Thursday, June 18, 2020

NGUYỄN THÁI HỌC - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

Lịch sử 80 năm chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã khép lại như một trang sử hào hùng về truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm. Đó là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam, là sự khâm phục của bạn bè thế giới. Có được truyền thống quý báu ấy chính là nhờ lòng yêu nước của mỗi người dân đất Việt được lịch sử giữ nước và dựng nước vun đắp. Chính những người con dân đất Việt đã thắp sáng và thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước căm thù giặc, thúc đẩy phong trào kháng Pháp liên tiếp nổ ra dưới mọi hình thức. Bên cạnh những vĩ nhân được nhiều người biết đến như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám…chúng ta không thể không nhắc đến Nguyễn Thái Học - lãnh tụ của Việt Nam quốc dân Đảng - người chiến sĩ cách mạng kiên trung.


Nguyễn Thái Học sinh năm 1904 tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường (nay là xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Xuất thân trong một gia đình nông dân nho học. Thuở nhỏ, ông được bố mẹ cho theo học chữ Hán rồi lên Vĩnh Yên học chữ Pháp sau đó về Hà Nội theo học trường cao đẳng thương mại. Và cũng chính tại nơi này, Nguyễn Thái Học đã không trở thành một thương gia hay một công chức trong bộ máy chính quyền thực dân mà lại trở thành lãnh tụ cách mạng đã từng làm rung chuyển bộ máy thống trị của thực dân Pháp ở Việt Nam trong suốt những năm 1927-1930. Những yếu tố nào đã làm nên một Nguyễn Thái Học – một nhà yêu nước, một chiến sĩ cách mạng.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, ông được nghe cha mẹ, dân làng kể về gương chiến đấu hi sinh anh dũng vì nước quên mình của những người con của quê hương Thổ Tang - Vĩnh Tường. Hơn thế gia đình Nguyễn Thái Học lại sống ngay cạnh đình Thổ Tang - nơi thờ một vị tướng tài có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh tan giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII. Nhưng có lẽ, yếu tố tác động mạnh mẽ đến việc hình thành tư tưởng yêu nước, căm thù giặc của Nguyễn Thái Học chính là tấm gương chống Pháp của Đội Cấn - người lãnh đạo khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917. Bởi lẽ, Đội Cấn là người làng Vũ Di - ngay cạnh Thổ Tang quê hương ông. Mặt khác, từ nhỏ Nguyễn Thái Học đã theo học chữ Hán. Học chữ hán chính là học nho học, chắc chắn tư tưởng “Trung quân ái quốc” của nho giáo không thể không tác động đến một người như Nguyễn Thái Học.

Đảng kỳ - Việt Nam Quốc Dân Đảng

Như vậy, có thể nói: Truyền thống quê hương, tư tưởng nho giáo cùng chính sách thống trị của thực dân Pháp là những yếu tố cơ bản tạo nên một Nguyễn Thái Học- yêu nước, căm thù giặc và thôi thúc ông hành động.

Trong những ngày học tập ở Hà Nội - Trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của Bắc Kì lúc bấy giờ, được tiếp xúc với nhiều xu hướng chính trị của tầng lớp trí thức tiểu tư sản thành thị, nhiều sách báo giúp ông hiểu rõ hơn nỗi khổ của người dân mất nước, tình cảnh của tầng lớp tiểu tư sản thành thị và chính sách kìm hãm kinh tế của chính quyền thực dân. Vì vậy, ông đã đề nghị Pháp tiến hành một số cải cách thúc đẩy nền kinh tế bản xứ phát triển để người dân thuộc địa dễ sống hơn. Vì vậy, năm 1925 Nguyễn Thái Học gửi thư cho toàn quyền Pháp bày tỏ nguyện vọng bênh vực, che chở cho nền công thương bản xứ và xin lập trường cao đẳng công nghệ ở Bắc Kì. Không được phúc đáp, năm 1926 ông lại gửi một bức thư nữa cho toàn quyền Đông Dương. Trong đó, ông đề xướng một dự án mở mang kinh tế, giúp đỡ dân nghèo. Những vẫn bị từ chối. Không nản, 6-1927 Nguyễn Thái Học lại gửi đến thống sứ Bắc Kì xin phép ra tờ Bán Nguyệt San Nam Thanh với mục đích nâng cao dân trí, khuyến khích phát triển nền kinh tế thuộc địa. Nhưng vẫn không được chấp nhận. Từ đó, Nguyễn Thái Học nhận ra nằng: Thực dân Pháp đem sắt máu đô hộ Việt Nam, chúng ta không thể nào dùng lối khoanh tay đối phó với súng đạn được. Vậy, muốn cứu nước chỉ có con đường vũ trang khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp.

Phó Đức Chính

Khi đã xác định con đường cứu nước là vũ trang khởi nghĩa, Nguyễn Thái Học đã nhanh chóng cùng một số thanh niên trí thức cùng chí hướng thành lập Việt Nam quốc dân Đảng vào ngày 25-12-1927. Đây là một chính đảng yêu nước đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Có thể nói, hầu hết đoàn quân tham gia và lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa đều đang ở độ tuổi thanh xuân. Họ đã lấy ngay trái tim mình để đốt lên thành những bó đuốc. Những bó đuốc lấy lửa từ những trái tim tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Đó là những bậc anh hùng, anh thư như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Thị Giang,…

Trong bản chương trình hành động của Việt Nam quốc dân Đảng công bố năm 1929 đã nêu lên nguyên tắc tư tưởng là tự do, bình đẳng, bác ái. Chương trình của Đảng chia thành 4 thời kì. Thời kì cuối cùng bất hợp tác với chính phủ Pháp và triều đình nhà Nguyễn, cổ động bãi công, đánh đuổi giặc Pháp, đánh đổ ngôi vua, thiết lập dân quyền.

Quốc dân đảng chủ trương tiến hành cách mạng bằng bạo lực, chú trọng lấy lực lương binh lính người Việt trong quân đội Pháp giác ngộ làm lực lượng chủ lực. Địa bàn hoạt động của Quốc dân đảng diễn ra tại nhiều nơi ở Bắc Kì, một số ở Trung Kì và Nam Kì.

Nguyễn Thị Giang (Cô Giang)

Hoạt động của Việt Nam quốc dân Đảng gắn liền cuộc khởi nghĩa Yên Bái: 2-1929 Việt Nam quốc dân Đảng tổ chức vụ ám sát tên trùm mộ phu Ba Danh ở Hà Nội. Nhân sự kiện này thực dân Pháp tiến hành một cuộc khủng bố dã man.
Bị động trước tình thế, những nhà lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam quốc dân Đảng quyết định dốc hết lực lượng nhằm thực hiện cuộc bạo động cuối cùng với quyết tâm “Không thành công cũng thành nhân”.

Đêm 9-2-1930 cuộc khởi nghĩa của Việt Nam quốc dân Đảng nổ ra ở Yên Bái. Cùng đêm đó, khởi nghĩa nổ ra ở Phú Thọ, Sơn Tây. Sau đó là ở Hải Dương, Thái Bình. Ở Hà Nội cũng có đánh bom phối hợp.

Do so sánh lực lượng chênh lệch, khởi nghĩa của Việt Nam quốc dân Đảng thất bại nhanh chóng. Pháp trả thù dã man, 13 nhà ái quốc bị đưa đi hành hình, trong đó có Nguyễn Thái Học. Trong những giờ phút cuối đời, ông vẫn thể hiện khí phách của một chiến sĩ cách mạng kiên trung: Khi rời nhà giam ra pháp trường Nguyễn Thái Học cất cao giọng nói kêu gọi các đồng chí còn sống hãy hãy tiếp tục sự nghiệp cứu nước: “Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu, hoa tự do phải tưới bằng máu. Tổ quốc còn cần đến sự hi sinh của con dân nhiều hơn nữa. Rồi thế nào cách mạng cũng thành công. Xin chào các anh em ở lại”.

Nguyễn Thái Học

Và trên đường ra pháp trường, ông vẫn khảng khái ung dung ngâm mấy câu thơ:

“Chết cho Tổ quốc - Cái chết vinh quang.
Lòng ta sung sướng - Trí ta nhẹ nhàng”

Tại pháp trường, Nguyễn Thái Học là người cuối cùng - người thứ 13 bị dẫn tới máy chém. Người anh hùng dân tộc ấy với bộ râu quai nón mỉm cười, đưa cặp mắt sáng quắc nhìn bốn phía, nghiêng mình chào đồng bào lần cuối cùng và cất tiếng hô to: “Việt Nam muôn năm”. Lúc đó vào cái giờ khắc thiêng liêng ấy - lúc 5 giờ 35 phút ngày 17 tháng 6 năm 1930 Nguyễn Thái Học đã hy sinh.

Liệt sĩ Nguyễn Thái Học - người thanh niên trí thức rất mực yêu nước, vị lãnh tụ Việt Nam quốc dân Đảng đã anh dũng hy sinh dưới lưỡi dao máy chém của kẻ thù là thực dân Pháp tàn bạo. Lí tưởng và sự nghiệp lớn lao mà ông và đảng của ông theo đuổi đã không thành công. Nhưng tấm gương hy sinh vì nước của Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đời đời bất diệt, tên tuổi của các nhà cách mạng mãi mãi được ghi nhớ và trở thành những tượng đài trong lòng dân tộc Việt Nam. Tinh thần yêu nước nồng nàn, dũng khí anh hùng bất khuất, tinh thần lạc quan của các chiến sĩ đáng được cả nước tôn vinh. Chúng ta đời đời ghi nhớ công lao hy sinh to lớn của Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông.


Quê hương Vĩnh Phúc tự hào là miền quê giàu truyền thống văn hiến, nơi sinh ra Nguyễn Thái Học. Ghi nhớ tấm gương yêu nước bất khuất, kiên cường của Nguyễn Thái Học, từ lâu tên tuổi của Nguyễn Thái Học đã gắn với địa danh tên đất, tên làng và nhiều mái trường mang tên ông ngay từ buổi đầu thành lập.

Thật tự hào biết bao khi trường của chúng ta được vinh dự mang tên người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thái Học. Tiếp bước tinh thần yêu nước, chí khí cách mạng kiên trung của ông, thầy và trò trường THPT Nguyễn Thái Học nguyện cố gắng dạy tốt, học tốt để xứng đáng với tên tuổi, khí phách của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thái Học.

Nguồn: Donghuongvinhtuong.com

No comments: