Lúc đầu, Thiên Hậu miếu chỉ là một ngôi miếu nhỏ ven đường, mái tranh nền đất. Sau đó, những người hảo tâm góp tiền xây dựng vách tường, mái ngói. Tính đến nay, Thiên Hậu miếu Cái Răng đã qua sáu lần trùng tu vào các năm: 1920, 1968, 1992, 1993, 1994 và 1995. Mỗi năm trùng tu một hạng mục, cho đến lần trùng tu vào năm 1995 thì ngôi miếu có được hiện trạng như ngày nay.
Mặc dù không lớn, không bề thế như các ngôi chùa khác, nhưng miếu Thiên Hậu nằm cạnh đường lớn nên rất thuận tiện cho khách thập phương tới lui thăm viếng. Hằng ngày Thiên Hậu miếu Cái Răng cũng đón một lượng lớn khách từ các nơi về đây viếng thăm, cúng bái và khám bệnh hốt thuốc.
Cổng miếu nhỏ được làm bằng xi măng, phía trên có dòng chữ Hán: Thiên Hậu miếu. Sau cổng là một khoảng sân rộng, được tráng xi măng sạch sẽ, trông rất thoáng đãng. Ở khoảng sân bên trái (nhìn từ ngoài vào) có một ngôi miếu nhỏ thờ Cô Hồn và thờ Ông Tà - đây chính là NeakTa - vị thần đất trong tín ngưỡng của người Khmer đã được người Hoa ở Cần Thơ tiếp thu và đem về thờ chung. Bên phải có miếu thờ Bà Ngũ Hành và Bà Chúa Xứ.
Phía trước Thiên Hậu miếu có tượng hai con rồng ở hai bên, trang trí nhiều màu sắc, với tư thế nằm đầu ngẩng cao, hướng ra đường trông rất sinh động và uy nghiêm. Phía sau tượng rồng là gian chính điện. Gian chính điện của Thiên Hậu miếu không có sân Thiên tỉnh như thường thấy trong các ngôi chùa Hoa, nhưng trên nóc có những khoảng trống lấy ánh sáng cho gian chính điện. Mái gian chính điện được nâng bởi 4 hàng cột to bằng gỗ danh mộc. Trong chính điện được trang trí nhiều chi tiết gồm: hoa văn, họa tiết, chạm khắc và treo các hoành phi câu đối.
Gian thờ chính được đặt ngay chính điện là bàn thờ của Bà Thiên Hậu - còn gọi là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Theo tài liệu còn lưu tại chùa thì Bà Thiên Hậu gốc là cháu gái đời thứ bảy của Uẩn Công quan thứ sử Thiệu Châu nhà Đường (618-890) họ Lý. Cao Tổ Ngữ Công làm quan Châu Mục. Tằng Tổ (ông cố) Bảo Kiết Công làm thống quân Binh Mã sứ nhà Chu thời Ngũ Đại (907-959) song bỏ quan về ẩn cư ở cảng Hiền Lương ngoài bờ biển. Tổ Phụ (ông nội) Phu Công làm Tổng quản tỉnh Phúc Kiến. Cha là Duy Xác Công làm quan Độ Tuần sinh một người con trai tên Hồng Nghị cùng sáu người con gái, Thiên Hậu là người nhỏ nhất sinh vào ngày 23 tháng 3 năm Canh Thân ( nhằm Kiến Long năm thứ nhất Tống Thái Tổ tức 960). Hôm ấy có một luồng ánh sáng từ hướng Tây Bắc chiếu vào nhà hào quang rực rỡ giữa lúc này vừa sinh Bà trong phòng. Từ khi lọt lòng mẹ đến khi đầy tháng, chưa từng nghe tiếng khóc, vì vậy mà đặt tên là Mặc Nương. Bà lúc nhỏ thông minh hơn hẳn những đứa trẻ cùng trang lứa, lên 8 tuổi theo thầy học sách vở, hiểu thông chữ nghĩa, lên 10 tuổi biết lau dọn bàn ghế sạch sẽ, thắp nhang tụng kinh lạy Phật mỗi sớm mỗi tối đều liên tục như vậy. Lúc 13 tuổi có đạo sĩ Nguyên Thông hay tới lui với gia đình, gặp mặt Bà phấn khởi cho rằng: Bà có Phật tính cần phải được độ vào chính quả, bèn truyền cho phép huyền vi. Năm 16 tuổi, bà được Thần tiên cho hai đạo bùa, bắt đầu được phép thần thông. Mọi người đều gọi là Thần Huyền Linh Nữ. 12 năm sau Bà đắc đạo nhằm ngày Trùng Dương năm Đinh Hợi (987) bay lên trời.
Các triều đại như: Tống, Nguyên, Minh, Thanh đã tặng bà nhiều sắc phong. Có tất cả là 47 sắc phong cho bà, cao nhất là bậc Thiên Hậu.
Tượng Bà Thiên Hậu cao khoảng 0,7m, được đặt trong khánh thờ chạm trổ tinh vi khéo léo, có võng, rèm, lọng với rất nhiều hoa văn họa tiết xung quanh. Tượng Bà được khoác một áo choàng bên ngoài. Áo màu vàng, có thêu hình hoa lá và viền kim tuyến ở nhiều nơi nên trông thật lộng lẫy.
Trước gian chính điện đặt bàn hương án bày hoa, lư hương, nhang đèn, hai cái lọng hai bên. Hai bên tả hữu còn có hai hàng bát bửu, tượng hai con hạc đứng trên hai con rùa, chiều cao mỗi con khoảng 1m.
Bên phải bàn thờ Bà Thiên Hậu (nhìn từ ngoài vào) là bàn thờ của Long Mẫu Nương Nương. Tượng Long Mẫu cao khoảng 0,5m, mình khoác áo choàng, đầu đội mão, đặt trong khánh thờ. Bên trái là bàn thờ Tài Bạch Tinh Quân - vị Thần Tài trong quan niệm của người Hoa. Tượng Tài Bạch Tinh Quân cao khoảng 0,5m, cũng được đặt trong khánh thờ. Bên ngoài tượng có khoác một chiếc áo choàng màu vàng sẫm, đầu đội mão vàng, xung quanh áo và mão có viền kim tuyến lấp lánh với nhiều màu sắc.
Xung quanh gian chính điện còn có bàn thờ của Hộ Pháp Chư Thiên, Đại Thánh Địa Tạng và bàn thờ của Bá Tánh nam nữ.
Mái chùa được lợp ngói âm dương, trên mái nóc có tượng lưỡng long tranh châu. Trên các gờ mái có tượng cá hóa long cùng nhiều hoa lá. Mái nóc của ngôi miếu gồm hai lớp mái nhỏ dần từ dưới lên. Đầu mái nóc được lợp ngói ống màu xanh lưu ly theo phong cách truyền thống của các ngôi miếu Hoa ở Nam Bộ.
Hằng năm, Thiên Hậu miếu diễn ra 5 kỳ cúng tế vào các dịp quan trọng: - Rằm tháng Giêng, Vía Bà ngày 23 tháng 3 âm lịch, Rằm tháng Bảy, Rằm tháng Mười và Cúng Bình yên - cầu cho thôn xóm và nhân dân quanh vùng được bình yên, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt trong năm, cúng vào tháng Chạp, không kể ngày.
Trong các kỳ cúng chỉ có ngày vía Bà và rằm tháng Bảy là cúng lớn, các kỳ cúng khác chỉ cúng nhỏ. Các ngày rằm thì cúng đồ chay, ngày vía Bà và ngày cúng Bình yên thì cúng đồ mặn. Riêng rằm tháng Bảy cúng xong có phát gạo cho người nghèo.
Thiên Hậu miếu tuy không lớn nhưng là một công trình văn hóa cổ kính tiêu biểu cho văn hóa người Hoa ở Cần Thơ nói riêng và Nam Bộ nói chung. Thiên Hậu miếu không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của riêng cộng đồng người Hoa ở Cái Răng, mà đó còn là nơi giao lưu văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng của bà con người Việt, người Khmer.
Thiên Hậu miếu cùng một số chùa Hoa khác ở Cần Thơ đã góp phần làm nên sự phong phú cho bản sắc văn hóa địa phương, phản ánh việc giao thoa văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.
Nguồn: Báo Cần Thơ