Monday, June 15, 2020

KHI "BẬC THẦY CỦA CÁC THẦY" SOẠN SÁCH GIÁO KHOA

Một bạn tôi dạy ở trường đảng thường tự xưng là “bậc thầy của các thầy”. Một lần tôi hỏi “bậc thầy của các thầy” có nghĩa là gì? Nó bảo khi nào đi học trung cấp hay cao cấp chính trị rồi sẽ biết. Khi tôi đi học trung cấp chính trị, tôi thấy các giáo sư, tiến sĩ đều cúi đầu khom lưng và nhũn nhặn một thầy hai thầy trước mấy ông này, thậm chí có đứa còn đứng lên giữa hội trường “xin thầy ra đề cho chúng em chép tài liệu”, tôi mới hiểu thế nào là “bậc thầy của các thầy”!


Vì sự nịnh hót và xin xỏ một cách hèn mạt và ngu xuẩn ấy mà mấy ngài tuyên giáo mới hoang tưởng rằng mình là “bậc thầy của các thầy”. Lâu dần ông thầy tuyên giáo nào cũng tỏ ra mình biết tuốt. Mà ngay câu nhập môn cho môn Mác Lê, họ đã định nghĩa “Triết học là khoa học của mọi khoa học”. Có nghĩa là mỗi ông thầy tuyên giáo được mặc khải là ngọn đuốc soi đường, khai sáng cho nhân loại. “Bậc thầy của các thầy” là Chúa Trời, Ngài phán chỉ có đúng và tốt lành!

Hôm rồi thấy thằng con trai tôi ngồi lảm nhảm tụng bài học Giáo dục công dân. Tôi hỏi: “Lên đến lớp 10 rồi còn học thuộc lòng sao con? Sao không vận động tư duy logic và hệ thống mà suy luận?” Nó cằn nhằn: “Đây là bài nói về sự vận động của thế giới vật chất. Con học môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, các thầy môn đó nói một đằng, cô giáo dạy Giáo dục công dân nói một nẻo, rối mù, làm sao tư duy được?”

Lúc đó, thằng con trai lớn tôi ngả nghiêng cười và kể chuyện ngày trước nó học như thế nào. Hồi nó học chuyên Lý, cô giáo dạy môn Giáo dục công dân giảng đến chỗ “5 hình thức vận động cơ bản của thế giới vật chất từ thấp đến cao”:

– Vận động cơ học: sự di chuyển vị trí của các vật thể trong không gian.

– Vận động vật lý: sự vận động của các phân tử, các hạt cơ bản, các quá trình nhiệt, điện v.v…

– Vận động hóa học: quá trình hóa hợp và phân giải các chất.

– Vận động sinh học: sự trao đổi chất giữa cơ thể sống với môi trường.

– Vận động xã hội: sự biến đổi, thay thế của các xã hội trong lịch sử.

Sách giáo khoa Giáo dục công dân 10. Nhìn Mục lục thôi đã thấy nó lạc đề, phi hệ thống và logic

Nghe đến đó, các học sinh chuyên Lý liền cãi: “Vận động cơ học cũng là vận động vật lý cô ạ! Mà sao vận động vật lý thì cao hơn vận động cơ học?” Cô giáo mắng: “Hỗn. Mác nói thì không thể sai!” Nhưng có đứa lại hỏi: “Thời Mác làm gì biết đến hạt cơ bản? Chắc là hạt sơ cấp thôi cô ạ”. Cô nói: “Triết học là khoa học của mọi khoa học. Nếu sai thì môn Vật lý các em học sai”. Cả lớp á đù. Đến đoạn cô cho ví dụ nước bốc hơi là vận động hóa học thì cả lớp cười bò. Một đứa nói: “Đó là vận động vật lý cô ạ!” Rốt cuộc cả buổi, cô toàn lấy Mác ra trấn, như là các cha cố lấy Thượng Đế ra trấn con chiên.

Kể đến đó, thằng con hỏi tôi: “Ba đọc Mác nhiều, có phải Mác phân loại như vậy không?” Tôi khẳng định: “Đó là mấy ông Mác dỏm be ra để dạy cho các học trò của học trò chứ ba chưa thấy Mác nói ở đâu. Triết gia có thể sai lầm, nhưng không ngu đến mức tự phô diễn hết cái ngu của mình ra.”

Tôi hỏi nó: “Con đang làm nghiên cứu sinh vật lý. Con có theo cái kim chỉ nam đã từng học từ tuyên giáo nước mình để nghiên cứu vật lý không?” Nó lại bật cười: “Vận động là vận động với các dạng khác nhau chứ làm gì có vận động “từ thấp đến cao”? Nếu mà con theo cái kim chỉ nam ngu dốt ấy thì nước Pháp đã đuổi con về từ lâu!”

Ngừng một lát, nó lại hỏi: “Sao vận động xã hội lại xếp vào hệ thống vận động vật chất?”. Tôi cười: “Bọn giáo điều, hiểu sai mệnh đề của Mác “Vật chất quyết định ý thức” nên xếp luôn kiến tạo xã hội như là một sản phẩm của ý thức vào phạm trù vật chất!”. Thằng con tôi kết luận: “Với cách dạy học như vậy, học sinh bị rối loạn, không tụng như tụng kinh để trả bài mới là chuyện lạ. Có logic và hệ thống nào đâu mà tư duy?”


Nghĩ cũng lạ. Giáo dục công dân thì là giáo dục công dân, cốt làm sao dạy cho học sinh làm công dân tốt, sao lại nhồi những tri thức khoa học tự nhiên vào đó cho lú lẫn đến mức rối tùng phèo như vậy? Còn đã muốn dạy triết học thì gọi là môn Triết học phổ thông, như thời Việt Nam cộng hòa vẫn dạy cho lớp tú tài, sao lại gọi là Giáo dục công dân? Hay là người ta sợ dạy đúng tinh thần giáo dục công dân của các nước văn minh, cụ thể là cung cấp các tri thức về hiến pháp, pháp luật, các khế ước xã hội, đạo đức, văn hóa, thẩm mỹ; quyền và nghĩa vụ của công dân và trách nhiệm của chính quyền thì sẽ biến học sinh thành các chủ thể xã hội, khi ấy chúng sẽ đòi nhân quyền: “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc?”

Nói nhem nhẻm “dạy học là dạy làm người” nhưng cố tình dạy cho con người ta loạn trí rồi ngồi trách vì sao xã hội loạn!

Ưu tiên “dạy người” theo cách này thì nên đổi tên nhà trường thành trại tâm thần, ông Nhạ ạ!

CHU MỘNG LONG

No comments: