1. Ông nông dân mãi nghèo khổ
Có một ông nông dân dậy từ rất sớm, nói với vợ sẽ đi làm đồng, lúc ra đến ruộng mới phát hiện máy cày hết dầu. Vốn định đổ thêm dầu, thế nhưng ông ta nghĩ đến ba bốn con lợn ở nhà vẫn chưa cho ăn, thế là ông ta lập tức quay về nhà. Đi qua nhà kho thấy vài củ khoai tây, ông ta liền nghĩ đến khoai tây có khả năng nảy mầm, thế là lại đi ra ruộng khoai tây. Khi đi qua đống củi, lại nhớ ra trong nhà thiếu củi, đúng lúc đi lấy củi thì nhìn thấy con gà ốm nằm trên đất... Cứ như vậy người nông dân chạy đi chạy lại, cuối cùng từ sáng tinh mơ cho đến khi mặt trời lặn, ông nông dân này vẫn chưa đổ dầu vào máy, lợn cũng chưa cho ăn, ruộng cũng chưa cày, cuối cùng chẳng có việc nào làm ra hồn.
Trong cuộc sống, có rất nhiều người cũng như ông nông dân trong câu chuyện trên. Họ không kiên trì quyết đoán, thường rất khó hoàn thành bất cứ việc gì. Giống như một số bạn trẻ một năm thay đổi mấy nơi làm việc, lẽ nào tất cả công ty họ làm trước đó đều không tốt? Câu trả lời tất nhiên là không. Rất có thể họ đã gặp vấn đề nào đó về tâm lý. Kết quả là chẳng có việc nào thành công, cốt lõi của vấn đề chính là thiếu tính kiên nhẫn.
2. Ổ khóa và chìa khóa - Cái nào quan trọng hơn?
Một đêm nọ, ổ khóa đánh thức chìa khóa dậy rồi trách móc: “Ngày nào tôi cũng vất vả giữ nhà cho chủ nhân, thế mà chủ nhân lại thích anh, lúc nào cũng mang theo anh bên mình, thật ghen tỵ với anh quá!” Còn chìa khóa cũng không phục: “Ngày nào anh cũng ở nhà, chơi bời thoải mái, thật là nhàn hạ chứ không như tôi cứ lặn lội gió mưa vô cùng cực khổ, tôi càng ghen tỵ với anh hơn đấy!”
Có một lần, chìa khóa cũng muốn được hưởng thụ cảm giác nhàn hạ của ổ khóa nên tự mình giấu mình đi. Sau khi chủ nhân về không tìm thấy chìa khóa nên tức giận đập ổ khóa rồi vứt nó vào thùng rác. Sau khi vào phòng, chủ nhân lại tìm thấy chìa, ông ta lại tức giận nói rằng: “Ổ khóa vứt rồi giờ giữ lại nhà ngươi còn có ích gì nữa”. Nói xong, chủ nhân liền vứt chìa vào thùng rác.
Trong thùng rác, ổ khóa và chìa khóa gặp lại nhau, cả hai cùng than thở: “Hôm nay cả hai chúng ta đều rơi vào hoàn cảnh như thế này là vì chúng ta đều không nhận ra giá trị cũng như công sức của đối phương mà lại đứng núi này trông núi nọ, lúc nào cũng tính toán chi li, đố kỵ lẫn nhau, nghi ngờ lẫn nhau”.
Quan hệ giữa con người với nhau là mối quan hệ tương tác, chỉ có hòa hợp vào nhau, tin tưởng lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau, quý trọng lẫn nhau thì cuộc sống của chúng ta mới tươi đẹp.
3. Đi tìm hạnh phúc thật sự
Có một phú ông vô cùng giàu có, hễ thứ gì có thể dùng tiền mua được là ông mua về để hưởng thụ. Tuy nhiên, bản thân ông lại cảm thấy không vui, không hề hạnh phúc.
Một hôm, ông ta nảy ra một ý tưởng kỳ quặc, đem tất cả những đồ vật quý giá, vàng bạc, châu báu cho vào một cái bao lớn rồi đi chu du. Ông ta quyết định chỉ cần ai có thể nói cho ông làm thế nào để hạnh phúc thì ông sẽ tặng cả bao của cải cho người đó.
Ông ta đi đến đâu cũng tìm và hỏi, rồi đến một ngôi làng có một người nông dân nói với ông rằng nên đi gặp một vị Đại sư, nếu như Đại sư cũng không có cách nào thì dù có đi khắp chân trời góc bể cũng không ai có thể giúp ông được.
Cuối cùng cũng tìm gặp được vị Đại sư đang ngồi thiền, ông ta vui mừng khôn xiết nói với Đại sư: “Tôi chỉ có một mục đích, tài sản cả đời tôi đều ở trong cái bao này. Chỉ cần ngài nói cho tôi cách nào để được hạnh phúc thì cái bao này sẽ là của ngài”.
Lúc ấy trời đã tối, màn đêm sắp buông xuống, vị Đại sư nhân lúc ấy liền tóm lấy cái túi chạy đi. Phú ông sợ quá, vừa khóc vừa gọi đuổi theo: “Tôi bị lừa rồi, tâm huyết của cả đời tôi”.
Sau đó vị Đại sư đã quay lại, trả cái bao lại cho phú ông. Phú ông vừa nhìn thấy cái bao tưởng đã mất quay về thì lập tức ôm nó vào lòng mà nói: “Tốt quá rồi!”. Vị Đại sư điềm tĩnh đứng trước mặt ông ta hỏi: “Ông cảm thấy thế nào? Có hạnh phúc không?” – “Hạnh phúc! Tôi cảm thấy mình quá hạnh phúc rồi!”.
Lúc này, vị Đại sư cười và nói: “Đây cũng không phải là phương pháp gì đặc biệt, chỉ là con người đối với tất cả những thứ mình có đều cho rằng sự tồn tại của nó là đương nhiên cho nên không cảm thấy hạnh phúc, cái mà ông thiếu chính là một cơ hội mất đi. Ông đã biết thứ mình đang có quan trọng thế nào chưa? Kỳ thực cái bao ông đang ôm trong lòng với cái bao trước đó là một, bây giờ ông có còn muốn đem tặng nó cho tôi nữa không?”.
Câu chuyện thú vị này đã khiến tôi chợt nhận ra bản thân mình trong đó. Bạn liệu có phát hiện ra rằng, khi mất đi hoặc thiếu thứ gì đó bạn sẽ luôn nhớ về nó, nhưng khi có được rồi thì lại dễ dàng coi nhẹ, thậm chí nhìn mà không thấy nó?
Theo: Sức khỏe Cộng đồng
No comments:
Post a Comment