Wednesday, May 31, 2023

NGẪM CHUYỆN HỒI XƯA

Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp. Tháng 6 năm đó vua Bảo Đại ban hành chương trình cải cách giáo dục. Chương trình này do giáo sư Hoàng Xuân Hãn, bộ trưởng Giáo dục và Mỹ Thuật thời đó chủ trì.

Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) – Làm bằng cái tâm, bằng cả tấm lòng với sự nghiệp giáo dục, ai mà nói nổi.

Chương trình được soạn thảo chưa đầy 3 tháng với một hội đồng biên soạn đâu đó chỉ gồm 13 hay 14 vị chuyên viên. Chẳng cần dạy nháp hay dạy thí điểm, cũng chẳng cần chờ xin ý kiến thủ tướng (lúc đó là ông Trần Trọng Kim) hay hoàng đế gì cả, chương trình cứ thế đem áp dụng luôn, và áp dụng ngay cho khóa thi tú tài năm đó, niên khóa 1944- 1945. Đây là khóa thi tú tài bằng tiếng Việt đầu tiên của chương trình trung học Việt Nam, trước đó học và thi tú tài bằng tiếng Pháp. Chương trình này được giới chức sau này gọi là “chương trình Hoàng Xuân Hãn” để ghi nhớ người chủ trì.

Những tháng đầu tiên sau tháng 8/1945, cũng như trong giai đoạn kháng chiến, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng áp dụng chương trình Hoàng Xuân Hãn có sửa đổi lại đôi chút để đáp ứng với tình thế “cấp bách và khó khăn”. Mãi tới niên khóa 1951-1952 mới thay thế bằng chương trình phổ thông 9 năm, và từ niên khóa 1956-1957 đổi thành 10 năm. Kể từ niên khóa 1981 -1982 miền Bắc mới quay lại chương trình 12 năm.

Ở các vùng Pháp chiếm cũng áp dụng chương trình Hoàng Xuân Hãn, sửa đổi đôi chút ở các môn Việt văn, sử địa, công dân, còn các môn khoa học thì vẫn giữ nguyên.


Sau năm 1954, ở miền Nam, chương trình Hoàng Xuân Hãn vẫn được xem là bộ khung để sửa đổi, cập nhật, kể cả các môn khoa học cho phát triển chung. Hệ 12 năm vẫn duy trì cho bậc giáo dục phổ thông, phân ban ở đệ nhị cấp (cấp 3 bây giờ), với

  • Ban A (Lý hóa-Vạn vật)
  • Ban B (Toán-Lý hóa)
  • Ban C (Ngoại ngữ- Văn chương/ Triết cho lớp 12), và
  • Ban D (Cổ ngữ và Văn chương/ Triết). Cổ ngữ có thể là Hán văn hoặc Latin

Điều thấy rõ ở miền Nam sau năm 1954 là thể chế thi cử ngày càng nhẹ. Mới đầu là bỏ thi vấn đáp ở kỳ thi trung học đệ nhất cấp (cấp 2 bây giờ) từ năm 1959, và rồi bỏ luôn thi vấn đáp ở đệ nhị cấp (cấp 3).

Kể từ niên khóa 1962- 1963, miền Nam bỏ thi tiểu học. Năm 1967 bỏ thi trung học đệ nhất cấp (tốt nghiệp cấp 2 bây giờ), và sau cùng năm 1974 bỏ luôn thi tú tài 1 (lớp 11)


Như vậy từ niên khóa 1973-74, từ lớp 1 cho đến lớp 12 học sinh chỉ còn qua một kỳ thi duy nhất, đó là thi tú tài, và thi bằng trắc nghiệm khách quan cho tất cả các môn. Học bao nhiêu môn, thi bằng đó môn. Mỗi môn có bao nhiêu chương, bao nhiều bài phải thi hết, không kỳ kèo thêm bớt gì cả, và phải thi đủ hai ngoại ngữ.

Hệ số các môn thi tùy vào phân ban mà học sinh chọn, thấp nhất là hệ số 1, và cao nhất là hệ số 5. Chẳng hạn theo ban B Toán-Lý hóa), thì toán hệ số 5, lý hóa hệ số 4, triết hệ số 2,.. còn theo ban C (Ngoại ngữ- Văn chương) thì môn triết hệ số 4, toán và lý hóa hệ số 1,.. Chương trình học cho mỗi ban cũng khác nhau, chẳng hạn ban B, môn Toán rất nặng và dài, và môn Triết chỉ học Luận lý học và Đạo Đức học, nhưng ban C, môn Toán chỉ học một quyển sách toán mỏng tanh, còn triết học phải học 4 môn gồm, Luận lý, Đạo Đức, Tâm lý và Siêu hình học.

Điều đáng chú ý là môn Sử – Địa – Công dân thi chung và tính hệ số 3. Có thể hiểu, mỗi môn Sử, Địa và Công dân hệ số 1 cũng được. Vì vậy, đừng tưởng ta đây giỏi toán mà đã ngon, gãy môn triết, sử địa, công dân chắc gì đã lấy nổi bằng tú tài.

Xét theo kết quả thi cử, học sinh thời đó chắc là học… dốt hơn học sinh bây giờ, vì thi tú tài chỉ đậu cỡ 15 – 20 %. Trong đó hơn 80% là đậu hạng Thứ (điểm trung bình tương đương 5/10 bây giờ), đậu hạng Bình Thứ (6/10) là ngon rồi. Còn hạng Bình (7/10), và Ưu (8/10) thuộc loại hàng hiếm. Ai theo ban C (Văn/Triết-Ngoại ngữ) mà đậu hạng Bình Thứ thì thuộc loại… quái kiệt


Tính ra chương trình Hoàng Xuân Hãn soạn thảo trong 3 tháng với 13 chuyên viên “thọ” được 9 năm, nhưng ảnh hưởng của nó trên hệ thống giáo dục ở Miền Nam kéo dài đến năm 1975. Không biết nên gọi đó là cuộc cải cách hay cách mạng giáo dục? Khi chương trình được áp dụng, chẳng thấy ai ý kiến ý cò gì, chẳng lẽ hồi đó không có tự do báo chí? Làm bằng cái tâm, bằng cả tấm lòng với sự nghiệp giáo dục, ai mà nói nổi.

Bây giờ, cải cách giáo dục tốn ngàn tỉ, soạn sách giáo khoa thì cả hội đồng toàn là các bậc đại khoa. Còn tú tài chỉ cần thi vài môn, đậu trên 90%, nhưng triết lý giáo dục là gì, tôi không biết.

 (*) Một số dữ liệu trong bài có tham khảo trong quyển “ Khoa cử và Giáo dục Việt Nam” của Nguyễn Q. Thắng, NXB Văn hóa Thông tin, 1994

Vũ Thế Thành
Theo: Sài Gòn Thập Cẩm
Link tham khảo:

No comments: