nó cũng nhanh chóng trở thành trang phục biển diễn và trở thành biểu hiện vĩnh cửu cho phụ nữ Trung Hoa.

Xường xám còn được gọi bằng nhiều tên khác như Trường Sam và Kỳ Bào. Tên gọi "Kỳ bào" nghĩa là "chiếc áo khoác dài của người Mãn Thanh", đã trở thành loại trang phục thường nhật của các thiếu nữ triều Thanh, sau khi thủ lĩnh Mãn Châu là Nỗ Nhĩ Cáp Xích thiết lập chế độ Bát Kỳ, phân chia bộ lạc theo các đơn vị hành chính.



Theo truyền thống, xường xám được may bằng lụa, có thêu hoa ngũ sắc hay chỉ nhiều màu, ôm lấy thân nhưng không bó sát vào cơ thể, cổ cao và tà áo thẳng. Từ những năm đầu thế kỷ 20, Sườn Xám có sự thay đổi khá nhiều về mặt kết cấu, ví dụ như: cổ dựng, chỉ có hai bên vạt áo xẻ, ôm sát thân, tay áo có thể liền hoặc rời thân. Và bắt đầu từ những năm hai mươi, xường xám xuất hiện dần dần trên đường phố Thượng Hải rồi lan sang Tô Châu, Hàng Châu, Dương Châu… Sau đó do ảnh hưởng của nền văn hóa phương tây xường xám đã có một vài đổi mới so với thời Mãn Thanh: Cổ áo có thể tròn, cao hoặc xẻ, tay áo tùy theo được thiết kế loe hoặc cắt ngắn. Hơn nữa, dáng áo có thể được cắt ngắn độ dài của tà, áo váy rời nhau với đường xẻ sâu để phù hợp hơn với xu hướng ngày càng sexy hóa.


Loại váy áo liền thân này làm tôn thêm dáng của người thiếu nữ, phần trên ôm sát thân, hàng cúc được thiết kế vắt chéo sang môt bên rồi chạy dọc một bên sườn, hai tà xẻ cao đến ngang đùi tạo dáng thướt tha, tôn vẻ nữ tính, mặt trước của Sườn Xám thường được thêu các họa tiết bằng chỉ ngũ sắc. Trên phương diện tạo mẫu hay trang trí thủ pháp đều thể hiện được những nét truyền thống văn hóa sâu đậm của Trung Quốc nói riêng và của các nước phương đông nói chung. Ngoài ra, loại váy áo này còn làm nổi bật đức tính đoan trang, trang nhã, kín đáo của người thiếu nữ.


Nếu như Xường xám là trang phục truyền thống làm tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Trung Hoa thì Trường Bào, Mã Quái là loại trang phục truyền thống của nam giới Trung Hoa.

Trường Bào, Mã Quái (một dạng áo khoác bên ngoài), hai loại trang phục này đều là trang phục của dân tộc Mãn Thanh, áo cổ tròn, ống tay cửa hẹp, Mã Quái thường là xẻ giữa, cài nút thắt, ống tay áo hình chữ U, còn Trường Bào thường là xẻ bên.

Cũng có loại trang phục được kết hợp giữa Trường Bào và Mã Quái, loại trang phục này chỉ có vạt áo dưới của Trường Bào còn phần trên là Mã Quái, hai phần được nối với nhau bằng một dải cúc được đính ở mặt trong của Trường Bào, mặc hai loại trang phục này không chỉ thể hiện được sự long trọng mà còn đem lại cảm giác tự nhiên, thoải mái cho người mặc.


Trung Quốc cũng rất khéo léo quảng bá hình ảnh đất nước qua trang phục truyền thống. Tại Hội nghị APEC năm 2001, các nguyên thủ quốc gia đều mặc trang phục đời Đường, vì người phương Tây thường gọi nơi ở của người Hoa là "Đường nhân phố", cho nên loại trang phục người Đường mặc tất nhiên được coi là trang phục truyền thống tiêu biểu của người Hoa. Và cũng từ đấy đã dấy lên phong trào coi “Đường trang” là một trong những trang phục mốt, thịnh hành được giới trẻ yêu thích.


Ngoài những loại trang phục trên thì từng vùng, từng dân tộc ở Trung Quốc cũng có những trang phục mang bản sắc riêng của mình. Tại Quan Trung và Thiểm Bắc, Yếm là loại trang phục truyền thống sát thân của trẻ con nơi đây. Hai vạt của Yếm phía trên được buộc với nhau bởi hai dây vải vòng qua cổ, phía dưới cũng được nối với nhau bởi hai dây buộc vòng qua thắt lưng. Mặt trước của Yếm thường được dùng chỉ ngũ sắc để thêu các hình đầu hổ và ngũ tú, thông qua đó muốn gửi gắm hy vọng cầu mong cho con cái mình được mạnh khỏe.


Các trang phục truyền thống của những dân tộc thiểu số cũng rất đặc biệt, ví dụ như trang phục của Nữ Huệ An tại Phúc Kiến, hay của các dân tộc thiểu số Di, Bạch, Cáp Nê, Miêu (H’Mông), Mông Cổ…

Ngày nay xường xám đã hoàn toàn thoát khỏi cái bóng dáng của chiếc áo thời Mãn. Gía trị của chúng không chỉ còn đơn thuần là kiểu dáng trang phục nữa mà còn là sự dung hòa tương trợ giữa quan điểm mĩ học hiện hành phương Tây cùng lối thiết kế dân tộc truyền thống Trung Hoa, đó là sự thể hiện sự thống nhất hoàn mĩ giữa tính dân tộc và thế giới.

Tuy ngày này người ta không mặc xường xám phổ biến như dạo đầu thế kỷ 20 nữa nhưng xường xám vẫn được tôn thờ như một trang phục truyền thống với sức sống trường tồn, ẩn chứ vẻ đẹp tâm hồn và khí chất của người phụ nữ Trung Hoa vậy.


Xường xám, Trường Bào, Mã Quái,... không chỉ là biểu hiện nét đẹp văn hóa của đất nước Trung Hoa mà còn tôn lên vẻ đẹp của mỗi người dân khi khoác lên mình bộ quốc phục. Nếu du khách là người yêu thích văn hóa Trung Hoa và đặc biệt là yêu thích những bộ trang phục truyền thống này thì hãy nhớ tìm mua để làm kỷ niệm sau chuyến du lịch Trung Quốc thú vị này nhé!

Nguồn: Viet Viet Tourism

No comments: