Saturday, April 23, 2022

BÍ ẨN VỀ NHỮNG QUAN TÀI TREO Ở MỘC CHÂU

Theo một thống kê chưa đầy đủ, tại xã Suối Bàng của huyện Mộc Châu có tới hàng chục động hang Ma. Sở dĩ gọi là hang Ma bởi vì trong hang có rất nhiều quan tài người mất được treo lên vách đá.

Những ngôi mộ thuyền được an táng trong các hang động có vị trí hiểm trở tại Suối Bàng.

Những mộ này có niên đại di cốt cách đây cả nghìn năm, ẩn chứa nhiều bí ẩn về văn hóa tín ngưỡng của những tộc người tại vùng đất Mộc Châu xưa.

Vùng đất không có nghĩa địa

Nằm bên hồ Sông Đà thuộc tỉnh Sơn La, Suối Bàng là một xã vùng sâu từ lâu đã nổi tiếng với những cảnh đẹp hoang sơ hết sức kỳ vĩ. Không chỉ vậy, ngày nay nơi đây còn hấp dẫn khách du lịch ưa mạo hiểm, khám phá khi tới thăm những khu mộ hang cheo leo trên những vách đá nổi tiếng nhất Việt Nam.

Người dân bản địa ngày nay vẫn thuộc lòng câu chuyện truyền thuyết về một vùng đất Suối Bàng xưa - vùng đất không có nghĩa địa. Chuyện rằng, ngày xưa gia đình nọ chỉ có hai mẹ con yêu thương nhau hết mực. Người mẹ tuổi gần đất xa trời, người con trai không muốn mất mẹ, nên nghĩ cách cõng mẹ lặng lẽ rời bỏ bản cũ lang bạt tìm nơi bất tử. Nhưng đến chỗ nào chàng trai cũng thấy có khu nghĩa địa ở cuối bản, nghĩa là bản nào cũng có người chết.

Thế rồi cứ đi mãi, đi mãi chàng trai cũng đến một bản mà không thấy có nghĩa địa ở đâu cả. Anh con trai khấp khởi xin được làm dân của bản này, nhưng sau đó mới biết tập tục người chết ở đây sẽ được an táng vào các quan tài bằng nguyên một cây gỗ đã được đục rỗng ruột rồi bằng cách nào đó mà... treo lên các vách đá.

Một phần hài cốt tại một hang ma tại Suối Bàng.

Theo đó, những cỗ quan tài được để trong các hang động thuộc dãy núi xung quanh khu vực Suối Bàng được đồng bào địa phương gọi là “Ma Lang Chánh” với nghĩa là “Núi hang ma cổ”. Các nhà khảo cổ học trong nước đã từng tiến hành những cuộc khảo sát chuyên môn trên những dẫy núi tại khu vực trung tâm xã và trải dài đến tận bờ sông Đà vào những năm 2007, 2009, 2010 và gần đây nhất là năm 2013.

Qua những đợt khảo sát, các nhà khoa học đã phát hiện thêm một số hang nữa có chứa quan tài cổ. Nhưng những cỗ quan tài này đều có chung đặc điểm, tương đồng, phân bố xung quanh nơi con người cư trú, khoảng cách giữa các hang từ 3 đến 4km. Hiện trên khu vực núi non xã Suối Bàng có gần 80 hang có các quan tài cổ, mỗi hang có từ 15 đến 35 cỗ quan tài bằng gỗ.

Những cỗ quan tài cổ này này bao giờ cũng được treo ở trên vách núi, hiểm trở, dựng đứng, ngay bên dòng nước sông hoặc suối. Vì thế, những điểm có hang mộ mang yếu tố phong thủy vừa hài hòa âm dương, vừa mang ý nghĩa nhân bản. Ngoài xã Suối Bàng có hang mộ cổ, người ta phát hiện còn 5 xã là Tân Lập, Quy Hướng, Quang Minh, Liên Hòa, Xuân Nha (Mộc Châu). Mộ hang là loại hình hết sức độc đáo ở Sơn La nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

Mộ táng trong hang Tạng Mè.

Chủ nhân mộ thuyền Suối Bàng là ai?


Theo lời kể của một thầy Mo của bản kể lại huyền tích mở đất của người Thái ở thung lũng Suối Bàng như sau: Khi xưa người Xá cổ (có thể là người Khơ Mú bây giờ) đã thi bắn tên với người Thái để xem ai là chủ nhân vùng đất linh thiêng này. Do đó, nếu mũi tên của bên nào bắn cắm vào vách đá nghĩa là thần núi, thần đất thuận cho ở, còn bên nào thua phải đi khỏi mảnh đất này. Họ đã đứng ở núi Cắm tên, xã Mường Sang bây giờ bắn tên về Suối Bàng.

Người Xá dùng tên có bịt đồng ở đầu mũi tên nên bắn vào vách đá thì bị nảy ra, còn người Thái lấy sáp ong dính vào đầu mũi tên nên khi bắn vào vách đá, mũi tên đã dính lại. Từ đó, người Thái được ở lại trên mảnh đất này, còn người Xá phải ra đi. Giữ đúng lời giao đấu là không được sinh sống hay săn bắn, trồng trọt nơi đây nữa. Khi chết, người Xá không dám chôn cất người chết trên đất của người Thái đành đưa vào những thân gỗ to, khoét bỏ ruột để đưa người chết vào trong rồi dấu trên các vách đá cheo leo.

Trong hệ thống hang ma ở Suối Bàng thì có hang Tạng Mè là nổi tiếng nhất. Đây là hang động có một mái đá lớn, cao khoảng 12 m, rộng 17 m, sâu 16 m, cách bản Nà Lồi khoảng 2,5 km về phía đông. Hang được phát hiện bên trong gồm 30 mộ được táng quan tài làm bằng gỗ đinh thối – một loại gỗ tốt, không mối mọt, chịu được mưa nắng. Kết quả nghiên cứu phân tích các-bon C-14 thì những mộ này có niên đại di cốt cách đây 1240 năm.

Quan tài được trang trí những hoa văn họa tiết rất cầu kỳ và hai đầu đều được đục hình đuôi én. Trong lòng quan tài, phần đặt đầu người chết được khoét hình lòng bát.

Những chiếc quan tài được khoét sâu như lòng thuyền.

Sở dĩ những quan tài này được gọi là mộ thuyền bởi chúng đều được tạo từ một thân gỗ nguyên cây. Những người thợ đã xẻ dọc thân một cây gỗ có đường kính tầm hơn 1m rồi dùng đục khoét sâu vào mỗi bên chừng 0,30mm. Mỗi nửa này có thể trở thành một thân thuyền độc mộc.

Trong khu vực hang mộ Tạng Mè còn có hang Nà Lồi, chứa 36 mộ gỗ, hang Khoang Tuống chứa 7 mộ gỗ. Các quan tài mộ gỗ đều được bổ đôi, bên trong khoét lòng máng, hai đầu chế tác mấu chốt hình “đầu thuyền đuôi én”. Một số quan tài trong hang còn có hình răng cưa (sóng nước). Khu vực các hang mộ táng gỗ được bao bọc bởi dãy núi đá vôi hiểm trở thuộc xã Suối Bàng, với nhiều suối nhỏ, rừng rậm nằm ngay sát bờ con sông Đà.

Đáng chú ý, thắc mắc lớn nhất của những du khách đã đặt chân tới đây là câu hỏi, người xưa đã làm thế nào để đưa được những khối gỗ nặng 400 - 500 kg lên độ cao cả ngàn mét để an táng cho người chết?

Theo những người dân nơi đây và nhiều nhà khoa học, giả thuyết đầu tiên được đặt ra là người được an táng dạng này thường là những quan lang hoặc những người có chức sắc trong bộ lạc người Xá thời ấy. Khi chết, họ sẽ được khiêng, rước lên các động đá. Và các dân phu cũng sẽ dùng cưa, rìu để hạ những cây gỗ gần đấy để an táng cho các vị này. Tuy nhiên, trên địa bàn Suối Bàng lại không có một dấu hiệu nào thể hiện nơi đây từng có loài cây này sinh trưởng.


Giả thuyết thứ hai là người Xá đã dùng thuyền chở gỗ đinh thối từ các khu vực khác, tập kết tại khu bến phà Vạn Yên (nay thuộc xã Tân Phong, Phù Yên, Sơn La) rồi lại chuyển tiếp tới bến đò Lồi. Từ đó sẽ được chuyển tới các động hang ma. Dù đã có nhiều giả thuyết đặt ra xung quanh vấn đề này nhưng chưa một ai có thể đưa ra được đáp án thỏa đáng.

Chỉ biết rằng, qua nghiên cứu, lối mộ táng trong thân gỗ, là một phong tục của tộc người cổ xuất phát từ điều kiện tự nhiên và mong muốn chết được an toàn, siêu thoát. Khu di tích hang mộ Tạng Mè có giá trị lịch sử văn hóa tín ngưỡng và tư liệu về nhân chủng học của tộc người cổ đang cần tiếp tục được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.

Đáng báo động, những hang mộ đã bị khai quật ở Suối Bàng hiện nay hầu như đều đã có bàn tay của kẻ săn lùng cổ vật. Những hang mộ trên thường nằm rải rác ở trên các núi đá cao, dốc, lại ở rất xa khu dân cư nên việc triển khai các phương án bảo vệ là rất khó khăn. Tới thời điểm này việc giữ gìn những mộ thuyền trên có sự đóng góp rất tích cực của lực lượng Công an xã. Do đó, để bảo vệ tốt nhất những di sản vô giá này thì cần có sự vào cuộc, đầu tư của nhiều lực lượng chứng năng, có chuyên môn.

Châu Doanh / Theo: PLVN