Phần mộ Nhất giai Ân phi Hồ Thị Chỉ (Ảnh: video clip)
ÂN PHI - HỒ THỊ CHỈ: YÊU VUA ĐỜI TRƯỚC, CƯỚI VUA ĐỜI SAU
Cuộc sống xa hoa chốn hậu cung luôn là mơ ước của nhiều cô gái phong kiến. Thế nhưng, cũng chính chốn hậu cung ấy đã khiến cho bao cuộc tình đẹp bị chôn vùi vĩnh viễn.
Có lẽ, cuộc đời của Ân phi Hồ Thị Chỉ chính là minh chứng rõ nét nhất cho nỗi khổ đau của những người phụ nữ phong kiến khi có tài, có sắc nhưng lại không được quyền tự quyết cho hạnh phúc của riêng mình, bởi lẽ bà đem lòng yêu vua đời trước, thế nhưng lại phải cưới vua đời sau. Cũng vì lí do này mà cuộc đời của Ân phi Hồ Thị Chỉ trở thành 1 chuỗi những bi kịch nối tiếp khiến người nghe phải thổn thức khôn nguôi.
Vua Khải Định - quận chúa Hồ Thị Chỉ - cựu hoàng Duy Tân. (Ảnh: Lịch Sử Việt Nam)
Mối tình đầu khắc cốt ghi tâm với vua Duy Tân
Quận chúa Hồ Thị Chỉ ngày ấy chẳng những nổi danh về nhan sắc mà còn nức tiếng gần xa về tài học. Mặc dù mới hơn mười tuổi, bà đã tinh thông tiếng Pháp, Hán văn và cả Việt ngữ, lại thêm 1 ngón đàn hiếm người theo kịp. Những tưởng cuộc sống của nàng quận chúa xứng bậc trâm anh sẽ trôi qua trong êm đềm, thế nhưng số phận đã run rủi cho bà gặp vua Duy Tân để rồi có 1 mối tình khắc cốt ghi tâm với ông từ đó. Và cũng chính từ đây, cuộc đời của quận chúa Hồ Thị Chỉ đã hoàn toàn rẽ sang hướng khác.
Cuộc gặp định mệnh đó xảy ra vào khoảng năm 1913, khi vua Duy Tân 13 tuổi và bà Hồ Thị Chỉ lên 11. Với mục đích làm nhụt chí vị vua thiếu niên của nước Nam, người Pháp đã cho xây dựng nhà nghỉ mát ở Cửa Tùng, Quảng Trị để ông ra đó tắm biển mùa hè, cũng là hướng cho vị vua trẻ sa vào thói ăn chơi, hưởng thụ. Năm ấy, cha bà Hồ Thị Chỉ là đại thần Hồ Đắc Trung đã dẫn các con mình tới đây để nhà vua có bạn chơi cùng.
Chân dung quận chúa Hồ Thị Chỉ. (Ảnh: Lịch Sử Việt Nam)
Ngay từ lần đầu gặp mặt, nhà vua đã cảm mến bởi tài năng cũng như nét duyên dáng của bà Hồ Thị Chỉ, và bà cũng thầm yêu vị vua trẻ tuổi và dễ gần kia, thế nhưng đôi bên mới chỉ "tình trong như đã, mặt ngoài còn e", chưa ai nói với ai lời thương nhớ nào. Đến ngày phải chia xa, bà Hồ Thị Chỉ mới bật khóc. Thấy vậy, vua Duy Tân dặn em gái bà là Hồ Thị Hạnh dỗ dành chị gái và hẹn sang năm gặp lại. Nhưng lời hứa hẹn này không thành hiện thực vì quận chúa khi ấy đã lớn, không thể theo hầu vua nữa.
Ngày vui không bao giờ đến
Duy Tân là 1 vị vua luôn nặng lòng với việc giải phóng dân tộc, cũng vì thế, ông từng có ý định sẽ không lấy vợ. Mãi tới năm 1915, sau nhiều lần được mẫu hậu thuyết phục, vua Duy Tân mới chịu nạp phi. 2 vị thái hậu đã cho mời quận chúa Hồ Thị Chỉ vào hầu và tặng bà 1 đôi vòng vàng, cho người dạy dỗ các nghi lễ cung đình và bàn bạc chuyện chọn ngày lành tháng tốt với gia đình nhà gái.
Thế nhưng ngày vui nên đôi với người mình yêu đã không bao giờ đến với bà Hồ Thị Chỉ bởi vua Duy Tân đã đột ngột từ hôn. Trong đúng ngày nạp phi đã được chọn trước ấy, người ngồi trên kiệu hoa không phải là quận chúa Hồ Thị Chỉ mà là để con gái người thầy dạy Hán ngữ của nhà vua, bà Mai Thị Vàng. Và nhà vua cũng không hề đề cập tới lí do cho việc từ hôn này.
Vua Duy Tân là vị vua lên ngôi khi nhỏ tuổi nhất trong lịch sử Việt Nam. (Ảnh: Flick)
Mãi cho tới sau này, khi bà Hồ Thị Hạnh, lúc ấy đã xuống tóc trở thành ni cô Diệu Không đã tiết lộ sự thật về việc vua Duy Tân "thay lòng đổi dạ", người đời mới hiểu được tình yêu mà ông dành cho bà Hồ Thị Chỉ sâu đậm đến thế nào. Hóa ra năm 1915, nhà vua đã liên hệ được với Quang Phục Hội của Thái Phiên và Trần Cao Vân để làm cách mạng. Lo sợ việc nguy hiểm sẽ ảnh hưởng tới cả "người mình thương yêu suốt 2 năm" và gia đình họ Hồ Đắc nhưng lại không muốn hoãn việc nạp phi vì sợ người Pháp sẽ sinh nghi, vậy nên ông mới đưa ra quyết định ấy.
Cựu hoàng Duy Tân. (Ảnh: Lịch Sử Việt Nam)
Đến năm 1917, khi vua Khải Định lên ngôi, ông đã cho mời đại quan Hồ Đắc Trung vào gặp và ngỏ ý muốn cưới quận chúa Hồ Thị Chỉ làm phi vì quận chúa thông thạo tiếng Pháp, mà ông thì cần 1 người thông dịch. Việc này chẳng khác nào tiếng sét ngang tai với gia đình Hồ Đắc nói chung và bà Hồ Thị Chỉ nói riêng, bởi lẽ ai cũng hiểu bà nặng tình với cựu hoàng Duy Tân đến thế nào.
Vua Khải Định, người đã xin cưới bà Hồ Thị Chỉ. (Ảnh: Lịch Sử Việt Nam)
Vừa biết tin, quận chúa đã khóc thưa với cha: "Con xin nguyện ở với cha mẹ trọn đời, không lấy ai nữa hết!". Nhưng lệnh vua khó trái, đây đã là khẩu dụ của vua, ông Hồ Đức Trung và con trai là Hồ Đắc Khải đã tính tới nước từ quan về quê, nhưng họ vẫn khuyên giải Hồ Thị Chỉ. Nhất là bà Hồ Thị Hạnh, người em gái thân thiết nhất vẫn luôn tâm sự hàng đêm với bà Hồ Thị Chỉ đã nói: "Giờ ngài (vua Duy Tân) đã vì quốc gia, vậy sao chị không vì gia đình như ngài đã hi sinh vì nước?". Thế rồi sáng hôm sau, với đôi mắt còn sưng vì khóc cả đêm, quận chúa Hồ Thị Chị đồng ý trở thành phi của vua Khải Định.
Tiểu thư Hồ Thị Hạnh, em gái quận chúa Hồ Thị Chỉ. (Ảnh: Pinterest)
Sau khi vào cung, quận chúa Hồ Thị Chỉ trở thành Nhất giai Ân phi, ngôi vị cao nhất trong hàng "cửu giai" triều Nguyễn. Bà thường xuyên tháp tùng đức vua trong các buổi đón tiếp quan khách, sứ thần nước ngoài vì tinh thông ngoại ngữ, và vốn hiểu biết sâu rộng với các nền văn hóa. Nhờ đó, Ân phi nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Bà cũng trở thành mẹ trên danh nghĩa của Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam.
Sau này, khi Khải Định mất, bà Hồ Thị Chỉ mắc chứng trầm cảm, rối loạn tâm thần khi mới ngoài 20 tuổi. Ngay cả anh trai bà là Hồ Đắc Di cũng không thể chữa nổi bệnh cho em gái. Ngày ngày, bà ăn mặc luộm thuộm, tóc tai rối bời, bê bánh nậm, bánh lọc ra bán ở chợ. Thế rồi, Ân phi ngày nào đã kết thúc kiếp đời trầm luân, ngang trái của mình tại Bệnh viện Trung ương Huế vào năm 1985.
(Thông tin từ: Hồi ký Đường Thiền Sen Nở (NXB Lao Động) của bà Hồ Thị Hạnh; web Lịch Sử Việt Nam)
THÔNG TIN THÊM VỀ BÀ HỒ THỊ CHỈ
Nhất giai Ân phi Hồ Thị Chỉ sinh năm 1902 tại Huế. Bản thân bà cũng có dòng dõi quý tộc vì có quan hệ huyết thống với vua Minh Mạng và có tước vị là quận chúa.
Ân phi Hồ Thị Chỉ là vị phi tần đứng hàng đầu trong hậu cung của vua Khải Định. Mặc dù trở thành mẹ trên danh nghĩa của Bảo Đại, nhưng sau khi Khải Định mất, vua Bảo Đại đã không sắc phong cho bà bất kì tước hiệu nào. Chỉ có bà Hoàng Thị Cúc, mẹ đẻ của Bảo Đại mới được xưng là Thái hậu.
Sau khi Ân phi mất, bà được an táng tại khuôn viên của lăng mộ Hồ Đắc thuộc dòng họ mình chứ không được an táng trong hoàng lăng do không có con cái. Phần mộ của dòng họ Hồ Đắc nằm trên 1 đồi thông ở gần chùa Hồng Ân, xứ Huế
Trang Lê / Theo: Thể Thao & Văn Hóa
No comments:
Post a Comment