Tháng ba, khi có đợt nắng nóng bao trùm làm ruộng đồng nứt nẻ, cái nắng cháy da khiến cho cây cối đang xanh um tự dưng chững lại. Thế nhưng, cây chùm ruột trước sân nhà tôi bắt đầu nhú lên những chiếc lá xinh xinh xanh ngắt. Đó là dấu hiệu cho biết, mùa chùm ruột đã bắt đầu.
Chùm ruột là loại trái cây dân dã chốn thôn quê
Hiếm có loại cây nào vừa mảnh khảnh mà lại có sức sống mạnh mẽ như cây chùm ruột. Ngày tháng ba, nắng nóng như đổ lửa, các loại cây khác bắt đầu ngả màu vàng vì thiếu nước, trong khi chùm ruột lại bắt đầu cho ra những lá xanh. Sau Tết Nguyên Đán là thời điểm chùm ruột bắt đầu rụng lá, nhìn những cành chùm ruột trơ trọi lá cành cứ tưởng sẽ bị chết. Thế nhưng, không đầy tháng là những cành mảnh khảnh ấy lại cho đầy những lá.Trái chùm ruột có vị chua chát đặc trưng
Những ngày nắng oi bức cứ thế lan tỏa, những lá chùm ruột bé tẹo chạy đua theo những đợt nắng khủng khiếp tháng ba. Rồi trên những cành cây ấy, xuất hiện từng chùm chùm ruột non có màu xanh đưa mình đón những đợt nắng tràn về. Khác với các loại trái cây thông thường rất sợ nắng, chùm ruột là loại trái ưa nắng. Người ta nói rằng, nắng càng nhiều, chùm ruột càng lớn nhanh, lớn một cách chóng mặt. Mới hôm trước còn nhỏ xíu vậy mà thoáng chốc đã lớn bằng viên bi. Lúc này, chùm ruột đã chuyển sang vàng, cây chùm ruột sai oằn thân mang đầy trái trông đến vui mắt.
Chấm với muối ớt là cách ăn nhanh nhất
Dấu hiệu để nhận biết chùm ruột chín là khi trái bắt đầu rụng đầy dưới gốc cây. Vì sợ bị gãy cành nên ít khi bọn trẻ dám leo lên cây, chỉ đợi nhặt chùm ruột chín đầy dưới gốc. Hồi đó, trước sân nhà tôi có cây chùm ruột xum xuê cành lá, trái sai oằn lúc vào mùa. Sau giờ tan học, tôi cùng với bọn “con nít” trong xóm đâm một chén muối ớt thật cay rồi ngồi dưới gốc cây chùm ruột nhặt và thưởng thức món trái cây thú vị này. Có lần, vì không đủ ăn, tôi bạo dạn leo tót lên cây, lần sang những cành sai oằn rồi rung chùm ruột. Không may, cành chùm ruột bị gãy, nội phát hiện và tôi được lãnh cả một trận đòn.
Mứt chùm ruột là thức quà thú vị
Tuổi thơ của bọn trẻ xóm tôi không điện thoại, không quán xá, không được nô đùa ở những điểm vui chơi. Tuổi thơ ấy chỉ quanh quẩn ở thửa ruộng, chân vườn ấy vậy mà vui đáo để. Đó là những ngày cùng chúng bạn tắm ở con sông quê; là những buổi trưa ngồi dưới bóng dừa hóng mát hay chỉ là những lúc ngồi dưới gốc cây chùm ruột thưởng thức từng trái chua lè… Một tuổi thơ cực kì đơn giản nhưng đầy ắp những niềm vui với những người bạn nghèo ngày xưa ấy.
Với sự khéo léo, người ta còn “biến” chùm ruột thành màu đỏ
Không chỉ ăn sống, chùm ruột dầm cũng là một món ăn thú vị. Hái chùm ruột bỏ vào tô, cho thêm muối, đường, ớt trộn đều, để tầm 15 phút là có thể bắt đầu thưởng thức. Nội tôi còn có “độc chiêu” dùng chùm ruột đâm nhuyễn với ớt xanh, hòa cùng với gia vị để mang lại cảm giác lạ miệng đối với người dùng. Rồi có những năm túng thiếu, tôi cùng nội mang chùm ruột ra chợ ngồi bán. Chùm ruột dân dã lại mang đến cho anh em tôi chút tiền mua quà vặt và sinh hoạt hằng ngày. Nội còn làm mứt chùm ruột để trong keo làm quà tặng cho người thân và làm thức quà cho chúng tôi ăn dần.
Cũng trong mùa chùm ruột tháng ba, tôi cùng chúng bạn lội ra cánh đồng nứt nẻ vì hạn nắng bắt cá rô. Tìm đến những vùng nước đọng rồi khai nước, cá rô mề nhảy xôi xối trong rổ thấy mà ham. Hái vội mớ rau muống ruộng mang về nhà nấu nồi canh chua cá rô chùm ruột. Thoạt nghe, có người không biết món ăn này chứ thật ra, đây là món canh chua đem đến cho người ăn cảm giác lạ miệng. Chùm ruột bỏ vào nồi canh nấu chín, dầm ra có vị chua để thay thế nướt cốt chanh hoặc khế trong nồi canh chua đặc trưng kiểu miệt vườn.
Tháng ba, một mùa chùm ruột nữa lại về. Cây chùm ruột trước sân nhà tôi vẫn đứng đó, trái trĩu nặng sai oằn, chỉ có điều bọn “con nít” năm nào nay đã rời quê hương đi làm ăn xa xứ. Nhớ quê, nhớ cây chùm ruột năm xưa. Có lẽ, những kỉ niệm tuổi thơ bên cây chùm ruột trước sân nhà sẽ mãi trong tiềm thức và luôn đồng hành với tôi trong cuộc sống hôm nay.
Hoàng Lê / Theo: songmoi