Một thiền sinh đến than phiền với Bankei: “Thưa thầy, con có tính nóng không trị được. Làm sao để con sửa nó.”
“Con có một cái thật lạ,” Bankei trả lời. “Đưa cho thầy coi cái con có.”
“Ngay bây giờ thì con không đưa cho thầy coi được,” thiền sinh trả lời.
“Khi nào thì con cho thầy coi được?” Bankei hỏi.
“Nó đến bất chợt,” thiền sinh trả lời.
“Vậy thì,” Bankei kết luận, “nó nhất định không phải bản tính thật của con. Nếu nó là bản tính thật, thì con có thể cho thầy coi bất kỳ lúc nào. Khi con sinh ra con không có nó, và cha mẹ con không cho con cái đó. Hãy nghĩ lại xem.”
Bình:
Bình:
• Vậy thì nó từ đâu tới?
Nóng giận đến khi có điều gì đó không hợp ý ta, như làm việc gì không được, nói điều gì đó mà người không nghe, người nói điều gì đó ta không thích, người làm điều gì đó ta không ưa, thấy điều gì đó mà ta kỵ…
(1) Gặp một điều không thích, (2) ta phản ứng lại bằng cách nổi nóng.
Vậy thì, muốn hết nóng thì phải phá một trong hai vế trên.
1. Hoặc biến điều không thích thành điều trung tính hay điều mình thích. Ví dụ: Ghét người da đen thì tập không ghét người da đen hay tập yêu người da đen.
2. Hoặc điều không thích đến thì cũng không phản ứng bằng cách nổi nóng.
Hệ thần kinh của ta đã quen phản ứng kiểu nổi nóng, không dễ để “đổi đường dây” trong một ngày. Nhưng nếu ta cố gắng luyện tập mỗi ngày thì hệ thần kinh của ta có thể tự “đổi dây” từ từ, vì hệ thần kinh là một hệ thống sống, có thể đâm chồi nẩy mộng, lập thêm lối mới, thay đổi lập trình được.
• Điểm quan trọng ở đây, đúng với tất cả các hiện tượng tâm lý—nóng giận, buồn vui, tự ái, lo lắng, sợ hãi…–là, tất cả các hiện tượng tâm lý đều là phản ứng của ta với một tác nhân nào đó, chứ chúng không phải là bản tính thật của ta. Nếu ta luyện tập để tâm ta không còn phản ứng kiểu phản xạ như thế nữa, thì tâm sẽ hoàn toàn tĩnh lặng, đúng bản chất thật của tâm là tĩnh lặng.
(Trần Đình Hoành dịch và bình)