Saturday, April 16, 2022

THỨ "RỄ CÂY" LẠ QUÝ TỘC PHƯƠNG TÂY NGỢI CA, CHI BỘI TIỀN ĐỂ MUA HÓA RA NHẴN MẶT Ở CHÂU Á

Vua Louis XIV của Pháp cũng ngợi ca thứ thảo dược này hết lời.

Ảnh minh họa củ nhân sâm. Ảnh: Britanica

Nhân sâm đã từng là một mặt hàng rất quan trọng trong mạng lưới thương mại khổng lồ nối liền Đông và Tây từ thế kỷ 17 và được phân phối thông qua triều cống và thương mại ở khu vực Đông Á thời trước. Trên thực tế, nhân sâm còn có cả một mạng lưới phủ khắp khu vực châu Âu và châu Mỹ.

Lần đầu tiên nhân sâm xuất hiện ở châu Âu là qua một bưu phẩm của Richard Cox, một người phương Tây ở Nhật Bản gửi đến trụ sở chính của Công ty Đông Ấn Anh, vào năm 1617.

Trong thư, ông có viết rằng: Tôi xin gửi một loại rễ cây tốt từ Triều Tiên [khu vực này thời kỳ đó gọi là Joseon - PV]. Loại rễ cây này quý đến mức chỉ được gửi đến Hoàng đế Nhật Bản, còn người thường không thể sở hữu được. Đây là vị thuốc quý nhất thế giới và có thể cứu sống người chết.

Gói hàng nhân sâm Hàn Quốc do Cox gửi đã đến London qua Mũi Hảo Vọng ở cực nam Nam Phi. Đây là sự kiện đầu tiên mở ra hoạt động buôn bán nhân sâm trong Thời đại Khám phá vào thế kỷ 17.

CON ĐƯỜNG TỚI CHÂU ÂU

Chính các nhà truyền giáo Dòng Tên (Dòng Chúa Giêsu) đã đóng vai trò quyết định trong việc quảng bá nhân sâm trên toàn thế giới. Nhờ có đường biển, ‘thời đại của những chuyến hải hành’ mở ra đã tạo cơ hội cho các nhà truyền giáo Dòng Tên tiến vào Đông Á và Trung Á một cách thuận lợi.

Khác với Công ty Đông Ấn Anh có thể vận chuyển nhân sâm từ Đông sang Tây, hoạt động của các nhà truyền giáo Dòng Tên không chỉ tạo ra một hệ thống kiến ​​thức về nhân sâm ở thế giới phương Tây, mà còn đóng vai trò chủ chốt trong việc phát hiện ra một loại nhân sâm khác trên lục địa Bắc Mỹ.

Một lớp truyền đạo tại Trung Quốc trong những năm 1890 - 1900. Ảnh: histoclo.com

Theo quan điểm hậu thuộc địa, các hoạt động của Dòng Tên là một phần của 'chương trình chủ nghĩa thực dân' về tôn giáo và học thuật, nơi họ cầm trong tay Kinh thánh và la bàn thay vì thanh kiếm.

Ban đầu, châu Âu không biết nhiều về Trung Quốc. Vì vậy, hoạt động của các nhà truyền giáo Dòng Tên trong thời kỳ đầu hiện đại đơn thuần là trao đổi văn hóa dựa trên sự tò mò. Chỉ trong thế kỷ 17, phản ứng của giới trí thức châu Âu đối với những kiến ​​thức do Dòng Tên mang đến vô cùng tích cực, từ đó xuất hiện xu hướng mạnh mẽ lấy Trung Quốc làm điểm tham chiếu để học hỏi và làm theo.

Trong số các hoạt động học thuật của các nhà truyền giáo Dòng Tên, lĩnh vực được chú ý đặc biệt là thảo dược học.

DƯỢC LIỆU HẠNG NHẤT

Người Châu Âu muốn biết thêm thông tin về các loại thảo mộc của Trung Quốc ngay từ khi bắt đầu tiếp cận với thông tin về quốc gia này. Các nhà truyền giáo có sứ mệnh nghiên cứu hệ động thực vật địa phương, tìm kiếm kiến ​​thức có lợi cho nhân loại nói chung.

Trong số các loại dược liệu của Trung Quốc, nhân sâm được người châu Âu đặc biệt quan tâm khi được xếp vào hàng dược liệu hạng nhất và được dùng làm bài thuốc chính từ hàng ngàn năm nay ở Đông Á để bồi bổ ngũ tạng, ổn định tinh thần, sáng mắt, điều hoà nhịp tim; sử dụng lâu dài có tác dụng làm cơ thể nhẹ nhàng, kéo dài tuổi thọ.

Hiệu quả của nhân sâm đã được mô tả trong 'Bản Thảo Cương Mục' xuất bản ở Trung Quốc vào cuối thế kỷ 16, và các nhà truyền giáo đã dịch các thông tin liên quan sang tiếng Latinh, Pháp, Đức, Anh, Nga và Tây Ban Nha.

Quyển sách "Lịch sử chế độ quân chủ Trung Quốc vĩ đại và nổi tiếng". Ảnh: Galileo's World - The University of Oklahoma

Álvaro Semedo, một nhà truyền giáo Dòng Tên đến từ Bồ Đào Nha, là tác giả quyển sách đầu tiên đề cập đến nhân sâm ở châu Âu. Năm 1643, Álvaro Semedo đã viết trong cuốn sách "The History of that Great and Renowned Monarchy of China" (Tạm dịch: "Lịch sử chế độ quân chủ Trung Quốc vĩ đại và nổi tiếng") của mình rằng: "Nhân sâm được người Trung Quốc coi là thuốc bổ tốt nhất, mọc ở vùng Liêu Đông và Triều Tiên."

Nhân sâm được phân phối như một mặt hàng quý ở phương Tây. Các quý tộc Anh thậm chí đã mua vị thảo dược quý giá từ phương Đông với mức giá đắt đỏ để làm quà tặng. Nhân sâm cũng được dâng tặng cho vua Louis XIV, "Vua mặt trời" của nước Pháp, và được vị vua này đặc biệt coi trọng.

Theo: Pháp Luật & Bạn Đọc

No comments: