Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp. Tháng 6 năm đó vua Bảo Đại ban hành chương trình cải cách giáo dục. Chương trình này do giáo sư Hoàng Xuân Hãn, bộ trưởng Giáo dục và Mỹ Thuật thời đó chủ trì.
Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) – Làm bằng cái tâm, bằng cả tấm lòng với sự nghiệp giáo dục, ai mà nói nổi.
Chương trình được soạn thảo chưa đầy 3 tháng với một hội đồng biên soạn đâu đó chỉ gồm 13 hay 14 vị chuyên viên. Chẳng cần dạy nháp hay dạy thí điểm, cũng chẳng cần chờ xin ý kiến thủ tướng (lúc đó là ông Trần Trọng Kim) hay hoàng đế gì cả, chương trình cứ thế đem áp dụng luôn, và áp dụng ngay cho khóa thi tú tài năm đó, niên khóa 1944- 1945. Đây là khóa thi tú tài bằng tiếng Việt đầu tiên của chương trình trung học Việt Nam, trước đó học và thi tú tài bằng tiếng Pháp. Chương trình này được giới chức sau này gọi là “chương trình Hoàng Xuân Hãn” để ghi nhớ người chủ trì.
Những tháng đầu tiên sau tháng 8/1945, cũng như trong giai đoạn kháng chiến, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng áp dụng chương trình Hoàng Xuân Hãn có sửa đổi lại đôi chút để đáp ứng với tình thế “cấp bách và khó khăn”. Mãi tới niên khóa 1951-1952 mới thay thế bằng chương trình phổ thông 9 năm, và từ niên khóa 1956-1957 đổi thành 10 năm. Kể từ niên khóa 1981 -1982 miền Bắc mới quay lại chương trình 12 năm.
Ở các vùng Pháp chiếm cũng áp dụng chương trình Hoàng Xuân Hãn, sửa đổi đôi chút ở các môn Việt văn, sử địa, công dân, còn các môn khoa học thì vẫn giữ nguyên.
Sau năm 1954, ở miền Nam, chương trình Hoàng Xuân Hãn vẫn được xem là bộ khung để sửa đổi, cập nhật, kể cả các môn khoa học cho phát triển chung. Hệ 12 năm vẫn duy trì cho bậc giáo dục phổ thông, phân ban ở đệ nhị cấp (cấp 3 bây giờ), với
Ban A (Lý hóa-Vạn vật)
Ban B (Toán-Lý hóa)
Ban C (Ngoại ngữ- Văn chương/ Triết cho lớp 12), và
Ban D (Cổ ngữ và Văn chương/ Triết). Cổ ngữ có thể là Hán văn hoặc Latin
Điều thấy rõ ở miền Nam sau năm 1954 là thể chế thi cử ngày càng nhẹ. Mới đầu là bỏ thi vấn đáp ở kỳ thi trung học đệ nhất cấp (cấp 2 bây giờ) từ năm 1959, và rồi bỏ luôn thi vấn đáp ở đệ nhị cấp (cấp 3).
Kể từ niên khóa 1962- 1963, miền Nam bỏ thi tiểu học. Năm 1967 bỏ thi trung học đệ nhất cấp (tốt nghiệp cấp 2 bây giờ), và sau cùng năm 1974 bỏ luôn thi tú tài 1 (lớp 11)
Như vậy từ niên khóa 1973-74, từ lớp 1 cho đến lớp 12 học sinh chỉ còn qua một kỳ thi duy nhất, đó là thi tú tài, và thi bằng trắc nghiệm khách quan cho tất cả các môn. Học bao nhiêu môn, thi bằng đó môn. Mỗi môn có bao nhiêu chương, bao nhiều bài phải thi hết, không kỳ kèo thêm bớt gì cả, và phải thi đủ hai ngoại ngữ.
Hệ số các môn thi tùy vào phân ban mà học sinh chọn, thấp nhất là hệ số 1, và cao nhất là hệ số 5. Chẳng hạn theo ban B Toán-Lý hóa), thì toán hệ số 5, lý hóa hệ số 4, triết hệ số 2,.. còn theo ban C (Ngoại ngữ- Văn chương) thì môn triết hệ số 4, toán và lý hóa hệ số 1,.. Chương trình học cho mỗi ban cũng khác nhau, chẳng hạn ban B, môn Toán rất nặng và dài, và môn Triết chỉ học Luận lý học và Đạo Đức học, nhưng ban C, môn Toán chỉ học một quyển sách toán mỏng tanh, còn triết học phải học 4 môn gồm, Luận lý, Đạo Đức, Tâm lý và Siêu hình học.
Điều đáng chú ý là môn Sử – Địa – Công dân thi chung và tính hệ số 3. Có thể hiểu, mỗi môn Sử, Địa và Công dân hệ số 1 cũng được. Vì vậy, đừng tưởng ta đây giỏi toán mà đã ngon, gãy môn triết, sử địa, công dân chắc gì đã lấy nổi bằng tú tài.
Xét theo kết quả thi cử, học sinh thời đó chắc là học… dốt hơn học sinh bây giờ, vì thi tú tài chỉ đậu cỡ 15 – 20 %. Trong đó hơn 80% là đậu hạng Thứ (điểm trung bình tương đương 5/10 bây giờ), đậu hạng Bình Thứ (6/10) là ngon rồi. Còn hạng Bình (7/10), và Ưu (8/10) thuộc loại hàng hiếm. Ai theo ban C (Văn/Triết-Ngoại ngữ) mà đậu hạng Bình Thứ thì thuộc loại… quái kiệt
Tính ra chương trình Hoàng Xuân Hãn soạn thảo trong 3 tháng với 13 chuyên viên “thọ” được 9 năm, nhưng ảnh hưởng của nó trên hệ thống giáo dục ở Miền Nam kéo dài đến năm 1975. Không biết nên gọi đó là cuộc cải cách hay cách mạng giáo dục? Khi chương trình được áp dụng, chẳng thấy ai ý kiến ý cò gì, chẳng lẽ hồi đó không có tự do báo chí? Làm bằng cái tâm, bằng cả tấm lòng với sự nghiệp giáo dục, ai mà nói nổi.
Bây giờ, cải cách giáo dục tốn ngàn tỉ, soạn sách giáo khoa thì cả hội đồng toàn là các bậc đại khoa. Còn tú tài chỉ cần thi vài môn, đậu trên 90%, nhưng triết lý giáo dục là gì, tôi không biết.
(*) Một số dữ liệu trong bài có tham khảo trong quyển “ Khoa cử và Giáo dục Việt Nam” của Nguyễn Q. Thắng, NXB Văn hóa Thông tin, 1994
Tôi có người bạn nước ngoài từ châu Âu qua Việt Nam tìm hiểu văn hóa. Tôi liền khuyên anh chàng ăn cơm ngày hai bữa để làm quen với văn hóa Việt Nam. Sau một tháng anh chàng chào thua, trở lại ăn… bánh mì. Bị tôi chê cười, anh chàng trả đũa: “Bạn cứ thử ăn bánh mì ngày hai bữa đi, coi có chịu nổi một tháng không?” Tôi đầu hàng ngay lập tức.
Cơm nguội + khô cá dưa
Đùa sao, tôi là dân “cơm thương” từ nhỏ đến lớn, làm gì ăn thứ khác thay cơm nổi một tháng? Tôi chợt nhận ra, lâu nay mình cứ lo chạy theo mì, phở, bánh các loại mà không biết coi trọng cái món ăn căn bản nhứt trong ẩm thực Việt: Cơm!
Thấy tôi đã nhận ra vấn đề, bạn tôi nhân tiện làm tới: “Vậy cơm quan trọng như thế nào trong văn hóa và ẩm thực Việt Nam?” Trời, hỏi kiểu này là làm khó nhau nghen, tôi không phải nhà ẩm thực học, càng không phải nhà văn hóa học, chỉ là nhà… ăn học (à, là học ăn đó), nào dám múa rìu qua mắt thợ! Nhưng không trả lời được thì… quê quá, dù gì mình cũng ăn cơm mấy chục năm mà lớn, thôi biết tới đâu nói tới đó.
Tôi đằng hắng: “Cơm chia làm hai phần: cơm nóng và cơm nguội.” Người Việt khi nói tới bữa cơm, luôn nghĩ tới cơm nóng trước. Trời có nóng cách mấy, cũng vẫn ăn cơm… nóng. Hình như cơm nóng đại diện cho một bữa ăn gia đình có người chăm sóc, ấm áp và ngon lành. Bữa cơm nào mà “cơm lạnh, canh nguội” là gia đình đó đang có vấn đề. Trời lạnh, hay đang lúc mưa gió tơi bời, càng không thể thiếu cơm nóng. Cá chiên, thịt luộc, hay một món “tủ” của nhà, ăn với cơm nóng là “hạnh phúc ở quanh đây”. Có thêm mấy món chua-cay-mặn như cà pháo muối, cà pháo mắm nêm, dưa mắm, dưa giá chấm nước thịt kho sẽ càng hao… cơm nóng!
Với mấy đứa con nít đang tuổi lớn, lại lớn lên trong lúc thiếu ăn, thiếu mặc, thì có cơm nóng (không độn) mà ăn đã sướng nhất trần đời, chan chút nước mắm dầm ớt, sang thì có thêm chút tóp mỡ, ăn quên thôi. Cái hạnh phúc đơn sơ đó, còn có thêm cái đoạn dạo đầu sung sướng, là đang chơi mê say với bạn thì nghe tiếng kêu của má hay chị: “Tí ơi, về ăn cơm!” Cậu bé (hay cô bé) sẽ “dạ” to một tiếng rồi co cẳng chạy về nhà rửa tay, ngoan ngoãn ngồi vô bàn. Vài chục năm sau, có lẽ tiếng kêu sẽ thay bằng: “Anh ơi, ra/vô ăn cơm!” (“Em ơi, ăn cơm!” chắc ít hơn, nhưng ai dám nói là không có?) Thế hệ của bạn và tôi, cỡ 7x trở về trước, có lẽ còn có cơ hội nói câu: “Dạ mời ba má thời cơm!” trước khi ăn, trong khi với các bạn từ 8x trở đi, dường như câu này ngày càng hiếm gặp. Thời cuộc thay đổi, nên văn hóa cũng đổi thay!
Cơm nóng ở dưới đáy nồi, quá lửa chút sẽ biến thành… cơm cháy. Quá lửa chút thôi nghen, thì cơm cháy mới ngon. Miếng cơm cháy vàng óng ả màu đồng, rắc tí muối lên, nhai rộp rộp giòn tan. Bây giờ nồi cơm điện từ thành thị về tới thôn quê, đâu còn ai nấu cơm bằng than hay củi mà có cơm cháy. Nên cơm cháy thành món nhà hàng, rắc thịt chà bông và đủ thứ mỹ vị lên mà ăn theo kiểu quý tộc. Tôi bèn tự an ủi: cũng là một nét văn hóa, giữ được thì tốt, chớ nhìn ra thế giới, có ai có cơm cháy độc đáo như mình không? (Câu này bỏ ngỏ, tôi chưa dám trả lời, bởi về mặt này luôn cảm thấy mình là “ếch ngồi đáy giếng”).
Một món nữa, phải làm lúc cơm còn nóng, nhưng ăn lúc cơm đã nguội, là cơm nắm. Cơm nóng nấu xong, xới ra một cái khăn vải, rồi cuộn lại, nắm hai đầu khăn mà nhồi, đập, lăn cho cơm trong khăn quyện lại thành một khối tròn dài, dẻo mịn. Để cơm nắm ra khay hay dĩa cho thiệt nguội, rồi mới gói trong mo cau hay khăn vải cho khỏi khô. Cơm nắm cắt ra từng miếng, chấm muối mè hay muối đậu phộng. Nó là cơm mà không phải cơm, là bánh mà không phải bánh. Lát cơm nắm vừa có vị chơn chất của cơm, vừa có vị dẻo sánh của bánh, chấm muối bùi-mặn-ngọt để tạo thành một mùi thương vị nhớ cả đời không quên!
Cơm nóng để qua một hồi sẽ thành… cơm nguội. Có những món ăn với cơm nóng không ngon, mà với cơm nguội thì bá cháy. Ví dụ như, cơm nguội bỏ vô nước hủ tíu, phở, bún bò còn dư mà và lua, lúc đói thiệt đói. Tôi nhớ hoài câu cảm thán của bạn đọc Nguyễn Bích dưới bài “Bởi vì em nấu hủ tíu chờ anh…” (Minh Lê, 10/6/2020, trang Sài Gòn thập cẩm): “Nhớ hồi nhà nghèo, đông con, còn trộn cả cơm nguội vào nước hủ tíu còn dư mà ngon làm sao!” Như vậy là còn sang đó nghen, con nít nhà quê chỉ ăn cơm nguội với nước mắm kho quẹt, tí nước mắm với ớt, hên thì xin thêm chút tóp mỡ hay nước mỡ, kho cho nó quẹo lại, chan lên cơm nguội mà ăn. Không biết có phải tuổi đời chồng chất làm tôi hơi lẩm cẩm không, chớ tôi thấy rất thương cho con nít bây giờ, ăn uống cái gì cũng không thiếu, vậy mà rất thiếu cái cảm giác (và kỷ niệm) “ngon” của chúng ta ngày xưa với cơm nóng và cơm nguội. Nếu đó là cái giá phải trả cho một cuộc sống vật chất đầy đủ, sung túc hơn, đến nỗi chúng ăn gì cũng không thấy ngon, cái giá đó liệu có cao hơn ta nghĩ? Có cách nào làm cho cái giá đó bớt đi hay không?
Cơm nguội có người em họ sang cả hơn là cơm chiên. Tôi thích nhứt là lúc mấy múi tỏi đập dập bay vô chảo dầu (mỡ) đã nóng kêu cái xèo, mùi thơm lựng tỏa ra khắp nhà, thấm vô từng hột cơm nguội xoay tròn trong chảo, như đang nhảy điệu valse theo sự chỉ đạo của cái sạn (xẻng), dần dần chuyển sang màu vàng tươi, rồi bừng lên mùi thơm đậm đà của trứng gà, tiêu và nước mắm. Cơm chiên có nhiều phiên bản, nhưng tôi vẫn ưa nhứt cơm chiên trứng và cơm chiên (không), một phần do ký ức tuổi thơ, một phần vì chúng dễ làm và dễ ăn.
Ngoài ra còn một món đặc biệt cần cơm nguội: cơm hến Huế. Tôi có may mắn được một người bạn Huế chính tay nấu cơm hến Huế cho ăn, sau lần đó, nghe cơm hến Huế là tôi… rung động. Thứ nhứt là vì món này thực sự là một món kỳ công, từ việc chuẩn bị đủ loại rau thơm, khế, bắp chuối bào đến các loại gia vị như tóp mỡ, đậu phộng rang hay mè, tương ớt, nước ruốc, và cuối cùng khâu quan trọng nhất là làm sạch, luộc và xào hến. Thứ hai vì nó… quá cay, mà không cay thì không phải cơm hến như lời bạn tôi tha thiết dặn. Đừng nói tôi, ngay nhà văn Trần Kiêm Đoàn, vốn là “người Việt gốc…ớt” chính hiệu, mà còn phải than:
“Cái thuở ban đầu…“cơm hến” ấy,
Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên (!)”
Ai muốn biết cái thuở ban đầu của Trần Kiêm Đoàn với cơm hến ghê gớm ra sao mà tác giả phải thêm một dấu chấm than, xin mời tìm đọc “Chuyện khảo về Huế”, bài “Cơm hến”.
Nói cho cùng, cơm chính là nền tảng cho bữa ăn Việt, bởi người Việt không thể thiếu cơm, như anh bạn Âu châu của tôi không thể thiếu…bánh mì. Cơm không được ca ngợi nhiều như những món ăn khác, thậm chí “anh đi anh nhớ quê nhà”, anh cũng chỉ nhớ “canh rau muống, cà dầm tương” nhưng thiếu cơm thì canh – cà sao còn ra vị quê hương?
Nên tôi nói với anh bạn, tôi sẽ kể cho anh một chuyện tình hoàn toàn bằng “cơm” trong tục ngữ và ca dao, để anh hiểu được vị trí của cơm trong văn hóa Việt. Câu chuyện bắt đầu khi chàng trai gặp cô gái, chàng son sắt ngỏ lời:
“Ăn cơm ba chén lưng lưng,
Uống nước cầm chừng để dạ thương em.”
Đến cơm mà cũng ăn cầm chừng sợ hết “dạ” thương em thì tình tứ quá, cô gái dĩ nhiên cảm động. Rồi họ bắt đầu “góp gạo nấu cơm chung”, sống những năm đầu hạnh phúc:
“Trời mưa cho lúa chín vàng,
Cho anh đi gặt, cho nàng đem cơm.”
Buồn thay, anh chàng bỗng sinh thói làm biếng nên cứ chờ vợ “cơm bưng nước rót”. Đã vậy:
“Đàn ông đều thích ăn quà,
Ăn quà cho đã, về nhà ăn cơm.
Nhai cơm như thể nhai rơm,
Cho nên cứ phải vừa cơm vừa quà.”
Anh chàng lo ăn “phở”, ăn “quà” ở ngoài, nên khi cô vợ biết được, bữa ăn bắt đầu “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. Cô vợ thấy giận hoài không có kết quả nên xuống giọng ngọt ngào:
“Chàng ơi phụ thiếp làm chi,
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.”
Nói tới mức đó rồi mà anh chàng vẫn không chịu quay đầu, cô vợ đành dứt áo ra đi, trước khi đi bỏ lại hai câu:
“Một ngày hai bữa cơm canh,
Lấy ai lo liệu cho anh một đời?”
Nàng đi rồi, anh chàng mới thấy thấm thía:
“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
Nhớ nồi cơm nguội, nhớ siêu nước chè.”
Con người ta thiệt lạ, đến khi mất rồi mới hiểu được giá trị của điều đã mất. May mà anh bạn cảnh tỉnh tôi kịp thời, tôi mới hiểu ra cái bình dị nhứt, thân thuộc nhứt trong cuộc đời mình là cái đáng quý nhứt. Cơm, dù là cơm nóng hay cơm nguội, sẽ son sắt theo tôi đến cuối cuộc đời, bởi khi sinh ra, tôi là người Việt!
Ở tuổi xế chiều, càng khoe khoang 3 điều này thì sẽ càng gặp nhiều rắc rối, thậm chí là ảnh hưởng đến con cháu.
Dù ở bất cứ độ tuổi nào, con người vẫn phải học hỏi để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Khi già đi, có 3 điều chớ nên khoe khoang trong cuộc sống mà bạn nên ghi nhớ để cuộc sống về sau vui vẻ và bình yên.
1. Khoe khoang giàu có
Con người sống trong xã hội thường có xu hướng thích so sánh lẫn nhau. Trong đó, sự giàu có là thước đo giá trị nhất. Chính vì thế, nhiều người không ngần ngại mà phô trương gia tài của mình để mọi người biết, xuýt xoa và ngưỡng mộ.
Tuy nhiên trên thực tế, người đẳng cấp càng thấp thì càng thích chứng tỏ mình giàu có để thỏa mãn sự hư vinh, còn những người giàu thực sự không bao giờ cố tình phô trương về sự giàu có của mình. Người giàu thực sự dù hãnh diện với sự giàu sang của mình đến đâu thì cũng chẳng dại đem tài sản của mình nói cho người khác. Hơn nữa, khi đã ở tuổi xế chiều mà vẫn khoe khoang mình giàu có, bạn sẽ khiến những người xung quanh khó chịu và thậm chí là coi thường.
Bên cạnh đó, sự khoe khoang này còn có thể mang lại nhiều rắc rối cho con cái. Bởi tiền không phải là thứ đáng để đem ra trưng bày cho mọi người thấy. Nó sẽ thu hút ánh mắt dòm ngó, sự ganh ghét và đố kỵ của mọi người. Một khi gia đình bị những người có ý đồ xấu nhắm tới, sẽ có thể gây ra những phiền phức không đáng có và khó đảm bảo được an toàn cho bản thân.
2. Khoe khoang các mối quan hệ
Người xưa từng nói: quan hệ chính là tài nguyên, tài nguyên chính là tiền tài. Ngày trẻ, chúng ta thích trò chuyện, kết nối và chia sẻ nhiều điều về gia đình, bản thân và các mối quan hệ với những người khác để thiết lập thêm các mối quan hệ. Giúp con đường sự nghiệp của mình thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, khi đã bước sang tuổi xế chiều, việc chia sẻ với mọi người rằng bạn có những mối quan hệ rộng rãi là thiếu khôn ngoan và không cần thiết. Và đôi khi điều đó sẽ đem lại cho bản thân và gia đình những phiền phức không đáng có.
Người khác biết bạn có quan hệ rộng rãi hay có mối giao hảo tốt với những người quyền cao chức trọng hay nổi tiếng sẽ dễ nảy sinh sự ghen tỵ, ghen ghét. Thậm chí, sẽ có người lợi dụng bạn để có thể đạt được mục đích tiếp cận những mối quan hệ đó.
Do đó, khi về già, tốt nhất đừng nên khoe khoang điều này. Cây cao đón gió lớn, thích thể hiện chỉ rước họa vào thân mà thôi. Khi đã ngoài 50, chúng ta cũng nên lựa chọn vào những người bạn chất lượng thay vì có nhiều bạn mới. Hãy ghi nhớ đạo lý này để tuổi xế chiều của bạn được hạnh phúc và bình yên hơn.
3. Khoe khoang cuộc sống hạnh phúc
Có một cuộc sống hạnh phúc là mong ước của tất cả mọi người. Khi may mắn có được điều đó, nhiều người thường chia sẻ niềm vui, hạnh phúc với những người khác. Tuy nhiên, nên tiết chế việc khoe khoang những điều mình có bởi những điều này có thể sẽ gây phản cảm, hoặc sẽ khiến cho một số người xấu tính ghen ghét đố kỵ với hạnh phúc mà bạn đang có.
Trên thực tế, trong cuộc sống này, ngoài người thân bên cạnh thì rất ít người vui vẻ hay thành tâm chúc phúc cho bạn. Thậm chí, niềm vui của bạn có thể là cái gai trong mắt người khác. Sau cùng, hạnh phúc vẫn là điều nên giữ cho riêng mình chứ không nhất thiết phải đi khoe khoang với thiên hạ.
Càng khoe khoang, bạn càng phải nhận về bao nhiêu lời dò xét, bình phẩm từ người ngoài. Đôi khi những lời nhận xét từ một người không liên quan đến cuộc sống của bạn lại có thể khiến hạnh phúc của gia đình bạn bị ảnh hưởng. Bởi vậy, làm người nên suy nghĩ trước sau để tránh gặp phải những phiền toái không đáng có.
Ở tuổi xế chiều, con người vẫn cần học cách kiềm chế, khiêm tốn. Thay vì khoe khoang những điều mình đang có, hãy làm theo bổn phận, thu xếp ổn thỏa cuộc sống về già, quản lý tốt mối quan hệ giữa con cái và gia đình. Có như vậy, cuộc sống những tháng ngày về sau mới có thể thuận buồm xuôi gió. Nếu lớn tuổi mà vẫn không thể kiềm chế cảm xúc, không thể từ bỏ một số thứ thì rất có để có được cuộc sống bình yên.
Khi sự im lặng là vũ khí gây tổn thương gián tiếp trong những mối quan hệ.
Silent treatment, việc giữ im lặng trong các mâu thuẫn, xung đột tưởng chừng là một cách giải quyết nhẹ nhàng nhưng lại được xem như một đòn "bạo hành" tâm lý mạnh mẽ lên đối phương. "Phản công" bằng silent treatment là một phương thức "tàn nhẫn" khi chọn cách không lắng nghe, từ chối việc phản hồi và chỉ đáp trả lại bằng cách bỏ quên sự tồn tại hoặc thậm chí cô lập đối phương.
Nhiều người sử dụng cách này dù là vô ý hay cố tình đều để nhanh chóng kết thúc một cuộc xung đột hoặc chủ đích gây tổn thương đối phương bằng cách phớt lờ sự tồn tại của họ
Đôi khi chúng vô thức sử dụng phương pháp này khi mình ở trong mối quan hệ với người khác hoặc không có ác ý khi nghĩ sự im lặng giúp mình bình tĩnh hơn. Nhưng nếu muốn im lặng cần phải nói trước với đối phương là mình cần bao lâu đó để im lặng.
Đừng thấy ai đó hoảng loạn vì sự im lặng của mình mà xem đó là chiến thắng. Bạn không thắng, bạn chỉ đang trở thành một con quỷ bóp nát tình yêu của chính mình. Bất kì cảm xúc nào cũng xứng đáng được tôn trọng.
Nếu đó là tình yêu thì họ vẫn sẽ yêu ngay cả khi bạn vui vẻ hay bạn trở nên xấu xí nhất. Hãy mạnh dạn bày tỏ cảm xúc của mình miễn là bạn làm chủ được nó. Bạn vĩnh viễn không bao giờ biết hành động nhỏ của bạn hôm nay sẽ huỷ hoại tâm lý của ai đó đến mức độ nào.
Có hàng tá lý do để một người chọn Silent treatment trong một cuộc cãi vã, xung đột.
Có người làm thế vì họ tin rằng bản thân họ có khả năng điều khiển mình rất tốt, họ cho rằng giữ im lặng và lờ đi là một hành vi đầy tính lí trí và không xuất phát từ cảm xúc.
Hay họ chỉ nghĩ rằng đây là hành vi tự vệ để bảo vệ chính mình khỏi tổn thương. Rằng họ tạo ra một bức tường ngăn chặn việc giải quyết vấn đề đó vì sợ hãi xung đột hoặc sợ phải đối diện với người kia thay vì là ác ý một cách cố tình. Đôi khi vì bị tổn thương quá nhiều, không một từ ngữ nào có thể thể hiện cảm xúc của họ nữa, họ chọn cách im lặng.
Theo một cách cố tình khác, họ chọn silent treatment như một cách khiến người khác cảm thấy tội lỗi, sử dụng sự im lặng để gây áp lực, thao túng và khiến người kia phải thay đổi hoặc cải thiện hành vi theo ý họ. Silent streament là vì thực sự ghét đối phương đến mức không muốn để tâm hay suy nghĩ cho họ nữa.
Nó không phải là biện pháp, nó chỉ là lựa chọn khi bạn không muốn giải quyết vấn đề và không cần đối phương nữa mà thôi. Nó có thể giúp bạn cảm thấy đỡ hơn nếu trước giờ bạn nghĩ mình vẫn luôn phải chịu đựng gì đó. Nói theo cách khác là sử dụng khoảng thời gian như "chiến tranh lạnh" để trừng phạt đối phương, cô lập họ, bức họ vào thế bị động.
Im lặng không giải quyết vấn đề, hừng hực lên nặng lời với nhau thì quá toxic, vậy làm thế nào cho đúng
Với "bị can"- người trực tiếp sử dụng vũ khí im lặng
Nếu là thói quen, xin hãy tìm cách để chế ngự nó vì silent treatment thực sự là một con dao hai lưỡi nguy hiểm nếu bạn sử dụng nó không đúng cách. Chẳng hạn giữ im lặng để "hạ hoả" những cuộc cãi vã, để tránh xung đột thì nên im lặng đến lúc nguôi ngoai đã, rồi giải quyết, không thể một người tức điên lên rồi người kia cũng vậy. Việc im lặng một lúc để những người trong cuộc suy nghĩ thêm sau đó giải quyết sẽ tốt hơn là gân cổ lên cãi nhau.
Học cách bộc lộ cảm xúc một cách lành mạnh, cứ nói điều muốn nói, dù im lặng vì vô ý hay cố tình nhưng hãy khắc phục ngay bằng việc học cách bộc lộ cảm xúc của mình. Đôi khi bạn cho rằng người kia thực sự không hiểu mình, không ý thức được vì sao mình chọn cách im lặng dù cách im lặng ấy không có chủ đích xấu.
Nhưng hãy suy nghĩ lại về mình, liệu bạn đã diễn đạt hết và đúng ý bạn muốn người kia hiểu hay chưa. Im lặng vì cảm xúc của mình quá hỗn loạn, bạn chọn im lặng trong khi hoàn toàn có thể bộc lộ được nó. Nó giống như kiểu: "Thôi em ăn gì cũng được", trong khi chính bạn đang mâu thuẫn thì làm sao người kia có thể tường tận bạn. Tóm lại là "muốn gì thì nói", nhưng nói sao cho đúng và thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh.
Vốn từ không đủ cũng là lí do nhiều bạn chọn cách im lặng. Một cách thể hiện cảm xúc lủng củng khiến bạn như yếu thế trong cuộc cãi vã và bạn chọn im lặng như một cách an toàn nhưng "tối thượng" hơn, giống như một người vừa lý trí vừa có thể gây áp lực cho người khác. Như đã nói, silent treatment có thể giết chết mối quan hệ bất cứ lúc nào nên cứ tập thể hiện cảm xúc bất cứ khi nào có thể, hoạt ngôn không tự nhiên mà có, vốn từ cũng không tự nhiên mà đầy, hãy cứ nói, nói hết cảm xúc của mình.
Với "nạn nhân"- người chịu đựng những tổn thương sâu sắc từ silent treatment
Cuộc sống này do bạn làm chủ, bản thân bạn có giá trị theo những cách riêng. Đừng chờ đợi người khác chấp nhận hay "cấp phép" để được sống hạnh phúc. Việc đoán ý người khác không phải là nhiệm vụ của bạn và cũng không thể kiểm soát về việc họ lựa chọn silent treatment để giải quyết cuộc xung đột.
Lường trước những tình huống đau thương đó có thể xả ra, thay vì cô lập bản thân vì sự im lặng của người khác, hãy kết nối với bạn bè và gia đình nhiều hơn, nơi bạn có thể giải tỏa và chia sẻ cảm xúc một cách thoải mái. Có nhiều người nghĩ mình đã mắc lỗi gì đó và là nguyên nhân của việc người kia sử dụng công cụ im lặng.
Ngưng lại, đừng để cảm xúc tiêu cực từ đối phương tác động đến bạn quả nhiều, tạm thời quên đi nó bằng những thú vui yêu thích của bạn mỗi ngày như xem phim, mua sắm chẳng hạn,… những điều khiến bạn lạc quan, vui vẻ hơn trước khi đi đến một cuộc nói chuyện nghiêm túc sau này.
Nếu đối phương là người quan trọng với bạn nhưng họ lại sử dụng cách im lặng trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa hai người, có thể dành cho họ một chút thấu hiểu và nhiều sự quan tâm hơn. Để họ bình tĩnh và sau đó việc khiến cho họ nói ra khúc mắc đang gặp phải vẫn là cách giải quyết hữu hiệu nhất.
Quan trọng vẫn là rành mạnh cảm xúc và suy nghĩ với nhau, dù là những loại cảm xúc toxic, nhưng cuộc sống này không chỉ hoàn toàn những cảm xúc tích cực và màu hường được. Để họ tin tưởng rằng bạn có thể lắng nghe và cùng họ giải quyết vấn đề nếu họ nói ra.
Trong một cuộc tranh chấp cãi vã, chúng ta hoàn toàn có thể làm nó lắng dịu theo nhiều cách khác nhau thay vì lựa chọn silent treatment. Silent streament như một con dao hai lưỡi, đôi khi là là một ly nước mát hạ sức nóng cho cuộc mâu thuẫn nhưng cũng có thể một gáo nước lạnh dập tắt luôn cả một mối quan hệ.
Cách đây không lâu, người sáng lập chuỗi nhà hàng Trung Hoa nổi tiếng Din Tai Fung (Đỉnh Thái Phong 鼎泰豐) – ông Dương Bỉnh Di – đã qua đời ở tuổi 96. Nhà hàng này nổi tiếng với món bánh “Xiaolongbao” (小籠包 Tiểu long bao). Câu chuyện dựng nghiệp và cha truyền con nối của ông là một câu chuyện đầy cảm hứng và đáng để học hỏi.
Một chi nhánh của Din Tai Fung. (Song Xianglong / The Epoch Times)
Din Tai Fung (鼎泰豐) là một trong số ít thương hiệu chuỗi nhà hàng Trung Hoa đã thâm nhập thị trường toàn cầu và trở nên vô cùng nổi tiếng:Năm 1993, Din Tai Fung được tờ báo The New York Times đánh giá là một trong "Mười nhà hàng mỹ vị hàng đầu thế giới".
Năm 1993, Din Tai Fung được tờ báo The New York Times đánh giá là một trong "Mười nhà hàng mỹ vị hàng đầu thế giới".
Năm 2010, chi nhánh tại Hong Kong của Din Tai Fung được trao một Sao Michelin, và Din Tai Fung trở thành thương hiệu đầu tiên trong chuỗi ẩm thực Trung Hoa giành được Sao Michelin.
Năm 2013, Din Tai Fung được đài CNN của Hoa Kỳ bình chọn là chuỗi nhà hàng đứng thứ 2 trên thế giới, vượt qua McDonald's, Starbucks và các chuỗi nhà hàng quốc tế khác.
Tháng 4/2022, Din Tai Fung được tạp chí du lịch quốc tế Taste Atlas xếp hạng 28 trong top 100 nhà hàng truyền thống tốt nhất thế giới (xếp thứ 2 châu Á).
Sau hơn 60 năm hoạt động, Din Tai Fung được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất bánh bao". Thương hiệu này hiện có hơn 162 chi nhánh tại một số châu lục trên thế giới và là một thương hiệu nhà hàng Trung Hoa nổi tiếng quốc tế. Món Xiaolongbao (小籠包) của Din Tai Fung đã trở thành món ăn phải thử của rất nhiều người khi đến Đài Loan, trong đó cả những người nổi tiếng như nữ diễn viên người Pháp Sophie Marceau, nam diễn viên kiêm nhà làm phim Hong Kong Châu Tinh Trì, nữ diễn viên Trung Quốc Củng Lợi, nữ diễn viên người Nhật Rie Miyazawa, nữ diễn viên Hong Kong Trương Mạn Ngọc, v.v. Năm 2013, ngôi sao điện ảnh người Mỹ Tom Cruise cũng từng đến cửa hàng Din Tai Fung 101 ở Đài Loan để học cách làm bánh Xiaolongbao.
Nam diễn viên Mỹ Tom Cruise (trái) và ông Dương Kế Hoa, chủ chuỗi nhà hàng Din Tai Fung của Đài Loan, đang gói bánh bao hấp hay còn gọi là "tiểu long bao" tại Đài Bắc vào ngày 6/4/2013. (Mandy Cheng / AFP via Getty Images)
Xiaolongbao là một món ăn nhẹ của địa phương với hương vị tinh tế và tươi ngon có nguồn gốc từ Thượng Hải, Trung Quốc. Nhưng chính Din Tai Fung, thương hiệu được sáng lập ở Đài Loan, mới là nơi thực sự đưa Xiaolongbao trở thành món ăn mang tầm cỡ quốc tế. Khi người nước ngoài đến Đài Loan, nơi đầu tiên họ hỏi đến thường không phải là ngọn núi Alishan (A Lý Sơn) mà là Din Tai Fung, nơi nổi tiếng với món Xiaolongbao.
Trong guồng phát triển của xã hội hiện đại, Xiaolongbao của Din Tai Fung là sự kết hợp hoàn hảo giữa ẩm thực “bản địa” và “ngoại lai”. Ngay từ rất sớm, Đài Loan – nơi luôn trân trọng văn hóa truyền thống Trung Hoa – đã hòa nhập vào môi trường kinh tế quốc tế. Đây là mảnh đất phù hợp cho tinh thần buôn bán của các thương nhân Sơn Tây do người con Sơn Tây Dương Bỉnh Di mang đến, từ đó mang lại sức sống mới cho văn hóa địa phương.
Từ người bán dầu đến ông chủ chuỗi nhà hàng ẩm thực Trung Hoa
Dù đã cao niên nhưng ông Dương Bỉnh Di trông vẫn giản dị, phúc hậu và chất phác với giọng nói đậm chất địa phương. Ông nói ông không hiểu chính trị và cũng không có tri thức, tất cả những gì ông làm chỉ là vì mưu sinh.
Ông Dương Bỉnh Di. (Ảnh từ Tổ sản xuất Shishi Renwu)
Năm 1948, trong cuộc nội chiến giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc, ở tuổi 21, với tinh thần xông pha xưa nay vốn có của người con Sơn Tây, ông đã phiêu bạt từ Thượng Hải đến Đài Loan. Khi đến nơi, ông chỉ có 20 USD trong túi. Công việc đầu tiên của ông tại Đài Loan là làm nhân viên bán hàng trong công ty dầu “Heng Tai Fung” (Hằng Đài Phong), nơi ông gặp bà Lại Bồn Muội, người gốc Khách Gia. Cả hai đã làm việc cùng nhau và kết hôn.
Sau đó, "Heng Tai Fung" đóng cửa do những sai lầm trong đầu tư của ông chủ. Năm 1958, ông Dương Bỉnh Di và vợ không có việc làm nên quyết định tự khởi nghiệp. Họ đã mua một cửa hàng trên đường Tín Nghĩa (Xinyi) và thành lập Cửa hàng dầu Din Tai Fung. Hiện đây cũng là nơi tọa lạc của Din Tai Fung Xinyi - cửa hàng chính của chuỗi nhà hàng này.
Vậy cái tên Din Tai Fung bắt nguồn từ đâu? Nó là sự kết hợp giữa “Din Mei Oil Shop” (Cửa hàng dầu Đỉnh Mỹ) và “Heng Tai Fung”, nhằm bày tỏ lòng cảm ơn tới ân tình của ông chủ cũ ở Heng Tai Fung và sự hỗ trợ của Công ty dầu Din Mei vì đã cung cấp dầu cho họ. Ngoài ra, nơi đây còn lưu lại bút tích của nhà thư pháp nổi tiếng Vu Hữu Nhiệm với dòng chữ “Hãng dầu Din Tai Fung” và vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay. Đây cũng là một trong những kiệt tác thuộc sở hữu của Din Tai Fung được nhiều người biết đến.
Hơn chục năm sau, do ảnh hưởng của loại dầu đóng chai, hoạt động kinh doanh của các hãng dầu ngày càng ảm đạm. Năm 1972, ông Dương Bỉnh Di chấp nhận đề nghị dọn bốn bộ bàn ghế trong cửa hàng dầu đi và chuyển đổi một nửa cửa hàng sang bán bánh bao. Như vậy, ông Dương Bỉnh Di, một người không biết gì về việc làm Xiaolongbao, đã buộc phải thay đổi nghề nghiệp vì kế sinh nhai và chuyển từ một người bán dầu thành một người bán bánh bao hấp.
Nhờ chọn dùng các nguyên liệu chất lượng và chăm chỉ ham học hỏi, dày công thử nghiệm, ông Dương Bỉnh Di và vợ đã tìm ra công thức làm nhân ngon nhất và tạo ra loại Xiaolongbao "Hoàng kim 18 nếp gấp". Tiếng lành đồn xa, người truyền người, miệng truyền miệng, khách hàng lần lượt kéo đến cửa hàng của ông, công việc kinh doanh cũng trở nên phát đạt. Từ đó mở ra một huyền thoại trong ngành dịch vụ ăn uống – biến đồ ăn nhẹ của địa phương thành món ăn cao cấp nổi tiếng.
Khách xếp hàng chờ vào nhà hàng Din Tai Fung. (NTD)
Tất cả các chi nhánh của Din Tai Fung đều đông nghịt vào giờ cao điểm, có ngày có cửa hàng đón hơn 3.000 lượt khách. Lúc nhiều nhất có 100 nhóm thực khách đứng ngoài cửa chờ bàn. Kỷ lục dọn bàn cao nhất trong một ngày của Din Tai Fung lên tới 19 lần, tức là từ lúc mở cửa tới lúc đóng cửa, một bàn trong nhà hàng đã phục vụ được 19 nhóm khách. Khi hoạt động kinh doanh của Haidilao – chuỗi cửa hàng lẩu nổi tiếng của Trung Quốc – đang ở thời kỳ đỉnh cao, họ cũng quay vòng nhiều nhất 7 lần.
Trải qua 65 năm thăng trầm, Din Tai Fung từ một cửa hàng bán dầu đã phát triển thành một chuỗi nhà hàng Trung Hoa đa quốc gia. Dựa trên tinh thần thành tín và yêu nghề kính nghiệp của các thương gia Sơn Tây, hai thế hệ nhà ông Dương Bỉnh Di đã phát triển triết lý kinh doanh độc đáo của riêng mình, đó là "Triết học về Dung" (dung có nghĩa là dung nạp, dung chứa, bao dung, khoan dung). Ông Dương Bỉnh Di cho rằng "Dung" có nghĩa là có thể chịu thiệt chịu lỗ, những người làm dịch vụ ẩm thực mà không thể chịu thiệt chịu lỗ thì không thể làm ăn lâu dài.
Truyền thống làm ăn của các thương nhân Sơn Tây: Theo đuổi lợi nhuận nhưng giữ vững lòng chính nghĩa
Mặc dù ông Dương Bỉnh Di chưa từng đi học nhưng trong quá trình trưởng thành, phiêu bạt và mưu sinh của mình, ông cũng đã hấp thụ một cách tinh tế rất nhiều văn hóa truyền thống trong dân gian. Ông cũng được kế thừa không ít phẩm chất của người thương nhân Sơn Tây.
Từ xa xưa, người Sơn Tây đã có truyền thống yêu thích kinh doanh buôn bán. Các thương nhân Sơn Tây coi trọng lòng chính trực, họ là những người đáng tin cậy, kiên cường, dũng cảm đi tiên phong, giỏi việc kinh doanh và còn rất linh hoạt. Những đặc điểm này được thể hiện một cách rất tinh tế và sâu sắc trong quá trình xây dựng và phát triển Din Tai Fung của ông Dương Bỉnh Di.
Một trong những bí quyết thành công của Din Tai Fung là chú trọng truyền thống “tân chí như quy” (Khách đến giống như trở về nhà) của người Trung Quốc, tức là khách đến đây mà cảm thấy như được trở về chính ngôi nhà mình. Din Tai Fung tuân thủ nguyên tắc kinh doanh làm lợi từ sự tử tế và chính nghĩa, phục vụ khách hàng bằng nụ cười từ trái tim. Nhân viên phục vụ của Din Tai Fung luôn mang theo sổ ghi chép để có thể ghi lại đặc điểm của các vị khách nhằm khiến họ cảm thấy như đang ở nhà.
Khách hàng đọc thực đơn tại nhà hàng Din Tai Fung vào ngày 27/12/2007 tại Đài Bắc, Đài Loan. (PATRICK LIN/AFP via Getty Images)
Trước khi Din Tai Fung bê đồ ra cho khách, mỗi một món ăn đều phải được kiểm tra bằng bút nhiệt kế để đảm bảo rằng sẽ không gây bỏng miệng. Thái độ của nhân viên phục vụ nhiệt tình nhưng cũng không làm phiền thái quá. Khi nhân viên phục vụ đi lại xung quanh, họ phải quan sát hướng mà khách uống trà, chủ động châm thêm khi trà gần hết; nếu khách làm rơi đũa, sẽ lập tức đưa đôi mới trước khi khách mở lời; không để khách gọi quá nhiều món gây thừa thãi, cũng không gợi ý món giá cao; khi trả tiền lẻ cho khách phải dùng tiền mới; nếu một chiếc Xiaolongbao bị rách vỏ, phải bù cho khách một chiếc khác, nếu có tới 3 chiếc bị rách vỏ thì bồi thường cho khách cả một xửng hấp, tính cả trường hợp do khách làm rách vỏ khi gắp lên.
Trong triết lý kinh doanh của ông Dương Bỉnh Di, không chỉ khiến thực khách cảm thấy như ở nhà khi đến Din Tai Fung, mà còn phải làm cho mỗi một nhân viên đều có cảm giác thân thuộc khi làm việc tại đây. Đây là một bí quyết thành công khác của thương hiệu này.
Không giống như các nhà hàng Trung Hoa khác thường sử dụng lao động giá rẻ, chi phí nhân lực của Din Tai Fung lên tới 50%, vượt xa mức trung bình 20% trong ngành ăn uống. Din Tai Fung đã nhiều lần tiết lộ rằng, công ty không niêm yết vì nếu niêm yết thì sẽ phải kiểm soát chi phí lao động và không thể chăm sóc đặc biệt cho nhân viên. Ngoài mức lương trên mức trung bình, Din Tai Fung còn cung cấp nhiều phúc lợi cho nhân viên và có chuyên gia trị liệu nhằm hỗ trợ tinh thần cho họ.
Trước khi bắt đầu làm việc mỗi ngày, nhân viên của Din Tai Fung phải điền vào một biểu mẫu để viết ra cảm giác của họ trong ngày hôm đó và người quản lý sẽ phân công công việc phù hợp theo tâm trạng của họ. Ông Dương Bỉnh Di cho rằng khi sức khỏe tinh thần và phúc lợi của nhân viên được đáp ứng đầy đủ, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc, và khi làm việc họ mới thực sự truyền được cảm giác hạnh phúc đến cho khách hàng. Ngoài ra, Din Tai Fung luôn chào đón người nhà của các nhân viên gia nhập công ty nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết của nhân viên.
Ngày nay, trong khi hầu hết các chuỗi nhà hàng đều thiết lập bếp tổng, làm món ăn bán thành phẩm và công nghiệp hóa ngành dịch vụ ăn uống thì ở Din Tai Fung, họ đã tìm thấy điểm cân bằng "trung dung" trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa khi phải đứng giữa tay nghề truyền thống và những đổi mới quy mô hóa, giữa nhân - nghĩa, tình - lý và hiệu quả - lợi nhuận.
Nâng cấp và cải tiến – kế thừa gia nghiệp không thể tách rời cái gốc
Giống như các thương nhân Sơn Tây truyền thống, ông Dương Bỉnh Di cũng chú trọng đến giáo dục và việc truyền thừa trong gia đình.
Ông Dương rất thành công trên phương diện dạy nuôi dạy con cái để kế thừa gia nghiệp. Con trai ông là Dương Kế Hoa (Yang Jihua) từ khi còn nhỏ đã được hun đúc trong những lời nói và việc làm mẫu mực của cha mẹ. Từ nhào bột đến cán bột mì, cho đến mọi mắt xích quản lý nhà hàng, ông Dương Kế Hoa đều vô cùng thạo nghề.
Ông Dương Kế Hoa, chủ sở hữu chuỗi nhà hàng Din Tai Fung, đứng cạnh các xửng hấp bằng tre vào ngày 27/12/2007 tại Đài Bắc, Đài Loan. (PATRICK LIN/AFP via Getty Images)
Ông Dương Bỉnh Di có tầm nhìn xa trong kinh doanh và không bảo thủ. Năm 1995, khi đã ngoài 60, ông để con trai tiếp quản cơ ngơi. Với sự hỗ trợ của ông Dương Bỉnh Di, ngay từ rất sớm, “trưởng môn nhân” đời thứ hai của Din Tai Fung là ông Dương Kế Hoa đã bắt đầu tiêu chuẩn hóa và tinh tế hóa mô hình quản lý kinh doanh nhà hàng ăn uống, biến Din Tai Fung từ một quán ăn vặt trở thành doanh nghiệp ẩm thực hiện đại hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
Con trai của ông Dương Bỉnh Di xứng với câu trò giỏi hơn thầy, chính ông Dương Kế Hoa là người đã nâng cấp và cải tiến Din Tai Fung, cũng chính vì những tiêu chuẩn hóa này mà các sản phẩm của Din Tai Fung ngày càng hoàn hảo hơn, cuối cùng trở thành một thương hiệu quốc tế nổi tiếng.
Thành công của Din Tai Fung không thể tách rời quá trình sản xuất được tiêu chuẩn hóa của hãng. Din Tai Fung muốn vượt qua giới hạn địa lý và mang Xiaolongbao ra thế giới, điều mà họ nghĩ đến là tiêu chuẩn hóa Xiaolongbao. Trước đây, ngành công nghiệp ăn uống truyền thống của Trung Quốc đều là dạy truyền khẩu, tức là thầy truyền dạy bí kíp cho trò qua lời nói, cho nên việc tiêu chuẩn hóa món ăn Trung Quốc là một việc khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, Din Tai Fung đã áp dụng phương pháp chuyển đổi kinh nghiệm thành những con số, bao gồm xây dựng các quy trình và các bước để tiện cho việc định lượng.
Trong mắt ông Dương Kế Hoa, Din Tai Fung không chỉ là một ngành nghề ẩm thực mà còn là một sản nghiệp sáng tạo văn hóa. Ông thậm chí còn nâng cấp dịch vụ chất lượng cao và biến thành màn trình diễn.
Bàn sản xuất Xiaolongbao của Din Tai Fung gồm bốn quy trình là chia bột, cán mỏng vỏ, lấy nhân và gấp bánh. Tiêu chuẩn mỗi chiếc vỏ là 5 gram bột, đường kính của vỏ sau khi cán là 6,5 cm, nhân bánh là 16 gram nhân và tạo hình bánh với 18 nếp gấp theo tỷ lệ vàng. Khách hàng có thể quan sát các quá trình này thông qua mặt kính trong suốt của nhà bếp tại Din Tai Fung.
Những người thợ của Din Tai Fung đang đeo khẩu trang và làm tiểu long bao vào ngày 17/3/2020 tại Đài Bắc, Đài Loan. (Paula Bronstein/Getty Images )
Ngoài ra, mỗi nhóm làm bánh sẽ có từ 4 đến 6 người để nâng cao hiệu quả sản xuất thủ công. Để công đoạn tiếp theo có thể kiểm soát chất lượng của công đoạn trước, các thành viên trong nhóm còn phải có thể làm việc luân phiên để đảm bảo tốc độ và nhiệt độ của sản phẩm, nhằm đảm bảo chất lượng món ăn. Không chỉ bánh hấp mà độ nóng của súp gà cũng phải được đo bằng nhiệt kế để xác nhận đạt 85 độ C, tỷ lệ nước chấm là 1 phần tương 3 phần giấm, v.v.
Thậm chí còn có một công thức độc đáo để thưởng thức Xiaolongbao là: "Gắp nhẹ nhàng, đưa từ từ, mở miệng bánh, húp nước súp". Với mức độ tiêu chuẩn hóa như vậy, ông chủ chuỗi lẩu đình đám Haidilao là ông Trương Dũng cũng phải nhận xét rằng, Din Tai Fung không chỉ là một nhà hàng mà giống một nhà máy sản xuất chính xác hơn.
Ông Dương Bỉnh Di đã qua đời nhưng Din Tai Fung do ông sáng lập vẫn đang được truyền lại cho thế hệ sau. Thời thế đổi thay, công ty nâng tầm nhưng nhờ được gây dựng từ cội nguồn và phẩm chất của văn hóa truyền thống nên cơ ngơi này vẫn được truyền thừa mà không bị đứt gãy. Có lẽ đây chính là gốc rễ khiến Din Tai Fung có thể tạo dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế và giữ vững chỗ đứng lâu dài.
Mặc dù một phần lớn dân Mỹ dành ngày 25 tháng 12 để đoàn tụ với những món quà của gia đình, nhưng đối với nhiều người Do Thái, nó lại một ngày như mọi ngày. Nhưng trong thế kỷ qua, người Do Thái đã phát triển một truyền thống Giáng sinh của riêng họ - Giáng sinh của người Do Thái, một ngày lễ dành riêng cho việc ăn uống trong các nhà hàng Trung Quốc. Đối với người Mỹ gốc Do Thái, ngày Giáng Sinh gợi lên những khao khát, không phải để nhấm nháp những quả trứng nhọn xung quanh đống lửa, mà là để chia sẻ những đĩa trứng cuộn giòn.
Giáng sinh của người Do Thái đã trở thành một truyền thống hàng năm cũng giống như ở khắp mọi nơi như kỷ niệm những đêm điên rồ. Nhưng làm thế nào mà việc ăn đồ ăn Trung Quốc vào Giáng sinh lại phát triển thành một tập quán được theo dõi rộng rãi như vậy trong cộng đồng Do Thái
Những lý do được hiểu rõ nhất qua lăng kính lịch sử và tôn giáo.Tất cả bắt nguồn từ đầu thế kỷ ở Lower East Side. Khu phố Manhattan chống lại khu phố Tàu, và vào đầu thế kỷ 20, khu vực trung tâm thành phố này tràn ngập dân số người Ý, người Do Thái Đông Âu và Trung Quốc. Đến năm 1910, thành phố đã có gần một triệu người Do Thái, khiến họ và người Mỹ gốc Hoa trở thành hai nhóm nhập cư ngoài Kitô giáo lớn nhất. Không chỉ hai dân số nhập cư được kết nối bởi khu vực chung của họ, mà cả hai thường bị tẩy chay vì niềm tin tôn giáo của họ không giống với phần còn lại của phong tục khu phố.
Hai nhóm này có nhiều điểm chung hơn những khu vực xung quanh họ; sự tương đồng giữa văn hóa Do Thái và Trung Quốc nhanh chóng trở nên rõ ràng, đặc biệt là trong thực phẩm. Người Do Thái tìm thấy sự phù hợp và chấp nhận tại các nhà hàng Trung Quốc, phần lớn là do thực phẩm kiểu Quảng Đông, vốn hiếm khi kết hợp với sữa. (Luật của người Do Thái nghiêm cấm việc trộn thịt và sữa.) Ngoài thịt lợn và sò ốc, thức ăn Trung Quốc được đón nhận trong ẩm thực Do Thái.
Cùng với thức ăn, những người nhập cư Do Thái và Trung Quốc thấy mình liên kết chặt chẽ hơn vì họ không tổ chức lễ Giáng sinh - một liên kết vẫn còn mạnh cho đến ngày nay. Các nhà hàng Trung Quốc ở New York có xu hướng mở cửa vào Chủ nhật và trong các ngày lễ Kitô giáo, vẫn là điểm đến cho những người Do Thái. Điều này đặc biệt xảy ra đối với người Mỹ gốc Do Thái vào ngày Giáng sinh khi gần như mọi doanh nghiệp đều ngừng hoạt động. Người Do Thái sẽ đến một nhà hàng Trung để ăn, đơn giản chỉ là chiếc bánh bao đầy đặn nhồi thịt bò và hẹ, người Hoa và người Do Thái ở Mỹ đã kết nối với nhau. Và xã hội và tôn giáo chính là chìa khóa cho sự kết hợp này
Hiện tượng ẩm thực đã phát triển mạnh mẽ và kéo dài trong những năm qua - từ đơn giản là một phong tục được thực hiện ở NYC đến truyền thống của dân tộc - một cơ hội để trải nghiệm gắp mì bằng đũa. Giáng sinh của người Do Thái không chỉ thể hiện mối quan hệ của người Do Thái đối với ẩm thực Trung Quốc, mà từ đó đã biến thành một thói quen về cuộc sống của người Do Thái ở Mỹ.
Nó cho thấy rằng dù nhập cư vẫn có thể dẫn đến sự phát triển của các truyền thống, phong tục và nghi lễ mới, phù hợp với một xã hội hiện đại và luôn thay đổi.
Nó chứng minh rằng sẽ luôn có một sự pha trộn vốn có của văn hóa và ẩm thực, bất chấp sự khác biệt bên ngoài. Và đó là một suy nghĩ rằng, người Do Thái thường cảm thấy giống người Do Thái Mỹ nhất khi họ ăn bánh xèo hành lá vào ngày Giáng sinh.
Năm 1985, tân tổng bí thư Mikhail Gorbachev mời Boris Yeltsin, bí thư Sverdlovsk (nay là Yekaterinburg) về Moscow. Chỉ trong vòng một năm, ông Yelsin vào Bộ Chính trị Đảng CS Liên Xô.
(Ảnh: Getty Images)
Là gương mặt trẻ, năng động, thậm chí nói thẳng tới mức bị cho là 'hung hăng', ông giúp Gorbachev thực hiện các chiến dịch chống tham nhũng.
Ngày nay người ta hay nói về Yeltsin và Gorbachev như hai nhân vật đối nghịch nhau, thậm chí là kẻ thù chính trị.
Nhưng thực ra họ có nhiều điểm giống nhau.
Cả hai cùng sinh năm 1931 và đều có gốc gác gia đình nông dân.
Họ cùng là cán bộ đảng chỉ ở cấp tỉnh của Nga, chưa phải là lãnh đạo một nước cộng hòa trước khi lên đỉnh cao quyền lực ở Moscow.
Cả hai lên chức trong làn sóng cải tổ nhằ̉m thay đổi Liên Xô đã được các nhân vật tiền nhiệm như Yuri Andropov tạo đà.
Nhưng Gorbachev đi vào lịch sử như vị tổng thống, “gây ra” sự tan rã của Liên Xô, còn Yeltsin lại là người đưa Nga trở về 'bản lai diện mục' của nó, cộng thêm thể chế dân chủ 'không hoàn hảo'.
Theo Anders Aslund, nhà nghiên cứu về Liên Xô viết khi Boris Yelstin qua đời năm 2007 thì nhà lãnh đạo đầu tiên của nước Nga hậu Liên Xô là con người mạnh mẽ.
“Ông như một con bò mộng, tự tin quá mức, đầy năng lượng, đầy vẻ hạnh phúc, thậm chí tới mức phát rồ.”
Vì nước Nga và chỉ có nước Nga!
Boris Yeltsin không tin vào Liên Xô nhưng yêu nước Nga, tổ quốc của ông.
Sinh ra ở làng Butka nhỏ bé bên rặng Ural, ông có truyền thống gia đình bị đầy ải thời Stalin.
Ông nội Ignaty Yeltsin bị quy là địa chủ (kulak) và đất đai, tài sản gia đình bị tịch thu.
Năm 1934, khi cậu bé Boris được ba tuổi thì cha đẻ là Nikolai bị bắt vì tội 'tuyên truyền chống nhà nước XHCN” và phải vào trại lao cải (Gulag).
Năm Boris được 7 tuổi thì cha ra tù và cả nhà dọn về thị trấn Berezniki.
Những ký ức này không làm cho Yeltsin mặn nồng với hệ thống chính trị Xô Viết mà luôn hướng ông về cội nguồn nước Nga của những người nông dân thuần phác nhưng sẵn sàng nội loạn.
Hồi nhỏ, vốn tính hay nghịch ngợm, Boris Yeltsin chơi lựu đạn và bị tai nạn, cụt hai ngón tay.
Tốt nghiệp bách khoa ở Sverdlovsk, ông lấy vợ là Naina Iosifovna Girina, lập nghiệp tại thành phố đó và có hai con gái.
Nổi tiếng là nhân vật quyết liệt ở vị trí bí thư Sverdlovsk, Boris Yetlsin được Gorbachev mời về Moscow và lao vào công tác chống tham nhũng.
Ông làm cả Bộ Chính trị choáng váng khi sa thải hơn 500 quan chức Đảng, Nhà nước.
Sức ì trong bộ máy và số kẻ thù ngày càng tăng khiến Yeltsin bị mất chức hai lần, trong hai năm liền 1987 và 1988.
Tổng thống Nga Boris Yeltsin tiếp Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của Clinton tới Moscow, Nga, ngày 12 tháng 1 năm 1994. (Ảnh: Getty Images)
Mikhail Gorbachev đã không chỉ ra tay cứu Yeltsin, mà vốn là người không quyết đoán, đã bỏ rơi Yeltsin sau các lần bất đồng quan điểm.
Họ khác nhau về tính cách và về cách đánh giá nhịp độ của cải cách và điều này đã khiến hai ông đi theo hai con đường khác hẳn nhau.
Năm 1989, Yeltsin ra tranh cử vào Quốc hội Liên Xô và được 90% số phiếu.
Vị ngọt của chiến thắng từ lá phiếu cử tri đã thay đổi Yeltsin và ông dần đi đến kết luận rằng bộ máy đã quá mục nát, cần nhận sự ủy nhiệm từ người dân, kể cả từ đường phố nếu cần.
Cách làm chính trị của Yelstin từ đó khác hẳn cuộc chơi muốn êm đẹp mọi bề của Gorbachev.
Nhưng một sức mạnh khác của Yeltsin là nhìn thấy trước tinh thần dân tộc của người Nga.
Dù nhiều thập kỷ họ là nước to nhất liên bang, và gánh vác trong vinh dự trách nhiệm kinh tế, quân sự của toàn Liên Xô, đến cuối thập niên 1980, nhiều người Nga thấy mệt mỏi.
Cuộc phiêu lưu ý thức hệ cũng không còn hấp dẫn với người Nga.
Ngay sau cuộc bầu cử quốc hội năm 1989, Yeltsin công khai phê phán cơ chế quyền lực bên trên là Liên Xô, gồm Đảng Cộng sản trên toàn liên bang, và người đứng đầu là Gorbachev.
Sức ép của phong trào tự quyết tại Nga là có thật và chính quyền Liên Xô đã phải nhượng bộ, cho phép tổ chức bầu cử chức tổng thống nước Nga, thuộc liên bang.
Tháng 6/1991, Boris Yeltsin ra ứng cử và giành gần 60% phiếu.
Gorbachev không dám ra tranh cử mà để cựu thủ tướng Liên Xô Nikolai Ryzhkov ra thay, để nhận được 17% phiếu.
Tình hình diễn biến rất nhanh và các cuộc bỏ phiếu khá tự do, tuy vẫn trong khuôn khổ Hiến pháp Liên Xô, khiến phe bảo thủ phải ra tay.
Boris Yeltsin phát biểu trong chuyến thăm thị trấn khai thác mỏ Vorkuta, Cộng hòa Komi, Nga, vào tháng 7 năm 1990. (Ảnh: Getty Images)
Yeltsin chống lại cuộc đảo chính
Ngày 18/08/1991, nhóm đảo chính của Chủ tịch KGB Vladimir Kryuchkov, Phó Tổng thống Gennady Yanayev, Bộ trưởng Quốc phòng Dmitri Yazov bắt giam vợ chồng Gorbachev tại nhà nghỉ ở Crimea.
Tại Moscow, họ tuyên bố Yanayev lên thay Gorbachev.
Điều họ không ngờ là Boris Yeltsin, tân tổng thống Nga, đã đi thẳng từ dinh tự Arkhangelskoye tới 'Nhà Trắng', và kêu gọi mọi công dân Nga chống lại phe đảo chính.
Tòa nhà bị bao vây và hàng nghìn dân Moscow đã kéo đến bảo vệ chính quyền, đối mặt với xe tăng.
Khi một đơn vị tăng của sư đoàn Taman tuyên bố đứng về phía chính quyền hợp pháp, Yeltsin trèo lên tháp xe, ra lời hiệu triệu toàn dân, khiến đặc công của sư đoàn Tula cũng nghe theo.
Sư đoàn trưởng, tướng Alexander Rutskoi và tướng Konstantin Kobets, chủ tịch Ủy ban Cải cách của Xô Viết tối cao thuộc nước Nga lên tiếng bảo vệ Yeltsin.
Đêm ngày 20 sang sáng 21/08, cuộc đảo chính tan vỡ. Ngay sau đó, Boris Yeltsin ra sắc lệnh của tổng thống Nga cấm Đảng CS Liên Xô và tịch biên mọi tài sản của đảng này.
Ngày nay nhìn lại, các sử gia cho rằng nhóm gây ra đảo chính tháng 8/1991 là những người không có viễn kiến, không hiểu lòng dân nghĩ gì, thậm chí yếu kém về tinh thần, chao đảo.
Một nhân vật chính của cuộc lật đổ say khướt trong ba ngày 'chiếm chính quyền' vì sợ. Một người khác, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nikolai Kruchina, đã tự sát khi thất bại.
Điều kỳ quái nhất là khi cuộc đảo chính tan rã, tướng Vladimir Kryuchkov, lãnh đạo KGB, đã bay tới Crimea để xin gặp Gorbachev, người bị họ cầm giữ.
Gorbachev từ chối và lên máy bay do Yeltsin cử tới để về Moscow. Cả nhóm đảo chính bị bắt và kết tội phản quốc.
Boris Yeltsin với gia đình ở Moscow, Nga. Từ trái: Con gái Boris Tatiana Dyachenko cùng các con, Boris Yeltsin với vợ Naina Yeltsina, con gái Boris Elena Okulova, chồng Valery Okulov. (Ảnh: Getty Images)
Chia rẽ Yeltsin-Gorbachev
Thế nhưng con đường của Yeltsin và Gorbachev ngày càng tách ra.
Lực ly tâm và chủ nghĩa dân tộc dâng lên khiến cuối 1991 các nước cộng hòa tuyên bố tách Liên Xô: Belarus trong tháng 8, Ukraine tháng 12, theo sau là Kazakhstan và các nước khác.
Ngày 8/12, Yeltsin cùng lãnh đạo Ukraine, Belarus ký thỏa thuận Belavezha, lập Cộng đồng các nước Độc lập.
Mấy hôm sau Quốc hội Nga thông qua thỏa thuận, coi Nga không còn thuộc Liên Xô.
Ngày 11/12/1991, Yeltsin mời các tướng lĩnh Bộ Quốc phòng Liên Xô đến gặp và thuyết phục họ rời bỏ bộ máy Liên Xô 'về với dân tộc Nga'.
Một ngày trước đó, chính Gorbachev đã cố gắng khuyên các tướng lĩnh hãy ở lại với Liên Xô. Kết cục là họ nghe theo Yeltsin.
Ngày 24/12, Nga tuyên bố tiếp quản vị trí của Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc.
Ngày hôm sau, Gorbachev từ chức khỏi vị trí chỉ còn là hình thức, chức Tổng thống Liên Xô.
Quốc gia này chính thức chấm dứt tồn tại.
Theo Archie Brown viết trong cuốn 'The Rise and Fall of Communism' (2009) thì các vấn đề dân tộc, gồm cả chủ nghĩa dân tộc Nga đã tồn tại từ lâu ở Liên Xô.
Các nhà lãnh đạo Liên Xô biết điều đó và "đổ rất nhiều công sức để quảng bá cho tính siêu dân tộc (supra-national) của Liên Xô", nhưng đến Yeltsin thì vòng quay của lịch sử đã khác.
"Càng giành nhiều quyền cho nước Nga, Yeltsin càng dùng lá bài Nga để chống lại chính quyền Liên Xô và đặc biệt là chống Gorbachev."
Trên thực tế, Yeltsin ngay từ tháng 5/1990 đã tuyên bố "luật Nga có quyền cao hơn luật Liên Xô", và ông đã "đóng vai trò chủ chốt để phá vỡ Liên Xô", theo sử gia Archie Brown.
Dù có công đưa nước Nga vào con đường dân chủ đại nghị, lần đầu trong lịch sử 1000 năm của nước này, Boris Yeltsin đã để lại di sản nhiều tranh cãi.
Theo Anders Aslund thì ông là 'người anh hùng có khiếm khuyết' (a flawed hero).
Các cải cách không được chuẩn bị kỹ của Yeltsin gây ra khủng hoảng kinh tế khủng khiếp cho Nga, và sinh ra tầng lớp siêu tài phiệt oligarch.
Có lúc đồng ruble đã mất giá từ 400 ăn một USD xuống gần 4,000/USD khiến Yeltsin phải ký sắc lệnh 'phục hồi' tiền tiết kiệm trong tài khoản của dân Nga để họ không bị đói.
Ngoài các vấn đề như lạm phát phi mã, mức sống xuống thấp, cuộc đấu tranh chính trị tại Nga đem tới thách thức trực diện cho Yeltsin bằng cuộc chính biến thứ nhì.
Tháng 10/1993 quân đội của Phó Tổng thống, tướng Alexander Rutskoi chiếm cơ quan chính quyền Moscow và đài truyền hình Ostankino, tuyên bố Yeltsin đã mất quyền.
Một lần nữa Yeltsin vượt qua nhờ sự ủng hộ của người dân và các đảng phái dân chủ, và phe nổi loạn bị bắt nhưng ông ngày càng đi vào đường lối độc đoán.
Không chỉ liên tục sa thải các thủ tướng, bộ trưởng để cứu vãn kinh tế, Yeltsin còn mắc bệnh nghiện rượu, gây xấu hổ cho nước Nga khi Yeltsin công du quốc tế.
Cuộc chiến tàn bạo ở Chechnya ṭừ 1994 chống lại chủ nghĩa dân tộc, thế lực tương tự đưa Yeltsin lên đỉnh cao quyền lực, đã gây ra cái chết của hàng vạn thường dân Chechnya.
Sự hy sinh không nhỏ của lính Nga khiến vợ chồng tổng thống Yeltsin bị dân chửi rủa công khai trong một chuyến thăm địa phương.
Năm 1995 ông bị nhồi máu cơ tim hai lần và đến năm 1996 đã phải mổ tim, không lâu sau khi tái đắc cử tổng thống.
Năm 1998, tài chính công của Nga hoàn toàn sụp đổ cùng khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Sức khoẻ Yeltsin tiếp tục đi xuống.
Tuy thế, Yeltsin lên truyền hình nói thẳng rằng ông sẽ không từ chức, và “không ai đẩy được ông đi”, vì “với tính cách của tôi thì đó là điều không ai làm nổi,” ông nói.
Nhưng vào ngày cuối cùng của năm 1999, ông lên truyền hình bất ngờ tuyên bố từ chức và chỉ định Vladimir Putin làm quyền tổng thống.
Nước Nga bước sang một thời kỳ khác.
Một ngày tháng 4/2007, Boris Yeltsin qua đời vì bệnh tim và được Tổng thống Vladimir Putin cho tổ chức quốc tang.
Người Nga ngày nay vẫn còn chia rẽ trong đánh giá về di sản của Yelstin.
Còn sách báo Phương Tây gọi ông là chính trị gia 'không hoàn hảo' nhưng đã đem nền dân chủ cũng chưa hoàn hảo đến cho dân Nga lần đầu trong lịch sử 1000 năm của họ.
Vấn nạn tham nhũng, hối lộ luôn là đề tài tốn khá nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu, nhà báo, thậm chí cả người dân bình thường. Lật lại lịch sử ta mới thấy, dưới thời phong kiến, nước ta cũng từng có những vụ việc động trời được sử sách ghi lại.
Minh họa
Hối lộ để đánh tráo ngôi vua thời Lý
Thái phó Tô Hiến Thành (1102-1179) là bậc hiền thần dưới thời vua Lý Anh Tông, văn võ song toàn, từng có công đánh dẹp Ai Lao, Chân Lạp, một số cuộc nổi loạn trong nước. Ông sớm được phong chức lớn và rất được tin dùng. Vua Lý Anh Tông khi sắp mất, đã giao thái tử Long Cán cho ông. Tô Hiến Thành được quyền thay vua nhỏ tuổi nhiếp chính.
Bấy giờ, Đỗ thái hậu muốn phế Long Cán để lập con trai lên làm vua, bèn đem một mâm vàng bạc đưa cho vợ của Tô Hiến Thành. Biết chuyện, Tô Hiến Thành nói rằng: "Ta là đại thần nhận mệnh của tiên tổ, lo giúp đỡ vua còn bé, nay lại lấy của đút mà làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng".
Thái hậu lại gọi Tô Hiến Thành đến thuyết phục nhưng ông vẫn một mực nói: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm, huống chi lời của tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quan hay sao? Thần không dám vâng lệnh”.
Âm mưu phế lập của thái hậu không thành, bà ta vẫn chưa chịu từ bỏ. Năm 1778, khi hết quốc tang, Đỗ thái hậu lại ban yến cho quần thần ở điện của mình và dụ rằng: “Hiện nay, tiên đế đã chầu trời, vua nối ngôi thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương Bắc quấy nhiễu. Các khanh chịu ơn nặng của triều đình, nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì bằng lập lại thái tử, để vận nước được lâu dài, lòng dân được yên”.
Các quan đều chắp tay tâu: “Thái phó nhận mệnh rõ ràng của thiên tử, bệ hạ cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi, bọn thần không dám trái mệnh”. Tô Hiến Thành lúc bấy giờ lãnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, quần thần lẫn người trong nước đều hết sức nể phục. Quan liêm nên vụ hối lộ không thành.
Vua mất mạng vì bề tôi tham nhũng
Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", năm 1376, chúa Chiêm Thành là Chế Bồng Nga mang quân sang quấy rối biên giới Đại Việt. Vua Trần Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đem quân đi đánh. Chế Bồng Nga dâng 10 mâm vàng xin cầu hòa.
Nhận sính lễ cầu hòa của địch, lòng tham làm mờ mắt viên hành khiển họ Đỗ. Thay vì tâu lên vua, ông ta giấu đi, làm của riêng mình, rồi nói dối vua Chế Bồng Nga kiêu ngạo, khinh nhờn, vô lễ, khuyên vua nên đem quân đi đánh. Nghe lời, vua Trần Duệ Tông quyết tâm thân chinh.
Cuối năm 1376, Trần Duệ Tông dẫn 12.000 quân đánh Chiêm Thành. Đầu năm 1377, quân Trần tiến đến cửa Thi Nại của Chiêm Thành, lên đến Thạch Kiều, chuẩn bị tiến vào kinh thành Đồ Bàn nước Chiêm.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành Đồ Bàn, sai viên quan nhỏ Mục Bà Ma đến trá hàng, nói dối Duệ Tông là Bồng Nga đã chạy trốn, chỉ còn thành không, nên tiến quân gấp.
Trúng kế địch, là người nóng nảy, vua Duệ Tông muốn tiến quân ngay. Đại tướng Đỗ Lễ can ngăn không được. Vua thúc quân tiến nhanh vào thành, "quân lính nối gót nhau như xâu cá mà đi. Cánh quân đi trước và cánh quân ở sau hoàn toàn cách biệt".
Thấy quân Trần rơi vào ổ phục kích, quân Chiêm Thành tứ phía đổ ra đánh. Quân Đại Việt không chống cự nổi, vua Trần Duệ Tông bị hãm trong vòng vây, trúng tên tử trận, trở thành vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam tử trận. Trốn thoát trở về, Đỗ Tử Bình bị thượng hoàng Trần Nghệ Tông bắt, bỏ trong xe tù, dong đi khắp phố. Khi Tử Bình về qua phủ Thiên Trường, người dân đua nhau chửi mắng, lấy gạch ngói ném vào xe tù.
"Đại Việt sử ký toàn thư" có phần viết về Đỗ Tử Bình: “Nước đến khi sắp mất, tất nhiên trời sinh ra một người để phá hoại. Việc Tử Bình được tiến cử, là lúc mối hấn khích ở biên giới Nhật Nam đã chớm nảy nở, nguy cơ tai họa của Duệ Tông đã ngấm ngầm phục sẵn, mà từ đó, dần dần gây ra mối suy sụp cho cơ nghiệp nhà Trần”.
17 viên quan nhận án tử vì ăn của đút lót
Tháng 12/1854, thương nhân nước ngoài tố giác nhiều quan lại triều đình ăn đút lót của thuyền buôn ngoại quốc ở Quảng Nam. Vua Tự Đức lập tức phái quan Quản viện đô sát cầm đầu đoàn thanh tra triều đình đến Quảng Nam điều tra làm rõ. Kết quả, những tố giác là có thật.
Án được trình lên, chiếu theo Hoàng Việt luật lệ, 17 người bị xử tội giảo giam hậu (bắt thắt cổ chết nhưng còn tạm giam đợi lệnh), 25 người bị tội lưu đày, 12 người bị tội làm lao dịch, 8 người bị phạt đánh gậy và cách chức.
Trong vụ án này, nhiều quan lớn bị kết tội như Tham tri Bộ Hộ Phan Tĩnh, nguyên Bố chánh Đào Trí Phú, nguyên đốc học Phan Bật chia nhau 60 lạng bạc bị tội lưu đày. Tri phủ Điện Bàn là Nguyễn Bá Đôn ăn hối lộ 12 lạng bạc, án sát Đặng Kham nhận đút lót 82 lạng bạc. Sau khi bị bắt giam, Đặng Kham lâm bệnh chết trong tù. Theo các tài liệu lịch sử lưu lại, đây là vụ án xử tội nhận hối lộ lớn nhất ở nước ta thời kỳ phong kiến.