MỐI TÌNH DANG DỞ TỪ THUỞ THIẾU THỜI
Mỗi khi nhắc đến Tần Thủy Hoàng, đa số mọi người lập tức nghĩ tới vị hoàng đế Trung Hoa tài giỏi nhiều công lao nhưng cũng khét tiếng tàn bạo.
Những chiến công của ông đều lẫy lừng và hầu như ai cũng biết tới, thế nhưng còn một khía cạnh ít người biết về vị quân vương này: Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế trọng tình trọng nghĩa, cả đời canh cánh nhớ nhung mối tình thuở thiếu thời đến nỗi sau khi người mình yêu mất, ông không lập bất cứ ai làm hoàng hậu và xây riêng một cung điện để tưởng nhớ người con gái mình yêu..
Tần Thủy Hoàng tên thật là Doanh Chính, người nước Tần nhưng lại được sinh ra tại Hàm Đan (nước Triệu) bởi khi đó, cha ông là Tần Trang Tương vương Doanh Dị Nhân bị giữ lại nước Triệu làm con tin để đảm bảo hai nước không động binh đao.
Trận chiến Trường Bình khốc liệt khiến hai nước Tần - Triệu kết thâm thù (Ảnh: Baidu Baike)
Thế nhưng, một năm trước khi Doanh Chính sinh ra, giữa Tần và Triệu xảy ra trận huyết chiến Trường Bình. Trong trận chiến này, tướng Tần là Bạch Khởi đã giết sạch 450.000 quân Triệu. Có thể nói, cuộc chiến này khốc liệt đến nỗi những người đàn ông trưởng thành của nước Triệu thời đó đều bỏ mạng ngoài chiến trường.
Bởi lẽ đó, hai nước Tần - Triệu kết thâm thù, gia đình ông sống tại nước Triệu cũng bị bạc đãi. Bản thân Doanh Chính rất hay bị đám trẻ người nước Triệu cô lập, bắt nạt, thậm chí đánh cho bầm dập. Lớn lên trong một môi trường như vậy, ông dần trở nên kiên cường và cứng rắn.
Khi còn ở nước Triệu, Tần Thủy Hoàng thường bị bắt nạt, thậm chí đánh cho bầm dập (Ảnh: Tencent)
Theo trang Tencent, trong quá trình sinh sống tại nước Triệu, Doanh Chính quen biết một cô gái người nước Triệu tên là "A Phòng".
A Phòng có bố là thần y Hạ Vô Thư nổi tiếng thời bấy giờ, từ nhỏ cô đã theo cha học y thuật cứu người. A Phòng trời sinh xinh đẹp, lương thiện, cô không căm ghét hay trút hận lên Doanh Chính như những người nước Triệu khác mà ngược lại, còn an ủi và chăm sóc, giúp đỡ ông rất nhiều.
A Phòng trời sinh xinh đẹp, lương thiện khiến Doanh Chính động lòng (Ảnh: Tencent).
Mỗi lần Doanh Chính bị bắt nạt và đánh cho bầm dập, chính cô đã chăm sóc và chữa trị cho ông. Điều đó khiến con người trước đó luôn bị cô lập như Doanh Chính cảm thấy vô cùng ấm áp. Tình cảm của hai người được vun đắp từng ngày và dần trở nên sâu đậm bất chấp sự cấm cản từ người cha thần y của A Phòng.
Năm 13 tuổi, Doanh Chính rời nước Triệu về nước Tần thừa kế ngôi vua, hai người đành phải từ biệt mỗi người một ngả. Mãi đến sau này, A Phòng và cha cô có dịp tới nước Tần tìm thuốc, cô gặp lại Doanh Chính và hai người họ được ở bên nhau thêm lần nữa.
CUỘC TRÙNG PHÙNG NGẮN NGỦI
Doanh Chính năm xưa đã lên ngôi vua nước Tần nhưng không có thực quyền mà vẫn bị mẫu hậu và tướng quốc Lã Bất Vi thao túng. Ông muốn lập người con gái mình yêu là A Phòng lên làm hoàng hậu nhưng bị các đại thần trong triều một mực phản đối với lý do không thể để một người nước Triệu làm hoàng hậu nước Tần.
Tần Thủy Hoàng lúc này không biết phải xử trí ra sao, còn A Phòng sau khi chứng kiến Tần Thủy Hoàng vì chuyện này mà bị chèn ép thì đã treo cổ tự tử để người mình yêu không phải khó xử.
VỊ HOÀNG ĐẾ KHÔNG CÓ HOÀNG HẬU
Tần Thủy Hoàng vô cùng đau buồn, trong lòng canh cánh nhớ thương A Phòng. Khi A Phòng mất, ông đã lập lời thề cả đời không lập hoàng hậu. Cái chết của A Phòng vừa khiến ông đau xót khôn nguôi nhưng cũng nhờ đó mà Tần Thủy Hoàng hạ quyết tâm trở thành một vị hoàng đế mạnh mẽ, quyền uy.
Mãi sau này, khi đã chinh phạt được 6 nước, thống nhất quốc gia, Tần Thủy Hoàng vẫn giữ trọn lời thề không lập hoàng hậu. Đồng thời, năm 212 TCN, ông cho xây dựng cung A Phòng nguy nga tráng lệ cách thành cổ Trường An (nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây) hơn 30km về phía Tây để tưởng niệm mối tình thuở thiếu thời và người con gái ông hằng yêu thương.