Saturday, April 30, 2022

VNCH: HÓA RA CÓ TỚI HAI "THÁNG TƯ ĐEN"

Lịch sử Miền Nam Việt Nam thật kỳ lạ: hai cái mốc lịch sử ấy lại cách nhau đúng 20 năm - đánh dấu lúc khai sinh và lúc sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa.

Tổng thống Ngô Đình Diệm trong một hình tư liệu. Bên phải là cố vấn Ngô Đình Nhu, em trai ông. Ảnh: John Dominis

'Tháng Tư Đen' thứ nhất: năm 1955

Sau khi ông Ngô Đình Diệm nhận chức Thủ Tướng vào Hè 1954, Sàigòn dần dần chìm đắm vào cảnh nội loạn. Lý do chính yếu là Pháp nhất quyết dẹp Thủ Tướng Diệm để thành lập một chính phủ thân Pháp và bảo vệ quyền lợi của Pháp.

Tình hình chính trị khó khăn tại Miền Nam từ năm 1954 kéo dài sang năm 1955.

Tư lệnh quân Đội Pháp Paul Ély thuyết phục được Đại sứ Mỹ Lawton Collins rằng ông Diệm không thể lãnh đạo Miền Nam Tự Do.

Ông đề nghị năm bước để thay thế Thủ tướng Diệm (chỉ mới chấp chính được mười tháng). Collins đích thân bay về Washington để áp lực cả tổng thống lẫn ngoại trưởng.

Sau cùng cả TT Eisenhower lẫn Ngoại Trưởng Dulles đã phải nghe theo - dù hết sức lưỡng lự.

Washington gửi điện mật tới Sàigòn đồng ý cho đảo chính vào lúc Pháp đang bí mật yễm trợ lực lượng Bình Xuyên lật đổ Tổng thống Diệm.

Vào mùa xuân 1955, ngoài đối phó với Pháp, ông Diệm còn có vấn đề lớn lao nữa là việc định cư gần một triệu dân di cư từ ngoài Bắc vào Nam, bất chợt làm tăng dân số Miền Nam lên 7%.

Khi đưa một số dân lên khai khẩn các khu dinh điền trên cao nguyên, ông Diệm bị chỉ trích là mang người Kinh lên chiếm đất của người Thượng. Nhiều người còn dị nghị là chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị Bắc Nam và thiên vị người Công Giáo.

Không những tình hình chính trị mà tôn giáo tại Miền Nam thật rối ren. Vào tháng 3, các giáo phái thành lập "Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia."

Quốc trưởng Bảo Đại ủng hộ Mặt Trận và thông báo cho Mỹ là ông Diệm không còn hữu hiệu nữa. Ngày 21 tháng 3, 1950 Mặt Trận tống đạt một tối hậu thư, đòi ông Diệm trong vòng năm ngày phải thành lập chính phủ mới, gồm đại diện của các lực lượng dân chủ đối lập nếu không họ sẽ biểu tình.

Thành lập xong, đại diện Mặt Trận liên lạc ngay với phía Mỹ để yêu cầu ủng hộ việc đòi ông Diệm phải thành lập chính phủ mới. Tại Sàigòn, Đại sứ Collins tuy là chống biểu tình nhưng khuyên ông Diệm phải thương thuyết để dung hòa với Mặt Trận, như vậy "có thể đổi thù thành bạn."

Thoạt đầu ông Diệm đồng ý, nhưng khi các giáo phái nói là không thể điều đình về những yêu sách của họ, ông Diệm cho ông Collins biết là sẽ dùng vũ lực để giải quyết. Collins không đồng ý, trả lời rằng quân đội sẽ không ủng hộ việc dùng vũ lực và tiếp tục khuyên ông Diệm phải tìm giải pháp ôn hòa.

Một quyết định táo bạo

Cuối tháng 3, 1955 bầu không khí Sàigòn trở nên ngột ngạt sau khi ông Diệm ban hành sắc lệnh tách Cảnh sát Biệt khu Thủ đô ra khỏi hệ thống chỉ huy của Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia Lại Văn Sang. Không thông báo cho Đại sứ Mỹ, ông Diệm bắt đầu xúc tiến kế hoạch truất chức ông Sang và tấn chiếm Trung Tâm Cảnh sát, dự định cả hai việc sẽ được thi hành vào ngày 29 tháng 3.

Thế nhưng chỉ mấy giờ trước khi kế hoạch bắt đầu, Pháp biết được tin này nên gấp rút can ngăn ông Diệm, hứa sẽ tìm cách đưa quân đội Bình Xuyên ra khỏi lực luợng cảnh sát.

Đại sứ Collins cũng đến gặp ông Diệm để phản đối việc dùng vũ lực.

"Nếu ngài giải quyết vấn đề bằng cách này, chúng tôi sẽ bị áp lực mạnh mẽ phải ủng hộ việc thay đổi chính phủ ngài."

Đêm 29 rạng 30 tháng 3, giao tranh giữa Bình Xuyên và quân đội quốc gia đã xảy ra, nhưng vào lúc 3:15 sáng, Tướng Ely áp đặt ngay lệnh ngưng chiến.

Để biểu dương lực lượng, ông cho xe thiết giáp quần trên đường phố Sàigòn. Vì đã có giao tranh đem đến đổ máu và chết chóc, Pháp nhân cơ hội này sắp xếp một kế hoạch toàn bộ để dẹp ông Diệm.

Một mặt thì thuyết phục Đại sứ Collins (cũng là cựu chiến hữu với Ély trong Thế Chiến II) về ông Diệm không đủ tài năng và uy tín, mặt khác thì đề với nghị Quốc trưởng Bảo Đại ở Cannes phải có hành động quyết liệt như cất chức ông Diệm, đồng thời ngấm ngầm yểm trợ lực lượng Bình Xuyên.

Tháng 4/1955: năm bước để loại bỏ Thủ Tướng Diệm

TT Ngô Đình Diệm trong một ảnh chụp cuối tháng 11/1955. Ảnh: Photoquest

Pháp đã thành công trong việc thuyết phục được Đại sứ Mỹ Collins. Ngày 9 tháng 4, 1955 ông Collins gửi Ngoại Trưởng Dulles một điện văn dài, đề nghị toàn bộ cách giải quyết cuộc khủng hoảng tại Sàigòn. Đề nghị này gồm hai phần: sắp xếp việc ông Diệm 'từ chức,' và thẩm định hậu quả của việc từ chức. Tóm tắt phần một như sau:

Hãy xem công điện số 4448

Ngày 9 tháng 4, 1955

Việc sắp xếp cho ông Diệm từ chức gồm 5 bước đi, :

1. Giải quyết vấn đề rút Cảnh sát và Công an ra khỏi tay Bình Xuyên;

2. Thuyết phục ông Diệm từ chức;

3. Tìm người thay thế ông Diệm làm Thủ tướng;

4. Đi tới một thỏa thuận về giải pháp đối với các giáo phái; và

5. Vận động để các giáo phái chấp nhận giải pháp trên.

Nửa đêm ngày 28 tháng 4


Khuyến cáo của Đại sứ rõ ràng, mạch lạc là như vậy, nhưng tại Washington phản ứng về vụ Bình Xuyên nổ súng thì lại khác.

Bảy Viễn và thành viên quân Bình Xuyên đứng trước Tổng hành dinh gần cầu chữ Y. Ảnh: hìnhanhlichsu.org

Ngay trước khi kim đồng hồ chỉ nửa đêm ngày 28 tháng 4, 1955 ở Sàigòn tức là trưa ngày 29 tháng 4 ở Washington, Ngoại trưởng Dulles nhận được tin "giao tranh đã bắt đầu giữa Quân Đội Quốc Gia và Bình Xuyên" khi ông đang ăn trưa với một số dân biểu lưỡng đảng tại Tòa Bạch Ốc:

"Đây là cơ hội chúng ta đã chờ đợi để tìm hiểu xem ông Diệm có đủ can đảm và quyết tâm hành động không, và cũng để biết được Quân đội Việt Nam có trung thành với ông ta hay không," ông Dulles nói với các dân biểu, "Nếu chứng tỏ được hai điều này thì ta hết lo (we are over the hump); còn nếu như ông thất bại về một trong hai điểm thì bắt buộc ông ta phải từ chức. Dù sao chúng ta cũng sẽ có câu trả lời."

TT Eisenhower chỉ thị:

"Nếu như ông ta thất bại thì thật là bết bát, nhưng ta cần phải tìm hiểu ngay bây giờ hơn là để muộn về sau, xem Quân đội Quốc gia mà ta tốn phí quá nhiều để phát triển liệu có trung thành với ông ta hay không."

Trong hoàn cảnh xáo trộn và trước sự chống đối ông Diệm của Đại sứ Collins, TT Eisenhower gọi ông Collins về Washington để tham khảo. Trước khi đi, ông Collins còn gửi đề nghị cho TT Eisenhower (19/04/1955) là vẫn phải thay thế ông Diệm.

Rồi Collins còn đến gặp ông Diệm một lần nữa và báo cáo về Washington là ông đã nói thẳng với ông Diệm rằng chính phủ của ông ta sẽ không thể tồn tại nổi được ba tháng nữa, và nếu cứ tiếp tục như thế này thì loạn lạc là điều trông thấy.

Và vì vậy, "Tôi thêm rằng bắt buộc tôi phải báo cáo cho chính phủ tôi rằng hành động của ông Diệm sẽ dẫn tới một cuộc nội chiến."

Theo Collins, ông Diệm đã trả lời rằng mỗi khi ông nhân nhượng và thỏa hiệp thì vấn đề lại trở nên khó khăn hơn.

Vì sợ ông Diệm lợi dụng lúc Collins không có mặt ở Sàigòn để tấn công Bình Xuyên và đặt Mỹ vào một việc đã rồi nên Collins còn căn dặn ông Diệm là "Ngài nên làm bất cứ điều gì có thể để tránh xảy ra một cuộc xung đột trong khi tôi đi vắng."

Cao ủy Pháp, tướng Paul Ely (giữa) cùng ông Ngô Đình Diệm, lúc đó mang chức Thủ tướng, tại một chùa ở Chợ Lớn trong lễ Phật giáo tưởng niệm chiến sỹ trận vong Pháp - Việt tháng 1/1955. Ảnh: Getty Images

Ông Diệm nói lảng đi, phàn nàn rằng nếu như ông đã cất chức Tổng Giám Đốc Cảnh sát Lại Văn Sang ngay từ đầu thì bây giờ tình hình tại Sàigòn đã có thể kiểm soát được rồi.

Chào tạm biệt, ông Collins cho ông Diệm hay là chính Quốc trưởng Bảo Đại sẽ giải nhiệm ông nếu tình hình này cứ kéo dài. Kết thúc bản báo cáo gửi Washington, Collins đề nghị:

"Tôi không thấy, nhắc lại là không thấy, một giải pháp nào khác ngoài việc thay thế ông Diệm cho sớm."

Bên bờ vực thẳm

Đại sứ Collins về tới Washington ngày thứ Năm, 21/04.

Ngày 22 tháng 4, ông dùng bữa ăn trưa với TT Eisenhower, và sau đó gặp Ngoại trưởng Dulles cùng với các đại diện Bộ Quốc Phòng và Trung ương Tình báo để 'lobby' chống ông Diệm. Ông nhắc lại quan điểm của ông một cách mãnh liệt và cứng rắn hơn trước là Mỹ phải thay thế ông Diệm và có kế họach hành động ngay tức khắc.

Trước áp lực mạnh mẽ của Collins, vừa là đặc ủy của Tổng Thống, vừa là đại sứ, lại là chứng nhân có mặt tại chỗ để nhận xét, nên sau cùng ông ta đã thắng thế. Ngày 27 tháng 4, ông Dulles đã đồng ý một cách lưỡng lự.

Ông chấp thuận một mật điện do Bộ Ngoại giao soạn thảo ra lệnh thay thế Thủ Tướng Diệm. Ông Young viết lại rằng:

"Chẳng một ai trong chúng tôi thật sự tin tưởng vào bức điện đó, nhưng chúng tôi phải đối diện với những đề nghị mạnh mẽ của Collins và ưu thế của ông là ông ta đã đến tòa Bạch Ốc ngay hôm sau ngày ông từ Sàigon về tới Washington."

Mật điện lịch sử ngày 27/04/1955: thay thế Thủ Tướng Diệm

Bức điện ngày 27 tháng 4, 1955 cho phép sắp xếp thay thế Thủ Tướng Diệm trích dẫn ở phần Phụ Lục là một văn kiện lịch sử hết sức quan trọng. Nó giống như mật điện ngày 24 tháng 8, 1963 vào lúc sắp xếp việc đảo chánh.

Sau đây là tóm tắt:

Bộ Ngoại Giao

Ngày 27/04/1955

"Tướng Collins và Ely phải thông báo cho Thủ tướng Diệm biết rằng vì lý do ông không thành lập được một chính phủ liên hiệp có cơ sở rộng rãi và ông bị người Việt chống đối, chính phủ Hoa kỳ và Pháp không còn đủ tư thế để ngăn ngừa việc ông phải từ chức. Những đức tính yêu nước của ông vẫn có giá trị tiềm năng lớn đối với Việt Nam, và chúng ta hy vọng rằng ông sẽ hợp tác với bất kỳ chinh phủ mới nào được chỉ định…

" Chúng tôi tạm đề nghị một tân chính phủ như sau:

1)Nội các: quyền hành pháp đầy đủ trao cho [Trần Văn] Đỗ hoặc [Phan Huy] Quát làm thủ tướng và phó thủ tướng…

2)Hội Đồng Tư Vấn khoảng từ 25 đến 35 đại diện các phe nhóm, gồm cả các giáo phái…và

3) Quốc hội Lâm thời: một cơ chế gần như một Quốc Hội Lập Pháp, gồm những người đã trù liệu được bầu ra hay chỉ định theo lịch trình…" Dulles


Bộ Ngoại giao gửi mật điện đi vào lúc 6 giờ chiều ngày 27/04 giờ Washington nhưng khi chỉ thị vừa được gửi đi là tin tức này đã lọt ra ngoài nên ông Diệm biết được và đã hành động kịp thời.

Những giờ phút quyết liệt cuối tháng 4/1955

Theo tác giả Mark Moyar trong cuốn Triumph Foresaken (xuất bản năm 2006) thì:

"Trong mấy giờ đồng hồ hết sức cam go sau khi gửi mật điện này, Washington nhận được rất nhiều điện văn dồn dập do Đại tá Landsdale gửi.

Rồi ngay trước khi kim đồng hồ chỉ nữa đêm giờ Washington (Sàigòn là trưa) Landsdale báo cáo là "giao tranh đã bắt đầu giữa Quân đội Quốc Gia và Bình Xuyên."

TT Eisenhower và Ngoại trưởng Dulles nghe vậy giật mình, quyết định hủy bỏ kế hoạch Collins nhằm dẹp ông Diệm, đồng thời ra lệnh cho Tòa Đại sứ Mỹ ở Paris và Sài gòn phải gấp rút đốt hết các mật điện nói về việc này.

Về thời điểm này, tác giả nổi tiếng về lịch sử Việt Nam Joseph Buttinger trong cuốn "Vietnam, A Dragon Embattled" nhận xét:

"Trong sự tranh đấu để thu hồi và bảo vệ được quyền bính, ông Diệm đã trải qua nhiều giai đoạn bất trắc và khổ cực. Tuy nhiên, cho dù cả trong những tuần lễ trước cuộc đảo chánh và ám sát ông năm 1963, ông Diệm cũng đã không bị gian lao, cay đắng bằng trong tháng 4, 1955."

May mắn cho kế hoạch khai sinh VNCH

Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm trong một chuyến thăm Hoa Kỳ. Ảnh: Carl T. Gossett Jr.

Trước khi rời Sàigòn về Washington (ngày 20/04), theo tác giả Mark Moyar trong sách đã viện dẫn, Đại sứ Collins có nói với Cao ủy Pháp Ely rằng:

"Hoa Kỳ đã quyết định ông Diệm phải từ chức."

Theo sự thỏa thuận này, ngày 30 tháng 4, Ely tới gặp Quyền Đại sứ Mỹ Randolph Kidder để yêu cầu Hoa Kỳ cộng tác với Pháp trong việc dẹp ông Diệm.

Lúc ấy, Kidder không biết chính sách của Washington diễn biến ra sao vì trước khi rời Sàigòn, Collins chỉ nói với Kidder là "thượng cấp còn đang bàn định về những kế hoạch mới của Hoa Kỳ tại Việt Nam," và lúc này Collins còn đang bàn bạc, vận động tại Washington.

Thế nhưng, vì đã tận mắt thấy ông Diệm đang thành công, Kidder trả lời thẳng thừng cho Ely là "Không, Hoa Kỳ sẽ không cộng tác trong việc dẹp ông Diệm."

Về sau, Kidder kể lại "Lúc ấy tôi thực không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tự quyết định lấy về chính sách của Hoa Kỳ, vì nếu trả lời là "tôi không biết" thì thật là buồn cười."

Tướng Ely vô cùng giận dữ và phản đối, cho rằng Hoa Kỳ đã bội ước, vì chính ông đã nhận được sự đồng ý của Tướng Collins về việc thay thế ông Diệm. Thái độ phẫn nộ của Ely cũng giống như lúc ông đã hết sức bất mãn về sự hứa hẹn của tướng Radford là sẽ can thiệp vào Điện Biên Phủ, rồi không làm như vậy.

Dù Ely phản kháng, Kidder vẫn giữ nguyên lập trường là Hoa Kỳ ủng hộ ông Diệm chứ không bắt tay với Pháp để dẹp ông đi.

Rất may cho Thủ Tướng Diệm và còn may hơn nữa cho việc khai sinh nền Cộng Hòa Việt Nam: cũng theo Moyar, nếu như trong buổi họp ngày 30 tháng 4, ông Kidder đã nói thật với Tướng Ely rằng: Tòa Đại sứ thực sự chưa nhận được những hướng dẫn về chính sách của Hoa kỳ đối với ông Diệm vào lúc ấy (ngoài lệnh hủy công điện ngày 27 tháng 4) thì rất có thể ông Ely đã có những biện pháp mạnh mẽ để dẹp ông Diệm hơn là đã nhân nhượng ông ta.

Ngoài ra, giả như Đại sứ Collins không về Washington và có mặt tại buổi họp với Ely hôm ấy thì rất có thể là Collins đã đồng ý với Ely rồi. (Sự việc này cho ta một bài học: hành động của đại sứ Mỹ có mặt tại chỗ là hết sức quan trọng).

Năm năm sau, trong một bức thư gửi TT Diệm (1960), TT Eisenhower còn nhắc tới sự cương quyết và thành công của Thủ tướng Diệm năm 1955:

"Chúng tôi đã chứng kiến sự can đảm và táo bạo mà Ngài và nhân dân Việt Nam đã biểu dương để đạt tới độc lập trong một tình huống nguy hiểm đến độ nhiều người đã coi như là vô vọng. Chúng tôi còn ngưỡng mộ khi tình trạng hỗn loạn ở Miền Nam đã nhường chỗ cho trật tự, và tiến bộ đã thay thế cho tuyệt vọng, tất cả với một tốc độ thật nhanh chóng."

Nền Cộng hòa của TT Ngô Đình Diệm đã vượt qua và tồn tại đến ngày 1/11/1963.

Ảnh: internet

Bài lấy từ trích dẫn trong cuốn sách 'Khi Đồng Minh Nhảy Vào' của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng. Ông là Cựu Tổng trưởng Kế hoạch VNCH từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản các cuốn sách Khi Đồng minh Tháo chạy (2005) và Khi Đồng minh Nhảy vào (2016).

TS Nguyễn Tiến Hưng
Gửi bài từ Virginia, Hoa Kỳ
BBC Tiếng Việt,1 tháng 11 2018

No comments: