Sunday, June 7, 2020

TIỀN CHEO LÀ GÌ?

"Cưới vợ không cheo,
Như tiền gieo xuống suối."



Chương trình "Chọn ai đây - Tập 6" (06/06/20) có một câu hỏi hay hay mà chưa chắc ai cũng biết nên tôi lên mạng tìm xem. Có nhiều câu trả lời hơi khác nhau nhưng tôi thích câu trả lời này nên post cho các bạn đọc chơi (LKH)

“Nuôi lợn thì phải vớt bèo,
Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng”.


“Tiền cheo” là tiền gì?

Trong Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh đã liên hệ lệ nộp cheo ở Việt Nam với tục lan nhai (chặn đường) của Trung Hoa. Còn Phan Kế Bính thì đã nói rõ như sau: “Lệ cưới xin phải nộp tiền lan nhai cho làng, tục gọi là nộp cheo. Người trong làng lấy nhau thì nộp độ một vài đồng bạc, gọi là cheo nội, người ngoài lấy gái làng thì bao giờ cũng phải nộp nặng hơn, hoặc dăm sáu đồng hoặc mươi đồng hoặc một vài chục, tùy tục riêng từng làng, gọi là cheo ngoại. Có nơi không lấy tiền, bắt nộp bằng gạch bát tràng, hoặc nơi thì bắt nộp bằng mâm đồng, bát sứ, tùy làng cần dùng thức gì thì nộp thức ấy chớ không nộp tiền, nhưng chiếu giá tiền thì cũng tương đương nhau. Ngoài lệ cheo làng, lại có lệ cheo hàng xóm, cheo bản tộc, cheo bản thôn, hoặc năm ba tiền kẽm hoặc một vài quan hay một hai đồng bạc, V.V.. Hễ có cheo rồi mới thành gia thất. Cheo tức là ý phân bua với làng nước. Lấy nhau đã có cưới cheo là sự hôn thú phân minh, về sau vợ chồng có điều gì không dễ mà ly dị được nhau và người ngoài cũng không có phép mà tranh cạnh được nữa” (Việt Nam phong tục, Nxb Đồng Tháp, 1990, tr.180-181).


Thế là Phan Kế Bính đã nói rất rõ về khái niệm cheo. Nhưng việc cả ông lẫn Đào Duy Anh liên hệ lệ nộp cheo với tục lan nhai thì lại là một việc không đúng. Lan nhai (chặn đường) là một tục lệ khác mà chính Phan Kế Bính cũng có nói đến khi ông mô tả lệ giăng dây: “Trong lúc đi đường thì những kẻ hèn hạ hoặc lấy sợi chỉ đỏ, hoặc mảnh vải, lụa đỏ giăng ngang giữa đường, đám cưới đi đến phải nói tử tế mà cho chúng nó vài hào thì chúng nó mới cởi dây cho di. Chỗ thì chúng nó bày hương án, chờ đi đến, đốt một bánh pháo ăn mừng, chỗ ấy phải đãi họ một vài đồng mới xuôi. Nếu bủn xỉn mà không cho chúng nó tiền, thì chúng cắt chỉ, cắt dây nói bậy nói bạ, chẳng xứng dáng cho việc vui mừng, vì vậy đám nào cũng phải cho” (Sđd, tr.59). Đây mới đích thị là tục lan nhai.

(KTNN 101, ngày 01-02-1993)

No comments: