Sunday, April 24, 2022

VÌ SAO LÝ BẠCH "TRƯỚC MẮT CÓ CẢNH ĐẸP MÀ KHÔNG THỂ LÀM THƠ"?

Nổi tiếng với tài thơ “xuất thần nhập hóa”, vì sao có một lần, Thi Tiên Lý Bạch thấy ‘trước mắt có cảnh đẹp mà không thể làm thơ’?


Lý Bạch (701 – 762), tự Thái Bạch, là một trong những nhà thơ nổi tiếng bậc nhất Trung Hoa. Ông vốn là người vùng Cam Túc nhưng từ khi còn nhỏ đã chuyển về Tứ Xuyên định cư. Năm 16 tuổi, tài năng của Lý Bạch đã nổi danh khắp vùng Tứ Xuyên. Trong suốt những năm tháng du sơn ngoạn thủy, ông đã viết ra vô số bài thơ kiệt tác lưu truyền sử sách. Vì tài thơ lỗi lạc, Lý Bạch được người đời tôn xưng là “Thi tiên” hay “Trích tiên nhân” (tiên giáng trần).

Trong số các điển tích về Lý Bạch được dân gian truyền lại, có một câu chuyện kể về lần Lý Bạch đến thăm Hoàng Hạc lâu – một thắng cảnh nổi tiếng bên bờ Dương Tử (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Tương truyền, khi Lý Bạch đang chuẩn bị chấp bút đề thơ về cảnh sông nước hữu tình nơi đây thì chợt nhìn thấy trên vách bài “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu. Sau khi đọc xong, ông vô cùng tán thưởng, liền buông bút mà than rằng: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc; Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu” (tạm dịch: trước mắt có cảnh mà không thể làm thơ; vì Thôi Hiệu đã đề thơ lên trước rồi). Điều gì đã khiến Lý Bạch nể phục bài thơ này đến vậy?


Dưới đây là toàn bộ tác phẩm “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu:

Hoàng Hạc lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch nghĩa:

Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc.
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại,
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không.
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một,
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi.
Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Trên sông khói toả, sóng gợn, khiến người sinh buồn!

Bản dịch thơ của Tản Đà:

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?


Nếu nói bài thơ này được đánh giá cao là vì đã khai thác một chủ đề mới lạ chưa ai từng biết đến, thì hoàn toàn không phải. Bởi đề tài nỗi nhớ nhà và vẻ đẹp nổi tiếng của “Hoàng Hạc lâu” đều vô cùng quen thuộc trong thơ Đường. Ngay bản thân Lý Bạch cũng từng vài lần nhắc đến danh xưng Hoàng Hạc lâu trong những câu thơ của mình, như: “Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch, Giang thành ngũ nguyệt lạc mai hoa”, hay câu “Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu, yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu” v.v…

Còn nếu nói bài “Hoàng Hạc lâu” đặc sắc ở cảnh trời đất tươi đẹp rộng lớn, thì cũng có rất nhiều nhà thơ nổi tiếng với những kiệt tác tả cảnh rung động lòng người. Tiêu biểu nhất có thể kể đến là: bài thơ “Đăng Nhạc Dương lâu” của Đỗ Thiếu Lăng (Đỗ Phủ) và bài “Vọng Động Đình hồ tặng Trương thừa tướng” của Mạnh Hạo Nhiên (một nhà thơ nổi tiếng vùng Tương Dương). Cả hai bài thơ này, mặc dù không viết về lầu Hoàng Hạc, nhưng cảnh sơn thủy hữu tình của Nhạc Dương lâu trong đó thì đều không hề thua kém “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu. Thậm chí, có người đọc xong thơ của Đỗ Phủ và Mạnh Hạo Nhiên còn tự hỏi: Giả sử nếu Thôi Hiệu vịnh thơ tả cảnh sông nước như lầu Nhạc Dương, thì liệu có thể vượt qua Đỗ Phủ và Mạnh Hạo Nhiên được hay không?


Dưới đây là hai bài thơ về lầu Nhạc Dương của Đỗ Phủ và Mạnh Hạo Nhiên.

Đăng Nhạc Dương lâu (Đỗ Phủ)

Tích văn Động Đình thuỷ,
Kim thướng Nhạc Dương lâu.
Ngô Sở đông nam sách,
Càn khôn nhật dạ phù.
Thân bằng vô nhất tự,
Lão bệnh hữu cô chu.
Nhung mã quan san bắc,
Bằng hiên thế tứ lưu.

Dịch nghĩa:

Xưa nghe nói nước hồ Động Đình,
Nay được lên lầu Nhạc Dương.
Đất Ngô, đất Sở chia tách ở hai phía đông nam,
Trời đất suốt ngày đêm dập dềnh nổi.
Bà con bạn hữu không có một chữ (thư từ qua lại)!
Thân già yếu lênh đênh trong chiếc thuyền cô quạnh.
Quan san phía bắc đang nhộn binh đao,
Tựa hiên, ròng ròng nước mắt, nước mũi!

(Nguồn: thivien.net)


Vọng Động Đình hồ tặng Trương thừa tướng (Mạnh Hạo Nhiên)

Bát nguyệt hồ thuỷ bình,
Hàm hư hỗ thái thanh.
Khí chưng Vân Mộng trạch,
Ba hám Nhạc Dương thành.
Dục tế vô chu tiếp,
Đoan cư sĩ thánh minh.
Tọa quan thuỳ điếu giả,
Đồ hữu tiễn ngư tình.

Dịch nghĩa:

Tháng tám mặt nước hồ bằng phẳng
Trời nước hỗn hợp một tầng không hư
Thuỷ khí nung đúc đầm Vân Mộng
Sóng hồ lay động thành Nhạc Dương
Muốn vượt hồ mà không có thuyền chèo
Ngồi yên thì thẹn thùng với thánh hiền
Ngồi xem những người buông câu
Chỉ trơ trơ hâm mộ cái thú câu được cá

(Nguồn: thivien.net)


Vậy thì tại sao “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu được người đời xưng tụng là bài thơ “Đường nhân thất luật đệ nhất” (bài thơ hay nhất thuộc thể thơ bảy chữ của người Đường) mà ngay cả “tiên thơ” Lý Bạch cũng phải tâm phục khẩu phục?

Chỗ khác biệt trong cấu tứ bài thơ của Thôi Hiệu là: ông lấy điểm nhìn từ Hoàng Hạc lâu để vịnh thơ. Hoàng Hạc lâu là một kiến trúc nổi tiếng thời cổ đại, được xây dựng vào năm Ngô Hoàng Vũ thứ hai (thời Tam quốc). Tòa nhà được đặt tại nơi có mỏm đá hình hoàng hạc thuộc huyện Vũ Xương (tỉnh Hồ Bắc). Tương truyền tại đây có lưu lại tích cổ về hai vị thần tiên.

Một trong số đó là câu chuyện được ghi chép tại “Thái Bình Hoàn Vũ Ký”. Chuyện kể rằng: “Xưa có người tên là Phí Văn Vĩ (có nơi gọi là Phí Văn Y) phi thăng thành tiên. Mỗi lần ông cưỡi hoàng hạc bay qua nơi đây, đều sẽ vào nghỉ ngơi tại Vu Thử lâu (tên cũ của Hoàng Hạc lâu).

Một tích khác được viết trong “Tề Hài Ký”, kể về việc tiên nhân Vương Tử An cưỡi hoàng hạc bay qua vùng đất này. Vậy nên, khi Thôi Hiệu đứng trên lầu Hoàng Hạc nhìn ra xa, nhớ lại những sự tích thần tiên ấy khiến ông không khỏi miên man suy nghĩ: ta cũng muốn học theo cổ nhân “cưỡi hoàng hạc bay về trời”! Nhưng đáng tiếc, hoàng hạc đều đã một đi không trở lại. Còn ta cũng chỉ có thể ở nơi đây cảm thán với tòa lầu không một cánh hoàng hạc này mà thôi.

“Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.”

(Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc.
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại,
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không.)


Chính thời khắc ấy, trên lầu Hoàng Hạc, Thôi Hiệu đã phát ra câu hỏi từ tận sâu thẳm trong sinh mệnh con người: Ta là ai? Ta từ đâu tới? Sẽ đi về đâu? Ta muốn về nhà nhưng rốt cuộc ngôi nhà chân chính của ta nằm ở chốn nào?

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị”

(Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?)

Quả đúng là “yên ba giang thượng sử nhân sầu” (khói nước trên sông khiến lòng người sầu muộn). Còn Lý Bạch được người đời xưng tụng là “Trích tiên nhân” (tiên giáng trần) bởi ông bẩm sinh đã có thể câu thông được với Thần. Vậy nên Lý Bạch có thể đồng cảm và thấu hiểu những đăm chiêu của Thôi Hiệu, từ đó không kìm lòng được mà đắm chìm trong những tứ thơ ấy. Ông nào còn có tâm tình đi đề bút vịnh thơ về lầu Hoàng Hạc nữa đây?

Con người chính là như vậy. Từ nơi sâu nhất trong sinh mệnh của mỗi người luôn tồn tại khát khao mãnh liệt được cưỡi hạc bay trở về ngôi nhà trên Thiên quốc. Vì thơ của Thôi Hiệu đã nói lên những trăn trở tận cùng nhất của đời người từ xưa đến nay, nên nó mới có thể trở thành tuyệt tác lưu truyền thiên cổ. Chỉ đáng tiếc: con người hiện đại bây giờ đều vì chịu ảnh hưởng của thuyết vô Thần mà mờ mịt thờ ơ với ý nghĩa nhân sinh, nên họ cũng chẳng còn có thể chân chính hiểu được thơ của Thôi Hiệu nữa rồi.

Sau này, vì mang lòng bội phục với thơ của Thôi Hiệu nên Lý Bạch đã viết ra tác phẩm “Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài” mô phỏng theo tác phẩm “Hoàng Hạc lâu”.


Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài

Phượng Hoàng đài thượng phượng hoàng du,
Phượng khứ đài không giang tự lưu.
Ngô cung hoa thảo mai u kính,
Tấn đại y quan thành cổ khâu.
Tam Sơn bán lạc thanh thiên ngoại,
Nhị thuỷ trung phân Bạch Lộ châu.
Tổng vị phù vân năng tế nhật,
Trường An bất kiến sử nhân sầu.

Dịch nghĩa:

Trên đài Phụng Hoàng đã từng có phụng hoàng qua lại
Từ khi phượng bay mất chỉ còn trơ đài, và nước sông tự chảy
Bên mé Ngô cung, hoa thảo mọc che lối đi âm u
Quan lại quý hiển thời Đông Tấn giờ chỉ là gò hoang
Ba ngọn núi nhô lên nối liền với trời xanh xa tít
Đảo Bạch Lộ chia đôi hai nhánh sông Tần Hoài
Chỉ bởi tại mây trôi làm che mất đi mặt trời
Không nhìn thấy Trường An làm người ta cảm thấy u sầu

(Nguồn: thivien.net)


Nói đến Phượng Hoàng đài, đây là một địa danh nằm trên núi Phượng Hoàng thuộc thành phố Nam Kinh. Theo ghi chép trong “Giang Nam Thông Chí”: “Trong mười sáu năm dưới triều Tống Nguyên Gia, trên núi này xuất hiện ba con chim lạ. Thân của chúng có hoa văn ngũ sắc, thoạt nhìn trông giống như khổng tước. Chúng có tiếng hót hài hòa và là thủ lĩnh của các đàn chim, nên được người ta gọi là phượng hoàng. Từ đó, ngọn núi ấy được đổi tên thành núi Phượng Hoàng, còn vùng đất xung quanh núi được gọi là Phượng Hoàng Lý”.

Trong văn hóa cổ đại, Phượng Hoàng là Thần điểu (chim thần), là điềm lành biểu trưng cho sự hưng thịnh của đất nước. Chỉ có những quốc gia với chính trị trong sạch, liêm khiết thì mới có thể thấy phượng hoàng xuất hiện. Điều này cho thấy, xét từ góc độ nội hàm văn hóa thì Phượng Hoàng đài rất khác so với Hoàng Hạc Lâu. Một bên là đại diện cho sự thịnh vượng của đất nước, một bên là đại diện cho thành tựu trong tu luyện. Thế nên, mục đích thực sự Lý Bạch chọn Phượng Hoàng đài để viết thơ là để diễn tả nỗi lòng thương quân ưu quốc, lo cho vận mệnh dân tộc của ông chứ hoàn toàn không đề cập đến phương diện tu luyện như trong “Hoàng Hạc lâu”.

Chính vì lý do đó, tuy rằng “Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài” cũng được mọi người xưng tụng là “Cổ đề vịnh duy Trích tiên vi tuyệt xướng” (bài đề vịnh có một không hai chỉ thuộc về trích tiên) nhưng ý nghĩa của nó không thể sánh ngang hàng với “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu. Còn về tài thơ của hai người, thật khó lòng mang ra so sánh với nhau.

Theo Epoch Times
Trường Lạc biên dịch

No comments: