Monday, April 25, 2022

ĐẾN HUẾ - THƯỞNG THỨC NỒNG CAY NGỰ TỬU

Hoàng triều Ngự tửu là tên của một dược tửu ở Cố đô Huế. Giá trị độc đáo của loại rượu thuốc này là sự nồng đượm từ rượu gạo lứt đỏ làng Chuồn, ngâm với Minh Mạng thang, toa thuốc duy nhất được sưu tìm tới nay có đóng mộc đỏ của Thái Y viện triều Nguyễn, phân biệt với các dị bản của Minh Mạng thang đang lưu truyền trong dân gian.


Thấm rượu làng Chuồn

Làng Chuồn là tên Nôm của làng An Truyền, một ngôi làng cổ hơn 600 năm tuổi nằm ven phá Tam Giang, thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang. Có phá Tam Giang bao quanh, nguồn nước và thổ nhưỡng của An Truyền là cội rễ của nhiều sản vật đặc trưng, trong đó có rượu gạo làng Chuồn nổi danh.

Anh Nguyễn Mót, còn có tên khác là Nguyễn Tiến Dũng, ông chủ của Đầm Chuồn Hội Quán hào sảng nói về món rượu thơm ngon, đậm đà mùi vị đầm phá của làng. Mót bảo mình ít chữ, nhưng anh lại khiến người đối diện ngạc nhiên về niềm tự hào vô bờ bến đối với rượu làng Chuồn, sản vật được người làng chắt chiu chưng cất bao đời. Rượu làng Chuồn đặc biệt vì gạo dùng để nấu là loại gạo lứt đỏ đầy cám được trồng trên cánh đồng nước lợ của làng. Từng mẻ rượu được cất trong các chum đồng cổ truyền thống và phải được nấu bằng củi hoặc vỏ trấu. Đến nước dùng cho việc chưng cất cũng phải được lấy từ mạch nguồn của làng.


Với Đầm Chuồn Hội Quán, vợ chồng anh không chỉ duy trì kế sinh nhai từ con cá, con tôm, con cua của vùng nước lợ, mà còn là nơi để anh kết nối, chia sẻ và khoe với khách xa về hương vị rượu gạo làng Chuồn. Khách đến từ nhiều nơi trong Nam ngoài Bắc và cả nước ngoài. Riêng khách Hà Nội, nhiều đoàn về đến An Truyền mà thiếu vị nồng cay của rượu làng Chuồn thì buồn lắm. Vậy nên, Hội Quán lúc nào cũng sẵn nguồn rượu do chính anh đặt nấu tại các lò thân quen.

Trong rất nhiều đoàn khách về với Đầm Chuồn Hội Quán, anh Nguyễn Mót nhớ nhất về một đoàn khách Pháp. Lần ấy, họ đem theo một chai rượu nhỏ, nghe kể giá đến 6 triệu đồng. Khách thảo thơm mời chủ. Chủ nhấp một ngụm nhưng có phần áy náy nên đem rượu gạo làng Chuồn đáp lễ. Không ngờ, sau khi thử một lượt rượu làng, nhóm khách đã tặng lại ông chủ phần rượu Tây còn trong chai và chỉ dùng rượu gạo cho cuộc vui. “Thấy khách đổi rượu là mình biết rượu làng mình đã thắng được chai rượu ngoại đắt tiền kia. Phải những người thật “quen” rượu mới cảm nhận được độ “dày”, cay nồng thấm đến từng đường gân thớ thịt của rượu gạo làng Chuồn. Nhưng điều quan trọng phải nhớ, đây không phải là thứ rượu uống đến say mèm, mà chỉ thưởng thức vừa đủ và chiêm nghiệm thôi nhé”, anh Mót nhắn lại.

Quá mê mà làm

Không sinh ra và lớn lên từ An Truyền, nhưng Đặng Văn Thạnh (người gốc Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) lại dành trọn niềm đam mê, thời gian và cả tiền bạc để phát triển thương hiệu rượu gạo làng Chuồn và Hoàng triều Ngự tửu. Rời ghế nhà trường, Thạnh cũng rời Huế để tìm nhiều cơ hội phát triển làm ăn. Đi nhiều nên Thạnh thấy được mạch nguồn văn hóa Huế vô cùng lớn, nhưng nhiều di sản chưa được khai thác hết tiềm năng. Rượu gạo làng Chuồn là sản phẩm thủ công truyền thống đầu tiên anh chọn phát triển thương hiệu khi quay trở lại đầu tư ở Huế. Tiếp tục tìm hiểu, anh được biết dưới thời nhà Nguyễn, rượu gạo làng Chuồn là một trong những danh tửu được tiến vua. Thạnh đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Dịch vụ Di tích Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm rượu cung đình, trong đó có Hoàng triều Ngự tửu.


Dưới triều Nguyễn, việc nấu và sử dụng rượu trong triều đình được nhà nước quản lý rất chặt chẽ và phân định nhiều loại khác nhau. Trong những loại này, rượu làng Chuồn là loại rượu do triều đình nhà Nguyễn tuyển chọn giống lúa tốt, giao cho dân làng trồng tỉa, thu hoạch, nấu thành rượu để tiến vào cung, phục vụ các dịp tế hưởng của triều đình. Năm 2013, khi Đặng Văn Thạnh thành lập Công ty CP Rượu Làng Chuồn và sau này phát triển thêm dòng sản phẩm rượu cung đình, trên thị trường đã có nhiều sản phẩm cùng chủng loại. Nhưng với Hoàng triều Ngự tửu, anh tự tin vì sản phẩm có nhiều điểm khác biệt so với nhiều nhãn hàng cùng chủng loại trên thị trường. Nguồn rượu đầu vào hoàn toàn do người dân làng Chuồn nấu theo kỹ thuật thủ công truyền thống, ngâm với toa thuốc Minh Mạng thang theo công thức của Thái Y viện triều Nguyễn. Đó không chỉ là loại rượu quý về chất lượng, mà còn mang cả những giá trị di sản văn hóa vô hình của một vùng đất.

Trên thị trường hiện có khoảng hơn 20 dị bản của toa thuốc Minh Mạng thang. May mắn của Đặng Văn Thạnh là được sự hỗ trợ của Nhà giáo ưu tú, lương y Phan Tấn Tô (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y tỉnh) nên anh tiếp cận được đơn thuốc Quy tỳ hoàn gia giảm do Thái Y viện triều Nguyễn kê đơn cho vua Minh Mạng dùng, đề ngày 26 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 10 (1829), có dấu mộc đỏ chứng nhận. Đối chiếu với các bài thuốc Minh Mạng thang lưu truyền trong dân gian, Hội Đông y tỉnh đã xác định tờ châu bản có đơn thuốc Quy tỳ hoàn gia giảm nói trên chính là toa thuốc Minh Mạng thang được truyền tụng lâu nay.


Phát triển Hoàng triều Ngự tửu, Đặng Văn Thạnh xác định tuân thủ công thức Minh Mạng thang càng nguyên gốc càng tốt. Nhờ xuất thân từ gia đình có nghề Đông y, nên đối với một số thành phần (nguồn gốc động vật) có trong toa thuốc hiện đã bị cấm lưu hành, Thạnh chủ động được việc tìm loại dược liệu nào để thay thế và thay thế như thế nào thì vừa đủ. Khi đưa chữ “Ngự” vào “Hoàng triều Ngự tửu”, Thạnh cũng ý thức rõ đây là sản phẩm “dành cho vua”. Từ trong ra ngoài đều không thể giản đơn bình thường, mà phải luôn hoàn thiện để xứng đáng là sản phẩm ở phân khúc cao. Do vậy, không chỉ chú trọng chất lượng mà anh còn định dạng và đầu tư rất kỹ cho mẫu mã. Các loại bao bì từ hộp gỗ cho đến bình đựng bằng gốm sứ, tất cả đều được làm thủ công.

Nhìn lại chặng đường bốn năm đã qua, Hoàng triều Ngự tửu vẫn chưa phải là “con gà đẻ trứng vàng”, nhưng Thạnh có động lực quan trọng khi những khách hàng của anh đều có phản hồi tốt. Ngoài thị trường Huế, do Trung tâm Phát triển dịch vụ di tích Huế phân phối độc quyền, Hoàng triều Ngự tửu đã vươn đến được Đà Nẵng, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Giai đoạn đầu định hình lối đi, gian nan khó khăn nhiều vô cùng nhưng Thạnh nói mình may mắn. Sự may mắn của một “kẻ tay ngang bước vào cuộc chơi” nhưng lại gặp được nhiều ngườithương mình thật sự và hết lòng giúp đỡ. Anh bền chí: “Vẫn mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành và dẫn dắt nhiều hơn nữa của các bậc cha chú, để bản thân có thể nắm bắt tốt hơn những cơ hội phát triển của vùng đất Cố đô”.

PV / Theo: Tạp chí PetroTimes