Tuesday, October 18, 2016

TRÍ TUỆ VÀ TRÍ HUỆ, NGỘ VÀ GIÁC NGỘ

Bạn có tin Phật không ? Không tin không sao vì tôi không muốn tuyên truyền về đạo giáo. Các bạn không đạo cũng không sao vì tôi chỉ post bài giải thích vài từ Hán-Việt đọc chơi cho biết. Còn bạn nào có nghe kinh Phật hay đọc qua thì biết tường tận hơn một vài chữ dùng trong kinh sách mà hôm nay bác Bu sẽ giải thích cho chúng ta:(LKH)


TRÍ TUỆ VÀ TRÍ HUỆ

“Em đọc sách Phật pháp thấy chữ trí Huệ ...Vậy giữa trí huệ và trí tuệ có điểm tương đồng hay khác biệt nào về ý ngĩa không hở Bu ?”. Bạn hỏi thì trả lời, nhỡ ra có sai thì Bu không chịu trách nhiệm. Nói cho vui vậy nhưng dầu sao cũng có chút xíu sự thật vì Bu không phải nhà phật học hay nhà ngôn ngữ.
1-Tương đồng giữa trí tuệ và trí huệ
Đây là hai từ Hán Việt. Trí tuệ ( 智慧 ) và trí huệ ( 智惠 ) có cùng chữ trí ( 智 ) và cho dù tuệ ( 慧 ) và huệ ( 惠 ) có viết khác nhau chúng vẫn xuất phát từ bộ tâm ( 心 ) . Tức cả hai từ đó đều nói về sự hoạt động của bộ nảo con người.

2- Sự khác nhau về ý nghĩa của trí tuệ và trí huệ
- Trí tuệ là khả nhận thức và suy xét của bộ nảo con người. Đây là thứ trí tuệ nhập thế, nó phản ánh sự hoạt động của bộ nảo con người trước các hiện tượng tự nhiên, và hiện tượng xã hội theo những quy luật thông thường trong cái thế giới mà ta đang sống. Theo các Luận sư Phật giáo thì trí tuệ chỉ là một phần, một yếu tố của trí huệ mà thôi.
- Trí huệ cũng là khả năng nhận thức và suy xét của bộ nảo con người nhưng ở mức độ cao hơn của những vị tu hành, xuất thế. Nó phù hợp với không gian khác, hệ quy chiếu khác. Trí huệ nhìn nhận các pháp không ở hiện tượng mà ở cái bản thể của nó, tức chư hành vô thường chư pháp vô ngã (mời bạn đọc thêm bài kinh Kim Cang nói gì). Trí huệ đồng nghĩa với Bát nhã (tiếng sanskrit: prajnã ) là sự nhận thức không phải do suy luận mà có, mà là trực nhận tính không của các pháp. Đạt được trí huệ (tức trí bát nhã) là giác ngộ và là một yếu tố quan trọng của Phật quả.


NGỘ VÀ GIÁC NGỘ:

“ Ngộ và giác ngộ có khác nhau không bác Bu ? Em đang suy nghĩ về câu cuối cùng của bác”
Bu phải đặt ngộ và giác ngộ vào hai không gian khác nhau để dễ diễn đạt. Ấy là không gian đời thường và không gian Phật giáo
1- Không gian đời thường:
- Ngộ ( 悟 ) là hiểu ra được
Kinh thư có câu: Nay trời bắt phải đau yếu, không dạy được, không hiểu được (kim thiên giáng tật đãi phất hưng phất ngộ :今 天 降 疾 矽 弗 興 弗 悟)


- Giác ( 覺 ) là biết ra, hiểu ra...
Hán thư có câu: Có việc dấu diếm mà không chịu nói (nếu ) bị phát giác ra, miễn chức quan ( hữu nặc nhi bất ngôn giác miễn: 有 匿 而 不 言 覺免)
Như vậy, giác và ngộ viết khác nhau nhưng nghĩa na ná nhau.
- Giác ngộ ( 覺悟) : là nhận thức được cái đúng cái sai, làm theo điều đã xác định là chân lí. So với chữ ngộ thì giác ngộ cũng chỉ sự hiểu biết nhưng kèm theo sự lựa chọn để hành động nữa.
2- Không gian Phật giáo
A- Ngộ (悟): Là một thuật ngữ của phái thiền tông, được dùng để chỉ sự “nhận thức”, “trực nhận”, “thấu hiểu xuyên suốt”. “Nhận thức” ở đây không phải là sự hiểu biết thông thường, hoặc nhận thức theo các hệ thống triết lí mà chính là sự trực nhận chân lí không có sự phân biệt giữa “người nhận thức” và “vật được nhận thức” (nhân, vật, bất nhị) một danh từ khác đồng nghĩa với ngộ là kiến tính (Bu không nói ở đây vì dài dòng quá). Nếu nghiên cứu kĩ cách sử dụng danh từ ngộ và giác (Bồ đề) trong các kinh luận người ta có thể thấy được một sự khác biệt tinh tế trong cách sử dụng. Ngộ thường dùng để chỉ cái kinh nghiệm thức tỉnh trong ý nghĩa ngay tức thì của nó trong khi “giác” được dùng với ý nghĩa “ngộ thường trực”.


B- Giác ( 覺 ). Là danh từ chỉ sự tỉnh thức, tiếng Phạn là bodhi âm Hán Việt là Bồ đề (về chữ giác đã có nói một ít ở chữ ngộ). Giác thường đi với ngộ thành giác ngộ.
C- Giác ngộ ( 覺悟 ) Là danh từ để chỉ trạng thái tỉnh thức, lúc con người bổng nhiên trực nhận tính không, bản thân nó là không cũng như toàn thể vũ trụ cũng là không. Chỉ với trực nhận đó, con người mới thấu hiểu được thể tính mọi hiện tượng. Tính không ở đây không phải là sự trống rổng thông thường mà nói về thể tính vô biên không thể dùng suy nghĩ, cảm nhận để đo lường, nằm ngoài cặp đối đãi có - không. Tính không này không phải là một đối tượng để một chủ thể tiếp cận đến vì bản thân chủ thể cũng thuộc vè nó. Vì vậy giác ngộ là một kinh nghiệm không thể giải bày. Người giác ngộ hoàn toàn là đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, cũng là người bắt đầu giáo hóa cho nên đạo Phật cũng được gọi là “đạo giác ngộ”


Nói cho thật ngắn gọn thì ngộ là sự tỉnh thức trong thời gian cực ngắn, còn giác ngộ là sự tỉnh thức thường trực lâu dài trong đó nhận thức được tính không.
Bulukhin Nguyễn
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: