Thursday, March 31, 2022

SAI LẦM CỦA GÀ TRỐNG

Vào một buổi sáng sớm, một con gà trống gáy lên và bị chủ nhân giết đi. Lại một con gà trống gáy lên và bị giết đi… Cứ thế, những con gà trống lần lượt bị giết.


Hàng xóm cảm thấy khó hiểu, nên hỏi: “Những con gà đó gáy rất đúng giờ mà sao lại giết chúng?”.

Người đó nói: “Tôi có thói quen ngủ dậy trễ nhưng chúng thì lại gáy quá sớm”.

Người hàng xóm nói: “Đây đâu phải là lỗi của chúng, báo sáng là nhiệm vụ của chúng”.

Người đó nói: "Tôi mặc kệ, tôi chỉ cần một con gà trống giao phối với gà mái thôi, chứ không cần nó báo thức".

Hàng xóm: “Nhưng gà trống không thể không báo thức, chẳng lẽ chị không thể sử dụng phương thức khác để giải quyết vấn đề được sao?”.

Người đó nói: “Chuyện này rất khó. Tôi từng nghĩ, cắt đi cổ họng của nó, hoặc bịt miện nó lại. Nhưng rất phiền phức, giết nó đi là đơn giản nhất”.

Người hàng xóm: “Chẳng lẽ chị không thể thay đổi thói quen dậy trễ được sao?"

Chị ấy nói: “Thay đổi cuộc sống của tôi? Làm sao có thể được chứ? Thói quen của tôi đã có mấy chục năm nay rồi, vì sao có thể vì mấy chú gà trống mà thay đổi được chứ? Vả lại, tôi là chủ, chúng phải đáp ứng yêu cầu của tôi. Lúc chúng hoạt động thì phát sinh mâu thuẫn. Bị thiệt thòi chỉ có thể là chúng, làm sao có thể là tôi được chứ?”.

Nên người đó một mực duy trì thói quen giết gà.


Những người làm chuyện lớn, nếu chịu nhường một bước, một chút thì có thể giải quyết được mâu thuẫn rồi. Nhưng họ lại muốn một người làm chuyện nhỏ hi sinh vì lợi ích của họ. Trong quá trình thay đổi, chúng ta thường luôn gặp rất nhiều mâu thuẫn. Bạn phải thích ứng với người khác hoặc ngược lại người khác thích ứng với bạn.

Đây thật sự là một vấn đề đáng để chúng ta suy ngẫm.

(Sưu tầm trên mạng)

3 ĐẶC ĐIỂM CỦA KẺ BÁN BẠN CẦU VINH, TUYỆT GIAO SỚM ĐỂ TRÁNH RƯỚC HỌA

Chơi với người tốt như đi vào hàng hoa, đi ra rồi hương thơm còn vương vấn. Chơi với kẻ xấu như bước vào hàng cá, quen tanh rồi chẳng biết mình tanh.


Quỷ Cốc Tử một trong những bậc kỳ tài mưu lược tiếng tăm lẫy lừng nhất Trung Quốc và được đánh giá là một trong những đệ tử tài giỏi nhất của Lão Tử, cũng là nhân vật tiêu biểu của Đạo gia.

Những tác phẩm kinh điển của ông luôn mang nhiều bài học triết lý nhân sinh sâu sắc, tiêu biểu trong đó là các bài học về đối nhân xử thế.

3 đặc điểm của kẻ bán bạn cầu vinh

Theo đó, Quỷ Cốc Tử đã chỉ ra những đặc điểm ở kẻ ngụy quân tử sẵn sàng bán bạn cầu vinh. Trước khi bước sang tuổi trung niên, cần hiểu thấu và tuyệt giao với loại người này càng sớm càng tốt để tránh rước họa vào thân.

Giúp đỡ người khác để lấy danh tiếng, trục lợi về mình

Người xưa có câu: “Thi ân chớ cầu báo đáp, vì cầu báo đáp tất có mưu đồ”. Những kẻ làm “việc thiện” nhưng vẫn toan tính trục lợi sau này, giúp đỡ người khác để đổi lấy tiếng thơm cho mình. Làm việc thiện nhưng chỉ chăm chăm nhìn thấy cái lợi và chờ đợi sau này được báo ân là những kẻ ngụy quân tử.

Ảnh minh họa

Quỷ Cốc Tử dạy rằng, với những kẻ lòng dạ thâm sâu, “miệng nam mô bụng một bồ dao găm”, vì lợi quên nghĩa như vậy nhất định không được kết giao. Nếu không may đã thành bạn bè, thì hãy dứt khoát từ bỏ mối quan hệ này.

Vì những kẻ làm việc thiện nhưng tâm bất thiện là những kẻ vô cùng đáng sợ. Chúng ta vĩnh viễn không thể biết được sau hành động, cử chỉ, lời nói vui cười của họ ẩn chứa những âm mưu gì. Đôi khi, trước mặt họ nói lời hay ý đẹp, giúp đỡ chúng ta nhưng thực chất chỉ đang lợi dụng để trục lợi. Khi thấy bạn không còn đem lại danh tiếng hay lợi lộc cho bạn nữa thì sẽ thẳng tay vứt bỏ bạn không hề hối tiếc.

Do đó, tốt nhất nên tránh xa người có đặc điểm “giả thiện” này càng sớm càng tốt.

Thua người thì ganh, hơn người thì khinh

Đây là những người mang bản tính luôn ghen tỵ với những người xung quanh. Họ luôn cho rằng bản thân là tốt nhất, nếu thấy bản thân hơn người họ sẽ thể hiện thái độ khinh miệt không coi ai ra gì. Ngược lại, nếu thấy bản thân thua thiệt hơn người, họ ngoài mặt cố tỏ ra bình thường nhưng âm thầm ganh tỵ, làm mọi cách để nói xấu, hạ bệ người đó cho bằng được.

Ảnh minh họa

Những người có bản tính bất thiện luôn ganh ghét đố kị như vậy tốt nhất không nên kết giao. Vì họ sẽ chẳng bao giờ ngừng việc so sánh và ganh tỵ, từ đó nảy sinh những suy nghĩ không tốt và họ sẵn sàng đâm sau lưng bạn bất cứ lúc nào. Do đó, cần giữ khoảng cách và tránh xa những người có đặc điểm này. Đây là một trong những đặc điểm dễ thấy nhất của những kẻ sẵn sàng bán bạn cầu vinh.

Tham lợi ích, tất cả vì cá nhân

Người xưa có câu: “Quân tử vì nghĩa, tiểu nhân vì lợi”. Những người luôn nghĩ tới lợi ích cá nhân, không từ bất cứ thủ đoạn nào để trục lợi cho bản thân là kẻ tiểu nhân. Trong tất cả những đặc điểm của kẻ sẵn sàng bán bạn cầu vinh, thì kẻ tiểu nhân tham lợi ích là những kẻ đáng sợ nhất. Vì ngay từ khi bắt đầu mối quan hệ với bạn, những kẻ này đã cân đong đo đếm “giá trị” có thể lợi dụng được từ bạn rồi mới làm thân.

Ảnh minh họa

Những mối quan hệ như vậy chỉ để nhưng kẻ tiểu nhân “kiếm lợi”, một khi bạn hết giá trị lợi dụng, hoặc bạn “được giá”, chắc chắn những kẻ như vậy sẽ bán đứng bạn để trục lợi bản thân. Những kẻ có đặc điểm như vậy tuyệt đối không nên kết giao, vì không biết bao giờ bản thân sẽ bị bán đứng.

Người xưa thường nói, kết giao đúng người như thêm “quý nhân” trợ giúp đường đời thêm thuận lợi, ngược lại làm bạn sai người chỉ chuốc lấy tai họa và thị phi, đôi khi còn khiến chính chúng ta mất đi bản chất thiện lương vốn có của mình. Câu này cũng gần tương tự như câu nói: "Chơi với người tốt như đi vào hàng hoa, đi ra rồi hương thơm còn vương vấn. Chơi với kẻ xấu như bước vào hàng cá, quen tanh rồi chẳng biết mình tanh."

Theo: Pháp Luật & Bạn Đọc

HOÀI NIỆM PHỐ QUA TỜ VÉ SỐ XƯA

Hình ảnh phong cảnh, địa danh lịch sử in trên những tấm vé số được phát hành trước năm 1975 khiến người xem rưng rưng nhớ về mảnh đất, con người của một thời xưa cũ.


Thổn thức với "Huế xưa"

Tấm vé số phát hành vào năm 1972 in bức ảnh chụp một cây cầu với dòng chú thích “cầu Sông Hương - Huế” kích thích trí tò mò của tôi. Tìm hiểu mới biết, Sông Hương chính là tên cũ của cầu Phú Xuân ngày nay (được hoàn thành vào năm 1971). Ngoài tên Phú Xuân, nhiều người biết đến cây cầu này qua tên gọi cầu Mới. Hẳn với những người yêu Huế, đi trên cầu Phú Xuân sẽ có rất nhiều hoài niệm.

Những tờ vé số xưa in hình cố đô Huế gợi cảm xúc hoài niệm cho nhiều người

Tiếp tục lần giở bộ sưu tập vé số “Huế xưa” của nhà sưu tập trẻ Trần Văn Nam (28 tuổi, trú trên đường Duy Tân, TP.Đà Nẵng), tôi lại bắt gặp những hình ảnh cố đô ở những “mốc” lịch sử khác nhau. “Gần 10 năm qua, tôi cất công tìm kiếm những tờ vé số cũ về Huế cũng để thỏa mãn những cảm xúc mãnh liệt với mảnh đất và con người nơi đây. Với khoảng 100 tờ phát hành trong giai đoạn từ năm 1951 - 1975, bộ sưu tập quy tụ những tờ vé số xưa in các hình ảnh khác nhau về cố đô trầm mặc”, anh Nam kể và cho hay: “Tôi chủ yếu sưu tầm vé số trong khoảng giai đoạn 1951 - 1975, bởi trong thời điểm này, đời sống vé số có nhiều điều thú vị. Mỗi lần ngắm các bộ sưu tập về phong cảnh, con người xưa cũ, lòng tôi lại có chút gì đó bồi hồi lạ lắm…”.

Cầm trên tay tờ vé số được phát hành vào tháng 5.1959 in hình cầu Trường Tiền, Nam say sưa nói như một người nghiên cứu lịch sử: “Cây cầu 6 vài 12 nhịp trước cuộc giật sập lần 2 (vào Xuân Mậu Thân 1968) trông rất đẹp. Nhìn hình ảnh này gợi nhớ về một ký ức đau thương do chiến tranh. Nhưng cũng nhờ tấm vé số xưa, nhiều người có thể chiêm ngưỡng được một tuyệt tác kiến trúc mà không dễ gì được xem tận mắt ở thời điểm đó”. Bộ sưu tập vé số của Nam còn đưa người xem đến những kiến trúc cổ kính, như: chùa Thiên Mụ (in năm 1959 và 1962), Phu Văn lâu (in năm 1961), hồ Tịnh Tâm (in năm 1971), cửa Ngọ Môn (in năm 1964), lăng Minh Mạng (in năm 1959), Thế miếu (in năm 1964)… Mỗi bức ảnh lướt qua, hình ảnh xưa cũ lại hiện về thổn thức những trái tim.

Một tờ vé số xưa do Pháp phát hành vào năm 1944-HOÀNG SƠN

Cảm xúc hoài niệm cũng dẫn dắt người xem qua những tờ vé số in hình phong cảnh, địa danh xưa của TP.Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam) trước ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Đó là cảnh thiếu nữ đi bộ trong phố cổ Hội An

gây nhiều thương nhớ (in vào năm 1965), đó là cảnh chùa Cầu cổ kính (in năm 1958), là hình ảnh chiếc xe đò vượt đèo Hải Vân (in năm 1959), hình ảnh những chiếc thuyền buồm của ngư dân đang mưu sinh trên sông Hàn (in năm 1964) cùng nhiều hình ảnh về Ngũ Hành Sơn nay là di tích quốc gia đặc biệt (in vào năm 1958 và 1964)...

90 năm thăng trầm

“Lịch sử vé số” Việt Nam hiện đại sẽ ghi nhớ những biến động trong phát hành do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Năm 2020, Chính phủ đã quyết định dừng phát hành vé số trong vòng 15 ngày (kể từ ngày 1.4.2020). Do diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp hơn, năm 2021, ngành vé số khu vực phía nam có đến 3 tháng dừng phát hành (kể từ ngày 9.7), lâu hơn dự kiến đến 2 tháng rưỡi. “Trong suốt gần 90 năm kể từ ngày tờ vé số đầu tiên xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam (do người Pháp phát hành vào năm 1935), đây không phải là lần đầu tiên vé số phải ngưng phát hành...”, Nam nói.

Vé số Tombola đặc biệt, được in để quyên tiền làm việc thiện của các tổ chức xã hội ngày xưa

Tuy còn trẻ tuổi nhưng anh Nam nghiên cứu khá sâu và bài bản về lịch sử của tờ vé số. Anh cho biết tờ vé số đầu tiên có mặt tại 3 nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam vào năm 1935 được gọi là Loterie Indochinoise, in các ngôn ngữ: Pháp, Quốc ngữ và 2 nước Lào, Campuchia. Thời điểm đó, tờ vé số có giá 1 đồng bạc Đông Dương và phát hành chỉ 1 - 2 lần/năm. Giải độc đắc có trị giá lên đến 1 vạn đồng bạc Đông Dương. Do biến động về chính trị, Nhật đảo chính Pháp, vé số phải tạm dừng từ năm 1946 - 1951. Kể từ tháng 12.1951 - 1954, vé số quay trở lại với 2 loại chữ Nho và Quốc ngữ do chính quyền Quốc trưởng Bảo Đại phát hành.

Nhà sưu tập trẻ Trần Văn Nam với bộ sưu tập vé số "Huế xưa"

"Trong giai đoạn này, vé số được xổ 1 quý/lần. Năm 1955, sau khi lật đổ Bảo Đại, chính quyền của Ngô Đình Diệm đã cho phát hành vé số lên 1 tuần/lần", Nam nói. Đây có thể nói là thời điểm cực thịnh của vé số tại miền Nam trong chế độ cũ.

"Qua nhiều tài liệu, tôi được biết thời kỳ đó thậm chí nhà chức trách buộc nhiều người dân vi phạm giao thông mua vé số thay vì đóng phạt. Chính quyền miền Nam còn sáng tác cả bài hát để khích lệ phong trào vé số", Nam kể.

Vé số "tư nhân" để làm từ thiện

Nhà sưu tập Trần Văn Nam hiện đang sở hữu nhiều tờ vé số Tombola rất đặc biệt, được in trước năm 1975 tại Sài Gòn. Đây là loại vé số do "tư nhân", mà cụ thể là do các trường học, các tổ chức tôn giáo, tổ chức từ thiện… thuê nhà in in ấn và phát hành. Cơ cấu giải thưởng chủ yếu là hiện vật chứ không phải bằng tiền. Tiền thu được sau bán vé sẽ được dành cho mục đích từ thiện. Chẳng hạn, tờ Tombola do Hội Phước thiện Việt Nam phát hành vào năm 1954 với lời chào mua rất nhã nhặn: ủng hộ vé số "ấy là giúp học sanh mồ côi và trẻ cô nhi Cô nhi viện Trung ương Sài Gòn".

Đặc biệt, lịch sử tờ vé số cũng gắn liền với biến động của đất nước qua tờ vé số do chính quyền Việt Nam Cộng hòa phát hành vào ngày 26.4.1975. Tờ vé số này có in hình một con nghé đứng cạnh trâu mẹ với dòng chú thích “Tình mẫu tử”; giá 10 đồng với giải lô cao nhất là 5 triệu đồng, dự kiến xổ vào ngày 3.5.1975. Tuy nhiên, ngày 30.4.1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, tờ vé số này không bao giờ được xổ…

Tờ vé số không bao giờ được xổ

Những ai đã mua tờ vé số này cũng không bao giờ được lĩnh thưởng, nhưng họ vẫn giữ lại để làm kỷ niệm. Tờ vé số không xổ như một chứng nhân của cơn biến động trong ký ức nhiều người dân Sài thành. Sau ngày đất nước thống nhất, từ 1975 - 1979, vé số ngừng phát hành. Và khi trở lại, vé số đã được giao cho các cụm tỉnh cũ.

Hoàng Sơn / Theo: Thanh Niên



LOÀI SÂU BƯỚM GIÁ ĐẮT HƠN TÔM HÙM

Những con sâu Mopane có vẻ ngoài đáng sợ nhưng lại là đặc sản được ưa chuộng ở Nam Phi dù giá thành đắt hơn cả tôm hùm.


Sâu Mopane là món ăn đặc sản của người dân ở vùng Zimbabwe, Nam Phi. Loài sâu này còn được gọi là loài sâu bướm Hoàng Đế. Vì sở thích ăn lá cây Mopane nên người dân đặt tên gắn liền với món ăn ưa thích của chúng.


Trên Amazon, sâu Mopane sấy khô được bán với giá 0,6 USD/g. Tính ra, 1kg sẽ có giá khoảng 600 USD (tương đương 13,5 triệu đồng).


Dù giá rất đắt nhưng sâu bướm Hoàng Đế vẫn được nhiều người săn lùng vì có thể chế biến thành món ăn bổ dưỡng.


Người dân Nam Phi thường thu hoạch sâu Mopane sau bão. Khi sâu bướm trưởng thành, họ thường bắt chúng bằng tay.


Trước khi chế biến, người ta vắt sạch chất nhờn màu nâu trong con sâu và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.


Sâu Mopane sau khi phơi khô có thể ăn được luôn. Vị của chúng giống như khoai tây chiên muối và rất giòn.


Tuy nhiên, hầu hết người dân bản địa đều thích chiên loại thực phẩm này với cà chua, tỏi, đậu phộng, ớt và hành tây.


Sâu Mopane Nam Phi được cho là có hàm lượng protein gấp đến 3 lần thịt bò. Bên cạnh đó, chúng còn chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi khác cho cơ thể như kali, natri, canxi,...


Loài sâu này được sấy khô và đóng hộp rồi đem bán tại các chợ ở khắp miền Nam châu Phi.


Đáng chú ý, loại thực phẩm này có thể được sử dụng trong vài tháng mà không cần bảo quản lạnh. Nguồn ảnh: Getty Image

Theo: Kiến Thức
Link tham khảo:




PHÔ MAI CÓ GIÒI - NGUY HIỂM VÀ ĐỘC ĐÁO

Hòn đảo Sardinia của nước Ý nằm giữa biển Tyrrhenian Sea. Từ đây có thể nhìn thấy đất liền từ xa. Vây quanh bởi 1,849 km bãi biển cát trắng và nước xanh màu ngọc lục bảo, phong cảnh bên trong đảo được điểm xuyết bằng núi đồi thơ mộng. Nhưng ẩn trong những thung lũng xanh này là nơi những người chăn cừu sản xuất ra loại phô mai đặc biệt mà sách Kỷ lục Guinness Thế giới 2009 chứng nhận là “Loại phô mai… nguy hiểm nhất thế giới”!


Nguyên liệu là… giòi

Đó là phô mai casu marzu, làm bằng sữa cừu nhưng được cho nhiễm thêm… giòi, khi người sản xuất để cho những con ruồi “piophila casei” đẻ trứng vào bên trong những vết nứt dưới lớp vỏ, thường là phô mai mặn fiore sardo, đặc sản của đảo. Trứng nở ra giòi và chúng len lỏi vào bột phô mai, tiêu hoá proteins và biến nó thành chất lỏng như kem mềm. Sau đó, người làm phô mai mở lớp vỏ phía trên, nơi không bao giờ có giòi, và múc ra lớp kem thơm ngon.

Chỉ làm thế thôi thì chưa đủ khiến những người yếu tim… xanh mặt. Khiếp sợ nhất là nhìn thấy những cái gì đang lúc nhúc bên trong chiếc muỗng! Một số nhà sản xuất dùng máy ly tâm để trộn đều giòi và phô mai cho bớt sợ, nhưng cũng có một số tín đồ ẩm thực lại muốn thưởng thức cái béo, nên đưa cả muỗng kem vào mồm!

Nếu bạn có thể vượt qua sự ghê sợ và không buồn nôn, casu marzu có hương vị mạnh gợi nhớ đến đồng cỏ và gia vị vùng Địa Trung Hải. Dư vị cũng lưu lại trong nhiều giờ. Có người xem phô mai nhiễm giòi là thuốc kích dục (aphrodisiac), có người cảnh giác sự nguy hiểm cho sức khoẻ vì giòi có thể sống sót sau khi ăn và làm giãn đồng tử, thậm chí gây ra những vết thủng li ti trong ruột! Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có trường hợp nhập viện nào liên quan đến phô mai casu marzu. 

Phô mai casu marzu – đặc sản của hòn đảo Sardinia, Ý. (Ảnh: Enrico Spanu/Getty Images)

Giòi khiến phô mai… hấp dẫn

Phô mai nói chung chỉ có thể sản xuất vào một số thời điểm của năm, khi sữa cừu có chất lượng thích hợp nhất. Bán và mua phô mai nhiễm giòi bị xem là bất hợp pháp ở Ý, nhưng các cư dân Sardinia vẫn ăn nó. Họ nuốt cả những con giòi quằn quại và đã ăn như thế… hàng thế kỷ! “Chính giòi đã tạo ra sự mê hoặc và sức hấp dẫn của loại phô mai này,” Paolo Solinas, 29 tuổi, một người sành ăn, nhận xét. Solinas thừa nhận một số người dân địa phương cảm thấy sợ hãi khi được mời ăn casu marzu, nhưng những người khác vì đã gắn liền cuộc đời họ với phô mai pecorino mặn suốt đời, nên rất yêu thích hương vị đậm đà của nó. “Nhiều người chăn cừu coi phô mai như một thú vui cá nhân độc đáo mà không phải ai cũng có điều kiện để thử,” Solinas nói.

Khi du khách đến thăm Sardinia, họ thường tìm đến nhà hàng phục vụ món porceddu sardo, một loại heo sữa quay, ghé thăm những người thợ làm bánh bán pane carasau, một loại bánh mì dẹt, mỏng như giấy truyền thống và gặp gỡ những người chăn cừu sản xuất fiore sardo, phô mai pecorino trên đảo. Nhưng nếu tò mò họ vẫn có thể tìm phô mai casu marzu. Họ xem đây không phải là “món ăn nguy hiểm” hấp dẫn du khách mà chỉ là một “truyền thống văn hoá” 500 năm tuổi, thậm chí có thể là “đại diện” cho xu hướng tương lai của thực phẩm.

Người ta trải phô mai lên tấm carasau ướt để ăn, uống rượu formaggio marcio và rượu cannonau thơm ngon. (Ảnh: Enrico Spanu/Getty Images)

Phô mai không giòi là điều bất hạnh

Giovanni Fancello, 77 tuổi, nhà báo địa phương kiêm chuyên gia ẩm thực, bỏ ra cả đời nghiên cứu thực phẩm địa phương đã kéo lùi thời gian khi Sardinia còn là một tỉnh của Đế quốc La Mã. “Tiếng Latin là ngôn ngữ của chúng tôi và phương ngữ này đã giúp chúng tôi dễ dàng truy tìm nguồn gốc văn hoá ẩm thực cổ xưa của mình,” ông nói. Theo Fancello, ẩm thực Sardinia chỉ được ghi lại từ năm 1909. Đó là khi Vittorio Agnetti, một bác sĩ từ Modena đất liền đến Sardinia và ghi lại công thức sáu món ăn địa phương trong cuốn sách có tên “La nuova cucina delle specialità regionali” của ông. “Nhưng ăn sâu bọ thì chúng tôi đã có từ lâu,” Fancello nói. “Pliny the Elder và triết gia Aristotle từng nhắc đến nó”.

Mười vùng nông thôn khác của Ý cũng có cách làm phô mai nhiễm giòi, nhưng nếu sản phẩm của họ bị mai một theo thời gian, thì casu marzu là “phần không thể thiếu” của văn hóa ẩm thực Sardinia và sống đến tận hôm nay.

Phô mai Sardinia có nhiều tên khác nhau, như casu becciu, casu fattittu, hasu muhidu và formaggio marcio. Mỗi tiểu vùng của đảo sử dụng các loại sữa khác nhau để sản xuất phô mai. Fancello cho biết những người đam mê ẩm thực thường bị tác động bởi các đầu bếp như Gordon Ramsay, một người thường đến đảo để nghiên cứu phô mai. Ông kể: “Họ hỏi chúng tôi: Bạn làm món casu marzu như thế nào? Tôi trả lời: Đây là một phần lịch sử của chúng tôi. Chúng tôi là các thế hệ sau của loại thực phẩm này. Phô mai casu marzu là kết quả của sự tình cờ, phép thuật và cả các sự kiện siêu nhiên.”

Fancello lớn lên ở thị trấn Thiesi với cha mình Sebastiano, một người chăn cừu chuyên sản xuất casu marzu. Ông thường dắt bầy cừu của gia đình đến ăn cỏ tại thảo nguyên Monte Ruju mà cảnh đẹp giống như lạc trong mây, nơi người ta tin có phép thuật xảy ra. Ông nhớ lại: “Đối với cha tôi, casu marzu là một món quà thiêng liêng. Nếu phô mai của ông không bị nhiễm giòi sẽ là điều… bất hạnh. Một số phô mai ông làm cho gia đình, số khác cho bạn bè hoặc theo đơn đặt hàng. Casu marzu thường sản xuất vào cuối Tháng Sáu khi sữa cừu có sự thay đổi về hàm lượng (do cừu bước vào thời kỳ sinh sản và cỏ khô đi trong cái nóng mùa Hè). Nếu một cơn gió Sirocco ấm áp thổi trong những ngày làm phô mai, “phép thuật” biến đổi nó sẽ hoạt động mạnh hơn. Phô mai lúc đó cũng có cấu trúc yếu hơn, giúp ruồi đẻ trứng dễ hơn. Sau ba tháng, món ngon đã sẵn sàng.” 


Phục hồi vị thế cho “phô mai nguy hiểm nhất thế giới”

Mario Murrocu, 66 tuổi, vẫn giữ truyền thống làm casu marzu tại trang trại gia đình ở Agriturismo Sa Mandra, gần Alghero thuộc mạn Bắc Sardinia. Ông nuôi 300 con cừu, tiếp khách ngay tại nhà hàng của mình, và quyết duy trì truyền thống làm casu marzu. “Bạn chỉ biết phô mai thô đã thành phô mai casu marzu nhờ nhìn vào kết cấu xốp khác thường của bột nhão,” ông nói. “Ngày nay, casu marzu được sản xuất và bảo quản dễ hơn. Chứa trong lọ thủy tinh sẽ kéo dài tuổi thọ thêm vài tháng. Mặc dù được tôn trọng, tình trạng pháp lý của phô mai vẫn còn là “một khu vực màu xám.”

Casu marzu được đăng ký là sản phẩm truyền thống của Sardinia và được bảo vệ tại địa phương, nhưng lại bị chính phủ Ý coi là bất hợp pháp kể từ năm 1962, sau khi ban hành luật cấm tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm ký sinh trùng. Ai bán phô mai nhiễm giòi chui, có thể bị phạt tới $60,000. Tuy nhiên, người dân Sardinia thường cười khi được hỏi về lệnh cấm bán loại thực phẩm yêu quý của họ.

Trong vài năm trở lại đây, Liên minh Châu Âu (EU) bắt đầu xem xét lại khái niệm “thực phẩm tiêu thụ mới” làm từ côn trùng hay sâu bọ được nuôi cấy. Nghiên cứu cho thấy việc sản xuất và tiêu thụ loại thực phẩm này có thể giúp giảm lượng khí thải carbon dioxide phát thải từ chăn nuôi và giúp giảm bớt khủng hoảng khí hậu.

Roberto Flore, người phụ trách khu vực Sardinia của phòng thí nghiệm thay đổi hệ thống thực phẩm Skylab FoodLab, thuộc trung tâm đổi mới của Đại học Kỹ thuật Đan Mạch, đã có nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực này. Ông từng lãnh đạo nhóm nghiên cứu và phát triển của Phòng thí nghiệm Thực phẩm Bắc Âu – một phần của nhà hàng NOMA ba sao Michelin – chuyên nghiên cứu phương cách đưa côn trùng vào các bữa ăn của con người.

Thị trấn ven biển Alghero ở Sardinia. Ảnh: Gianni Careddu/Wikipedia

Flore nói: “Rất nhiều nền văn hóa ẩm thực liên kết côn trùng với thực phẩm. Nếu người dân Sardinia thích ăn phô mai có giòi thì người Thái Lan ăn bọ cạp hoặc dế.” Ông đã tìm hiểu vai trò của côn trùng trong các nền văn hóa khác nhau và tin rằng: “Khi các rào cản tâm lý làm cho việc thay đổi hoàn toàn thói quen ăn uống trở nên khó khăn, thì việc tiêu thụ lại khá phổ biến. Định nghĩa thực phẩm ăn được không hề đơn giản. Mỗi khu vực trên thế giới có một suy nghĩ khác nhau về ăn côn trùng. Vì vậy, tôi tin rằng món ngon của Sardinia là an toàn để ăn. Cũng chưa có ai chết sau khi ăn phô mai casu marzu. Người ta trải phô mai lên tấm carasau ướt để ăn, uống rượu formaggio marcio và rượu cannonau thơm ngon.” Flore hy vọng casu marzu sẽ sớm thoát khỏi tình trạng phải mua bán ngoài luồng và sẽ sớm lấy lại danh vị “biểu tượng của Sardinia”.

Năm 2005, các nhà nghiên cứu từ Đại học Sassari của Sardinia thực hiện bước đầu tiên để phục hồi vị thế cho casu marzu. Họ nuôi ruồi trong phòng thí nghiệm, cho chúng đẻ trứng vào phô mai pecorino để chứng tỏ quá trình này có thể được kiểm soát an toàn và không có hại cho sức khỏe. Người dân đảo cũng hy vọng EU sẽ thay đổi cái nhìn về một sản phẩm độc đáo trong nền văn hoá ẩm thực của họ.

Lê Tây Sơn / Theo: SGN News
Link tham khảo:



Wednesday, March 30, 2022

CHỮ KÝ TRONG TÊN TIỆM ĂN, CHỮ ĐƯỜNG TRONG TIỆM THUỐC, CHỮ TỰ Ở CÁC CHÙA VÀ CHỮ KIM Ở TIỆM VÀNG....

Thời còn đi học, nhất là mấy năm đầu, bởi vì học ban Việt Hán, có môn Hán văn nên chịu tìm tòi chữ Hán dữ lắm. Còn nhớ hồi ấy GS Trần Trọng San, một người có in sách dịch thơ Đường và GS Phan Hồng Lạc dạy môn đấy. Học Hán văn thì phải có tự điển, cuốn Tự điển Hán Việt của tác giả Thiều Chửu là cuốn sinh viên nào cũng ráng mua về để tra cứu. Trong lớp có mấy bạn là thầy tu Phật giáo đã có học chữ Hán trong chùa nên rất giỏi môn này.


Tôi nhờ có chút hoa tay nên chỉ được viết chữ đẹp thôi, còn Hán không rộng lắm. Để khắc phục yếu kém của mình, tôi và vài người bạn thường vào Chợ Lớn, nhìn các bảng hiệu để đoán chữ như là một cách học thêm. Thuộc cho đủ 214 bộ thủ trong chữ Hán cũng là việc không dễ cho những người mới học chữ Hán, nhưng không thuộc được 214 bộ này thì sẽ khó tiến bộ và tiếp thu rất chậm.

Và trong những lần lang thang học chữ như thế, tôi lại có thắc mắc sao tên các tiệm, các quán ăn của người Hoa thường có chữ Ký, các tiệm thuốc và chữa bệnh có chữ Đường, các chùa chiền thường có thêm chữ Tự, nhiều tiệm vàng có chữ Kim v.v... Chính vì tò mò nên tôi tìm hiểu cho ra, bởi tánh tôi ngay từ bé muốn biết cái gì cũng phải tường tận.

Trước hết là chữ Ký. 記.

Ở Sài Gòn, Chợ Lớn ta thường bắt gặp nhiều bảng hiệu như Lương ký mì gia, Bồi Ký Mì Gia, Thiệu Ký Mì Gia, Hải Ký Mì Gia, Huê Ký Mì Gia... bằng tiếng Việt kèm thêm tiếng Hoa. Theo tự điển thì Ký có nghĩa là ghi chép, là ghi lại như nhật ký, bút ký... nhà báo gọi là ký giả...


Tuy nhiên trong trường hợp này, Ký không chỉ là ghi chép. Nó còn có nghĩa là ghi nhớ, như vậy đặt tên quán có chữ Ký là để thực khách đến ăn và nhớ tên quán của mình. Cho nên trước chữ Ký là tên riêng hoặc từ mang ý nghĩa tốt đẹp thành biển hiệu của quán. Còn mì gia được hiểu đơn giản chỉ là tiệm mì, nhà làm mì, nơi bán mì, mì gia truyền. Tức là muốn khẳng định đây là quán bán mì ngon do quán làm ra, bằng công thức truyền từ đời này sang đời khác.

Nhưng từ Ký không chỉ có ở các tiệm bán mì, nó còn có ở các quán ăn như Chuyên Ký bán cơm thố, Tuyền Ký là quán ăn của người Hẹ, hay Phúc Ký, Phát Ký. Và theo An Chi, một người chuyên nghiên cứu về chữ nghĩa thì sau khi tìm hiểu từ những người gốc Hoa, từ “ký” lộ ra rất nhiều nghĩa, và hiểu là dấu ấn, nhớ, danh dự, dấu hiệu đều có lý. Nhưng cuối cùng thì ông cũng chốt lại cách lý giải khoa học nhất:

“Mathews’ Chinese – English Dictionary đối dịch Ký là a sign, a mark và Ký hiệu là trade-mark. Trade-mark, chẳng phải gì khác hơn là nhãn hiệu, thương hiệu.

Vậy cái là nghĩa gốc chính xác của chữ Ký trong Tường Ký, Chánh Ký, v.v… chẳng qua chỉ là “hiệu”. Chính vì thế nên chủ một số cửa hàng người Hoa mới đặt bảng hiệu của mình bằng một danh ngữ mà “ký” là trung tâm (đứng cuối) còn đứng trước là một trong những chữ dùng làm tên riêng cho cửa hàng của mình”.(Sài Gòn Giải Phóng Online, ngày 16.08.2016)

Tóm lại chữ Ký trên biển hiệu của các quán ăn người Hoa có nghĩa là ghi nhớ đến quán, là để nhớ đến, là nhãn hiệu xem như đã được cầu chứng.


Lại tiếp đến từ Đường 堂 ở các tiệm thuốc Bắc hay các nơi bắt mạch, hốt thuốc của người Hoa như Ích Sanh Đường, Hạnh Lâm Đường, Tế Sinh Đường... Chữ Đường vốn trong tiếng Hán là có ý chỉ nhà lớn, phủ quan. Thế nhưng các tiệm thuốc có mang chữ Đường xuất phát từ một chuyện thời xưa ở bên Tàu của một trong những thầy thuốc danh tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc: Thánh Y Trương Cơ.

Trương Cơ (张机), tự Trọng Cảnh, sinh năm 150 mất năm 219, là một thầy thuốc Trung Quốc hoạt động vào cuối đời Đông Hán. Ông được xưng tụng là “Thánh y” (医圣) của Đông y. Tác phẩm quan trọng nhất của ông, Thương hàn tạp bệnh luận, tuy đã thất lạc trong giai đoạn Tam Quốc nhưng sau đó đã được tổng hợp lại thành hai tập sách Thương hàn luận và Kim quỹ yếu lược, là hai trong bốn bộ sách quan trọng nhất của Đông y. Có một thời gian ông đến làm thái thú tại Trường Sa, đúng lúc dân gian đang có dịch thương hàn. Để cứu chữa cho dân, ông đã vừa làm việc quan vừa chữa bệnh. Và như vậy ông đã công nhiên phá vỡ giới luật nghiêm ngặt thời phong kiến: ngồi tại công đường kê đơn bốc thuốc cho dân. Ông thường ghi thêm trước tên của mình bốn chữ tọa đường y sinh. (Wikipedia)

Sau này để ghi nhớ công ơn của vị thánh y đầy đức độ và tài giỏi, người ta thường gọi những người ngồi trong nhà thuốc trị bệnh thành “tọa đường y sinh”, tức là người thầy thuốc ngồi ở nhà lớn. Và cũng từ đó, các thầy thuốc Bắc thường cho chữ Đường vào tên nhà thuốc của mình thành một thói quen cho đến nay.


Đến chữ Tự trong tên của các chùa. Tự (寺): là tiếng Hán, theo tự điển giải nghĩa là chùa.

Ngày nay chữ này được dùng đứng sau làm thành tố chính để kết hợp với một từ định danh nào đó tạo thành một cụm danh từ nêu tên gọi một ngôi chùa cụ thể, như Trấn Quốc Tự, Kim Liên tự, Quang Minh Tự, Bửu Lâm tự, Vĩnh Nghiêm Tự, Thiếu Lâm Tự, Pháp Vân Tự... và như thế ai cũng hiểu Tự nghĩa là chùa cho nên ghi là thế nhưng người Việt vẫn thường gọi là chùa Trấn Quốc, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Thiếu Lâm, chùa Pháp Vân... Nhưng thật ra trong ngôn ngữ Trung Quốc cổ đại thì nghĩa của Tự không phải là chùa vì Phật giáo mới tiến nhập Trung Quốc từ đầu Công Nguyên, trong khi chữ Hán thì đã có sớm hơn rất nhiều.

Vốn ngày xưa Tự vốn là từ để chỉ cơ quan làm việc cụ thể của bộ máy chính quyền phong kiến. Sách Hán thư chú: Phàm phủ đình sở tại giai vị chi tự (nói chung nơi làm việc của phủ đình đều gọi là Tự). Khang Hy tự điển chú khá rõ điều này: Hán dĩ Thái thường, Quang lộc, Huân vệ úy, Thái bộc, Đình úy, Đại hồng lô, Tông chính, Tư nông, Thiếu phủ vi cửu khanh. Hậu nguy dĩ lai danh tuy nhưng cửu nhi sở lị chi cục vị chi Tự. Nhân danh Cửu tự (đời Hán lấy Thái thường, Quang lộc, Huân vệ úy, Thái bộc, Đình úy, Đại hồng lô, Tông chính, Tư nông, Thiếu phủ làm Cửu khanh. Ngụy trở về sau tuy vẫn để như cũ nhưng các sở cục thì gọi là Tự. Vì vậy mà thành tên Cửu tự (thay cho Cửu Khanh). Thế tại làm sao từ chỗ làm việc, Tự biến thành nghĩa là chùa?

Hán Minh Đế Lưu Trang (25-75CN) là vị vua đầu tiên thừa nhận địa vị của Phật giáo ở Trung Quốc. Tương truyền nhà vua nằm mộng thấy “người vàng” bay qua sân điện, bèn sai sứ giả 12 người do Lang Trung Thái Âm dẫn đầu sang Tây Trúc cầu tìm đạo Phật. Đó là sự kiện năm Vĩnh Bình 7 (năm 64 CN). Ba năm sau (năm 67CN), sứ giả về với hai tăng nhân người Ấn Độ cùng rất nhiều kinh sách và tượng Phật được thồ trên lưng ngựa trắng. Lúc các tăng nhân cùng kinh, tượng, về đến kinh đô, triều đình chưa chuẩn bị kịp chỗ ở riêng nên cho ở tạm trong Hồng Lô tự (một cơ quan trong Cửu khanh hay Cửu Tự). Sau đó nhà vua mới cho xây dựng cái mà chúng ta gọi là chùa để thờ Phật và các tăng nhân tu tập. Kiến trúc xây dựng theo kiểu mẫu dinh thự của quý tộc đương thời.

Sau đó chùa được xây dựng ngày càng nhiều cũng theo kiểu mẫu nhà ở của địa phương. Chính vì vậy mà chùa ở Trung Quốc, và cả ở Việt Nam khi tiếp nhận Phật giáo theo hướng Trung Quốc, có kiểu chùa rất riêng, không theo quy chuẩn mái cong tháp nhọn như nơi Phật giáo phát nguyên.

Nhân vì kinh và tượng Phật được thồ về trên lưng ngựa trắng nên đặt tên chùa là Bạch Mã. Tự là chỗ đầu tiên tăng nhân tạm trú khi đến Trung Quốc nên được chuyển sang làm thành tố chính để gọi tên cho ngôi chùa: Bạch Mã Tự, ngôi chùa phật giáo đầu tiên của Trung Quốc. Kể từ đó, nơi thờ Phật và để kinh sách cho các đạo hữu tín đồ đến học tập, đọc kinh, nghe thuyết pháp đều có chữ Tự sau tên gọi.


Lại bàn về chữ Kim ở các tiệm vàng. Trước 1975 ở miền Nam, tên tiệm vàng nào cũng có chữ Kim. Nó bắt nguồn từ một thương hiệu vàng nổi tiếng ở Việt Nam là vàng lá Kim Thành. Vàng lá Kim Thành là nhãn hiệu vàng thương phẩm nổi tiếng tại vùng Đông Nam Á vào thời kì trước 1975, được dùng làm phương tiện trao đổi và cất giữ tài sản. Vàng lá Kim Thành có độ tinh khiết 999,9. Một lượng vàng lá Kim Thành có cân nặng đúng 37,5 g (khoảng 1,2 troy ounce), gồm 3 lá: 2 lá nặng 15 g mỗi lá và 1 lá nặng 7,5 g. Các lá này được bọc chung trong lớp giấy dầu mang nhãn hiệu của nhà sản xuất.(Wikipedia)

Kim Thành là nhà buôn bán và tinh chế vàng lớn nhất vào lúc đó, với trụ sở tại Sài Gòn và chi nhánh tại Hà Nội, Hồng Kông và Phnôm Pênh. Vàng lá Kim Thành nổi tiếng như cồn thế cho nên các tiệm buôn vàng bắt chước theo gắn tên Kim vào tên hiệu của mình.

Hơn nữa, Kim 金 có nghĩa là Vàng, là kim loại qúy có ký hiệu hóa học là Au (L. aurum) và số nguyên tử là 79. Vàng 24K là vàng ròng, không tạp chất. Đặt tên có chữ Kim là tiệm bán vàng tốt, vàng nguyên chất, vàng có uy tín. Ngày trước người ta chỉ dùng một tên, một từ có thể là tên riêng, tên chủ hiệu hoặc một chữ mang ước vọng, mong đợi của chủ nhân kèm với chữ Kim. Ví như Kim Vân, Kim Liên, Kim Phúc, Kim Đức, Kim Phát... Sau năm 1975 hình như truyền thống này có bớt đi nhiều, giờ đây tiệm vàng đặt tên theo ý thích của chủ nhân, cũng chẳng cần kèm theo chữ Kim nữa.

Rảnh vì trốn dịch, nhớ thì viết tào lao chơi vậy thôi chứ thật ra chữ nghĩa nó vô cùng. Để giải thích thì vô cùng tận. Thời nay có ông Hoàng Tuấn Công, đang ở miền ngoài, ông này kiến thức sâu lắm lại rất rành về chữ nghĩa. Viết thế này mà bị ông ấy phê một bài là quê một cục. Nên đành dừng ở đây vậy. Nói nhiều, viết nhiều dễ lộ cái ngu, cái kém của mình he...he.

3.6.2021
Đỗ Duy Ngọc

CÓ 2 QUẢ LÊ BỊ BẮT CHIA CHO 900 NGƯỜI, TRƯỞNG TỘC XỬ TRÍ XUẤT SẮC KHIẾN HOÀNG ĐẾ BÁI PHỤC

Vua Đường Cao Tông nghe nói có gia tộc họ Trương kia 900 người sống quây quần với nhau mà vẫn hòa thuận nên đã thỉnh vị trưởng lão đến hỏi bí kíp.


Tự cổ chí kim, việc đưa ra những đề bài khó thử thách người tài đã trở thành việc làm thường thấy của những vị lãnh đạo, đặc biệt là vua chúa thời xưa. Trong số đó, phép thử của vua Đường Cao Tông, Trung Quốc để lại những bài học quan trọng về cách ứng xử trong gia đình.

Nỗi khổ của Đường Cao Tông

Đường Cao Tông tên thật là Lý Trị, là vị hoàng đế thứ 3 của triều đại nhà Đường, Trung Quốc, trị vì từ năm 649 đến năm 683. Cũng nổi tiếng là người nạp phi tần của cha là Võ Tắc Thiên làm hoàng hậu.

Dưới thời cai trị của ông, chính trị ổn định, biên cương vững chắc, dân chúng được hưởng cuộc sống thái bình, ấm no khiến uy thế nhà Đường được duy trì vững chắc. Tuy giang sơn ổn định nhưng trong lòng hoàng đế luôn dậy sóng không yên vì những nỗi lo đến từ chính nội bộ gia đình.

Tranh vẽ hoàng đế Đường Cao Tông. Ảnh: Sohu

Theo lịch sử ghi lại, những hoàng đế thời phong kiến xưa đa số đều trải qua các cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt mới có thể ngồi lên ngai vàng. Cha ông là Đường Thái Tông hoàng đế đã phải trừ khử hai huynh đệ ruột thịt của mình là Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát tại sự biến Huyền Vũ môn mới thuận lợi đăng cơ.

Bản thân Lý Trị cũng đã chứng kiến cảnh các hoàng tử tranh đấu đầu rơi máu chảy, sau khi lên ngôi lại luôn phải xa cách, lạnh nhạt với các huynh đệ để bảo toàn ngôi vương. Ngoài ra, việc ông nạp lại phi tần của cha là Võ Tắc Thiên cũng gây ra nhiều điều tiếng, hậu cung Cao Tông hoàng đế không một ngày yên ổn.

Trong lúc hoàng đế đang buồn phiền với bất ổn trong hoàng tộc, ông nghe tin ở vùng Hà Nam có một gia tộc họ Trương luôn hòa thuận, chưa bao giờ xảy ra xích mích dù có đến 900 người chung sống quây quần gần nhau. Câu chuyện này khiến hoàng thượng vô cùng tò mò!

Hoàng thân quốc thích từ nhỏ đã đọc sách thánh hiền, hiểu được đạo lý nhân sinh, nhưng cuối cùng vẫn rơi vào cảnh tàn sát lẫn nhau. Vậy vì sao một gia tộc dân thường như Trương gia lại có thể giữ được tình hữu hảo, đoàn kết lâu đời như vậy?

Gặp gỡ gia tộc họ Trương

Đến năm Lân Đức thứ 2 (năm 665), trong một lần lên núi Thái Sơn thực hiện nghi lễ cúng tế trời đất, Đường Cao Tông đã cố ý đi qua vùng đất Vận Châu, Hà Nam nơi gia tộc họ Trương sinh sống để tự mình kiểm chứng lời đồn về gia đình này.

Khi được tận mắt chứng kiến, hoàng đế không khỏi bất ngờ. Trưởng tộc họ Trương tên là Trương Công Nghệ, lúc đó đã 88 tuổi, con cháu sống quây quần bên nhau trong một khu rộng lớn, tổng số người trong khu này lên đến con số 900.

Khu vực của Trương gia được phân chia thành từng khu sinh hoạt riêng cho mỗi gia đình. Thu nhập mỗi gia đình đều góp vào quỹ chung của gia tộc, sau đó được trưởng tộc chia đều cho mỗi hộ. Hàng xóm xung quanh đều nói gia tộc họ sinh sống rất vui vẻ với nhau, mỗi người đều biết giữ hòa khí chung nên việc tranh cãi, xích mích gần như không xảy ra.

Tranh vẽ Trương Công Nghệ. Ảnh: Baidu

Hoàng thượng nghe vậy vô cùng tò mò, gặng hỏi Trương Công Nghệ cách để giữ gìn hòa khí giữa nhiều người như vậy. Vị trưởng tộc họ Trương nhấn mạnh vào việc giữ gìn sự công bằng giữa mọi người:

“Tài sản của Trương gia đều là của chung, mọi người bình đẳng, 900 người cùng nhau ăn uống, mỗi lần ăn cơm đều được phân chia một chỗ ngồi ngang hàng nhau, món ăn cũng hoàn toàn giống nhau, không ai hơn ai.”

Chia 2 quả lê cho 900 người

Lý Trị nghe xong thầm cảm phục trong lòng, nhưng ông vẫn băn khoăn liệu có phải lúc nào cũng có thể chia đều cho tất cả mọi người. Do vậy, ông quyết định thử tài Trương Công Nghệ bằng việc ban thưởng 2 quả lê, yêu cầu ông chia đều cho mỗi thành viên trong gia đình, không được thiếu một ai.

Đây quả là một nhiệm vụ dường như bất khả thi bởi chỉ vỏn vẹn 2 quả lê, cho dù có dùng con dao sắc bén nhất để gọt ra miếng lê mỏng nhất cũng không thể đủ cho 900 miệng người.

Tuy nhiên, đây không phải đề bài khó với Trương Công Nghệ, lão Trương gọi người hầu đến yêu cầu giã 2 quả lê thành bã rồi hòa vào nước, sau đó mang nước lê đi chia đủ cho mọi người.

Cảnh tượng cả gia tộc đầy đủ già trẻ vui vẻ uống ly nước khiến hoàng đế vô cùng cảm động và thán phục. Ông liền thỉnh giáo Trương Công Nghệ về bí quyết trị gia, Trương Công Nghệ lập tức viết xuống 100 chữ “Nhẫn” và nói:

“Trương gia xưa nay đông người, không thể tránh được việc có người mắc lỗi. Nhưng chỉ cần mỗi người trong gia đình biết nhẫn nhịn, vì đại cục mà bỏ qua lỗi lầm nhỏ sẽ giữ được hòa khí.

Cha mẹ không nhẫn phụ lòng hiếu thảo, anh em không nhẫn người ngoài dị nghị, chị em không nhẫn náo loạn phân khu, những đạo lý này người trong Trương gia đều nắm trong tay, vì vậy ai nấy đều chú ý tu thân, thực hành chữ Nhẫn”

Dòng chữ “Bách Nhẫn Đường” còn được treo cho đến hiện tại. Ảnh: Sohu

Hoàng đế nghe xong tâm phục khẩu phục, ban thưởng cho Trương gia 4 chữ “Bách Nhẫn Nghĩa Môn” mang ý nghĩa ca ngợi phẩm chất nhẫn nhịn của toàn bộ gia tộc họ Trương. Đây cũng là nguồn gốc của dòng chữ “Bách Nhẫn Đường” treo tại gia tộc này trong suốt nhiều thế hệ và tồn tại đến ngày nay.

Câu chuyện được truyền lại dưới cái tên “Đường vương thăm hiền”, đây cũng là bài học cho các thế hệ mai sau về giá trị của chữ “Nhẫn” trong cuộc sống.

An Nhiên / Theo: Soha
Link tham khảo:


NÓI CHUYỆN XUẤT TỪ THIÊN TÍNH, IM LẶNG XUẤT TỪ TRÍ TUỆ

Trong xã hội hiện đại náo nhiệt ngày nay, chúng ta có quá nhiều lúc phát ra tiếng ồn ào mà quên mất sức mạnh của “im lặng”. Nói quá nhiều mà mất đi sự trầm tĩnh.


Chúng ta thường nghe nói nhiều đến câu: “Im lặng là vàng!” Nhưng nguồn gốc của câu nói này như thế nào thì không nhiều người biết rõ.

(Hình minh họa: Qua senior-solutions.com)

Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử viết: “Ngôn quả vưu, hành quả hối, lộc tại kì trung hĩ “, ý nói rằng, nói năng ít sai trái, làm những việc ít phải hối hận thì bổng lộc tự nhiên nằm trong đó rồi. “Trầm mặc thị kim” (im lặng là vàng) kỳ thực xuất phát từ lời nói của Khổng Tử.

Trong xã hội hiện đại náo nhiệt ngày nay, chúng ta có quá nhiều lúc phát ra tiếng ồn ào mà quên mất sức mạnh của “im lặng”. Nói quá nhiều mà mất đi sự trầm tĩnh.

Cổ nhân có câu, khi một người “thao thao bất tuyệt” thì suy nghĩ của người ấy đã bị chính cái miệng nhiều lời mưu sát một nửa rồi. Bảo trì sự im lặng, trầm tĩnh rất nhiều khi là sách lược, là cách xử sự thông minh nhất trong đối nhân xử thế và giải quyết sự việc.

Nói chuyện xuất từ thiên tính, im lặng xuất từ trí tuệ

Trầm tĩnh, im lặng không có nghĩa là không nói bất cứ điều gì cả mà là chỉ nên nói những lời hữu dụng và lời nên nói. Lời nói không có nội dung thì sẽ chỉ là thanh âm không có tư tưởng, suy nghĩ phát ra mà thôi. Khi chúng ta nói chuyện “thao thao bất tuyệt” mà người nghe không nói lời nào, chỉ gật đầu cho qua thì chính là lúc chúng ta cần dừng lại.

Im lặng rất nhiều khi có sức mạnh vô cùng lớn, sức mạnh ấy giống như có thể tụ hợp được hết thảy màu sắc của ánh sáng vậy. Từ xưa đến nay, rất ít người bởi vì trầm tĩnh mà phải hối hận nhưng lại có rất nhiều người bởi vì nói nhiều mà hối hận không bù đắp nổi. Đó là bởi vì “lời ác” chưa nói ra thì sẽ chưa gây hại, chưa có tính sát thương. Trầm tĩnh, trầm lặng vĩnh viễn không bán đứng mà thậm chí còn bảo hộ sự an toàn cho người có tố chất này.

Trong cuộc sống, những người chân thành thì thường ít nói, những người “mưu sâu kế hiểm” cũng ít nói. Nhưng thà rằng vì ít lời mà bị người khác chê trách còn hơn bị chê trách vì nhiều lời. Trượt chân còn có thể đứng dậy đi tiếp, lời nói lỡ thì khó vãn hồi. Nói lời không phù hợp, không nên thì không bằng im lặng, im lặng là thượng sách.

Tiểu nhân nói hỗn tạp mà trống rỗng, người quân tử nói ngắn gọn mà chân thật

(Hình minh họa: Qua read01)

Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú là vị Hoàng đế sáng lập nhà Đông Hán. Ông từng có lần nếm mùi thất bại. Trong một lần tuần tra vào ban đêm, ông muốn đến xem một chút trạng thái của binh lính sau cuộc bại trận như thế nào. Ông thấy trong một chiếc lều có một vài người đang khóc sướt mướt, thê thảm.

Lại đến chiếc lều bên cạnh, đi đến trước màn trướng, ông nhìn vào bên trong thì thấy một tướng quân trẻ tuổi đang cầm mảnh vải lau chùi vũ khí và mũ giáp sắt của mình. Điều khiến Lưu Tú ngạc nhiên hơn là vẻ mặt của tướng quân này không hề đau thương, cũng không uể oải chán nản, càng không bực tức phẫn nộ. Nhưng người này cũng không vui vẻ gì mà chỉ trầm mặc, không nói gì. Anh ta không ngừng lau chùi binh khí đang cầm trong tay, giống như đang chuẩn bị tư thế lập tức có thể đứng dậy chiến đấu tiếp.

Lưu Tú bất giác thấy kinh động, thầm nghĩ người này nhất định về sau nhất định sẽ làm được việc lớn. Vị tướng quân trẻ tuổi ấy chính là đại tướng quân Ngô Hán nhà Đông Hán sau này.

Trí giả nghĩ trước nói sau, kẻ vô minh nói trước nghĩ sau

(Hình minh họa: Qua animaliamiciviterbo.it)

Đối với một sự việc, người mà có thể hiểu rõ nhất, biết nhiều nhất thông thường không phải người nói “thao thao bất tuyệt” mà là người không dễ để lộ tiếng nói và nét mặt. Bậc trí giả xưa nay thường không muốn để lộ tài năng của mình, họ hiểu nhiều mà nói ít. Họ suy nghĩ kỹ lưỡng rồi mới nói. Đó cũng là đức tính khiêm cung, không phô trương bản thân mình.

Rất nhiều lúc, trầm lặng là cảnh giới cao nhất của nói chuyện. Người diễn thuyết không đủ chiều sâu thường sẽ bù đắp bằng chiều dài. Người bình thường luôn mải nói ra điều mình biết, nhưng người trí tuệ lại luôn mải lắng nghe người khác nói. Bởi vậy, người có trí tuệ cao nhất cũng chính là người biết lắng nghe nhiều nhất, nói nhiều không bằng biết nhiều. Cổ nhân có câu, việc chưa tới không nên nói nhiều, việc tới rồi không cần động thanh sắc, việc đã xong không cần khoa trương tài năng.

Bảo trì sự trầm tĩnh, trầm mặc là sách lược của người thông minh. Một người sẽ dễ dàng bị nhiều lời nói của người khác làm tổn thương hơn là bị sự im lặng của một người làm tổn thương. Người xưa luôn dạy rằng, trí tuệ từ nghe mà có được, hối hận từ lời nói mà sinh ra. Cho nên, cũng có câu: “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng phi chân nhân” . Người chân chính có trí tuệ lấy phòng thủ để tấn công, lấy lặng lẽ để lên tiếng.

An Hòa (dịch và t/h)

Tuesday, March 29, 2022

ĂN CON CÀ CUỐNG - MUỐN NHỚ CẢ ĐỜI!

Những ai từng “gối đầu giường” trang viết về ẩm thực Hà Nội của Thạch Lam và Vũ Bằng hẳn sẽ tò mò loài côn trùng “cà cuống”. Nếu một lần được thử cà cuống, để mùi tinh dầu xộc vào mũi, húp nước súp nóng hổi, đượm mùi vị đặc biệt không thể tả thì bạn sẽ hiểu vì sao cả 2 nhà văn lại “ưu ái” loại côn trùng này đến thế.

Cà cuống được dùng làm nước chấm và nhiều món ăn mang đặc trưng miền Bắc

Từ thời xa xưa, cà cuống được xếp vào loại sơn hào hải vị, được chọn là phẩm vật dâng lên vua nhà Hán. Trong tùy bút “Thương nhớ mười hai”, nhà văn Vũ Bằng đã giới thiệu cái tên cà cuống: “Tục truyền rằng Triệu Đà là người đầu tiên ở nước ta ăn cơm với con cà cuống.

Thấy thơm một cách lạ kỳ, ông bèn gửi dâng vua Hán một mớ và gọi nó là “quế đố” nghĩa là con sâu cây quế. Vua Hán nếm thử thì nhận rằng nó giống mùi quế thật, khen ngon và phân phát cho quần thần mỗi người một con.

Bất ngờ trong đám có một ông lắm chuyện lại tâu rằng: đó không phải là con sâu sống trong cây quế, mà chỉ là một con sâu sống dưới nước “thủy đồ”.

Vua mới phán rằng: “Thử nãi Đà chi cuống dã”, nghĩa: đó là lời nói láo của Đà. Từ đó cà cuống thành ra đà cuống. Nó còn một tên nữa là “long sắt”, nghĩa là con rận rồng”.


Thoáng nhìn có hơi ngại miệng vì cà cuống giống với con… gián khi có mình dài 7- 8cm, màu nâu xám, có nhiều vạch đen, đầu nhỏ với 2 mắt tròn và to, miệng là một ngòi nhọn hút thức ăn.

Ở dưới ngực, gần phía lưng cà cuống có 2 ống nhỏ gọi là bọng. Mỗi bọng màu trắng chứa một chất thơm, đó là tinh dầu cà cuống. Nhưng chỉ con đực mới có tuyến này phát triển.

Tinh dầu cà cuống trong vắt, có mùi thơm ngào ngạt nhưng dễ bị bay hơi vì thế rất khó trong việc bảo quản và giữ mùi hương lâu. Chỉ cần nhỏ một đến hai giọt tinh dầu vào chén nước mắm thôi cũng đủ làm cho hương vị món ăn thêm đậm đà, quyến rũ khó cưỡng.

Thường thì người ta bắt cà cuống về, làm sạch, nướng sơ trên than hồng rồi cho nguyên con vào trong chai nước mắm để ăn dần. Khi dùng chỉ việc pha vài giọt nước mắm ngâm cà cuống với nước mắm nguyên chất. Chỉ một chút thôi nhưng cũng đủ làm cho chén nước mắm dậy hương vị, lôi cuốn khẩu vị người ăn.

Tinh dầu còn được dùng trong các món ăn đặc trưng Hà Nội như bún thang, bún chả, chả cá, bánh cuốn và cả phở.


Trong “Hà Nội ba mươi sáu phố phường”, Thạch Lam nói về một gánh phở bán trong nhà thương mà ông cho là “rất ngon mà không có ai nghĩ đến và biết đến”: “Nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một chút cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ”.

Cà cuống không chỉ quý ở tinh dầu, có 2 loại: cà cuống cay lấy tinh dầu và cà cuống thịt. Mà theo Vũ Bằng, cà cuống thịt có vẻ “lâm ly khác hẳn”: “nhận nhận, bùi bùi, beo béo mà lại thanh thanh, một người tục có thể ăn cả trăm con không biết ngán”.

Không riêng gì Việt Nam, ở nhiều nước khác như: Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Singapore… cà cuống cũng là món ăn được ưa chuộng vì hương vị đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao.

Người Trung Quốc ưa món cà cuống luộc hay xào. Khu chợ đêm ẩm thực ở Thái Lan, Lào và Campuchia, dễ thấy các quầy, sạp hàng bán nhiều thứ côn trùng được rang hay chiên giòn, trong đó cũng có cà cuống.


Vũ Bằng dí dỏm ví mùi cà cuống và mùi sầu riêng: “Ở Bắc có một món mà lúc đầu nhiều người cũng không chịu được, cũng như một số người Bắc lúc đầu không chịu được sầu riêng nhưng sau quen giọng rồi thì nghiện như nghiện cần sa vậy: đó là cà cuống”.

Bất cứ món gì cũng phải cho mấy giọt cà cuống vào nước chấm mới làm được ý ông thần khẩu. Trong trăm ngàn món sơn hào hải vị, đôi khi chỉ cần ngửi thấy một mùi hương đặc biệt như cà cuống, cũng đủ để nhớ, đủ lưu luyến cả đời.

Phương Thư / Báo Vĩnh Long

NHÀ VĂN TÚY HỒNG, CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU VÀ CUỘC ĐỜI

Ảnh kỷ niệm lễ thành hôn của đôi nhà văn Thanh Nam và Túy Hồng.

Nhà văn Túy Hồng, qua đời vào 19-7-2020 tại Mỹ, ở tuổi 82. Nghe tin mà nhớ lần được gặp bà, trong một chuyến đến Seatle nhiều năm trước.

Năm 1975, cùng dòng người ra đi khỏi Việt Nam bởi kết cục của một cuộc chiến, nhà văn Túy Hồng đến bên kia biển và ở lại, như nhiều danh tài khác của miền Nam Việt Nam.

Túy Hồng là một trong nhóm các nhà văn nữ nổi tiếng trước năm 1975 bao gồm Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương (Nguyễn Thị Thái), Nguyễn Thị Thụy Vũ, Lệ Hằng… Thời của một nền văn chương tự do và lộng lẫy đã tạo điều kiện cho rất nhiều nhà văn nữ xuất hiện, nhưng nhóm các nữ sĩ kể trên được coi như là tiền phong với những phong cách, cũng như đề tài của họ đầy cá tính và khác biệt.

Nhà văn Túy Hồng (1938-2020)

Nhà văn Nguyễn Thị Tuý Hồng, tên cũng là bút danh. Bà sinh ngày 12-10-1938 tại Chí Long, Phong Điền, Thừa Thiên – Huế, viết văn từ năm 1962.

Trong một thời gian khoảng hơn 10 năm ở Saigon, nhà văn Túy Hồng đã tung ra hàng loạt tác phẩm, khiến người đọc cũng như giới phê bình kinh ngạc về sức sáng tác của bà, với các tác phẩm như Thở dài (NXB Đời Mới 1965, Kim Anh tái bản 1966), Vết thương dậy thì (NXB Kim Anh 1966) Trong móc mưa hạt huyền(NXB Đồng Nai 1969), Tôi nhìn tôi trên vách (NXB Đồng Nai 1970), Mùa hạ huyền (Văn Khoa 1971), Những sợi sắc không (Giải nhất Văn chương toàn quốc 1970 – NXB Khai Trí 1971),Biển điên (NXB Văn Khoa 1971),Bướm khuya, (NXB Đồng Nai 1971)…

Bà còn là một cây bút cộng tác thường xuyên với: Văn Hữu, Bách Khoa, Lập Trường, Văn, Văn Học, Tin Sách, Nghệ Thuật, Kịch Ảnh, Con Ong, Diều Hâu, Tia Sáng, Độc Lập, Tin Sáng, Thần Phong, Thời Nay, Đời Nay, Khởi Hành, Tiền Tuyến, Vấn Đề… với thể loại nào, nhà văn Túy Hồng cũng đều bộc lộ sự sắc sảo trong nghiệp chữ nghĩa của mình.


Chữ nghĩa của Túy Hồng đầy yêu đương và trần tục, khao khát và ẩn ức, đàn ông và đàn bà đều tuyệt vời ở giống cái và giống đực.

Nhà văn Túy Hồng có đoạn mang chút tình lãng mạn, ngắn như đủ đậm với nhà văn Võ Phiến lúc ở Dalat, mà bà viết kể lại trong Những Sợi Sắc Không (1970).

Được biết nhà văn Võ Phiến thố lộ với bà rằng “Anh không ham muốn em từ phút ban đầu, cũng không ham muốn em sau cái phút anh nhìn em qua cửa kính cư xá Bùi Thị Xuân, mà anh chỉ yêu em bởi vì những câu văn đầu tay em viết trong truyện ngắn gửi đăng báo… Yêu đời sống, chúng ta hãy đầu cơ khả năng, thì giờ và lòng thành vào văn chương. Anh cho nghệ thuật tất cả tài sản tinh thần của anh. Con đường anh đi là con đường văn nghệ, chấp nhận sống và chết, trừu tượng và cụ thể. Anh không phải là họa sĩ, nhưng anh có màu sắc nét vẽ; anh không phải là nhạc sĩ nhưng anh có âm thanh tiếng động.”

Nhưng mọi thứ tan vỡ khi Võ Phiến thú nhận ông đã có gia đình. Và khi viết lại mọi thứ, ở bất kỳ chuyện gì, bà Túy Hồng vẫn viết rõ tên và các câu chuyện của mình, đến mức nhà văn Võ Phiến phải than thở ““Em không bằng Nguyễn Thị Hoàng, em thua kém Nguyễn Thị Thụy Vũ. Họ kính nể người yêu, họ không oán trách người tình, không căm giận những người đàn ông mà họ đã thương. Còn em, em không tốt, em nói xấu anh dữ dội trong truyện ngắn em viết”.


Câu chuyện yêu đương đó, nhà văn Túy Hồng viết trong Những Sợi Sắc Không và gửi dự thi Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc năm 1970 cùng với Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ. Mà trêu gan nhất là hội đồng giám khảo gồm Nguyễn Mạnh Côn, Mai Thảo và Võ Phiến.

Nhưng trong một bút ký của bà, người ta nhìn thấy bà viết về Võ Phiến như sau “Tôi chưa thấy một người đàn ông nào thương vợ nhiều như thế, yêu vợ kỹ như thế. Vợ anh, vợ anh.. cái miệng cứ tía lia vợ anh vợ anh, làm như người ta sắp lấy mất. Bà Võ Phiến tên cúng cơm là Viễn Phố”. Yêu, cay đắng và công bằng như vậy, chỉ có Túy Hồng.

Sau năm 1975, nhà văn Túy Hồng bị xếp vào thành phần nguy hiểm do các bài nhận định, bình luận chính trị… Trên các tạp chí, báo của người Việt hải ngoại. Trả lời trên Gió-O (2005) về việc phải ra đi và một nhà văn thì còn giá trị hay sứ mạng gì, bà nói lúc này “nhà văn chỉ có thể là nhân chứng”. Một trong những tác phẩm cuối cùng của bà ở hải ngoại, là nói về cuộc đời trí thức lưu vong có tên là “Trong Cuối Cùng”.

Truyện của nhà văn Túy Hồng không khó tìm trên internet, với các ấn bản điện tử, với những ai muốn đọc lại.

Nhân dịp thêm một ngôi sao được gắn lên khoảng trời vô cùng của văn học tự do miền Nam. Xin kể lại, để biết và để nhớ.

Nhạc Sĩ TUẤN KHANH

PHONG LAN MA - LOÀI HOA HIẾM BẬC NHẤT THẾ GIỚI

Loài hoa hiếm bậc nhất thế giới từng khiến Darwin mất cả đời cũng không lý giải được

Cha đẻ của thuyết tiến hóa Charles Darwin khẳng định rằng, đã là thực vật có hoa thì tất yếu có bướm, ong phù hợp giúp thụ phấn. Thế nhưng khi đối diện với phong lan ma, loài hoa có cái ống trữ mật siêu mảnh dài tới vài chục centimet, ông... "mắc nghẹn".


Phong lan ma: Loài hoa quý hiếm bậc nhất

Phong lan ma có danh pháp khoa học là Dendrophylax lindenii. Chúng cực kỳ quý hiếm, ước tính cả thế giới mới có khoảng 3.000 cây. Thường thì mọi người chỉ có thể thấy chúng ở các vùng đầm lầy ẩm ướt thuộc miền Nam Florida (Mỹ), Cuba và quần đảo Caribbean.

Bề ngoài, phong lan ma hệt như một cụm rễ bám dính vào cây chủ. Chúng thuộc nhánh phong lan không có lá, thân chỉ cao từ 1-4cm.

Trong 3000 cây phong lan ma, ước tính có khoảng 2000 cụm tập trung tại Florida và Cuba. Mỗi năm cũng chỉ có chừng 10% chịu trổ hoa.

Phong lan ma.

Hoa phong lan ma màu trắng kiêu sa, dáng hình thanh mảnh tuyệt đẹp và mùi hương thơm ngào ngạt. Ngoài cái tên đầy ma mị, chúng còn được gọi là dạ lan hương.

Phong lan ma, đặc biệt là cây con đòi hỏi điều kiện sống cực kỳ ẩm ướt, có nấm cộng sinh thích hợp để giúp rễ gia tăng khả năng quang hợp. Chúng vừa kén chọn lại vừa ẩn nấp cực kỹ nên thành ra đã hiếm lại càng khó phát hiện.

Trên thế giới có vài người tuyên bố đã thành công trồng phong lan ma. Tuy nhiên là thật hay giả thì chưa rõ, còn khoa học thì vẫn chưa tìm ra bất cứ biện pháp trồng và chăm sóc nào. Bởi vậy, loài hoa này vẫn trong danh sách những loài thực vật quý hiếm nhất hành tinh.

Sở hữu đài hoa siêu mảnh và dài, thách thức thuyết tiến hóa của Darwin

Cha đẻ của thuyết tiến hóa Charles Darwin (1809-1882) tuyên bố rằng, mọi loài đều tiến hóa từ một tổ tiên chung. Qua chọn lọc tự nhiên, chúng không chỉ tự phát triển mà còn hình thành các mối quan hệ hợp tác. Theo đó, tất cả thực vật có hoa đều có đối tác động vật cùng tiến hóa để thích nghi lấy mật hoa, tiện thể giúp cây thụ phấn.

Vào năm 1862, Darwin vô tình tìm được một cây hoa phong lan ma Madagascar (Loài này sau đó được đặt theo tên của ông, thành phong lan Darwin, pháp danh Angraecum sesquipedale). Tuy nhiên thay vì hạnh phúc, ông "á khẩu" bởi cái đài hoa trữ mật hình ống siêu mảnh, dài tới cả 30cm của nó.

Ngay cả ở kích thước ngắn nhất, đài hoa phong lan ma cũng tới 13cm.

Cứ theo những gì Darwin lập luận thì bông hoa này cũng phải được một côn trùng ăn mật có cái lưỡi dài đến cả 30cm giúp thụ phấn. Song ông lại chẳng biết loài ong hay bướm nào sở hữu cái vòi dài tương đương.

Ngay cả ở kích thước ngắn nhất, đài hoa phong lan ma cũng tới 13cm. Vì vậy để lấy được chút mật ở tận đáy, loài côn trùng thích hợp cũng buộc phải có cái lưỡi dài từ 13cm trở lên.

Cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, Darwin vẫn chưa chứng thực nổi giả thuyết của mình trong trường hợp hóc búa này.

Phải mất 130 năm mới được chứng thực

Không ít các nhà khoa học đã bỏ công sức và thời gian để chứng minh cho giả thuyết của Darwin. Người ta chưa tận mắt thấy cảnh tượng côn trùng nào hút mật hoa phong lan ma, nhưng đã phát hiện một loài bướm có cái vòi siêu dài là bướm nhân sư Morgan (Xanthopan morganii).

Vòi của bướm nhân sư Morgan dài từ 20-35cm thích hợp nhất để thụ phấn cho phong lan ma.

Vòi của bướm nhân sư Morgan dài từ 20-35cm. Mọi người lúc đó phải tạm đồng tình nó là sinh vật thích hợp nhất (và duy nhất) thụ phấn cho phong lan ma. Mãi tới những năm gần đây, nhờ có camera ghi hình, giới quan sát mới lấy được bằng chứng sinh sản của loài hoa siêu hiếm nở về đêm này.

Vào năm 2012 tại Khu Bảo tồn Động vật Hoang dã quốc gia Florida Panther, nơi sở hữu ¼ phong lan ma của Florida, nhiếp ảnh gia Carlton Ward Jr quyết tâm giải tỏa nỗi niềm cho hương hồn Darwin. Sau khi lùng sục được một bông phong lan ma treo lơ lửng trên thân cây, ông kiên nhẫn ngồi rình suốt 3 ngày, cuối cùng thành công chụp được bằng chứng thực tế đầu tiên.

Cũng từ lúc này, Ward trở thành chuyên gia săn tìm và chụp hình các loại bướm đêm hợp tác với hoa phong lan ma.

Năm 2018, Ward nhận được sự trợ giúp từ nhà sinh vật Mac Stone. Tại các vị trí phát hiện hoa phong lan ma, Stone lắp đặt camera quan sát, tích lũy khoảng 7.000h ghi hình.

Một số loài bướm đêm có thể là tác nhân thụ phấn của phong lan ma.

Không uổng công Stone, các máy quay ghi nhận ít nhất là 5 chứ không phải chỉ 1 loài bướm đêm thò vòi vào bên trong đài hoa phong lan ma hút mật. Trong số 5 loài ấy, có 2 loài là bướm nhân sư Pachylia ficus và bướm nhân sư Dolba hyloeus khi rời đi có dính phấn hoa trên đầu.

Ngoài ra còn cả chục loài bướm đêm khác lượn lờ xung quanh. Rất có thể số côn trùng giúp phong lan ma sinh sản còn nhiều hơn con số 5 nữa.

Bướm nhân sư khổng lồ Cocytius antaeus, kẻ "trộm mật" phong lan ma.

Thú vị là trong các "ông mai bà mối" cũng có một "kẻ cắp", bướm nhân sư khổng lồ Cocytius antaeus. Nhờ sở hữu cái vòi còn dài hơn cả đài hoa phong lan ma, nó thoải mái "uống mật chùa" rồi bỏ đi, khỏi "trả lễ" kẻ đã tặng bữa ngon cho mình.

Phong lan ma - loài hoa đắt đỏ nhưng cây lại không có một chiếc lá nào

Theo: Thời Báo Today
Link tham khảo: