Thành Ngữ Trung Hoa:
THIỂU KIẾN ĐA QUÁI (少見多怪)
Xưa kia, có một anh chàng nọ chưa bao giờ thấy hoặc nghe nói về lạc đà. Một ngày nắng đẹp, anh ta thong dong thưởng ngoạn phong cảnh trên cánh đồng gần đường làng, những người khác thì mãi mê việc đồng áng.
Đột nhiên, anh ta nhìn thấy một con vật với hai cục u ở trên lưng. Anh không biết đó là gì và ngạc nhiên đến mức hét lên:” Trời ơi! Cái gì thế này? Nhanh lên, đến đây mà xem này!”
Nghe thấy tiếng hét thảng thốt của anh, mọi người vội đặt nông cụ xuống, tất tả chạy ra xem. Tuy nhiên họ chẳng thấy được điều gì bất thường. Đoạn, một người cất tiếng hỏi: “Này anh! Anh đã hét lên vì điều gì vậy?”
Anh chàng trả lời: “Hãy nhìn con ngựa này xem. Nó có hai cục bướu khủng khiếp”.
Nhận ra rằng người đàn ông đang đề cập đến con lạc đà, tất cả mọi người đều phá lên cười.
Câu chuyện này sau đó đã trở thành thành ngữ: Thiểu kiến đa quái (少见多怪) để mô tả về một tình huống tương tự hoặc về một người rất thiếu hiểu biết. Nghĩa đen, có nghĩa là “ ít được trông thấy, nên cái gì cũng thấy lạ” và hiểu nôm na là “lấy làm kinh ngạc về những thứ vốn chưa được thấy bao giờ.”
Thành ngữ này lần đầu tiên được tìm thấy trong đoạn đối thoại trong cuốn Phật giáo Lý Hoặc Luận (理惑論) (1) của Mâu Dung, một học giả Khổng giáo nổi tiếng, người sau này quy y Phật giáo, từ thời kỳ cuối Đông Hán (25-220 SCN).
Trong một cuộc đối thoại, một người hỏi ông: “Ngài nói rằng Đức Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp rất khác biệt so với người thường. Làm sao mà ngài biết được?”
Mâu trả lời rằng: “Ít được trông thấy, thì người ta sẽ càng thấy lạ; một người có thể nhìn thấy một con lạc đà và cho đó là một con ngựa với hai cục bướu.”
Thành ngữ này thỉnh thoảng được sử dụng để trêu chọc những người hay thổi phồng những tin tức vốn rất bình thường.
Ghi chú:
(1) Lý Hoặc Luận (理惑论) là cuốn sách đầu tiên về Phật giáo được viết bởi một học giả Trung Quốc. Trong tác phẩm đáng chú ý này, Mâu Dung giải đáp những câu hỏi thường gặp về Phật giáo. Vào thời kì đầu truyền nhập vào Trung Hoa, Phật Giáo vấp phải rất nhiều sự phản đối, vì nguồn gốc ngoại bang của nó.
Mâu Dung ( 170 – ? SCN), học giả Khổng giáo sau trở thành Phật tử, được biết đến với nhiều tên gọi khác như: Mâu Bác hoặc Mâu Tử.
Theo Đại Kỷ Nguyên
No comments:
Post a Comment