Saturday, May 20, 2023

TỰ THUẬT (2) - NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

Khu Di tích Lăng mộ Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu

TỰ THUẬT (2) - NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

Chiều chiều lại nhớ đến chiều chiều,
Cám cảnh giang sơn biết bấy nhiêu!
Dấu cũ gò bằng nền Hạ Vũ,
Phép xưa khuôn trái luật Đường Nghiêu.
Hứa Do ngơ mắt làm thằng mục,
Sào Phủ nghiêng tai giả chú tiều.
Thế vạy răn mình đừng có vạy,
Cờ mao chống chỏi chớ cho xiêu.

Nguồn: Nguyễn Đình Chiểu - Tác phẩm chọn lọc, Phạm Văn Ánh giới thiệu và tuyển chọn, tr. 37, NXB Giáo dục Việt nam, 2009.

Tượng chân dung nhà thơ

Tiểu sử cụ Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu 阮廷沼 (1822 - 1888) là một nhà thơ, nhà văn hóa cận đại của Việt Nam.

Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai. Sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822, tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).

Cha ông tên Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, (nay là xã Phong An, huyện Phong Điền, TT-Huế), là thư lại Văn hàn ty của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mẹ là Trương Thị Thiệt, người làng Thanh Ba, huyện Phước Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Gia Định.

Tuổi niên thiếu, Nguyễn Đình Chiểu từng chứng kiến cảnh loạn lạc của xã hội lúc bấy giờ, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi tại Gia Định. Cuộc nổi dậy này đã khiến cha ông bỏ trốn ra Huế rồi bị cách chức. Năm 1833 cha ông trở vào Nam, đem ông ra gửi cho một người bạn ở Huế để tiếp tục việc học. Nguyễn Đình Chiểu sống ở Huế từ 12 đến 19 tuổi.

Năm 1843 ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định, đúng vào năm 21 tuổi. Khi ấy, có một nhà họ Võ hứa gả con gái cho ông.
 
Năm 1847 ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849. Nhưng chưa kịp thi thì được tin mẹ mất tại Sài Gòn (1849). Trên đường trở về chịu tang mẹ, vì thời tiết thất thường, vất vả và khóc thương nhiều nên ông bị bệnh rồi mù cả đôi mắt. Trong thời gian nghỉ lại Quảng Nam chữa bệnh, tuy bệnh không hết, nhưng ông đã được vị danh y truyền dạy nghề thuốc.


Đui mù, mất mẹ, hôn thê bội ước, cảnh nhà sa sút... ông đóng cửa chịu tang cho đến năm 1851, ông mới mở trường dạy học và làm thuốc.

Năm 1854, một người học trò tên là Lê Tăng Quýnh vì cảm phục và mến thương ông, nên đã xin gia đình gả cô em gái thứ năm của mình tên là Lê Thị Điền (1835 - 1886), người Cần Giuộc (Long An), cho thầy.

Kể từ đó, gần chục năm sau, ngoài đôi việc trên ông còn sáng tác truyện thơ Lục Vân Tiên và Dương Từ - Hà Mậu, để gửi gắm tình ý cùng hoài bão của mình.

Ngày 17 tháng 2 năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định. Ông cùng gia đình chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc. Cũng tại nơi đây, ông đã sáng tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, được nhiều người đánh giá cao.

Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng bị chiếm đóng, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Tại đây, ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và các lực lượng kháng chiến; từ chối trước mọi cám dỗ của đối phương.

Thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác nhiều thơ văn bi tráng nhất, tiếc thương những đồng bào, bạn bè, nghĩa sĩ đã mất.

Phần mộ

Ngày 3 tháng 7 năm 1888, ông mất tại Ba Tri, Bến Tre. Người ta kể lại rằng ngày đưa đi an táng, cả cánh đồng An Bình Đông, nay là An Đức, trắng xóa khăn tang của những người mến mộ ông.

Nguồn: Thi Viện

No comments: