Cá cháy. Ảnh tư liệu
Theo các cụ già xưa, vàm Đại Ngãi là nơi có rất nhiều loài cá quý, trong số đó có con cá cháy. Đây là loại cá chỉ duy nhất ở con sông Hậu mà nhiều nhất là ở vàm Đại Ngãi chứ không có ở nơi nào khác. Có lẽ vì thế nên mới được coi là quý hiếm chăng?
Có thể nói, cá cháy là loài cá quý tộc vì người được thưởng thức nó phải là người giàu có. Loài cá này đã được sách sử ghi nhận. Trong “Gia Định thành thông chí”, Trịnh Hoài Đức đã vinh danh nó là “thiều ngư” và trong “Đại Nam nhất thống chí” các sử thần triều Nguyễn đã gọi cá cháy là “tiễn ngư”, “có hình dạng giống cá mè, sử này còn ghi thêm cá cháy biển rất lớn, béo ngon lạ thường. Dưới bụng có xương nhỏ như mũi tên”. Học giả Vương Hồng Sển - một kho tư liệu về văn hóa Sóc Trăng lúc sinh thời đã gọi thịt cá cháy là món “kỳ trân thủy vật”. Đây là loài cá chỉ dành cho người lớn chứ trẻ con không được ăn vì chúng rất nhiều xương. Sử triều Nguyễn ghi rằng “Tô Đông Pha có cái hận về cá nhiều xương, tức là cá này”. Tuy nhiên điều mà các sách sử ghi nhận về con cá cháy đặc biệt là cách chế biến đã không được đề cập đến. Có một điều chắc chắn là đã được sách sử ghi nhận ắt đây phải là loài cá quý hiếm, và phải chăng đây là loài cá chỉ dành cho nhà quý tộc? Đến nay qua sách vở, ta chỉ được biết đó là loài cá nước ngọt có nhiều xương, chúng sống ở con sông Hậu hiền hòa mà nhiều nhất là tại vàm Đại Ngãi.
Các cụ già từ thế kỷ trước đã nhắc đến một câu chuyện huyền hoặc về sự biến mất của loài cá này. Đó là vào thập niên 1960. Sự biến mất của nó để lại nhiều nghi vấn nên tôi mạnh dạn đặt tên cho sự ra đi ấy là một huyền thoại vậy. Nói là huyền thoại vì con cá cháy đã góp phần tôn đẹp thêm văn hóa vùng đất Sóc Trăng xưa mà lại chưa được vinh danh nhiều về nó và còn nhiều điều chưa rõ. Các cụ già của vùng Ngãi Hội (xã Đại Ngãi - huyện Long Phú) và cả vùng Song Phụng - Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách) kể rằng vào khoảng 1960, cá cháy đột nhiên biến mất sau khi xuất hiện như thường lệ. Cá cháy có nhiều vào thời điểm trước và sau Tết nguyên đán một tháng. Lúc ấy là lúc khí trời trong trẻo, mát mẻ, trên mặt sông nhiều sương mù bao phủ. Con cá cháy ngoi đầu lên đớp sương làm mồi ăn. Phải chăng vì thế mà thịt cá mới bùi ngon, người ta nhân lúc ấy mà tìm cách bắt nó. Vậy mà sau năm ấy, cá đi biệt tăm, ứng với câu “sông dài cá lội biệt tăm” không thấy cá về nữa bao giờ.
Sự ra đi đó, để lại những trách cứ thuộc về con người rằng, chính bàn tay con người đã làm biến đổi nặng nề môi trường nên cá mới bỏ đi. Nhưng vào năm 1960 ấy, môi trường vùng Đại Ngãi còn tự nhiên lắm cơ mà. Vậy trách người sao đặng! Có người còn cho rằng, chính tàu nước ngoài vào đây buôn bán đã dùng thứ thuốc gì đó dẫn cá đi rồi! Dẫu thế nào đi nữa, cá cháy cũng không còn có mặt trên con sông Hậu của vàm thuở nào!
Nhưng điều còn lại về nó hẳn còn khá nhiều. Cá cháy như đã nói, đớp khí sương mà ăn nên lạ và đánh bắt rất khó vì lúc ấy sương mù dày đặc. Lại nữa, theo các cụ thì đây là loại cá dễ tử khi rời mặt nước. Vì thế, tôi gọi nó là loài cá quý phái cũng không kêu tí nào.
Cũng theo các cụ ở ấp Ngãi Hội (Đại Ngãi) đã từng ăn thịt cá cháy, loài cá này được nhớ lại khá chi tiết. Đây là loài cá nước ngọt, thân nó hơi dẹt, màu trắng. Nói đến đây tôi hình dung nó giống con cá mè quá! Nhưng nghĩ thế là hỏng vì cá mè hiện không phải là loài cá quý, thịt chẳng ngon là mấy (điều này khác với sách sử đã ví ở trên).
Thịt cá cháy ngon, ngọt nhất là chế biến với món kho lạt. Vậy là sách sử không ghi cách chế biến nhưng dân gian lại lắm kinh nghiệm ăn uống đối với con cá cháy. Cần phải nói thêm rằng, kho lạt là món ăn hết sức đặc trưng của cư dân sông nước miền Tây Nam bộ chứ không riêng gì vùng Đại Ngãi. Nhưng cá cháy chỉ kho lạt mới cảm nhận hết cái vị bùi ngon của nó. Kho lạt không phải với trái bần ổi mà nhiều người vẫn biết, kho lạt ăn với xoài sống băm sợi mới nếm hết cái vị ngon của cá. Tỉ như bây giờ có món cá tra bần kho lạt ăn với xoài sống ấy mà! Cũng ngon ghê. Tôi đã đi và có điều kiện thưởng thức một số loài cá ở vàm này như cá bông lau, cá tra mà nhất là con cá tra bần kho lạt thì tuyệt hết chỗ nói. Gọi là con cá tra bần là vì lúc cá tra nổi lên theo con nước ăn trái bần chín rụng xuống sông thì bị bắt dính bằng cách giăng lưới, thả câu. Mùa quả bần chín cũng là mùa con người của vùng đất Đại Ngãi được thưởng thức những món ngon từ vàm. Thịt con cá tra bần vừa thơm, vừa ngọt ăn không ngán, đặc biệt nhất là ruột và bong bóng cá thì sau khi kho lạt ăn với xoài chua thái mỏng cũng đã vô song. Ruột cá vừa béo ngậy, vừa mềm lại vừa thơm, ăn một khúc nghe phau cái miệng. Rõ “ăn” được xếp vào hàng nhất khoái trong tứ khoái chẳng sai chút nào. Nếu cá cháy còn hẳn con cá tra bần ít người nhắc tới dù hiện tại cá tra bần cũng thuộc hàng đặc sản chứ chẳng chơi.
Cá cháy dễ chết khi lên khỏi mặt nước. Ảnh tư liệu
Điều đặc biệt nữa của con cá cháy là khi vào mùa sinh sản vào khoảng tháng tư đến tháng sáu âm lịch, nếu bắt được cá thì ăn ngon nhất vẫn là cặp trứng. Theo cụ Nguyễn Văn Út ở vùng Đại Ngãi - Long Phú thì cá cháy có trứng to đựng cả một dĩa bàn không hết. Cá cháy bắt về mùa này ngoài kho lạt còn đem nấu ngót thì ăn khỏi phải nói. Đó là nhận xét của nhiều bậc cao niên ở đây chứ không riêng gì cụ Út. Cá cháy nấu ngót ăn với xoài chua thì không có con cá nào có vị đặc trưng như thế cả. Thế mới nói, cá cháy là cá “hàng hiệu” đã có tiếng nhưng tiếc là đã thất truyền. Ngoài ra, người ta còn ăn cá cháy với món kho rim cùng với mía, mà mía cù lao thì ngọt lắm ai ơi, cộng với thịt cá bùi ngon chắc món này cũng phải xếp vào hàng “sơn hào hải vị” mới được. Chẳng thế mà nhà nghiên cứu họ Trịnh đã gọi thịt cá cháy là “kỳ trân thủy vật” và sách sử triều Nguyễn cũng đã ghi danh đó sao?
Trở lại chuyện con cá cháy mất tăm, cho đến nay không có lời giải nào xác đáng. Chỉ biết loài cá này đã thành một hoài niệm của nhân gian như một huyền thoại nơi cửa sông Hậu mà vàm Đại Ngãi là một chứng nhân lịch sử, chỉ có sông mới hiểu cá về đâu!
Thế đấy, con sông Hậu hiền hòa bao đời đã làm nên nét duyên của văn hóa miệt vườn với những vườn cây trái thơm ngon. Và cũng từ đó cho con người nơi đây những ưu đãi thứ thiệt, có một không hai. Đó là con cá cháy. Vị bùi ngon của loài cá này đã được thơ ca ghi nhận. Chẳng thế mà nhà thơ Kiên Giang đã viết: “Thơm tho khói thuốc mùi Cao Lãnh; Cá cháy bùi ngon vị Sóc Trăng”. Bằng vế đối này, hiện tại người ta có thể không được ăn thịt cá cháy nhưng vẫn cảm nhận được giá trị cực quý của nó. Rõ là cá quý của vùng đất Sóc Trăng nay đã đi vào trí tưởng tượng của con người nơi đây. Biết đâu đó, cùng với sự biến đổi không ngừng của thiên nhiên, một ngày nào đấy, con cá cháy lại về lại vàm xưa? Tỉ như người đi xa xứ nhớ quê lại về ấy mà, dẫu đã hơn một phần hai thế kỷ qua đi, con cá cháy hẳn đã lặn vào lòng sâu sông Hậu từ năm 1960 của thế kỷ trước liệu có tìm về?
Triệu Văn / Báo Sóc Trăng