Sunday, June 28, 2020

DÂN DÃ TÓP DẦU DỪA TRỘN RAU CÀNG CUA

Ngày trước, cái thời tôi còn để tóc ba vá miểng dừa, gia cảnh rất nghèo khó. Cơm không đủ ăn, phải độn chung với bo bo, khoai lang, khoai mì chứ nào sung sướng như trẻ con bây giờ thừa mứa quà bánh. Mà chẳng riêng gì gia đình tôi, hầu như trong xóm đều có hoàn cảnh tương tự. Mâm cơm lúc nào cũng thiếu chất, chỉ có món rau là chủ đạo mà thôi. Không thịt cá nên mẹ thường nghĩ ra những món ăn lạ miệng để anh chị em chúng tôi dùng không ngán.
 

Quê tôi xứ dừa, sau nhà trồng bạt ngàn dừa. Mẹ thường hái dừa khô (già) lột vỏ, nạo cơm cho nhuyễn thắng (nấu) dầu dừa để dành nhà dùng (thoa lên tóc) và mang ra chợ bán.

Ngày đó chẳng có máy móc để xay cơm dừa, người ta thiết kế ra cái bàn nạo dừa thủ công trông rất ngộ nghĩnh. Đó là một cái lưỡi hình kính lúp, đầu tròn có răng cưa nhọn để nạo, đầu cán được tra vào thân gỗ có hai chân. Người nội trợ sẽ ngồi vào bàn nạo đặt trên ghế đẩu hoặc dưới đất và ngồi lên đó rồi nạo dừa. Công đoạn này dù không khó khăn nhưng rất ư là mỏi tay nhưng đôi tay mẹ lại thoăn thoắt không ngừng nghỉ. Rồi mẹ nấu nước ấm để vắt nước cốt dừa cho sệt.

Tùy vào số lượng dừa mà cho nước vừa phải để không lỏng lẻo. Sau đó mẹ mang nước cốt đổ vào xoong, đem lên bếp củi thắng dầu dừa. Mẹ chụm củi dừa liu riu cho đến khi chất dầu chảy ra, nước bốc hết hơi. Trong hỗn hợp này xuất hiện những tóp dầu dừa teo lại, ngả màng vàng hươm vương dưới đáy nồi. Mẹ tắt bếp, vớt tóp dầu để riêng, còn dầu được lược bằng vải mùng cho hết cặn, để nguội rồi cho vào keo.
 

Mẹ dùng tóp dầu dừa để chế biến vài món ăn "độc đáo" cho cả nhà dùng: trộn cơm, ăn chơi, trộn bún cuốn bánh tráng..., nhưng ngon nhất vẫn là trộn rau càng cua.

Nhà có sẵn cả vườn rau dại nên việc tìm một rổ rau càng cua không có gì gọi là khó khăn. Khi tôi hái và rửa rau sạch thì cũng là lúc tóp dầu dừa đã nguội. Sở dĩ phải để tóp dầu nguội mới chế biến vì hơi nóng có thể làm rau càng cua thâm tái, mất độ giòn. Mẹ cho hỗn hợp gồm rau, tóp dầu, bột ngọt, nước mắm nhà làm và nửa quả canh. Để bột ngọt sống tan nhanh thì vắt canh và bột ngọt vào chén riêng, sau ít phút sẽ tan nhuyễn sền sệt rồi hẵng cho vào rau.

Chỉ mất chừng 5 phút đã có một món ăn ngồ ngộ, bắt mắt. Dù là món dân dã, nghĩ ra trong lúc gian khó, đói khổ nhưng chúng tôi cảm thấy rất ngon miệng (có lẽ vì quá đói). Càng cua có vị ngọt thanh, giòn rụm, kết hợp với vị chua gắt của chanh, vị béo bùi của tóp dầu dưa làm cho món ăn thêm phần sinh động khi chạm lưỡi. Phút chốc, tóp dầu dừa trộn rau càng cua đã hết sạch cùng với nồi cơm "độn".


Rồi thời gian khổ cũng qua đi. Bây giờ người dân quê tôi chẳng còn ai dùng tóp dầu dừa trong bữa ăn thường nhật nữa. Nó quá béo và chẳng có giá trị dinh dưỡng gì. Nhưng riêng gia đình tôi, thi thoảng mẹ vẫn chịu khó chế biến. Ăn không phải để thỏa mãn bao tử mà ăn để nhớ đến một thời khó khăn. Hình ảnh đó gợi chúng tôi nhớ về một thời gian khó, nhắc nhở mỗi cá nhân đừng quên quá khứ, sống phải biết kiên nhẫn, tiết kiệm, chăm chỉ lao động để mang đến những thành công.

Theo: Báo Du lịch

No comments: