Wednesday, April 24, 2019

BÍ MẬT Ý NGHĨA NHÂN SINH ẨN CHỨA TRONG BỨC PHÙ ĐIÊU ĐẶC BIỆT Ở NGÔI ĐỀN NHẬT BẢN

Nếu có dịp đặt chân đến đất nước Mặt Trời mọc, hãy đi bất cứ đâu bạn muốn nhưng đừng quên ghé thăm đền Toshogu, nơi kết tinh văn hóa và linh hồn Nhật Bản. Và nếu bạn đã tới đền Toshogu thì cũng đừng bỏ qua “ba chú khỉ thông thái”, bởi có biết bao bí mật và ý nghĩa nhân sinh ẩn chứa trong bức phù điêu đặc biệt này.


Đền Toshogu còn được gọi là Nhật Quang Đông Chiêu Cung, nằm ở thành phố Nikko, cách thủ đô Tokyo khoảng 140 cây số. Sau khi bước qua hai lần cổng thần đạo Tori, bạn sẽ gặp tòa kiến trúc bằng gỗ tên là Shinkyusha với tám bức phù điêu về hành trình nhân sinh khắc bên dưới viền mái che. Trong đó nổi bật nhất là bức “ba chú khỉ thông thái”, còn gọi là “khỉ tam không”: Một con bịt mắt, tức không nhìn, gọi là Mizadu. Một con bịt miệng, tức không nói, gọi là Iwazadu. Và một con bịt tai, tức không nghe, gọi là Kikazadu.

Nikko Toshogu, một đền đài nguy nga nhất của xứ Phù Tang. (Ảnh: tochinavi.net)

Người ta cần có mắt để nhìn, có tai để nghe, có miệng để nói, đầy đủ các giác quan mới có thể cảm thụ trọn vẹn về thế giới này. Nhưng vì sao khỉ tam không lại khuyên con người nên “che mắt, che tai, che miệng”? Nếu là ẩn dụ cho kiếp sống nhân sinh, thì thông điệp đằng sau đó là gì?

Từ “lục căn” đến “lục tặc”

Con người nhận thức thế giới là nhờ có sáu giác quan, gọi là “lục căn”: Mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, và ý.

Lục căn vốn thanh tịnh, nhưng vì bị ngoại cảnh tác động mà sinh lòng biến đổi theo cảnh. Mắt vì nhìn thấy hình sắc nên mới có sự phân biệt đẹp đẽ hay xấu xí, mũi vì ngửi thấy mùi hương nên mới nhận biết thơm tho hay xú uế, tai vì nghe thấy âm thanh nên mới biết được đâu là hay đâu là dở, lưỡi vì nếm mùi vị nên mới nhận ra ngọt bùi hay đắng cay, thân vì tiếp xúc da thịt nên mới cảm thấy sần sùi nhám nhúa hay êm ái trơn tru, ý vì tiếp nhận tư tưởng nên mới có người thông tuệ lại có kẻ ngu đần.

Khi lục căn bất tịnh thì cái tâm kia cũng trở nên điên đảo: Thấy đẹp thì ham thích, thấy xấu thì ruồng bỏ; nghe lời ngon ngọt thì hài lòng, nghe lời chê bai thì bấn loạn; ngửi mùi thơm tho thì thích thú, ngửi mùi xú uế thì chán chường… Lúc này “lục căn” đã biến thành “lục tặc”, khiến tâm thần vì ngoại cảnh mà đảo điên, khiến ý nghĩ vì ngoại cảnh mà mê loạn. Những thứ tà tâm và tà kiến cũng do đó mà sinh thành: nào là ham muốn hưởng lạc, nào là đố kỵ tranh giành, nào là mưu mô toan tính, nào là nóng nảy bốc đồng…

Vậy “lục tặc” ấy có sức tàn phá đến nhường nào? Chúng ta hãy lấy câu chuyện vui thế này: Có một truyền thuyết lưu truyền trong dân gian kể rằng, thời trẻ Gia Cát Lượng từng theo học lão đạo sĩ ở trên núi, có ngày nọ cậu tình cờ gặp một cô nương vô cùng xinh đẹp. Cô gái ấy mắt phượng mày ngài, mảnh mai kiều diễm, đẹp tựa như tiên nữ hạ phàm. Từ khi gặp nàng, cậu tâm thần mê mẩn, bê trễ học hành, lời sư phụ giảng như gió thoảng qua tai.

Lão đạo sĩ chỉ liếc mắt là thấu tỏ nội tình, ông bèn gọi Gia Cát Lượng đến và nói: “Gần nước biết tính cá, gần núi rõ tiếng chim. Ta xem thần sắc rồi lại quan sát hành động của con, biết rằng con đang vướng lưới tình. Nói cho con biết, cô nương mà con thích kia chẳng qua chỉ là một con chim hạc trên Thiên Cung, vì ăn vụng hội bàn đào của Vương Mẫu mà bị đánh hạ xuống trần để chịu khổ. Tới nhân gian nó hóa thành mỹ nữ để mê hoặc lòng người. Con cứ thần hồn điên đảo thế này, cuối cùng chẳng làm nên trò trống gì đâu”.

Gia Cát Lượng giật mình kinh hãi, thì ra cô nương cậu ngày đêm tơ tưởng chỉ là một con hạc lông lá đầy mình! Nếu cứ để tơ tình quấn chặt, chẳng phải bao năm tu Đạo đều uổng công vô ích hay sao? Nhưng may nhờ sư phụ chỉ giáo, cậu mới kịp thời tỉnh ngộ.

Phần tiếp theo của câu chuyện chúng ta hãy tạm thời không bàn đến, chỉ biết rằng nửa đời sau này Gia Cát Lượng tung hoành ngang dọc, ngồi trong màn trướng mà chỉ định thiên hạ chia ba, được khen là một bậc kỳ tài chốn nhân thế. Ông luôn mang theo mình hai vật bất ly thân để ghi nhớ bài học giáo huấn năm xưa: áo Bát Quái và chiếc quạt lông vũ. Áo Bát Quái là của sư phụ ban cho, còn quạt lông vũ chính là lông đuôi của con hạc tiên ngày ấy.

Gia Cát Lượng ý loạn tình mê, cũng là bởi để cho sắc hình dụ dỗ nhãn căn, suýt chút nữa đã hủy hoại một đời tu Đạo. Con người muốn tâm trí đạt đến độ thanh tịnh thì cần phải trừ bỏ lục tặc này. Đó cũng là lý do vì sao trong Tây Du Ký, bước đầu tiên trên con đường thỉnh kinh là phải trừ bỏ sáu tên giặc cỏ. Tên gọi của chúng lần lượt là: Nhãn Khán Hỷ (mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (thân vốn lo), Ý Kiến Dục (ý thấy muốn). Tôn Ngộ Không đánh chết sáu tên cướp, cũng chính là giúp nội tâm tránh được sáu thứ bụi trần, mục đích là làm cho lục căn thanh tịnh.

(Ảnh minh họa: youtube.com)

Từ “lục tặc” đến “lục thông”

Vì sao nói nhân thế là cõi mê, đời người là bể khổ? Ấy là bởi con người mê trong ngoại cảnh, bị ngoại cảnh chi phối mà dao động trong tâm. Đức Phật từng nói: “Nước mắt chúng sinh trong ba ngàn thế giới tích lại còn nhiều hơn nước bốn biển… Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, không ưa mà hợp là khổ, ưa mà chia lìa là khổ, muốn mà không được là khổ, lưu luyến trong ngũ trọc là khổ… Muốn thoát khổ thì cần chính tâm, diệt dục”.

Cho nên thứ can nhiễu người ta không phải là khổ đau, cũng không phải là khó khăn hay chướng ngại từ bên ngoài, mà chính là cái tâm này. Tâm giống như cỏ, thì chỉ cần gió thổi là cỏ lay. Tâm giống như kim cương, thì đất nứt trời sập vẫn sẽ vững vàng bất động.

Xoay trở lại mà nói, lục tặc trừ bỏ rồi thì lục căn sẽ thanh tịnh, lục căn được thanh tịnh thì tâm trí cũng sẽ nhờ đó mà tĩnh tại an nhiên, tâm trí tĩnh tại an nhiên thì địa ngục sẽ biến thành thiên đường, khổ đau cũng trở thành hạnh phúc.

Ở Nhật Bản có câu chuyện kể rằng, một vị samurai nọ đến gặp lão thiền sư và hỏi:

– Thưa thiền sư, xin hãy cho tôi biết thiên đường và địa ngục khác nhau thế nào?

Vị samurai chưa dứt lời, lão thiền sư đã trừng mắt mắng rằng:

– Đồ ngốc, có thế mà cũng không biết!

Samurai nổi giận, mặt đỏ phừng phừng, vung kiếm lên định cho lão thiền sư một bài học. Nhưng lão thiền sư không run sợ mà chỉ thản nhiên nói:

– Đó là địa ngục.

Samurai bỗng giật mình ngượng nghịu, nét mặt dịu lại và từ từ hạ kiếm xuống. Lão thiền sư mỉm cười và nói:

– Và đây là thiên đường.

Chỉ trong khoảnh khắc, vị samurai kia vừa rơi xuống địa ngục rồi lại bước lên thiên đường. Lúc này, ranh giới giữa thiên đường và địa ngục chẳng phải chính là “tâm” đó sao? Hoàn cảnh vẫn vậy không có gì khác trước, nhưng hễ cái tâm kia thay đổi thì cảnh giới bên trong đã biến đổi đi rồi.

Phật giáo cho rằng khi thanh trừ được lục tặc thì hành giả sẽ đạt đến “lục thông”, tức là sáu thứ thần thông. Người bình thường chúng ta dẫu chẳng màng đến thần thông thì chí ít sẽ có được nội tâm thanh tịnh, ở trong mê mà không loạn, giữa thế sự đảo điên mà vẫn bình thản an nhiên. Với tâm thái như thế, cảnh giới như thế, thì người ấy nào có khác chi thần tiên, đâu cần phải có thần thông mới có thể tiêu diêu tự tại giữa nhân gian?

(Ảnh minh họa: photography.com)

Từ chuyện “lục thông”, bàn chuyện “tam không”

Những lời dài dòng bàn luận trên đây có thể tóm gọn trong một câu này: Lục căn là cửa ngõ của cơ thể để bụi trần len lỏi vào bên trong, cho nên muốn thân tâm thuần khiết thì cần phải tẩy rửa bụi trần, giữ lục căn thanh tịnh.

Khỉ tam không với ba hình ảnh: “che miệng, che mắt, che tai” cũng là tượng trưng cho lục căn. Nhưng ý nghĩa không phải là khuyên chúng ta đừng nói, đừng nhìn, đừng nghe, mà là: Hãy cứ nhìn nhưng đừng mê đắm, giống như là không nhìn vậy. Hãy cứ nói nhưng đừng buông lời lộng ngôn, giống như là không nói vậy. Hãy cứ nghe nhưng đừng rối loạn, giống như là không nghe vậy. Người Nhật Bản giải thích khỉ tam không là: “See no evils, hear no evils, talk no evils” (Không thấy điều xấu, không nghe chuyện xấu, không nói lời xấu) – cũng chính là ý nghĩa này.

Bạn có thể thắc mắc: Vì sao lại là “khỉ”? Thay khỉ bằng nhân vật khác có được chăng, ví dụ như là ‘chú tiểu tam không’ hay một hình ảnh tương tự nào đó? Thực ra, chọn loài khỉ làm nhân vật cũng là một ẩn ý, nó cho thấy còn một “chú khỉ nữa” không có trong bức phù điêu nhưng cũng quan trọng không kém. Người ta vẫn thường nói: “Tâm viên, ý mã” để chỉ rằng tâm của người luôn dao động như con khỉ nhảy nhót lăng xăng và ý nghĩ của người luôn biến đổi như con ngựa phi nước đại. Như vậy, hình tượng “khỉ” nhắc nhở chúng ta về chữ “Tâm”, ấy là: bịt tai, bịt miệng, bịt mắt, mục đích là để gìn giữ cái Tâm này!

Tâm Minh

No comments: