Sunday, July 31, 2016

EMPURAU: CÁ CÓ GIÁ TRỊ NHƯ VÀNG


Với giá 1.000 RM (tương đương 327 USD) một bữa ăn một ký, liệu bạn có lảng tránh món cá empurau nấu cà ri? Thật lạ lùng, cách nấu nướng này dường như mang lại sự kết hợp hoàn hảo nhất cho mùi vị của cá.
Hãy tưởng tượng bạn phải trả ít nhất 1.000 Ringgit Malaysia cho món cá hấp hay cá nấu cà ri! Nhưng không phải cho bất kỳ loài cá nào.
Khi con cá nói tới là empurau, không có giá nào là quá cao; không có người hâm mộ nào của nó nghĩ là giá quá đắt!

Cá empurau (Tor tambroides) là cá đắt nhất ổ Sarawak và có lý do hợp lý. Theo trưởng đầu bếp Liou Chong Yaw của Four Points cạnh khách sạn Sheraton ở Kuching, nó được đánh giá cao vì thịt ngọt mềm.
Đây là con cá khó kiếm, kết hợp với nhu cầu cao, cùng giải thích tại sao cá empurau có thể bán được 400 RM đến 450 RM một ký, trong khi ở các nhà hàng nó được bán với giá ngất ngưởng lên tới 1.000 RM hoặc hơn.
Là loài cá bản địa ở Sarawak, empurau có thể được phát hiện ở thượng nguồn của các con sông chính như Rajang, Baram, Limbang và Batang Ai. Thường nó sống ở các dòng suối có đáy đá, nước trong, chảy mạnh và ăn các bộ phận cây như lá, trái và hoa, những thành phần này được nghĩ là cung cấp mùi vị thơm ngon cho nó.
Nhà khoa học địa phương, tiến sĩ Elli Luhat, người nghiên cứu cá empurau trong 6 năm, nói loài cá này thích nước lạnh, sạch và với lượng ô xy hòa tan đầy đủ.

Empurau ăn chủ yếu là trái cây và cây cỏ, ông nói. “Nó ăn trái cây dại như engkabang và ensurai mọc bên bờ sông. Nó cũng ăn tảo. Loại thực phẩm nó ăn cũng như môi trường sống xung quanh có lẽ tạo nên hương vị của nó”.
Theo tiến sĩ Luhat, empurau hiện giờ khó bắt vì số lượng của nó trong tự nhiên đã bị tàn phá nặng nề.
“Tôi nhớ 20 hay 30 năm trước, người ta có thể dễ dàng bắt chúng ở Kapit hoặc ở vùng nội địa. Nhưng hiện giờ chúng rất hiếm. Theo quan sát của tôi, điều này có thể là do sự mất cân bằng về môi trường sống của nó do các hoạt động phát triển”.
Ông nói ông bắt đầu nuôi empurau vào năm 2006 trong các ao thuộc khuôn viên nhà ông ở Kuching. “Ban đầu tôi nuôi empurau như một thú vui. Bây giờ tôi có 800 con nhưng vì gia đình chỉ có 5 người, chúng tôi phải thương mại hóa nó vì gia đình không thể ăn hết.
“Tôi bán cá sống làm cá cảnh hoặc thú cưng cũng như cá đông lạnh để ăn”, ông nói.
Sau bốn năm, cá của ông – được đặt tên là cá empurau DLT (công nghệ của tiến sĩ Duhat) đã lớn đến 1,5 hay 2 ký. Một con 2 ký có thể bán được 1.000 RM.
Tiến sĩ Duhat mô tả cá empurau là một món đặc sản với mùi vị độc nhất vô nhị.
“Một trong những người bạn của tôi ở Bán đảo Malaysia nói với tôi rằng người Hoa gọi cá này là “Wang Pu Liao” (
了), có nghĩa là không thể nào quên vì một khi đã nếm thử nó, bạn sẽ không bao giờ quên nó”, ông nói.
Ông nói cách nấu thông thường nhất của nó là hấp.
Nhu cầu cao: Những con cá empurau có trọng lượng từ 10 đến 17 ký.

“Tôi thường hấp cá với jintan manis và loại rau địa phương gọi là daun bungkang, rất thích hợp với loài cá này. Không cần cho nhiều nước sốt hay nước thịt vì chúng tôi muốn giữ mùi vị đặc trưng của cá”.
Hiện thời Four Points là khách sạn duy nhất ở Sarawak thường xuyên phục vụ món cá empurau cho khách hàng quen. “Kể từ khi chúng tôi phục vụ món cá empurau năm ngoái, nó đã trở thành món ăn rất nổi tiếng”, Liou nói.
Ông nói khách sạn sử dụng cá tự nhiên từ Kapit, thành phố bên dòng sông Rajang thuộc vùng nội địa Sarawak.
“Đa số cá chúng tôi mua đều nặng hơn 10 ký. Con lớn nhất chúng tôi từng mua nặng 23 ký. Tuy nhiên, ở trọng lượng đó, thịt cá vẫn mềm và ngọt”, ông nói.
Tại Four Points, empurau được phục vụ theo 3 kiểu – Teo Chew, hấp hoặc cà ri. Kiểu Teo chew sử dụng một loại nước hầm đặc biệt gọi là shang tang, một loại nước thịt trong được ướp gia vị và hấp với gừng cắt sợi, mận ướp, rau ướp muối, nấm cắt mỏng và cà chua.
Cách thứ hai, cá được hấp trong xì dầu siêu nhẹ và một ít dầu mè, hành lá và rau mùi bên trên. Với kiểu nấu cà ri, empurau được hấp sơ với đậu đông, sau đó thêm cà ri thơm lên trên để không át hương vị cá.
Thật ngạc nhiên, Liou nói, cà ri là món nổi tiếng nhất trong ba món phục vụ tại nhà hàng.
“Một số người ban đầu tự hỏi liệu rằng nấu cá trong cà ri có thể lấn át mùi vị của cá hay không. Thực tế, cà ri mang lại sự kết hợp tốt hơn cho mùi vị của cá”.
“Sau khi chúng tôi mời họ thử, họ đồng ý rằng cà ri là sự kết hợp tốt nhất với cá empurau”, ông nói.

Món thích hơn: Cà ri empurau.

Để nếm món cá độc đáo này, khách hàng được khuyên là nên đặt hàng trước một ngày. Liou nói khách hàng có thể yêu cầu các phần khác nhau của cá, ví dụ đầu cá hoặc đuôi cá. “Chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng yêu cầu của họ”, ông nói.
Cá empura tại Four Points được định giá 100 ringgit cho 100 gam cho cả ba kiểu nấu nướng và gọi ít nhất là một ký, đủ để phục vụ mười khách.
Sharon Ling - Đ.Đ.S dịch
Theo: Biền và Người

NHÂN HUỆ VƯƠNG TRẦN KHÁNH DƯ


Từ bản án thông dâm đến nghề buôn nón, bán than…không nhòe danh “hổ tướng”!
Trần Khánh Dư có công không nhỏ trong công cuộc giữ vững đất nước mở rộng bờ cõi. Ông trực tiếp tham gia kháng chiến chống quân Man, quân Chiêm Thành đặc biệt với 3 lần phá tan quân Mông Nguyên. Tuy là bậc hiền tài, tinh thông thao lược, là một viên hổ tướng dũng mãnh giữa trận mạc nhưng Trần Khánh Dư có vướng vào bản án thông dâm, có “sở thích” nghề nghiệp khiến người đời không ngờ tới.
Bản án thông dâm
Trần Khánh Dư là con trai của Trần Phó Duyệt. Vì mến tài năng, trí lược và những chiến công oanh liệt nên vua Trần Thánh Tông nhận Khánh Dư làm con nuôi, phong làm “Thiên tử nghĩa nam” – Nhân Huệ Vương, Phiêu kỵ đại tướng quân.
Thời gian làm quan trong triều, Khánh Dư có thông dâm với Thiên Thụy (vợ của Trần Quốc Nghiễn, tức con dâu Trần Quốc Tuấn). Sự việc bị lộ, khiến Khánh Dư bị bắt, phải chịu bản án thông dâm. Với tội danh này Trần Khánh Dư sẽ bị xử tội chết. Tuy vậy, việc thi hành án với Khánh Dư là một việc khó bởi có nhiều nguyên do ẩn chứa bên trong.


Theo ý kiến các nhà sử học cũng như tác giả cuốn Đại Việt sử ký đều bàn luận: Nếu không xử Trần Khánh Dư tội chết thì luật pháp không nghiêm và sẽ gây ra nỗi hậm hực của Trần Quốc Nghiễn. Hơn nữa vì vua Thánh Tông phải nể mặt Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – người đức cao, có công lao lớn với đất nước. Nhưng không thể giết Khánh Dư vì Khánh Dư là con của Nhân Huệ Hầu Trần Phó Duyệt và là con nuôi của vua Trần Thánh Tông; Ngoài ra Khánh Dư lại là người có tài, công lao lớn trong các cuộc kháng chiến; Mặt khác trước đây Trần Quốc Tuấn cũng mắc tội thông dâm mà không bị xử, chẳng lẽ bây giờ lại kết tội chết với Trần Khán Dư !.
Vua thương tiếc người con nuôi này nhưng làm cách nào vừa để phạt tội Khánh Dư, vừa giữ vững quân pháp, vừa để Khánh Dư được sống lại vừa làm đẹp lòng phía Trần Quốc Tuấn ?. Lúc này vua Trần Thánh Tông đã ra lệnh dùng cực hình, gán tội thông dâm vào mức phạt 100 trượng, đánh ngay tại bờ Hồ Tây. Theo luật bấy giờ quy định, “đánh 100 roi mà không chết là thiên mệnh cho sống”. Vua Thánh Tông liền ngầm ra lệnh cho quan sai nha đánh chúc gậy xuống khiến Khánh Dư đủ đau chứ không chết. Như vậy mọi người đều công nhận Khánh Dư sống là do thiên mệnh còn soi sáng. Cách này vừa hợp lòng người vừa hợp lòng vua, tuy nhiên Khánh Dư lại bị tịch thu tài sản, phế truất binh quyền, buộc phải về quê cha ở Chí Linh làm nghề bán than kiếm sống.


Buôn nón, bán than
Theo sử cũ còn ghi, vua Trần Thánh Tông đi dạo, thấy bến Bình Than đẹp nên thả neo đậu ở đó. Vua chiêm bao thấy thuyền lật, đang lúc nguy khốn thì lập tức có một người mặt mũi, dáng vẻ đại tướng đã nâng thuyền lên cứu giúp. Vua giật mình tỉnh dậy mới biết mình nằm mơ. Hôm sau vua đi lên bờ thì gặp trẻ nhỏ hát:
“Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn
Hỏi chi bán đó gửi rằng than…
…Ở với lửa hương cho vạn kiếp
Thử xem sắt đá có bền gan”
Vua hỏi ra thì mới biết câu hát đó là của người bán than, tên là Khánh Dư, họ Trần, là con của Nhân Huệ Hầu Trần Phó Duyệt, sống bằng nghề bán than chứ không sống bằng bổng lộc của cha. Vua nói chuyện thấy tâm đầu ý hợp nên triệu về kinh, qua những trận chiến ác liệt Trần Khánh Dư tỏ ra là một tướng giỏi vua bèn nhận làm con nuôi.
Sau bản án thông dâm, Trần Khánh Dư tiếp tục với nghề bán than. Khi quân Mông Nguyên sang xâm lược nước ta lần nữa, vua Trần Nhân Tông họp ý kiến các tướng soái tại Bình Than. Vua trông thấy chiếc thuyền chở than đi qua liền cho quân đuổi theo gọi lại.


Khi quân gọi thì người bán than mặc áo ngắn, đội nón lá mới trả lời: “Lão là người buôn bán có việc gì mà phải triệu”. Quân về báo lại với vua, vua khẳng định – “đúng là Nhân Huệ Vương đấy, ta biết người thường không dám nói thế”. Vua truyền lệnh ban áo mũ, ghế ngồi cùng bàn việc nước. Lúc này Trần Khánh Dư đã đưa ra chiến lược, kế sách rất hay vừa hợp với vua và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nên Khánh Dư nhanh chóng được bổ nhiệm chức vụ quan trọng dù trước đó ông cùng mấy người hèn hạ, lái đò bán than.
Theo Đại Việt sử ký, dẹp giặc xong Trần Khánh Dư giữ chốt ở Vân Đồn. Vùng đất này lấy buôn bán làm nghề sinh nhai, ăn uống, may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo, đồ dùng đều theo phong tục người Bắc. Khánh Dư duyệt quân trang thấy vậy liền ra lệnh: “Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ (chỉ quân phương Bắc). Không thể đội nón của người phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi (tên người đan nón), ai làm trái tất phải phạt”.


Vì “tính” kinh doanh vẫn còn nên “Trần Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, chở thuyền đến đậu trong cảng”. Lệnh vừa ban ra, liền ngầm sai hai người phao ra tin đồn trong trang rằng: “Hôm qua thấy trước vùng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu đang chuẩn bị bán”. Vậy là dân trong vùng chờ sẵn chuẩn bị tiền mua nón. Ban đầu nón bán rất rẻ, chưa đến một xu. Sau đắt dần lên cứ một cái nón đổi một tấm vải. Dân trong vùng cũng bắt đầu học buôn bán theo, kinh tế phát triển lên.
Không nhòe danh “hổ tướng”
Tuy làm nghề hèn mọn nhất trong “sĩ, nông, công, thương” nhưng Trần Khánh Dư là danh tướng thuộc hàng bậc nhất trong triều. Đại Việt sử ký còn ghi rõ trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 3: Khi ấy thủy quân Nguyên đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo Vương giao hết công việc biên thùy cho Phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ Vương. Nhưng quân mai phục của ta bị lộ nên trúng kế của địch, Thượng Hoàng sai trung xứ xiềng Trần Khánh Dư giải về kinh để trị tội. Khánh Dư nói – “Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu, nhưng xin khất hai, ba ngày, để mưu lập công rồi về chịu búa rìu cũng chưa muộn”.


Trần Khánh Dư liệu biết trước quân giặc sẽ đi qua, thuyền vận tải tất yếu theo phía sau, nên thu thập tàng binh bày trận đợi giặc. “Quả nhiên khi thuyền lương của giặc đến, Khánh Dư bày kế, cho quân phá tan địch lấy hết quân lương, khí giới, bắt sống giặc, thật là thắng lớn không thể kể”, chiến thắng này có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến thắng lợi của quân ta, đè bẹp âm mưu xâm lược Đại Việt của quân Nguyên.
Đấy là tài dùng binh trên chiến trận, ngoài ra Trần Khánh Dư còn là một người uyên thâm về văn sử. Ông cùng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn viết nên cuốn “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”. Trong đoạn mở đầu Trần Khánh Dư viết: “Người giỏi cầm quân thì không bày trận, người giỏi bày trận thì không phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết…”. Ông còn phân tích từng chiến lược rất cụ thể, sâu sắc, gồm đủ ngũ hành tương ứng, cửu cung suy nhau, phối hợp cương nhu, tuần hoàn chẵn lẻ. Không lẫn lộn âm với dương, thần với sát, phương với lợi, sao lành, hung thần, ác tướng, tam cát…dùng để trấn ngự phương Hung Nô phương bắc, uy hiếp Lâm Ấp phía Nam.


Cho đến khi đất nước bình yên, Trần Khánh Dư có bỏ tiền khai khẩn đất hoang, lập nên các vùng Trường Yên (Ninh Bình), Lý Nhân (Hà Nam), Ý Yên (Nam Đinh). Quả thật, tuy mắc tội thông dâm, làm nghề bán than, bán nón nhưng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư vẫn không hổ danh là một chủ tướng của nước Việt.
Khánh Linh

CÓ MỘT NGHỆ THUẬT NGỦ

Trong cuộc sống hiện tại, ai cũng sợ bệnh rồi kiêng đường, kiêng muối và kiêng dầu mỡ,... còn một cái bệnh khác làm tinh thần suy sụp mà nhiều người biết nhưng lại ít sợ. Đó là chứng mất ngủ. Vì cứ nghĩ rằng nếu ngủ không được thì uống vài viên thuốc ngủ vào là ngủ được ngay Nhưng coi chừng đấy, nó có thề làm bạn bị bệnh tâm thần hay và tính khí thay đổi gắt gỏng bất thường.


Bài viết của BS. Đỗ Hồng Ngọc sau đây nói về nghệ thuật ngủ. Các bạn nào có chứng mất ngủ đọc rồi học xem có cải thiện được hay không.

CÓ MỘT NGHỆ THUẬT NGỦ

Có người nói ngủ chiếm một phần ba cuộc đời, uổng phí quá! Đừng ngủ thì lợi hơn! Nhưng lợi đâu không thấy chỉ thấy mất ngủ vài ba đêm thì đầu óc không sảng khỏai để làm việc, năng suất thấp, mất ngủ lâu dài hơn thì dẫn tới bệnh tâm thần và cuối cùng thì thay vì cuôc sống dài ra lại bị rút ngắn đi một cách đáng tiếc!
Không biết tại sao ngày càng có nhiều người mất ngủ trên thế giới phẳng này! Thuốc ngủ là một trong những thứ thuốc bán chạy nhất hiện nay trên thế giới.


Hình như đời sống ngày càng bận rộn, ngày càng náo động, ngày càng bất an, đầy “điên đảo mộng tưởng” thì con người ngày càng mất ngủ. Và đó cũng là lý do tại sao ngày người ta càng cần tới…Thiền. Phải, chỉ có thiền mới có thể “cứu rỗi” một thế giới đầy náo lọan như vậy! Thiền cũng có thể thay cho… ngủ, dù thiền không phải là ngủ, trái lại thiền là tỉnh giác. Thế nhưng, về mặt sinh học, thiền tiêu hao năng lượng rất ít, ít hơn cả giấc ngủ, nhờ đó tiết kiệm đựơc năng lượng, không phải tiêu hao cho cái tâm náo động. Khi tâm được an, “an tịnh tâm hành” thực sự thì năng lượng tiêu hao giảm hơn một nửa. Nhưng không phải ai cũng thành công với thiền nên “một nghệ thuật ngủ” là cần thiết để giảm bớt… thuốc ngủ!


Có một “nghệ thuật… ngủ” như sau: Khi nào buồn ngủ thì đi ngủ ngay. Cư trần lạc đạo thả tùy duyên. Cơ tắc xan hề khốn tắc miên! Đừng ráng. Ráng thì khó mà dỗ lại giấc ngủ! Chưa buồn ngủ thì kệ nó, việc gì phải ngủ! Cơ thể sẽ biết cách tự điều chỉnh, nghĩa là biết cách ngủ bù! Tiếng Việt ta thiệt hay. Không nói mắc ngủ mà nói “buồn ngủ”? Vì buồn mới dễ ngủ. Vui khó ngủ. Vui là kích thích, là hào hứng, là rộn rả. Thở gấp, tim đập nhanh, huyết áp tăng. Buồn, mọi thứ xìu xuống. Giảm kích thích. Thở chậm, tim đập chậm và huyết áp cũng giảm. Cho nên cách dỗ giấc ngủ tốt nhất là làm cho cơ thể rơi vào trạng thái “buồn”. Đó là cách tách “thân xác” ra khỏi “thân hơi”. Buông xả toàn bộ thân xác, như rả nó ra, xì nó xuống, làm cho nó xẹp lép, hết căng. Đặt tay chân trong tư thế tự nhiên không gò ép, miễn dễ chịu. Khi “thân xác” đã xẹp lép, lửng lơ như vậy rồi thì tập trung chú ý tới “thân hơi”, tức là hơi thở của ta. Không cần phải cố gắng điều khiển hơi thở, ráng sức điều hoà hơi thở chi cả. Bởi còn ráng, còn cố gắng thì còn căng, không gọi là buông xả đựơc! Cứ để “thân hơi” tự nhiên, nó sẽ biết lúc nào vào lúc nào ra, lúc nào nhiều lúc nào ít. Nó có cơ chế điều chỉnh tự động tùy nồng độ dưỡng khí (O2) và thán khí (CO2) tác động lên trung khu hô hấp ở hành tủy. Vậy là ta rơi vào…giấc ngủ lúc nào không hay!


Cái khó lúc mới tập là ta thường dễ bị tràn ngập bởi những ý tưởng này nọ, những tính toán, những giận hờn, những âu lo… làm ta sôi lên. Mà đã sôi lên thì có trời mới ngủ đựơc! Lúc đó nếu ta biết cách dùng thân hơi “dụ” thân xác, bằng cách tập trung theo dõi xem thân hơi đang dở trò gì, xì xọp ra sao, nhanh chậm, nhiều ít ra sao một lúc ta sẽ cắt đứt được dòng nghĩ tưởng. Thần kinh của ta trong cùng một lúc không thể nghĩ đến hai việc. Đã nghĩ việc này thì quên việc kia. Khi ta nghĩ đến thân hơi, tập trung quan sát nó, thì ta đã đánh lạc hướng những cái nghĩ tưởng khác. Đã có người khuyên nên dỗ giấc ngủ bằng cách đếm sao trên trời hoặc nghĩ đến một dòng sông tuổi thơ, một bãi biển vắng người…! Thật ra đếm sao cũng còn căng thẳng, mất công nhớ số; nghĩ đến dòng sông tuổi thơ thì nhớ chuyện tắm ở truồng… Cứ chuyện này dắt chuyện kia mãi không ngớt. Chỉ có cách tìm một cái gì đó thật trung tính, không tạo kích thích thì đó là cách quan sát thân hơi. Thân hơi sẵn có, không phải tìm kiếm đâu xa, ngay trước mũi mình, cũng không đòi nghĩ tưởng gì cả. Bởi ta phải thở bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Thở ở trong ta mà như ở ngoài ta, chẳng cần ta, chẳng có ta. 


Thử hít một hơi thiệt dài, thiệt mạnh, thiệt sâu xem sao? Chỉ một lúc là đầu váng mắt hoa, phải tự động thở ra ngay, không muốn không được. Thử thở ra một hơi thiệt dài, thiệt mạnh, thiệt lâu xem sao! Chỉ một lúc là nó tự động thở vào, không muốn không đựơc! Nói cách khác, cái “thân hơi” đó nó tự ý, tự động. Do đó, ta có thể dùng thân hơi như một công cụ để … dụ thân thể quên đi tất cả những chuyện khác. Mà đã quên thì hết căng, hết căng thì xìu, xìu thì…buồn, buồn thì…ngủ vậy!
BS Đỗ Hồng Ngọc
(Sưu tầm trên mạng)

BÍ ẨN SAU MỖI MÙA HOA TRE

Chắc các bạn cũng như tôi là chưa bao giờ thấy "hoa tre" và nói đến tre trổ hoa thì chắc cũng không mấy gì tin lắm phải không ? Vậy mà có đó, chẳng phải chỉ ở Việt Nam mình đồn đãi mà thật sự trên thế giới cũng có những sự kiện tre trổ hoa và có cả trái nữa. 


Vì là một sự kiện hiếm hoi thấy được nên kèm theo đó là những tin đồn. Tin hay không tùy các bạn nhưng mình đọc để biết thì chắc cũng không chết ai:

BÍ ẨN SAU MỖI MÙA HOA TRE

Sự ra hoa của cây tre là một hiện tượng thú vị và rất hiếm gặp trong giới thực vật. Hầu hết tre hoa mỗi 60-130 năm/lần và vẫn là một bí ẩn đối với nhiều nhà thực vật học.

Hoa tre nở duy nhất một lần trong 120 năm.

Tre là cây phát triển nhanh nhất trên Trái Đất khi mỗi ngày có thể cao thêm tới 10cm. Hầu hết các loài tre trưởng thành chỉ trong vòng 5-8 năm, trong khi một cây sồi cần đến 120 năm. Tuy nhiên, khi nói đến hoa, tre có lẽ là một trong những cây cho hoa chậm nhất trên thế giới.


Tre ra hoa vào mùa xuân trong một khu vườn ở Roskilde, Đan Mạch.
Loài cây chậm nở hoa này có hành vi kỳ lạ đó là chúng nở đồng loạt ở tất cả các nơi trên thế giới, không phân biệt vị trí địa lý và khí hậu, nếu được nhân giống từ cùng một cây mẹ. Với cây tre, những bộ phận đã được tái phân chia từ cây mẹ theo thời gian và chia sẻ trên toàn thế giới. Mặc dù được trồng ở những nơi khác nhau thì chúng vẫn mang cấu trúc gene tương tự. Vì vậy, khi một cây tre ở Bắc Mỹ nở hoa thì những cây ở châu Á cũng đồng loạt nở hoa trong khoảng thời gian tương tự. Đây gọi là hiện tượng trổ hoa theo bầy.




Do có một chu kỳ ra hoa dài hơn tuổi thọ của động vật ăn thịt và động vật gặm nhấm, nên tre có thể điều chỉnh các quần thể động vật bằng cách gây ra nạn đói trong khoảng thời gian giữa các lần ra hoa. Tuy nhiên, các giả thuyết không giải thích lý do các chu kỳ ra hoa của tre dài hơn tuổi thọ của loài gặm nhấm tới 10 lần.



Khi một quần thể tre đã đạt đến tuổi thọ của nó, hoa của chúng nở rộ, cho hạt và sau đó cây chết. Một dải rừng tre sẽ tàn lụi trong khoảng thời gian vài năm. Một giả thuyết cho rằng, việc “dốc sức” cho quá trình sinh sản này đòi hỏi ở cây tre sự tổng hợp năng lượng khổng lồ, khiến cây không còn sức sống sau khi trổ hoa. Giả thuyết khác lại cho rằng, các cây mẹ chết để nhường chỗ cho các cây con.

Hoa và quả tre.

Các sự kiện hoa tre nở cũng thu hút những kẻ săn mồi, chủ yếu là động vật gặm nhấm. Việc xuất hiện lượng quả tre khổng lồ mang lại nguồn thức ăn dồi dào cho hàng chục triệu con chuột và nhờ nguồn thức ăn này, chúng sẽ nhân lên với mức đáng báo động. Sau khi ăn hết quả tre, chuột bắt đầu chuyển sang tấn công cây trồng. Vì thế, mỗi khi hoa tre nở thường kéo theo nạn đói và bệnh tật ở các khu vực lân cận. Ở Mizoram, phía đông bắc của Ấn Độ, chu kỳ đáng sợ này xảy ra chính xác khoảng 48-50 năm một lần.

Trẻ em bắt chuột sau một mùa hoa tre ở Myanmar.

Theo TGVN

CÓ MỘT "TÂM CHAY"

Họ là hai anh em, tuổi đã cao, trên dưới tuổi về hưu. Người anh sống ở Sài Gòn còn người em sống ở một thành phố lớn miền Trung. Do tuổi tác cũng kề nhau, cùng trong một thế hệ, nên hai anh em rất đồng cảm và thường xuyên điện thoại thăm hỏi nhau.
Một hôm, trong lúc chuyện trò với người anh, người em vui miệng kể rằng ra chợ lựa mua trái cây về cúng Phật thường hay bị người bán lợi dụng lúc mình lơ là, tráo trái cây hư vào. “Anh biết không, mấy cô bán hàng cứ tưởng em ngu ngơ không để ý, đâu biết rằng chẳng có gì qua được mắt mình, tuy nhiên do thấy tội cho họ phải gánh chịu nhiều trái cây hư nên em phải giả đò không biết để chia sẻ bớt!”. Và người em nghĩ rằng người anh nghe chuyện lòng sẽ vui vì hành động biết nghĩ tới người khác của mình.


Nhưng không, người anh nghe xong điềm tĩnh bảo người em: “Không được, em làm vậy là sai rồi, vì khi em làm vậy tưởng là mình giúp người nhưng thực ra lại làm cho họ mang tội lừa đảo, không trung thực. Như vậy không phải là giúp người mà chính là hại người! Anh cũng giống em, chỉ khác một chút là khi mua đồ, anh luôn tự mình chọn lấy một vài trái cây hư, đồ hộp móp để cùng chia sẻ chút hư hao với người, không để cho người mắc phải tật gian dối”. Người em nghe xong, ngậm ngùi.


Một thời gian sau, nhân lúc rảnh rỗi, người em lại điện thoại thăm hỏi người anh. Và trong cuộc trò chuyện, người em kể rằng trong những lúc trà dư tửu hậu, có đem câu chuyện trao đổi hôm trước ra kể cho các bạn bè thân hữu nghe, và một người bạn thân nghe xong đã phát biểu rằng, “Tâm đó mới đúng là tâm chay!”.
Người anh chỉ cười và cũng chẳng quan tâm gì lắm. Vì, một là, chuyện trò đã qua xong rồi thì thôi, chẳng lưu giữ trong lòng làm chi. Hai là, người anh cũng chẳng tin tưởng gì lắm về lời phát biểu cùng buổi họp mặt của người em, tất cả đều có thể có và cũng có thể không. Có thể chỉ là phịa ra một chút cho vui. Và ba là, chỉ có chân tâm diệu hữu chớ làm gì có tâm chay.


Thế nhưng, một ngày nọ, nhân dịp thuận tiện, người anh về thăm người em. Trong buổi cà phê hàn huyên cùng các thân hữu, có mặt cả “tác giả” của hai chữ “Tâm chay”. Người bạn này kể lại chuyện và lúc đó người anh mới biết rằng em mình kể chuyện tâm chay là thật. Người anh rất vui và lòng vô cùng cảm ơn người bạn này vì nếu trong những lúc trà dư tửu hậu anh ta cứ kể chuyện này thì ít ra cũng nhắc nhớ được cho nhau về cách sống làm sao cho đúng với đạo làm người, cho dù chỉ bằng những hành vi nhỏ nhặt nhất.


Chợt nhớ đọc trong sách xưa, có kể chuyện một vị đạo sĩ mang ơn một người nên muốn tặng cho thuật biến than thành vàng ròng. Người này ngẫm nghĩ một chút rồi hỏi thuật này có giá trị trong bao lâu. Vị đạo sĩ cho biết là 500 năm. Nghe vậy, không chút đắn đo, người này lập tức trả lời rằng: “Vậy là sau 500 năm nữa vàng sẽ trở lại thành than, và người ôm số vàng đó sẽ vô cùng khổ đau vì mất mát và tiếc của. Cảm ơn tiên sinh, nhưng tôi không nhận thuật này vì tôi không muốn cho người khác phải khổ đau, cho dù là sau 500 năm!”. Chao ôi, đọc chuyện mà thấy vô vàn kính mộ cho tấm lòng của người xưa.


Thật sự thì đời nay cũng không phải là không có những tấm lòng như vậy. Như Leon Tolstoi, nhà đại văn hào Nga, với câu nói bất hủ “Hạnh phúc của một người là làm cho người khác được hạnh phúc”. Hay như một tác giả Pháp với câu: “On ne peut donner son bien, mais on peut donner une partie de son coeur” (tạm dịch: Dẫu ta không thể đem cho người tài sản của cải, nhưng ta vẫn có thể trao cho người một phần của trái tim mình).
Mong sao cho mọi người chúng ta hôm nay đều có được “Tâm chay” và biết trao cho người một phần của trái tim mình.
Bùi Kim Sơn
(Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay - số 13)

GIAI THOẠI VỀ CỤ NGUYỄN DU VÀ CÂU THƠ BỎ LỬNG

Tới hôm nay lần đầu tiên đọc được câu chuyện này mới biết cụ Nguyễn Du cũng đa tình, lãng mạn lắm đấy chứ. Mời quí vị. (LKH)


Giai thoại về cụ Nguyễn Du và
CÂU THƠ BỎ LỬNG

Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều nổi tiếng, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Yên, người làng Tiên Ðiền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.Ông sinh năm 1765 (niên hiệu Cảnh Hưng) và mất năm 1820 ( Niên hiệu Minh Mệnh).
Ông vẻ người khôi ngô, tuấn tú, rất thông minh, lúc lên 6 tuổi đi học , sách vở chỉ xem qua một lượt là thuộc. Năm 19 tuổi, ông thi hương đậu tam trường; có ra làm quan với nhà Lê. Khi Tây Sơn nổi lên, ông về ở ẩn tại quê nhà. Sau ông bị nhà Nguyễn triệu ra làm quan và cử đi sứ Trung Quốc vào năm 1813; đến năm 1820 ông lại được cử đi sứ lần nữa nhưng chưa kịp đi thì mất.
Tương truyền lúc còn trai trẻ Nguyễn Du- khi ấy thường gọi là cậu Chiêu Bảy, rất thích hát phường vải. Bấy giờ có làng Trường Lưu cũng thuộc huyện Nghi Xuân, là một trong những làng nổi tiếng về hát phường vải, về nghề dệt vải và về con gái đẹp. Làng Tiên Ðiền thì có nghề làm nón; con trai phường nón thường kéo nhau sang hát phường vải ở Trường Lưu. Họ đi hát vì mê hát , nhưng một phần cũng vì mê các cô gái đẹp. Trong các chuyến đi ấy, Chiêu Bảy chẳng bao giờ vắng mặt. Có một đêm hát nọ, Chiêu Bảy tình cờ gặp được một cô gái tên Cúc, người đẹp, giọng hay, tài bẻ chuyện, nhưng chỉ phải một nỗi đã sắp quá thì mà vẫn chưa chồng. Chiêu Bảy biết thóp như vậy, liền bẻ ngay một câu như sau để ghẹo chơi:

Trăm hoa đua nở mùa xuân,
Cớ sao Cúc lại muộn màng về thu?


Chiêu Bảy vờ nói hoa nhưng kỳ thực là muốn châm chọc: Các cô gái khác đều đã đi lấy chồng sơm, sao riêng cô Cúc lại để quá lứa lỡ thì như vậy?
Nhưng cô Cúc nào phải tay vừa, thoáng nghe qua cô đã hiểu ngay ý tứ của đối phương, bèn hát đáp lại rằng:

Vì chưng tham chút nhụy vàng,
Cho nên Cúc phải muộn màng về thu.

Hoa cúc vốn là hoa nở về thu; cúc nở về thu mới là đang độ mãn khai, thế là đúng kỳ chớ không phải là muộn.
Câu hỏi cũng khôn mà câu trả lời cũng thật là khéo lắm; Chiêu Bảy đành phải lảng sang chuyện khác không dám hỏi về chuyện ấy nữa

* * *
Nguyễn Du lúc còn là học trò ở với thân sinh là Xuân quận công Nguyễn Nghiễm ở Hà nội, theo học với một ông đồ họ Lê ở Gia Lâm, bên kia sông Nhị. Cậu học trò cùng các bạn ngày nào cũng phải qua sông bằng đò ngang. Người chở đò là một cô gái nhà nghèo, nhưng xinh xắn và ăn nói có duyên. Cậu học trò Nguyễn rất để ý.Một hôm, cậu đến chậm, lỡ chuyến đò, cậu phải chờ đợi sốt ruột, nên làm một bài thơ nhờ bạn đưa cho cô gái, để tỏ lòng mình và cũng để thử lòng cô gái. Bài thơ như sau:


Ai ơi, chèo chống tôi sang
Kẻo trời trưa trật, lỡ làng tôi ra
Còn nhiều qua lại lại qua,
Giúp cho nhau nữa để mà...

Câu thơ cuối, tác giả bỏ lửng có ý để chờ cô gái điền vào. Nhận được, cô gái bẽn lẽn và từ chối; nhưng về sau nể lời bạn cô, cô cũng thêm vào hai chữ... quen nhau.Thế rồi hai người yêu nhau. Nhà thơ thổ lộ tâm tình ra bốn câu lục bát rằng:

Quen nhau nay đã nên thương
Cùng nhau xe mối tơ vương chữ tình
Cảnh xinh xinh, người xinh xinh,
Trên trời, dưới nước, giữa mình với ta.

Họ yêu nhau tha thiết, quyết chí lấy nhau, nhưng rồi không lấy được nhau. Bởi lẽ đơn giản: Nguyễn Du là cậu trai quý tộc mà cô kia thì chỉ là một cô gái bình dân. Chẳng những thế, do chuyện yêu đương ấy, Nguyễn Du còn bị gọi về nhà chịu một trận đòn nên thân, rồi lại bị gửi về học một ông đồ khác ở mạn Thái Bình.Hơn 10 năm sau, khi Nguyễn Du có dịp trở lại bến cũ đò xưa thì cô gái đi lấy chồng lâu rồi, chỉ còn cây đa vẫn còn xanh tươi trước gió, dòng nước đỏ vẫn lặng lẽ trôi xuôi. Bến đò vẫn đông người qua lại nhưng vắng bóng một người. Trông cảnh cũ, nhớ người xưa, nhà thơ đành bùi ngùi sẻ ngâm lên bốn câu lục bát để gửi gấm lòng mình:

Yêu nhau những muốn gần nhau
Bể sâu trăm trượng, tình sâu gấp mười
Vì đâu xa cách đôi nơi
Bến này còn đó, nào người năm xưa?


Câu chuyện đau lòng này, sau được Nguyễn Du tự tay ghi chép trong một bản thảo, dưới nhan đề "Mối tình hận của ta".
Theo: Vietsciences

THẾ NÀO LÀ GIÁ TRỊ CỦA CUỘC SỐNG ?

Có một chú tiểu khá thông minh, chú luôn đặt những câu hỏi xung quanh cuộc sống. Một ngày nọ, chú hỏi sư thầy của mình:

– Thưa thầy, giá trị cuộc sống của một con người là gì ạ? Con hỏi vậy vì thường ngày thấy mọi người lên chùa đều cầu mong cuộc sống có giá trị.
Người thầy đi vào phòng rồi mang ra cho chú tiểu một hòn đá xấu xí và bảo:
– Con hãy mang hòn đá này ra chợ bán và hãy nhớ là dù có ai mua thì cũng không được bán và mang về cho ta.
– Tại sao lại phải vậy thưa sư phụ?
– Nếu con muốn biết giá trị cuộc sống là gì thì hãy làm như ta bảo.

Vì sự tò mò nên chú tiểu đã làm theo. Chú mang hòn đá ra chợ ngồi bán và trong suy nghĩ thì không hiểu tại sao nó lại liên quan đến giá trị của cuộc sống.
Chú ngồi bán hòn đá ở chợ cả ngày mà không hề có ai hỏi, mọi người còn thấy làm kỳ lạ không hiểu tại sao chú lại ngồi bán một hòn đá xấu xí mà không có giá trị gì. Ngồi cả một ngày, một người bán rong thấy vậy thương tình đã đến hỏi và trả giá hòn đá 1 đô la. Chú tiểu nhớ lời sư phụ dặn dù bất kỳ ai hỏi mua cũng không được bán. Mang hòn đá về, chú hỏi sư phụ:
– Hòn đá này có gì đặc biệt mà thầy lại bảo con mang bán. Cũng may đã có người hỏi mua với giá 1 đô la. Vậy giá trị cuộc sống là gì thưa thầy?
Sư thầy cười và nói:
– Tốt lắm, ngày mai con hãy mang hòn đá vào cửa hàng bán vàng và bán cho chủ cửa hàng vàng, nhớ là dù chủ cửa hàng vàng có mua thì cũng không được bán, rồi còn sẽ hiểu thế nào là giá trị cuộc sống.

Vì tò mò, chú tiểu lại làm theo lời sư thầy. Hôm sau, chú mang hòn đá đi vào một cửa hàng vàng, vừa đi vừa nghĩ, tại sao sư phụ lại bảo mình mang hòn đá này vào bán trong cửa hàng vàng trong khi cả ngày qua chú ngồi ngoài chợ bán mà không ai mua, dù mua cũng không đáng giá. Dù rất ái ngại nhưng vì tò mò nên chú quyết định làm theo lời sư phụ.
Và thật bất ngờ, khi chú mang vào bán trong một cửa hàng vàng, chủ tiệm đã trả giá hòn đá là 500 đô la. Rất bất ngờ vì một hòn đá qua một ngày từ chỗ bán không ai mua giờ lại có giá như vậy, nhớ lời sư phụ dặn chú tiểu đã không bán và mang về.
Chú vội vàng hỏi tại sao lại như vậy và giá trị cuộc sống là gì mà tại sao một hòn đá từ không giá trị qua một ngày lại có giá trị rất lớn như vậy
Sư phụ cười và nói:
– Nếu con muốn hiểu giá trị cuộc sống là gì thì ngày mai con hãy mang hòn đá này tới một tiệm đồ cổ và bán, nhớ là dù với bất kỳ giá nào thì con cũng không được bán và mang về cho ta. Con sẽ hiểu giá trị cuộc sống là gì.

Chú tiểu càng tò mò hơn. Hôm sau, chú mang hòn đá tới một tiệm đồ cổ. Sau một hồi xem xét thì chú tiểu vô cùng ngạc nhiên khi chủ hiệu trả giá hòn đá là cả gia sản hiện có. Chú nhất quyết không bán và vội về kể lại với sư phụ:
– Vậy hòn đá này là gì, mà từ một thứ không giá trị không ai mua giờ nó có giá cả một gia tài.
– Đó chính là giá trị cuộc sống – Sư thầy nói.
Giá trị cuộc sống của mỗi con người đều do chính chúng ta quyết định, cũng giống như chú tiểu do dự khi mang một hòn đá không có giá đi bán. Giá trị cuộc sống là do chính chúng ta tạo dựng và đặt ra. Vậy hãy tự đặt mình vào nơi mà mọi người hiểu ta và đó là nơi giá trị sống được tôn trọng.

Cuộc sống ở trong tất cả mọi sự việc, từ những điều to lớn cho đến điều đơn giản, thậm chí là ở trong những điều mà chúng ta không hề quan tâm đến. Cuộc sống luôn “nói chuyện” với chúng ta thông qua những điều giản dị nhất và không ngờ đến nhất. Đừng bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào trong cuộc sống của bạn!
Nguồn Bài Học Cuộc Sống
Theo SKCĐ

LỢI ÍCH NHỎ TRƯỚC MẮT

Có một chành thanh niên rất ngưỡng mộ thành công của một nhà triệu phú nên đã đến hỏi nhà triệu phú đó rằng, bí quyết gì đã giúp ông thành công đến vậy?


Sau khi hiểu rõ câu hỏi của chàng thanh niên, ông ta chẳng nói gì, mà đi thẳng vào bếp và lấy ra một quả dưa hấu. Người thanh niên nhìn thấy vậy cảm thấy rất khó hiểu, không biết ông ta định làm gì. Anh ta mở to mắt để nhìn thì thấy nhà triệu phú bổ quả dưa làm ba phần to nhỏ không bằng nhau.

“Nếu như mỗi miếng dưa hấu đại diện cho một lợi ích nhất định, cậu sẽ chọn như thế nào?”, nhà triệu phú vừa nói vừa đưa những miếng dưa hấu ra trước mặt chàng trai.
“Đương nhiên là tôi sẽ chọn miếng to nhất!”, chàng thanh niên trả lời.
Nhà triệu phú cười và nói rằng: “Được! Xin mời cậu ăn!”


Thế rồi ông ta cho chàng thanh niên miếng dưa hấu to nhất còn mình thì ăn miếng bé nhất. Khi chàng thanh niên còn đang tận hưởng hương vị dưa hấu từ miếng dưa hấu rất to thì nhà triệu phú kia đã ăn xong, tiếp đó ông ta cầm nốt miếng còn lại và ăn tiếp. Thực ra miếng dưa hấu nhỏ nhất và miếng dưa hấu cuối cùng nếu hợp lại, nó sẽ nhiều hơn miếng dưa hấu to nhất mà chàng thanh niên đã ăn.
Chàng thanh niên kia chợt hiểu ngay ra ngụ ý mà nhà triệu phú kia muốn truyền đạt đó là: tuy lúc đầu ông ta ăn miếng nhỏ nhất nhưng cuối cùng số dưa mà ông ta ăn được lại nhiều hơn mình, mặc dù lúc đầu mình đã chọn miếng to nhất. Nếu như mỗi miếng dưa đại diện cho một giá trị lợi ích nhất định thì tổng số lợi ích nhà triệu phú đó có được sẽ nhiều hơn lợi ích của chàng thanh niên kia nhiều.


Thông qua việc ăn dưa, nhà triệu phú đã truyền đạt tư tưởng và kinh nghiệm thành công của mình. Cuối cùng ông ta nói với người thanh niên một cách rất chân thành rằng: “Nếu muốn thành công, đầu tiên hãy học cách từ bỏ. Chỉ khi chúng ta từ bỏ những lợi ích nhỏ trước mắt, mới có thể có được những lợi ích lâu dài và lớn hơn, đó chính là kinh nghiệm thành công của tôi”.
(Sưu tầm trên mạng)

Saturday, July 30, 2016

LẠC HOA

Lạc hoa - Chu Thục Chân

Liên lý chi đầu hoa chính khai,
Đố hoa phong vũ tiện tương tuỳ.
Nguyện giao thanh đế thường vi chúa,
Mạc khiển phân phân thướng thuý đài.




Hoa rụng (Người dịch: Vũ Minh Tân)

Cành sát cành, hoa đang nở rộ
Ghét chi hoa, mưa gió đầy trời
Ta xin là chúa xuân đời
Cho hoa ngừng rụng tơi bời lối rêu




落花 - 朱淑真

連理枝頭花正開,
妒花風雨便相隨。
願教青帝常為主, 
莫遣紛紛上翠臺。




Sơ lược tiểu sử tác giả:
Chu Thục Chân 朱淑真 tự hiệu U Thê cư sĩ 幽棲居士, người Tiền Đường (Giang Tô), thế kỷ 11, bà lấy phải người chồng thô bỉ nên sống một đoạn đời buồn nản, tập "Đoạn trường tập" 斷腸集 thanh danh ngang với Lý Thanh Chiếu.
(Sưu tầm trên mạng)

QUÁN MÌ NGON NHẤT THẾ GIỚI CHỈ PHỤC VỤ 9 KHÁCH MỘT LÚC

Tsuta ở Tokyo là tiệm mì đầu tiên trên thế giới được trao tặng một sao Michelin – giải thưởng được coi như chuẩn mực ăn uống của mọi thực khách sành ăn.


Quán có vẻ ngoài như 5.000 tiệm mì khác ở thủ đô Nhật Bản, nhưng sợi mì ở đây lại không thể lẫn với bất kỳ đâu. Chủ cửa hàng, anh Yuki Onishi, tự mình làm ra những sợi mì từ bốn loại lúa mì đặc biệt, còn nước dùng là phần tinh túy nhất của thịt gà và hải sản tươi sống, được chọn lọc khắt khe.



Mỗi bát sẽ dùng kèm trứng luộc vừa chín tới, thịt xá xíu và măng. Tuy nhiên, thứ khiến nhà hàng trở nên đặc biệt nhất là độ mềm hoàn hảo của miếng thịt cộng với hương vị đặc biệt, không thể tìm thấy ở bất kỳ quán ăn nào khác. “Tôi rất vui khi món mì của mình được thế giới công nhận với một sao Michelin trong sách hướng dẫn, dù đó không phải mục tiêu ban đầu của tôi”, Onishi nói.

Tsuta chuyên phục vụ mì ramen. Ảnh: Nextshark. 

Tuy nhiên, để kiếm được một chỗ trong quán này không phải dễ do Tsuta chỉ có 9 chỗ ngồi và không nhận đặt bàn trước. Nếu muốn ăn, thực khách phải đến lấy vé tại chính cửa hàng và đặt cọc 1.000 yên (220.000 đồng). Tấm vé sẽ cho thực khách biết giờ đến ăn trong khoảng từ 11h đến 16h, nhưng dù cầm sẵn tấm vé thì thực khách vẫn phải xếp hàng chờ đến lượt chừng một tiếng đồng hồ.



Tiệm chỉ phục vụ 9 khách một lúc nên nhiều thực khách phải đến lấy vé từ rất sớm. Ảnh: Japantimes. 


Mặc dù được xếp hạng trong sách hướng dẫn của Michelin nhưng Tsuta lại là nhà hàng có món ăn rẻ nhất trong số đó. Một bát mì tại đây có giá chỉ bằng một suất Burger King bạn có thể mua bất cứ đâu tại Nhật. Giá cho một bát mì soba đơn giản là 850 yên (180.000 đồng) và 1.300 yên (280.000 đồng) nếu thêm mì và thịt, còn nước thì hoàn toàn miễn phí.



Tsuta là nhà hàng mang đậm phong cách Nhật. Thực khách sẽ gọi món trên một máy tự động đặt tại cửa ra vào và thực hiện thanh toán (chỉ chấp nhận tiền mặt) do bàn tay người đầu bếp luôn hoạt động trong bếp. Cửa hàng yên tĩnh và không có tiếng động nào ngoài tiếng bạn ăn mì và tiếng chạm vào bát đĩa. Cả quá trình với du khách nước ngoài có thể sẽ khá căng thẳng, nhưng với người Nhật thì đây chính là chuẩn mực cho một tiệm mì đích thực. Du khách có thể đến đây khá dễ dàng bằng tàu điện ngầm, dừng tại ga Sugamo, ra ngoài theo cửa 1-14-1 và đi thêm 300m về phía bắc.

Hải Thu