Tuesday, June 16, 2020

TRÍ NHỚ CỦA MỘT DÂN TỘC

Cuối tháng 5/2020, vấn đề kỳ thị chủng tộc ở Mỹ lại bùng nổ sau khi cảnh sát thành phố Minneapolis đè cổ chết ông da đen George Floyd. Ở Mỹ, các cuộc bạo động như vậy có tính định kỳ, nghĩa là một thời gian sau lại xảy ra, rồi êm, rồi lại xảy ra, chưa bao giờ dứt. Xảy ra như để nhắc cho cả nước khỏi quên là vấn đề vẫn chưa được giải quyết, không hề được thực sự quan tâm, để nhắc là bất công và bạo lực vẫn còn đó.

Những tranh vẽ, hình ảnh, thơ, lời chứng (và cả lời chửi) của người dân gắn trên hàng rào mới dựng quanh Toà Bạch Ốc (nguồn Wahington Post)

Người Mỹ sẽ nhớ ông Floyd được bao lâu sau đám tang ông? Vài ngày, vài tuần, rồi thôi, rồi chờ một nạn nhân Floyd khác của một cuộc bạo động khác? Dân Mỹ nhớ được bao lâu về các vụ nổ súng ở trường tiểu học Sandy Hook, ở trường trung học Columbine, ở Virginia Tech, trong buổi hoà nhạc ngoài trời ở Las Vegas, trong nhà thờ và tiệm ăn và siêu thị ở Texas, ở California…? Nhớ vài tuần, vài tháng, rồi thôi, rồi chờ một Sandy Hook khác?

Dân Mỹ nhớ được bao lâu về Rodney King, “Can we all get along”, và khu buôn bán của người gốc Đại Hàn bị để cho cháy tan? Dân Mỹ nhớ được bao lâu về Harriet Tubman, về Rosa Parks, về Martin Luther King Jr., Malcolm X, Black Power và Stokely Carmichael? Về Ku Klux Klan treo cổ người da đen và đốt cây thánh giá để thị uy, về vòi nước dành riêng cho da trắng và chỗ ngồi ở cuối xe buýt cho da màu? Dân Mỹ nhớ gì về các chiếc tàu chật cứng từ Phi châu đến Mỹ châu để cung cấp nô lệ cho đồn điền của ông chủ da trắng thời lập quốc, và hàng triệu người chết với xiềng xích trên tay trên cổ dưới hầm tàu trước khi tới Tân thế giới?

Dân Mỹ nhớ gì về xương máu của người Hoa trên đường ray xe lửa nối liền hai bờ biển của đất nước họ? Chúng ta nhớ gì về những thanh niên gốc Nhật tình nguyện nhập ngũ chống Phát xít, trong khi gia đình họ phải rời khỏi nhà để bị đưa vào các trại tập trung sâu trong nội địa? Người ta kể rằng Ellis Island là nơi mở rộng vòng tay đón người vượt Đại Tây Dương, nhưng có nhớ rằng Angel Island trong vịnh San Francisco là chỗ nhốt những người vượt Thái Bình Dương để rồi chờ ngày bị trục xuất?


Dân Mỹ nhớ bao lâu về người cha và đứa con mặc quần đỏ chết vùi mặt bên bờ nước, về người mẹ ôm đàn con bám bên chân để che chở chúng trước bọn người da trắng mặc thường phục hung hãn cầm vũ khí dọc biên giới? Về những trại giam tách rời trẻ con và cha mẹ chúng, về những vết hằn trong tâm hồn mà chúng sẽ mang theo suốt đời? Người Mỹ nghĩ gì về cách họ đối xử với những người lính gốc Hispanic trở về sau thế chiến thứ hai, về trong quan tài hay với cây nạng hay với cặp mắt ngơ ngác, giữa tiếng gào thét “English-only”? Người Mỹ nghĩ gì về âm mưu của chính quyền họ ủng hộ “cách mạng” để gây rối loạn nhằm tạo cơ hội cướp đất, ở Alamo, ở Alta California, Colorado, Utah…, trong những cuộc chiến tranh gọi là mở mang bờ cõi?

Dân Mỹ nghĩ gì về nhóm người da đỏ chiếm đảo Alcatraz trong 19 tháng mà không đạt được kết quả nào đáng kể? Dân Mỹ có nhớ đoàn quân da trắng thiện chiến tới tấn công các túp lều chỉ có người già, đàn bà và trẻ con da đỏ? Rồi sau đó lùa người da đỏ vào các khu tập trung rất xa lạ với nơi họ đã sống, và bán rượu cho họ để họ mục nát trong đó? Dân Mỹ nhớ gì về chính sách đưa trẻ con da đỏ vào trường nội trú, cấm chúng nói ngôn ngữ của cha mẹ chúng hay ngân nga khúc hát của tổ tiên chúng, buộc chúng mặc y phục và ăn thức ăn và theo đạo của người da trắng để xoá dấu vết văn hoá của chúng? Bao nhiêu người Mỹ nhớ rằng họ và cha ông họ đều là những người mới nhập cư trên mảnh đất đã có người sinh sống từ lâu?


Biết bao điều cần phải nhớ, không chỉ vì nó là câu chuyện của lịch sử, mà vì nó còn là câu chuyện của hôm nay, đang xảy ra trước mắt chúng ta, ngày này qua ngày khác.

Và người Mỹ, trắng-đỏ-đen-nâu-vàng, có nhớ, và nhớ được bao lâu?

Người ngoài khó thấu hiểu được cơn thịnh nộ của những người hàng ngày phải trực tiếp đối đầu với sự áp bức nghiệt ngã đã kéo dài biết bao thế hệ – không ai có thể hiểu hết được nỗi cay đắng và đau đớn của người khác. Nhưng chúng ta phải biết sự ngược đãi đã có hàng trăm năm mà vẫn còn tiếp tục, không những tinh vi hơn mà nhiều khi còn tàn nhẫn hơn. Chúng ta phải nhớ, nhớ để tìm cách làm sao cho sự bất công không có cơ hội lặp đi lặp lại mãi, để sự uất ức không phải nổ bùng lên nữa. Vì một dân tộc không có trí nhớ là một dân tộc vô vọng, không có tương lai.

Con người sinh ra không bình đẳng, không như Thomas Jefferson đã từng hăng hái khẳng định và ném cho chúng ta. Nhưng loài người là một trong rất ít giống loài có thể tạo ra môi trường sống tốt hơn và bình đẳng hơn cho mình và cho các sinh vật khác, và loài người cũng là loài thú duy nhất có khả năng hủy hoại toàn bộ sự sống trên quả đất này khi nó kiêu ngạo và tự nguyện mất trí nhớ.

California 11/6/2020
PHẠM VĂN/TẠP CHÍ DA MÀU

No comments: