Saturday, October 22, 2016

NHỮNG BÔNG HOA KHÔNG CHẾT


"Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông
Ta kịp biết gì đâu
Vừa hết trẻ con đã là người lính..."



Bài thơ nói lên tâm sự của một con người (xin đừng phân biệt Bắc Nam), của một thanh niên mới lớn, chưa biết nhiều về tình yêu, chưa thấu đáo cuộc đời đã phải nhập vào cuộc chiến tranh tàn khốc, chỉ mong ngóng ngày về gặp mẹ. Bài thơ không vướng víu tí nào về nhận thức chính trị, bài thơ chỉ nói lên tình cảm của một con người rất mộc mạc, đơn sơ và rất "người". Xin mời đọc:


NHỮNG BÔNG HOA KHÔNG CHẾT
thơ Lưu Quang Vũ

Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông
Khói xám phủ những toa tàu mù mịt
Tờ báo cũ rơi trên chồng gạch ướt
Người bẻ ghi râu bạc đứng im lìm

Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông
Tiếng ai hát khuất vào nẻo tối
Gió thổi tung những trang sách trên bàn
Cuốn hình học không gian và tập thơ Blốc

17 tuổi lòng ai không hồi hộp
Khi ngồi trong rạp hát đợi màn lên
Tuổi thơ bỏ ta bay mất như chim
Tiếng bom nổ những khu nhà đổ sụp

Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông
Ta kịp biết gì đâu
Vừa hết trẻ con đã là người lính
Cô bạn gái cánh tay trần rám nắng
Ngực phập phồng thở mạnh đến lo âu
Đừng nói với ta những lời hào nhoáng về chiến tranh
Tuổi trẻ ta đã qua bạn bè ta đã chết
Ta đã vượt bao đèo cao chót vót
Bao điều nhà trường chẳng dậy cho ta
Nghĩ lại giễu cười những giấc mộng tuổi thơ
Giờ trong ta vui buồn đều nín lặng
Một thế hệ cứng đi như thỏi sắt
Nhưng xoáy ngầm vẫn cuộn ở lòng sông

Ta sẽ trở về. Thành phố mùa xuân.
Dẫu hàng xóm chẳng nhận ra ta được
Dẫu mẹ già đã trắng phơ tóc bạc
Bước lên thềm ta sẽ gọi: Mẹ ơi!
Qua khổ đau con đã lớn lên rồi
Mẹ hãy nghỉ ngơi, con sẽ làm mọi việc...

Những bạn bè đã chết
Cũng sẽ trở về như những bông hoa
Cắt xuân trước, tháng Giêng sau lại mọc
Những bông hoa không chết bao giờ.

1971


Sơ lược tiểu sử tác giả:
Lưu Quang Vũ (1948-29/8/1988) quê gốc ở Quảng Nam, sinh tại Phú Thọ, mất năm 1988 trong một tai nạn giao thông trên quốc lộ số 5 tại Hải Dương.
Lưu Quang Vũ làm thơ từ thuở học cấp ba, rời ghế trường trung học, vào bộ đội anh viết nhiều hơn và bắt đầu đăng báo. Năm 1968, hai mươi bài thơ đầu tay chọn in chung vào tập Hương cây bếp lửa giới thiệu một hồn thơ trong trẻo, đắm đuối mơ mộng và cũng còn nhiều dấu vết của sách vở nhà trường. Đắm đuối là đặc điểm suốt đời thơ Lưu Quang Vũ. Đặc điểm ấy ít thấy ở các nhà thơ khác cùng thời với anh.
Lưu Quang Vũ thuộc tạng người chỉ tin ở mắt mình, chỉ tin ở lòng mình. Mắt anh thấy và tim anh đau nhói anh đều viết thành thơ. Anh muốn trung thành với tình cảm nguyên sơ của mình. Anh không bận tâm lắm đến sự xác định là cá biệt hay phổ biến, bản chất hay hiện tượng.


Cảm hứng dân tộc hình thành sớm và phát triển dần thành cảm hứng mạnh trong Lưu Quang Vũ. Đất nước mang hình chiếc đàn bầu, với những chị hai, những mắt một mí, những cơi trầu, những câu hát giao duyên... bao nhiêu lần trở đi trở lại trong tình trong ý Lưu Quang Vũ, tạo nên nét duyên riêng đắm đuối trong thơ anh. Anh viết rất tạo hình, có lẽ vì anh còn là một họa sĩ: Những con chim lạc mỏ dài/Bay qua vầng trăng lớn.
Những bài thơ anh viết ở thập niên 80 như đối nghịch với các bài thời 71, 72. Nhưng thật ra giai đoạn trước kiến tạo cho giai đoạn sau. Sức nặng của câu thơ yêu đời được hình thành từ câu thơ mất mát. Qua mất mát mới biết giá trị của sự có lại: Mùa gió mới có em tôi có lại/Bài hát cũ tôi hát cùng đồng đội/Lại dập dồn như gió khắp rừng khuya.


Giữa lúc anh đang hào hứng viết cả thơ lẫn kịch, năng suất kỳ lạ, dự định táo bạo, thì tai nạn ập đến. 1948-1988. Cuộc đời anh mới 40 năm tuổi đã dừng, sự đóng góp của anh ở thơ, ở kịch đã được đời ghi nhận như một trong các sự kiện nghệ thuật cuối thế kỷ XX.

(Sưu tầm trên mạng)

No comments: