Thursday, April 7, 2022

FUROSHIKI - NGHỆ THUẬT KHĂN GÓI QUÀ CỦA NHẬT BẢN

Hôm nay xem "Ai là Triệu phú" phát sóng 05/04/2022, có một câu hỏi như thế này: "Furoshiki" là  môn nghệ thuật truyền thống gì của Nhật Bản?- Đáp án: Trà đạo - Dệt vải - Làm gốm - Gói quà. Tôi không biết và người chơi cũng không biết nên dừng cuộc chơi. Câu trả lời đúng là "gói quà" cho nên lên mạng hỏi anh Google ngay. 


Furoshiki – Nghệ thuật khăn gói quà của Nhật Bản

Nhật Bản là nước châu Á đầu tiên mở cửa du nhập văn hóa phương Tây với cuộc cải cách Duy Tân mang tên Thiên hoàng Minh Trị ngay từ năm 1868. Từ đó, nước Nhật đã hình thành được một hệ thống các thang giá trị mới, hội nhập được với bên ngoài, trở thành một cường quốc về kinh tế, văn hóa và khoa học kĩ thuật. Tuy nhiên, đất nước mặt trời mọc vẫn nổi danh là quốc gia chú trọng gìn giữ những truyền thống văn hóa dân tộc tốt đẹp.

Nhắc đến nước Nhật, người ta thường liên tưởng đến một nền văn hóa mang đậm bản sắc riêng. Nếu người Nhật xưa đã tạo dựng được phong cách nghệ thuật đặc sắc, thì người Nhật ngày nay lại rất biết gìn giữ, đồng thời phát huy những cái hay, cái tốt đẹp của văn hóa truyền thống để trở thành thế mạnh trong việc phát triển quốc gia. Không chỉ nổi tiếng bởi chiếc áo truyền thống Kimono, trà đạo (Sadou), nghệ thuật cây cảnh (Bonsai), nghệ thuật cắm hoa (Ikebana), nghệ thuật gấp giấy (Origami), Nhật Bản còn có furoshiki nghệ thuật gói đồ tinh tế, độc đáo. Furoshiki chứa đựng ý nghĩa về lối ứng xử lịch thiệp mang đậm phong cách và bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện sự tiện ích, linh hoạt trong sử dụng hàng ngày, cũng như cách sống tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.


Nghệ thuật và sự tiện dụng

Người Nhật có biệt tài trong việc nâng một số việc bình thường trở thành nghệ thuật. Như kết hợp thú uống trà với tinh thần Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành trà đạo, một sản phầm văn hóa thuần Nhật. Trà “đạo”, không đơn thuần là phép tắc uống trà, mà trên hết là một phương tiện nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính để đạt giác ngộ. Từ cách pha trà, uống trà, cho tới trà đạo là một tiến trình để đạt đến cái đích cuối cùng người Nhật muốn hướng tới, đó là cải biến tục uống trà du nhập từ ngoại quốc trở thành nghệ thuật sống của dân tộc mình, một “đạo” với ý nghĩa đích thực của từ này. Chưa nâng lên thành “đạo” như trà đạo, nhưng gói đồ, một công việc trong cuộc sống thường ngày của nhiều dân tộc trên thế giới, cũng đã được người Nhật sáng tạo thành một nghệ thuật cho riêng mình.


Về xuất xứ, một số tài liệu cho rằng furoshiki xuất hiện vào triều đại Nara dưới tên gọi tsutsumi (cái bọc), dùng để gói những vật phẩm quý giá như vàng bạc châu báu được cất giữ trong nhà kho Shoso-in (một nơi cất giữ vàng bạc châu báu của hoàng gia tại đền Todai-ji). Tuy nhiên, thuật ngữ furoshiki là sự kết hợp từ chữ furo và shiki, do đấy nhiều người nhấn mạnh đến giả thuyết furoshiki bắt nguồn từ tục tắm hơi ở Nhật Bản có từ thời kỳ Edo (1603-1868).

Người Nhật bước vào bồn tắm (furo) mặc chiếc áo yukata giống như kimono, sau đó dùng tấm vải (shiki) để gói bộ yukata ướt lại và mang về nhà. Một câu chuyện rất phổ biến vào thời Murochami: Khi tướng quân Yoshimitsu Ashikaga xây một một nhà tắm lớn (oyudono) phục vụ cho tầng lớp quý tộc. Những người đến nhà tắm thường gói quần áo của họ trong một tấm vải trên đó có in con dấu riêng của từng gia đình để phân biệt. Sau khi tắm xong, họ dùng những miếng vải để lau khô người. Việc làm này sau đó trở nên phổ biến khi các nhà tắm công cộng (sento) được xây dựng và sử dụng rộng rãi. Dần dần, furoshiki được sử dụng vào nhiều việc khác nhau như gói, bảo quản đồ, vận chuyển hàng hóa, dùng trải sàn nhà hay trang trí không gian sống. Chỉ là một mảnh vải vuông với nhiều kích thước, màu sắc và họa tiết đẹp, furoshiki có thể gói được rất nhiều loại đồ vật. Từ những mảnh nhỏ dùng gói chai rượu sake, đến những tấm lớn để bọc nệm futon cho sạch. Truyền thống giản dị dùng vải để gói đồ vật đã phát triển thành một phong cách rất Nhật Bản.


Trong quan niệm của người Nhật, gói đồ là một công việc quan trọng. Bên cạnh kỹ thuật, hình thức gói cũng được quan tâm đặc biệt. Gọi furoshiki là nghệ thuật hoàn toàn có cơ sở. Bởi “Nghệ thuật là cái hay cái đẹp để người ta chiêm nghiệm qua các giác quan từ đó ngưỡng mộ bởi trình độ, tài năng, kĩ năng, kĩ xảo cao vượt lên trên mức thông thường phổ biến” và “Nghệ thuật đấy là ngữ cảnh địa phương của cá nhân và cộng đồng”4. Một đồ vật được gói theo phong cách furoshiki cũng cho thấy con mắt biết nhìn cái đẹp, khả năng sáng tạo của người Nhật. Chỉ với tấm khăn vuông có thể tạo nên những chiếc túi xách với kiểu dáng độc đáo, hay một chai rượu sau khi được gói bọc cũng có thể mang dáng dấp của chiếc Kimônô truyền thống. Mỗi đồ vật sau khi được gói bọc có thể xem như một tác phẩm nghệ thuật.

Về cơ bản, furoshiki là kỹ thuật sử dụng các nút thắt để gói đồ vật cho chắc chắn. Nhưng trong thực tế những nút thắt này đã trở thành các chi tiết hấp dẫn làm đẹp cho đồ vật. Thẩm mỹ Nhật Bản tinh tế biểu lộ trong quá trình xử lý các nút thắt, cũng như xếp nếp gấp của tấm khăn. Dù ở vị trí dọc hay ngang, cao hay thấp, tổng thể hay từng thành phần nhỏ các nút thắt đều toát lên tính trang trí cao. Những nút thắt này nhiều khi được tạo nên từ tình cảm hay sự ngẫu hứng của người thiết kế. Dựa trên các cách gói bọc cơ bản, người ta có thể tăng số lượng hay thay đổi vị trí nút thắt để có những hình thức furoshiki khác nhau. Đó có thể là kiểu gói truyền thống với vẻ đẹp trang nhã, nhưng cũng có khi là vẻ đẹp kỳ công do các nếp gấp, hay những dải vải dài mềm mại được bổ sung để tăng yếu tố thẩm mỹ cho đồ vật. Đôi khi do kích cỡ của đồ vật thay đổi mà các thiết kế mới ra đời. Với tấm vải furoshiki, điều thú vị là không có giới hạn về hình khối đồ vật, chỉ cần nắm được kỹ thuật thắt nút, cách gói một số đồ vật cơ bản là ta có thể ứng tác các cách gói cho đồ vật có hình dạng khác nhau. Đó cũng là sự biểu hiện của sáng tạo trong nghệ thuật, về nhu cầu cái mới và cái đẹp. Trải qua nhiều thế kỷ, các kỹ thuật gói bọc đã được phát triển, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cho đến nay, có khoảng một trăm cách gói furoshiki.


Màu sắc và đồ án trang trí cũng là những nhân tố quan trọng trong nghệ thuật furoshiki. Cùng một mẫu gói, nhưng do cách dùng những tấm furoshiki có màu sắc, họa tiết khác nhau, hoặc do sự kết hợp giữa nhiều furoshiki mà đồ vật được gói gợi nên những cảm xúc thẩm mỹ khác nhau. Chẳng hạn, những người yêu vẻ đẹp trang nhã thường chọn furoshiki có họa tiết và màu sắc dịu nhẹ. Đồng thời khi gói chú trọng đến việc phối màu hay tạo những chi tiết tinh tế, hài hòa. Trong khi đó, những người muốn gây ấn tượng mạnh lại thường chọn furoshiki có màu tươi, họa tiết sắc nét, đậm nhạt tương phản. Nhiều khi người gói còn tận dụng tấm vải có đường diềm màu để làm nên những điểm nhấn đẹp mắt. Với một số người, furoshiki không dừng lại ở việc gói đồ đơn thuần, mà còn là nghệ thuật trang trí không gian nội thất. Bình hoa, chai rượu, giỏ đựng trái cây, chậu cây cảnh…đều có thể được gói bọc. Khi kết hợp bày đặt các đồ gia dụng được gói theo phong cách furoshiki với các đồ vật khác sẽ khiến các gian phòng trong nhà có một phong cách trang trí độc đáo.


Bên cạnh chức năng gói lễ vật và quà tặng thì còn phổ biến việc dùng furoshiki làm túi đựng, bọc đồ, hành lý để gánh khi đi đường hay cần vận chuyển. Tranh khắc gỗ của các danh họa thời kỳ Edo ngoài giá trị nghệ thuật còn là tư liệu dân tộc học sinh động khi ghi lại những hình ảnh về truyền thống sử dụng furoshiki của người Nhật thời xưa. Một số tranh của Hiroshige trong bộ 53 trạm nghỉ Tokaio như Buổi sáng sương mù, Trạm thứ 51 Ishibe, hay tranh Yoshida trên đường Tokaido của Hokusai… có những hình vẽ hành lý được bọc theo dạng fuoshiki rất đẹp. Thậm chí bức Trạm nghỉ 37 trong bộ tranh 69 trạm nghỉ Kisokaido của Hiroshige còn vẽ chi tiết các tiện dụng khác nhau của furoshiki như vừa có thể dùng làm khăn quàng, mũ đội đầu, vừa là túi đựng tư trang, hay có thể dùng làm địu trẻ trên lưng. Với kích cỡ rộng từ 42 đến 225 cm vuông, furoshiki được làm bằng nhiều loại vải như lụa, vải bông hoặc sợi tổng hợp. Kích thước và loại vải được chọn tùy theo mục đích sử dụng. Với đặc điểm là những tấm vải, furoshiki nhỏ gọn khi ta xếp lại, do đó tiện cho người sử dụng mang theo khi cần dùng. Không chỉ là những mảnh vải mới, furoshiki còn được cắt ra từ những chiếc áo Kimônô cũ, sau đó có thể được dùng lại làm tã cho trẻ. Do cách tận dụng nhiều lần như vậy, nên furoshiki được xem là sản phẩm thân thiện với môi trường, thích hợp với thời đại coi trọng việc tái chế, tái sử dụng như ngày nay.


Furoshiki và văn hóa tặng quà của người Nhật

Nổi bật trong nhiều tính năng sử dụng, furoshiki gắn liền với nghệ thuật gói quà của Nhật Bản. Từ lâu, việc tặng quà đã trở thành truyền thống ở đất nước mặt trời mọc, là cách để con người thể hiện tình cảm với nhau. Đối với người Nhật, món quà chuyên chở trong nó tình cảm của người tặng, lời chúc mừng, sự biết ơn, hay lời chào hỏi. Đồ tặng được gói trong vải, cùng với họa tiết trang trí và thiết kế phù hợp như lời cầu chúc gửi đến người nhận. Một món quà đặc biệt không nằm ở giá trị vật chất của nó, mà ở cách thể hiện văn hóa ứng xử của người tặng thông qua sự chuẩn bị và cách thức tặng quà. Họ tránh đưa quà hay tiền mừng trực tiếp, để trần trụi không bọc gói.

Ý tưởng này xuất phát từ truyền thống lịch thiệp được xây dựng thành nghi thức hàng ngày trong các hộ gia đình samura thời kỳ Kamakura (1185-1333) và thời Muromachi (1333-1568). Do đấy, các nguyên tắc và kỹ thuật gói quà cơ bản đã hình thành và được thiết lập trong thời gian này. Nukada Iwao (1911-1993), người từng nghiên cứu furoshiki đã nhắc đến ý nghĩa gói quà như sau: “Cách thức bọc, cuộn, gói đồ phản ánh giátrị nội dung và giá trị của món quà mà người gửi trao tặng. Đồ tặng, biếu khi không bọc gói được xem là vi phạm phép tắc xã giao, thậm chí hạ thấp phẩm giá của người cho trong cách nhìn của người nhận”1. Đồng thời người Nhật tin rằng, niềm vui của người tặng sẽ nhân lên gấp nhiều lần bởi sau khi món quà được trao cho người nhận, tấm vải furoshiki sẽ được dùng lại để tiếp tục gói quà trao cho người thứ hai và cứ thế tiếp mãi. Do đấy, furoshiki còn được xem như sự kết nối văn hóa và cảm xúc.

Trong văn hóa tặng quà, người Nhật thường tuân theo một số nguyên tắc nhất định. Chẳng hạn, 1/Món quà cần được gói bọc trang trọng. Việc này khiến người nhận có cảm giác người tặng đã quan tâm và có sự chuẩn bị trước, chứ không phải là ý tưởng đột xuất. 2/Trao quà bằng cả hai tay, để bày tỏ sự trân trọng của người tặngvới người nhận. 3/Tặng quà theo cặp hay theo đôi được hoan nghênh vì con số 2 được quan niệm là số mang lại may mắn. 4/Không tặng người Nhật món quà có liên quan tới số 4 và số 9, vì âm của số 4 đồng âm với chữ “tử” và số 9 được coi là số không may mắn. 5/Không nên tặng chiếc lược chải tóc, vì từ chiếc lược trong tiếng Nhật là “kushi”, “ku” là sự chịu đựng, sự đau khổ, “shi” đồng âm với từ “chết”, “kushi” là cộng cả hai điều bất hạnh này. 6/Tránh tặng món quà giống nhau cho hai người có địa vị khác nhau.


Ý nghĩa của quà tặng còn thể hiện qua đồ án trang trí trên những tấm furoshiki. Mỗi họa tiết có một ý nghĩa riêng và tùy thuộc vào từng trường hợp tặng quà mà người ta chọn họa tiết cho phù hợp. Ví như, họa tiết Cá chép vượt Vũ môn biểu tượng cho lòng kiên trì, bền chí, sự thành đạt và thăng tiến công danh thường dùng trong dịp mừng sự ra đời của một bé trai như lời cầu chúc sau này em bé sẽ vinh hiển. Họa tiết Chim ưng và bão biển với hình ảnh chim ưng bay trong dáng kiêu hùng, phía dưới là biển cả nổi sóng được dùng trong gói quà mừng gia chủ sinh con trai với lời chúc mong ước cậu bé sẽ có lòng quả cảm. Họa tiết Vụ mùa bội thu biểu thị mong ước sự sung túc, đông con nhiều cháu thường được dùng gói quà trong dịp lễ tết. Họa tiết Châu báu được thiết kế với ý nghĩa tượng trưng cho hạnh phúc và thịnh vượng bao gồm hình “bảy kho báu”, áo choàng kỳ diệu, ví tiền, mô típ cây đinh hương và ngọc. Còn tấm vải có hình rễ cỏ đan xen vào nhau biểu tượng cho hạnh phúc lâu dài, bền chặt. Khi các cô gái lấy chồng thường dùng tấm vải trang trí họa tiết này cùng họa tiết châu báu để gói đồ về nhà chồng với mong muốn sẽ có cuộc sống giàu sang, hạnh phúc mãi mãi.

Hầu hết những họa tiết truyền thống đều có ý nghĩa tượng trưng biểu thị mong ước về một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc. Phong tục tặng quà ở Nhật khác nhau theo từng vùng. Ở một số nơi, sau khi nhận quà người ta đặt một đồ vật nhỏ vào trong tấm furoshiki rồi trao lại cho người tặng. Nhưng cũng có nơi do quan niệm tấm furoshiki là một phần của món quà, nên người nhận thay vì trả lại tấm furroshiki của người tặng đã đáp lễ lại bằng một món quà nhỏ gói trong tấm furoshiki mới.


Furoshiki trong cuộc sống hiện đại: Sự du nhập của các túi xách từ phương Tây đã hạn chế việc sử dụng furoshiki trong dân chúng. Cuối những năm 70, khoảng giữa thời kỳ Showa, các siêu thị ra đời và cùng với đó là việc sử dụng túi nilông, túi giấy đã khiến nhiều người lãng quên nghệ thuật gói đồ độc đáo của dân tộc. Nhiều người sống trong thời gian này không biết cách sử dụng furoshiki. Tuy nhiên, khoảng mười năm trở lại đây, khi phải đối mặt với hiểm họa suy thoái hệ sinh thái và ô nhiễm môi trường người Nhật đã quay trở lại với truyền thống gói đồ bằng vải.

Với ưu điểm nổi bật là dễ xếp gọn khi chưa dùng tới, vận chuyển gọn nhẹ, dễ dàng sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, furoshiki ngày càng chinh phục được sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Người Nhật có đặc điểm không chỉ dừng lại ở việc gìn giữ, khôi phục nghệ thuật truyền thống mà họ còn biết khai thác những giá trị truyền thống để tạo nên những sản phẩm ứng dụng cho xã hội hiện đại. Tiếp nối di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, hiện nay nhiều nhà thiết kế trẻ đã nghiên cứu góp phần phát triển nghệ thuật furoshiki, từ chất liệu, hoa văn đến mẫu mã và kiểu dáng.Những sản phẩm này vừa kế thừa hình thức nghệ thuật truyền thống vừa có những sáng tạo mới. Thí dụ, những chiếc túi xách được thiết kế theo hình thức furoshiki với các nút thắt rất dễ nhận biết, nhưng lại được sản xuất bằng chất liệu vải mới và bổ sung thêm chiếc những cúc nhựa trang trí. Hay chiếc túi đựng laptop được tạo dáng với phong cách đơn giản hiện đại lại là sự tiếp nối của mảnh vải vuông furoshiki để người dùng có thể dễ dàng gấp lại mang theo bên mình. Dù là kiểu gói truyền thống hay mới lạ, furoshiki luôn phản ánh quan niệm thẩm mỹ tinh tế của người Nhật.

Ngoài những tiện ích và sự linh hoạt trong cách sử dụng, furoshiki còn ý nghĩa về cách sống tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Sự lạm dụng túi nilông trong sinh hoạt hàng ngày đã làm hao tổn một lượng lớn năng lượng của ngành công nghiệp vì giá trị sử dụng ít ỏi và vòng đời ngắn ngủi của loại sản phẩm này. Nhằm cải thiện điều kiện môi trường, chính phủ Nhật đã kêu gọi người dân hạn chế việc sử dụng túi nilông, túi nhựa khi mua sắm, thay vào đó là trở lại với furoshiki cách gói đồ bằng vải của người xưa. Khoảng mười năm trở lại đây, truyền thống sử dụng furoshiki bắt đầu được phục hồi ở Nhật. Năm 2006, furoshiki đã được giới thiệu như một biểu tượng văn hóa của nước Nhật góp phần giảm bớt chất thải trong cuộc họp cao cấp về sáng kiến tiết kiệm, tái sử dụng và tái chế được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.


Các nghệ thuật truyền thống là di sản văn hóa quí báu của mỗi dân tộc. Người Nhật gọi các bí quyết, kỹ thuật của các nghệ thuật truyền thống được cá nhân hay tập thể truyền từ đời này qua đời khác là “tài sản văn hoá vô hình” và những nghệ nhân dân gian là “Quốc bảo dân gian”. Họ ý thức được rằng, việc bảo tồn di sản văn hóa không thể chỉ đóng khung trong phạm vi bảo tàng và những giá trị văn hóa truyền thống sẽ chết nếu không được làm sống lại trong đời sống cộng đồng của dân tộc. Do đấy, chính phủ Nhật Bản không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ, giữ gìn, mà rất coi trọng việc phát huy văn hóa truyền thống phù hợp với cuộc sống hiện đại. Điều này lý giải vì sao nước Nhật đã gìn giữ, thậm chí làm sống lại và phát triển nhiều nghệ thuật truyền thống từng có thời gian bị mai một. Trong đó, furoshiki là ví dụ tiêu biểu, một nghệ thuật đã được phục hồi và đang phát huy thành công trong cuộc sống hiện nay.

Theo: nhatngukosei



No comments: