Tuesday, October 25, 2016

NGHỆ THUẬT HƯƠNG ĐẠO TRONG "TRUYỆN KỂ GENJI”

Nãy giờ ngồi xem "Một trăm triệu một phút - Tập 65", nghe qua một câu hỏi của Trấn Thành làm tôi giật mình ngạc nhiên. Câu hỏi như thế này: "Hương đạo là nghệ thuật thưởng thức hương trầm chỉ có ở...? Trả lời: "Nhật Bản.


Tôi ngạc nhiên vì nghe qua biết về "Trà đạo", "Hoa đạo" của Nhật chứ "Hương đạo" thì lần đầu mới nghe qua. Có bạn nào chưa biết như tôi không, nếu chưa thì đọc tài liệu sau đây tôi vừa tìm được trên Wikipedia về đặc điềm của "Hương đạo". (LKH)


Hương đạo (香道 / kodo) là nghệ thuật thưởng thức mùi hương của Nhật Bản và Trung Quốc. Hương đạo cùng hoa đạo và trà đạo hợp thành bộ ba mỹ đạo truyền thống Nhật Bản.

Mười đức của hương (香の十徳 / ko no ju toku / hương thập đức):
- Cảm cách quỷ thần (感格鬼神): tăng khả năng cảm giác
- Thanh tịnh tâm thân (清浄心身): thanh tẩy cơ thể và tâm hồn
- Năng phất ô uế (能払汚穢): tẩy rửa chất độc chất bẩn trong người
- Năng giác thụy miên (能覚睡眠): thức tỉnh linh hồn
- Tĩnh trung thành hữu (静中成友): chữa cô đơn
- Trần lí du nhàn (塵裏愉閑): làm đầu óc bình tĩnh
- Đa nhi bất yếm (多而不厭): thừa thãi vẫn đẹp
- Mộ nhi tri túc (募而知足): ít vẫn đầy đủ
- Cửu tàng bất hủ (久蔵不朽): nhiều năm không hỏng
- Thường dụng vô chướng (常用無障): dùng hàng ngày không gây hại
(Theo Wikipedia)

Ngoài ra còn một tài liệu của Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á sau đây:



NGHỆ THUẬT HƯƠNG ĐẠO TRONG "TRUYỆN KỂ GENJI”

I.Khái quát về sự ra đời của nghệ thuật Hương đạo

Hương đạo (香道-koudou) là loại hình văn hóa truyền thống của Nhật Bản lâu đời giống như Trà đạo (茶道-chadou), Thư đạo (書道-shodou) hay Hoa đạo (花道-kadou-nghệ thuật cắm hoa), song Hương đạo ít được biết đến hơn. Bản chất của Hương đạo cũng là tìm đến cái gốc của "đạo", thưởng thức Hương đạo không đơn thuần là cảm nhận mùi hương mà còn thể hiện chiều sâu văn hóa của người thưởng thức, giúp cho tâm hồn thư thái, yêu đời. Điểm đặc sắc trong Hương đạo là người thưởng thức không dùng từ “ngửi” mà thay vào đó là “nghe” hương, tức những vị thần linh trên cao sẽ mách bảo cho bạn biết về mùi hương đó, “nghe” hương ở đây chính là lắng nghe lời nói của thần linh chứ không phải là “ngửi”. 

Nhiều chuyên gia Hương đạo cho rằng nghệ thuật này được định hình từ thế kỷ XV, song cũng có nhiều tư liệu cho thấy Hương đạo đã xuất hiện từ khoảng thế kỷ VI, khi Phật giáo từ Trung Quốc và Triều Tiên du nhập vào Nhật Bản. Dần dần, Hương đạo phát triển theo nghi lễ dâng hương mỗi dịp lễ tết ở Nhật Bản. Theo “Nhật Bản thư kỷ” (日本書記-595), Hương đạo sử dụng loại gỗ thơm từ những nhánh cây thơm trôi dạt từ phương Nam trôi dạt vào đảo Awaji. Các loại gỗ thơm (trầm hương) có xuất xứ từ các quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia và Indonesia. Khi mới du nhập vào Nhật, trầm hương chỉ được sử dụng trong các nghi thức của Thần đạo và Phật giáo. 


Đến thế kỉ thứ IX, thời Heian, trầm hương đã vượt ra khỏi khuôn khổ của tôn giáo và trở thành hương liệu rất được ưa chuộng nhờ mùi thơm thanh nhã, nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trong giới quý tộc. Các nghi lễ liên quan tới “hương”như “Kukou” (供 香 - Nghi lễ dâng hương của Phật giáo), Kuuko (空香 - Tẩy sạch không khí trong phòng hàng ngày), Takimonokou (薫香- Thưởng thức hương thơm trong đời sống hàng ngày), Monkou (聞香- thưởng thức hương thơm của những loại gỗ thơm = Hương đạo). Loại gỗ tỏa ra hương thơm được tán nhỏ thành bột, cho vào các túi thơm đeo vào người làm thơm y phục hoặc để trong phòng tẩy sạch không khí, làm thơm nhà cửa. Giới quý tộc thời này thích đốt trầm trong phòng tạo không gian thơm dịu, để hương thơm quyện vào y phục và giúp ích cho tinh thần.

Cho tới Thế kỷ XVII-XVIII, nghệ thuật Hương đạo phát triển mạnh mẽ, nhiều trường phái Hương đạo khác nhau cũng lần lượt xuất hiện và Hương đạo trở nên phổ biến trong dân chúng.

Người thưởng hương có thể chỉ thưởng thức một loại hương thơm hoặc thưởng thức nhiều loại hương và đoán xem là mùi hương của loại gỗ nào, có hai cách để phân biệt các loại hương (ngũ vị lục quốc). Cách thứ nhất là dựa vào “Ngũ vị” bao gồm: ngọt, chua, cay, đắng và mặn. Cách thứ hai là dựa vào xuất xứ của các loại gỗ thơm từ một số nước Đông Nam Á. Đó là “Lục quốc” bao gồm:



Kyara (
Già La): Loại gỗ đen, tốt nhất trong trầm hương, mùi tao nhã, chỉ có ở Việt Nam

Rakoku (La Quốc): mùi hăng, vị đắng, mặn và cay, chỉ có ở Thái Lan

Manaban (Chân Nam Man): Nhiều hương và nhựa, vị ngọt, có ở miền Đông Ấn Độ hoặc giữa Malaysia và Ấn độ

Manaka (Chân Na Gia): Mùi hương nhẹ, có ở Malaysia

Sasora (Tá Tăng La): Mùi nhẹ, có ở miền tây Ấn Độ

Sumondara( Thốn Văn Đa La): nhiều nhựa và có vị chua, có ở Inđonesia

Hình thức thưởng mùi hương này tạo thành trò chơi đoán mùi hương gọi là “Gen-ji ko” (源氏香). Mỗi câu trả lời của trò chơi này tương ứng với tên của một chương trong “Truyện Genji” (源氏香) một tác phẩm văn học cổ điển Nhật Bản đặc sắc ra đời vào thời Heian..


II. Hương đạo trong “Truyện kể Genji”


“Truyện kể Genji” được sáng tác vào khoảng từ năm 1004 tới năm 1012, là cuốn tiểu thuyết đầu tiên bằng văn xuôi của thế giới. Tác giả Murasaki Shikibu, cũng như rất nhiều tác giả nữ của thời đại đó, nhờ xuất thân trong gia đình quý tộc Fujiwara lừng lẫy, nên được học chữ Hán. Truyện được bắt đầu viết từ mùa thu năm 1001, là bộ tiểu thuyết trường thiên gồm 54 chương, xét về cấu trúc của cốt truyện, có thể được chia làm ba phần. Nhân vật chính của phần một và phần hai là Hikaru Genji. Tuy là hoàng tử yêu quý nhất của hoàng đế Kiritsubo, nhưng do địa vị trong cung của mẫu thân chàng kém cỏi, nên chàng bị giáng xuống thân phận “thần hạ”, với họ Genji. 


Trong phần một, miêu tả cuộc đời thanh xuân phong phú của Genji. Phần hai miêu tả cuộc sống đầy ưu sầu và hối tiếc của Genji khi đến tuổi xế chiều. Nhân vật chính của phần ba là con trai của Genji, chàng Kaoru, diễn ra với bối cảnh suốt mười chương ở vùng Uji. Vì vậy, mười chương đó được gọi là “mười chương Uji”. Truyện Genji chịu ảnh hưởng của truyền thuyết, truyện thơ, lại hấp thụ truyền thống của waka (和歌-hòa ca) và thể văn nikki (日記- nhật ký), đã xây dựng nên một thế giới hư cấu tráng lệ, qua đó cuộc sống của giới quý tộc thời Heian được miêu tả chân thực từ các lễ nghi, phong tục, ..tới đời sống tinh thần phong phú. Đặc biệt, “hương” được sử dụng rất nhiều trong truyện Genji, như mùi thơm trên trang phục thưởng ngày, trên những cánh quạt, trang thư.. tới trong các nghi lễ Thần đạo và Phật giáo…

Một hình ảnh rất ấn tượng là khi chàng Nioumiya tìm mọi cách để ướp hương thơm lưu lại trên người, nhằm cạnh tranh với chàng Kaoru, người có mùi hương tự nhiên tỏa ra từ lúc mới sinh. Ngay cả cách chơi chữ khi đặt tên cho nhân vật của tác giả (匂宮- Nioumiya và薫- Kaoru, đều có nghĩa là “hương thơm”) cũng khá thú vị. Song đặc sắc nhất là cuộc thi hợp hương được tổ chức tại phủ của Genji nhân dịp chuẩn bị cho lễ Tiến cung của con gái Genji, quận chúa Akashi. Ngoài hương thơm do Genji tạo ra, các phu nhân trong truyện ra sức chuẩn bị những loại hương tuyệt diệu nhất, đồng thời cũng giữ bí mật cho công thức pha chế hương của mình, đồng thời chuẩn bị các bình hương đẹp và độc đáo nhất, gửi tới Genji đề chàng thưởng thức và đánh giá. 


Đó là “mùi hương thân tình nhưng thoáng qua” của chính Genji, “hương mận hay hương xuân đặc biệt vui tươi và độc đáo, pha chút chua chát khá táo bạo” của phu nhân Murasaki, “mùi hương đơn độc- một chút pha trộn của lá sen phảng phất mùi hăng cay da diết buồn” của phu nhân Hana chiru Sato, hay “mùi hương “trăm dặm”, mùi tinh tế và cao quý” của phu nhân Akashi, và “mùi hương “đen tối’’mùa đông, có phần dịu hơn nhưng trầm lắng hơn” của quận chúa Asagao. Không chỉ tinh tế từ mùi hương, mà những đồ vật đựng hương cũng rất tao nhã, như quận chúa Asagao đã gửi tới “hai quả cầu đựng trong hai chiếc lọ, màu chàm và màu trắng, cái trước tô điểm bằng một cành thông, cái sau tô điểm một cành mận, tuy rằng dây buộc và các nút đều mang tính quy ước, nhưng ngay lập tức người ta có thể phát hiện bàn tay của một phụ nữ có khiếu thẩm mỹ”. 

Kết quả là “Mỗi mùi hương đều là kết quả của một sự suy nghĩ công phu và mỗi thứ đều khiến người ta phải chú ý”, cuộc thi kết thúc mà không phân định được thắng thua. Ở đây, không chỉ khắchọa một phần độc đáo của đời sống quý tộc cung đình thời Heian, tác giả Murasaki Shikibu còn khéo léo miêu tả tính cách cũng như nơi ở của từng nhân vật nữ của cuộc thi hợp hương. Mỗi nhân vật đều là những người nữ vô cùng quan trọng đối với Genji, đóng vai trò khác nhau và đem lại hương thơm đa dạng cho cuộc sống của chàng. Nàng Murasaki, người vợ cả và sống ở dinh thự mùa Xuân, là niềm vui tươi sáng, như “hương mận, hương xuân” trong cuộc đời Genji, nàng Hana chiru Sato, sống ở dinh thự mùa Hạ, là người luôn an ủi, động viên tinh thần Genji, là người mà chàng tin cẩn tuyệt đối, vẻ đẹp tâm hồn của nàng như “lá sen phảng phất” trầm lắng da diết, nàng Akashi ở dinh thự mùa Đông tuy địa vị thấp nhưng khí chất cao quý, Genji luôn coi trọng và yêu quý nàng, nàng như “hương thơm tinh tế và cao quý”… 


Càng đọc truyện Genji, ta càng nhận ra vẻ đẹp ẩn giấu cũng như thủ pháp nghệ thuật tinh tế của tác giả, thêm yêu đất nước và con người Nhật Bản.

Tài liệu tham khảo:

1) Truyện kể Genji (hai tập), (1991), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
2) Yondemitai Genji Monogatari, (2006), Kikuchi Nyryoshi biên tập, Nhà xuất bản Seito, Nhật Bản.
3) http://vov.vn/Van-hoa/Huong-Dao-cam-nhan-cuoc-song-qua-nhung-mui-huong/206585.vov
4) http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/huong-dao-nhat-ban
5) http://www.baomoi.com/Huong-dao--chieu-sau-van-hoa-Nhat-Ban/54/8299169.epi
6) http://www.anninhthudo.vn/Phong-su/Huyen-bi-nghe-thuat-Huong-dao/444952.antd
7) http://ja.wikipedia.org/wiki/%E9%A6%99%E3%81%AE%E5%9B%B3

Và một số sách báo Nhật Bản.

Người thực hiện: Nguyễn Ngọc Phương Trang, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

No comments: