Mikhail Gorbachev, Raisa Gorbachova (giữa) và Margaret Thatcher trong một chuyến thăm London năm 1989. (Ảnh: Getty Images)
Không còn đặt tay được vào chai vodka yêu quý, đàn ông Nga nổi loạn, đình công, khiến kinh tế tan rã...và hệ thống chính trị cũng đổ theo, thuyết này nói vậy.
Trên thực tế, theo bài trên tờ Irish Times ngày bà Raisa qua đời vào tháng 9/1999, đúng là bà có “gây ra khủng hoảng rượu vodka” ở Liên Xô năm 1987, nhưng là vì các lý do khác, và đem lại hậu quả khác.
Raisa Gorbacheva muốn chống nạn nát rượu để bảo vệ phụ nữ Liên Xô vốn thường là nạn nhân của các ma men, ở nhà và nơi công sở.
Bà còn giúp chồng soạn diễn văn, đưa các quy định bảo vệ sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ Liên Xô lần đầu tiên vào luật.
Các tài liệu giải mật sau này cho hay Raisa Gorbacheva đã soạn cả phần diễn văn của chồng về phụ nữ trước Đại hội Đảng CS Liên Xô (CPSU) lần thứ 27 vào năm 1987.
Lệnh cấm uống rượu trong nhà máy, công xưởng và tăng giá vodka đã gây sốc cho cả nước.
Việc tăng giá rượu còn có mục tiêu cân bằng giá nhà nước với giá chợ đen vốn là vấn đề nảy sinh từ ngày Liên Xô lập quốc.
Nhưng hai vợ chồng ông bà Gorbachev với cuộc sống cao sang của họ đã không hình dung được mức độ 'sáng tạo' của người dân.
Vẫn tờ Irish Times viết: “Lệnh cấm uống rượu nơi công xưởng ban đầu có làm nạn vắng mặt (vì say) giảm đi, năng suất lao động có tăng đôi chút.”
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, “đường biến mất nhanh chóng khỏi cửa hàng”, vì dân Nga mua đường về nấu rượu lậu.
Thiếu đường, cuộc khủng hoảng rượu vodka tạo ra khủng hoảng trong bếp của các bà nội trợ Liên Xô, và họ bất bình với Raisa Gorbacheva.
Raisa Gorbacheva. (Ảnh: Getty Images)
Người tri kỷ và luôn cạnh chồng như hình với bóng
Sinh năm 1932 ở vùng Siberia, Raisa Maximovna Titarenko về ĐH Tổng hợp Moscow học triết và xã hội học.
Đây là bước thăng tiến lớn với cô sinh viên sinh ra và lớn lên ở Rubtsovsk, thành phố nhỏ gần biên giới với Mông Cổ, cách thủ đô Liên Xô gần 3000 km.
Nhưng sự thăng tiến lớn hơn đến với Raisa khi bà cùng chồng về Stavropol ở miền Nam Nga, nơi ông Gorbachev nắm vị trí quyền lực là bí thư đảng.
Tại đây, Raisa sinh con gái Irina. Năm 1978, chồng bà vào Trung ương Đảng CSLX và họ chuyển về Moscow.
Năm 1985, Gorbachev lên làm Tổng bí thư Đảng và bà trở thành 'đệ nhất phu nhân' không chính thức của Liên Xô, theo cách gọi của các báo Phương Tây .
Còn ở Liên Xô không có khái niệm đệ nhất phu nhân, và cũng không có quy định gì về vai trò của bà.
Raisa Gorbacheva luôn sát cánh bên chồng, tổng bí thư Gorbachev. (Ảnh: Getty Images)
Thực tế thì Raisa Gorbacheva đã tham gia vào gần như tất cả các quyết định chính trị của chồng.
Chính Mikhail Gorbachev xác nhận điều ấy trong một cuộc trả lời phỏng vấn với đài Mỹ NBC, làm cả Liên Xô choáng váng và Bộ Chính trị phải họp để...tìm cách đối phó.
Bởi lịch sử Liên Xô nhắc nhiều đến vợ của Lenin là Nadezhda Krupskaya nhưng đó là chuyện quá khứ, còn qua các đời lãnh đạo cao nhất tới Gorbachev vợ của lãnh tụ luôn vắng bóng khỏi sinh hoạt chính trị nhà nước.
Nước Nga tự hào là có thể chế 'siêu bình đẳng' xã hội chủ nghĩa, trên thực chất là xã hội của quyền lực đàn ông, và sự xuất hiện của Raisa đã làm cả phụ nữ và đàn ông khó chịu.
Phụ nữ Liên Xô ghen tị với bà bởi trang phục của Raisa là hàng hiệu từ Paris và bà không che dấu điều đó.
Năm 1986, Raisa Gorbacheva khai trương cuộc triển lãm thời trang đầu tiên của Yves Saint-Laurent ở Moscow, và bà thường dùng cả hàng của Pierre Cardin.
Kinh khủng hơn, Đệ nhất phu nhân Liên Xô công khai dùng thẻ tín dụng, điều từng bị tuyên truyền những năm xa xưa của hệ thống XHCN cho là 'xấu xa'.
Nhưng Raisa đã cải thiện hình ảnh quốc tế cho chồng và cho hệ thống chính trị Liên Xô ở mức độ chưa một phụ nữ Nga nào làm được trong cả thế kỷ 20.
Sự xuất hiện của bà tại các thủ đô Phương Tây và bên cạnh Gorbachev ở cuộc gặp lần đầu với Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và đệ nhất phu nhân Nancy ở Geneva tháng 11/1985 xóa đi hình ảnh “những người Nga lạc hậu”.
(Ảnh: Getty Images)
Cuộc hội kiến ở Geneva được gọi là thượng đỉnh chính trị nhưng thực ra chẳng có ai thảo luận gì về quan hệ song phương, vì căng thẳng Washington-Moscow vẫn còn rất cao.
Tuy thế, báo chí Phương Tây gọi đây là 'Tea Summit' (Thượng đỉnh tiệc trà) vì Raisa Gorbacheva đã mời hai ông bà Reagan dùng trà bằng ấm samovar kiểu Nga ở Đại sứ quán Liên Xô.
Khái niệm 'Chiến tranh Lạnh, Trà nóng' (Cold War, Hot Tea) ra đời, đánh dấu bước đầu của hòa hoãn, giải trừ vũ khí hạt nhân ở châu Âu, làm hàng trăm triệu người châu Âu có hy vọng hòa bình sau nhiều năm đối đầu.
Ở đây, công lao 'ngoại giao mềm mại' của Raisa Gorbacheva được nhiều nước ghi nhận.
Người ta nói đùa rằng Liên Xô đã có một 'nữ ngoại trưởng khả ái', đầy nhân tính, không cần đến Bộ trưởng Ngoại giao Andrei Gromyko luôn 'khó đăm đăm'.
Ngày nay nhìn lại, việc một số tờ báo coi bà là người 'dẫn dắt chính sách của Liên Xô' (the first lady who guided policy in the Soviet Union) xem ra có phần phóng đại.
Một nguồn tin khả tín báo chí tiếng Anh có được về vợ chồng Gorbachev là của sử gia William Taubman cho thấy Raisa Gorbacheva có vai trò lớn như chỗ dựa tinh thần và sự ủng hộ trí tuệ của Mikhail Gorbachev.
(Ảnh: Getty Images)
Nhiều giờ phỏng vấn của Taubman, giáo sư Amherst College và vợ ông, Jane, người là giảng viên tiếng Nga chuyên nghiệp, thực hiện với Gorbachev trong nhiều năm liền cho thấy Gorbachev đã dũng cảm đi tiếp trên con đường cải tổ vì không có nỗi sợ bị hạ bệ như Nikita Khrushchev.
Theo Taubman, chính Raisa Gorbacheva đã cho chồng niềm tin là họ có thể thay đổi Liên Xô và nước Nga.
Niềm tin này có từ gia đình họ, những người từng trải qua cuộc thanh trừng thời Stalin và muốn Nga trở lại với lý tưởng ban đầu của cuộc cách mạng, khi quyền lực thuộc về các hội đồng Soviet của công nông, binh lính chứ không phải thuộc về bộ máy quan liêu Stalin xây dựng nên.
Vẫn theo cách giải thích của Taubman, các cải tổ mở rộng dân chủ trong Đảng và tiếp đến là mở quyền lực Đảng ra bên ngoài, cho phép bầu cử cấp địa phương để trở về với các Soviet như thời kỳ trong sáng ban đầu đã phá vỡ bộ máy Liên Xô, điều cả Raisa và Mikhail Gorbachev không hình dung ra được.
Liên Xô sụp đổ vì một phụ nữ?
Ngày nay tại nước Nga có thuyết đổ lỗi cho Gorbachev 'làm Liên Xô sụp đổ' vì ngây thơ, tin vào Phương Tây trong khi Washington có âm mưu phá hoại. Và hiển nhiên, Raisa Gorbacheva 'có phần' trong việc này.
Tuy thế, các sử liệu mới nhất, như của Jonathan Haslam (Russia's Cold War: From the October Revolution to the Fall of the Wall - 2011), bác bỏ cách suy diễn giản đơn như thế.
Ronald Reagan không có kế hoạch gì nhằm phá hoại Liên Xô, và George Bush (cha) còn sang Kiev và Moscow tháng 7/1991 kêu gọi các nhà lãnh đạo địa phương cho Gorbachev thêm thời gian để cải tổ Liên Xô.
Ở cả hai nơi Tổng thống Bush nhận được sự đón tiếp lạnh nhạt, nhất là từ Boris Yeltsin, người một năm trước đã bỏ Đảng cộng sản và vừa trúng cử tổng thống Nga.
Yeltsin muốn Nga trở thành thế lực riêng, vứt bỏ cái vỏ Liên Xô.
(Ảnh: Getty Images)
Các diễn biến lịch sử nhanh chóng sau đó đã hạ bệ Gorbachev.
Raisa Gorbacheva bị đột quỵ nhưng qua khỏi khi hai vợ chồng họ bị phe đảo chính tạm giam ở khu nghỉ mát của Trung ương Đảng ở Crimea tháng 8/1991.
Cuối năm đó, ông Gorbachev từ chức.
Bà Raisa thực sự không phục hồi sức khoẻ hoàn toàn và sau này lại mắc bệnh máu trắng.
Năm 1999, Raisa Gorbacheva qua đời khi đang điều trị tại Đức.
Cuộc chiến chống lại bệnh tật, kéo dài nhiều năm của bà đã khôi phục tình cảm của hàng triệu người Nga với Đệ nhất phu nhân cuối cùng của Liên Xô.
Trong các phỏng vấn gần đây nhất về Liên Xô cũ, Mikhail Gorbachev luôn nhắc đến người vợ, chỗ dựa cho cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Theo: BBC Tiếng Việt (03/12/2020)
Link tham khảo: