Sunday, July 17, 2016

CÔ GÁI ĐẸP KHIẾN QUAN TRẠNG ĐI TU QUYẾT TÂM HOÀN TỤC

Giai thoại và những câu chuyện về các ông Trạng là một lĩnh vực thú vị đầy màu sắc luôn thu hút sự quan tâm của xã hội biết bao đời nay, trong đó có câu chuyện về Trạng nguyên Vũ Kiệt.

CÔ GÁI ĐẸP KHIẾN QUAN TRẠNG ĐI TU QUYẾT TÂM HOÀN TỤC


Nổi tiếng nhờ bài văn về kế sách trị nước
Trong số những người đỗ Trạng nguyên dưới thời Lê Thánh Tông, nổi tiếng có Vũ Kiệt (1453 - ?), ông là Trạng nguyên thứ 4 của nhà Hậu Lê và là Trạng nguyên đứng thứ 13 trong danh sách 48 vị Trạng nguyên của nước ta.
Theo sử liệu, Vũ Kiệt quê ở làng Cửu Yên, xã Yên Việt, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Cửu Yên thuộc xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn (1472) đời Lê Thánh Tông. Do ngôi làng quê ông có tên Nôm là làng Vít nên dân gian quen gọi Vũ Kiệt là Trạng Vít (Trạng làng Vít).
Ngày mồng 7 tháng 4 năm Nhâm Thìn (1472), tại kỳ thi Đình, vua Lê Thánh Tông ra đề thi hỏi về sách lược đế vương trị nước. Bài văn sách thi Đình của Vũ Kiệt được chấm xuất sắc và được triều đình coi như một kiệt tác nói về sách lược để trị nước, an dân và bài văn sách được lưu truyền làm mẫu mực cho các sĩ tử sau này học tập.
Như về vấn đề giáo dục để đào tạo và sử dụng nhân tài, ông cho rằng: “Thầy nghiêm thì việc học đạo mời được tôn kính. Tâm thuật đã mất trước khi làm quan rồi, thì sau khi ra làm quan còn làm sao có được cái tiết tháo và phong độ.


Cái thói quen bị kẻ sĩ buông trôi theo dòng tục lệ như thế, thì còn gì khi họ đạt được danh vị ở triều đình, nên ít người chịu theo lễ nghĩa”, đây là một quan điểm rất đáng chú ý, muốn quan lại có tư cách, phẩm chất thì phải chú ý ngay từ khi họ còn là học trò.
Vũ Kiệt vạch ra thói hư của quan lại và nhấn mạnh “sự thành bại của quốc gia là xuất phát từ sự trung thực hay gian tà của các quan”, để khắc phục những thói hư tật xấu, ông đề xuất như sau:
“Thần mong bệ hạ hãy tuyển chọn những người công minh trong sạch và ngay thẳng, lấy danh vị trao cho trọng trách. Ra lệnh cho quan ngự sử kiểm soát, khích lệ biểu dương để thấy được những quan liêm khiết của họ.
Ông quan nào thuộc hạng ô lại và cũng lấy việc ấy để nêu cái ô nhục của họ để điều trần, tâu lệnh chính xác rõ ràng. Nếu quả thực họ là người liêm khiết thì ân thưởng, ưu đãi và quan trưởng cũng được ban thưởng.
Nếu quả thực họ là kẻ tham ô thì hình phạt không tha thứ và quan trưởng cũng tuỳ theo đó mà xử phạt. Làm như vậy thì con người sẽ tốt lên, thói tham sẽ ngăn chặn được. Quan lại thất đức, việc ăn hối lộ được đưa ra ánh sáng thì thói tham lam không thể phát triển mãi được”…
Trạng nguyên Vũ Kiệt được ca ngợi là “bậc thiên tài kiệt xuất, đức độ vẹn toàn”, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo, tên tuổi của ông không chỉ được khắc trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long mà còn được khắc trên bia đá dựng ở Văn Miếu Bắc Ninh.
Cô gái đẹp khiến quan Trạng đi tu quyết tâm hoàn tục
Đỗ Trạng nguyên là một niềm vinh dự tột bậc mà các nho sinh, học trò thời xưa mơ ước, dồn tâm sức, trí lực "sôi kinh nấu sử" mong có ngày được ghi tên trên bảng vàng, thế nhưng đã đỗ Trạng rồi mà lại từ bỏ con đường quan lộ để đi làm một nhà sư..., đó là câu chuyện lạ của Trạng nguyên Vũ Kiệt.


Qua bài “Đối đình sách” của mình, Vũ Kiệt như một tiếng trống thức tỉnh triều đình. Vua Lê Thánh Tông khi đó đang tiến hành chỉnh đốn bộ máy nhà nước, cải cách hành chính đã nhận thấy Vũ Kiệt chính là người mình đang cần để giúp việc trị nước, an dân.
Nhà vua đã bổ ông vào làm ở Viện hàn lâm với chức Hàn lâm thị thư, sau thăng lên chức Tả thị lang kiêm Đông các hiệu thư. Người đương thời khen Vũ Kiệt là bậc hiền tài, cần mẫn, thanh liêm mẫu mực.
Tuy nhiên, có một câu chuyện mà ít người biết, sau khi làm quan một thời gian, Vũ Kiệt vì buồn chán đã treo ấn từ quan về quê xuất gia tu hành tại chùa Kênh (nay thuộc xã Cao Đức, huyện Gia Bình, Bắc Ninh).
Ý định xuất gia đầu Phật, xa lánh việc thị phi ở chốn quan trường cùng những ganh đua danh lợi của người đời tưởng chừng đã đạt được, thế nhưng, thực tế trong tâm trí của Vũ Kiệt vẫn không dứt hẳn được những trăn trở, mong muốn cống hiến cho dân, cho nước của mình.
Ở làng Mèn (nay là làng Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) có một cô gái xinh đẹp, giỏi giang biết được tâm sự ấy đã tìm cách tiếp cận nhà sư Vũ Kiệt. Một hôm, nhân lúc vắng vẻ cô gái đọc vế đối thăm dò:
- “Con công đi qua chùa Kênh, nó nghe tiếng cồng nó kềnh cổ lại”.
Biết ý cô gái khuyên mình đừng nên xa lánh cuộc đời, nhưng Vũ Kiệt từ chối, tỏ vẻ không còn tha thiết với cuộc đời trần tục:
- “Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch đến già”.
Câu đối của hai người sau này trở thành một trong những câu đối hay trong kho tàng câu đối Việt Nam. Sự độc đáo của nó được thể hiện ở nghệ thuật chơi chữ, đồng âm dị nghĩa. Câu đối của cô gái có bốn chữ công, kênh, cồng, kềnh thì ở vế đáp của mình, Vũ Kiệt dùng bốn chữ cóc, cách, cọc, cạch để đối lại.


Mặc dù bị khước từ, nhưng cô gái vẫn không chịu bỏ cuộc, vào một hôm rằm cô mang lễ lên chùa cúng Phật sau đó nhìn nhà sư rồi đọc mấy vần thơ:

Tội gì ở chốn dưa rau,
Về nhà trên trướng dưới lầu thảnh thơi.
Đêm nằm có thiếp sánh đôi,
Chồng loan, vợ phượng hơn đời Hán gia.
Tu hành chi đến cõi già,
Đường sang Tây Trúc biết là có không?
Người ta thường có câu “anh hùng khó qua ải mỹ nhân”, trước tình cảm của cô gái làng Mèn, trái tim của Vũ Kiệt đã rung động, sau đó ông từ giã đường tu tiếp tục dấn thân, góp sức vào việc dân, việc nước và làm lễ hỏi cưới cô gái kia, sống đời hạnh phúc bên người vợ yêu của mình:

Nghe lời nàng nói vừa lòng,
Trời xuân thắt chặt chữ đồng cả hai.
Đẹp đôi gái sắc, trai tài,
Gương soi in bóng, phấn trời điểm trang.
Xuân hè khéo nở một hàng,
Gái trai đầy đủ rộn ràng đình vi.


Về chuyện này, đời sau có câu thơ rằng:


Chùa Kênh sư bác - thần thông
Thảo lư lai vãng, bỏ không phí mà!
Sau khi hoàn tục, Vũ Kiệt làm quan trải nhiều chức vụ dần dần được thăng tới chức Hàn lâm viện thị thư, Tả thị lang kiêm Đông các hiệu thư.
Trong số các Trạng nguyên nước ta, có người ít nhiều gắn bó, liên hệ với chốn tu hành, như trường hợp Lê Ích Mộc (đỗ năm Nhâm Tuất 1502) vốn xuất thân là một đạo sĩ tu theo đạo Lão nhưng rất thông hiểu kinh Phật; hay như Nguyễn Kỳ (đỗ năm Tân Sửu 1541) nhờ nhà chùa cưu mang giúp đỡ mà thành tài…


Còn với Vũ Kiệt, câu chuyện về ông, vị Trạng nguyên duy nhất đi tu đã trở thành một giai thoại độc đáo trong kho tàng chuyện kể về các ông Trạng nước Nam.
Theo Phunutoday

No comments: