BÀI THƠ SỚM MAI (*)
thơ Nhã Ca
Buồn buổi sớm đầy trong ngăn kín
Vườn ăn năn cây cối vừa xanh
Sáng Chủ nhật mặt trời đỏ chín
Đầy tuổi con rồi đó nghe anh
Nghe đó anh, con đầy tiếng nói
Sự thật, kìa, con nói đi con
Nói đi con, nói giùm mẹ với
Bạo lực nào cớm nổi lộc non
Con nói đi, kìa, mặt trời mọc
Mặt trời đang mọc, mặt trời hồng
Mặt trời đang mọc, ba đừng khóc
Mưa gió nào chôn nổi rạng đông
Con nói đi, kìa sáng Chủ nhật
Chủ nhật sao đầy ắp cửa nhà
Nụ cười trong máu hơi trong đất
Tiếng nói con đầy lịch sử ta
Sáng Chủ nhật cùng khắp mọi người
Con nói đi, mặt trời đang mọc
Mặt trời mọc, mọc rồi, mọc rồi
Mặt trời mọc mà sao mẹ khóc
NHÃ CA
(*) Sớm Mai, sinh năm 1962, tên người con gái đầu lòng của Nhã Ca và Trần Dạ Từ.
Nguồn: Thơ Nhã Ca, NXB Thương Yêu, 1972
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Nhã Ca (1939-) tên thật là Trần Thị Thu Vân, sinh trưởng tại Huế, đến năm 1960 thì vào Sài Gòn và bắt đầu sự nghiệp viết văn.
Với tập thơ đầu tay là "Nhã ca mới", đoạt giải thưởng thi ca toàn miền Nam năm 1965, trong khoảng thời gian từ 1960-1975 tác phẩm của nhà văn nữ này gồm các thể loại thơ, truyện, bút ký khoảng hơn 36 đầu sách. Một số tác phẩm đã được dựng phim như Giải khăn sô cho Huế, Tình ca trong lửa đỏ, Cô hippy lạc loài... và được dịch sang tiếng nước ngoài như Đêm nghe tiếng đại bác (Les canons tonnent la nuit), Đoàn nữ binh mùa thu (The short timers).
Cũng vì nội dung những tác phẩm của bà, sau năm 1975, Nhã Ca bị chính quyền bắt giam hai năm vì tội "biệt kích văn hóa". Chồng bà, nhà văn nhà báo Trần Dạ Từ, bị giam 12 năm. Nhờ sự can thiệp của Hội văn bút quốc tế, Hội ân xá quốc tế và Thủ tướng Thụy Điển Ingvar Carlsson, năm 1989 bà được bảo lãnh sang Thụy Điển tị nạn. Năm 1992 bà cùng gia đình chuyển sang California, Hoa Kỳ định cư và lập tờ báo "Việt Báo Daily News" tại quận Cam.
Nhã Ca và Trần Dạ Từ |
Trong quyển Văn học miền Nam, nhà văn Võ Phiến đã nhận định về Nhã Ca như sau:
"Sống giữa một thời không còn cấm kỵ, mà sôi nổi, mà cực đoan, Nhã Ca mạnh dạn tự mình chọn lựa tình yêu của mình, con đường hạnh phúc của mình, con đường đời của mình. Bà không ngần ngại bỏ nhà ra đi, đổi họ thay tên, phiêu lưu trong cái nghề viết văn làm báo. Tự do, bà thích nói đến tiếng ấy: tự do trong thể xác, trong đời mình..."
"Và văn chương bà, dù là văn chương viết về tuổi trẻ, vẫn trĩu nặng ưu tư. Nghệ thuật của bà là cuộc đời trước mặt. Ở bà, cá nhân là chính trị, là xã hội. Bà có chân dung đầy góc cạnh nhọn, như những bức tranh của Braque, của Picasso.
Nhã Ca là một nhà văn độc lập và bất khuất, bà cũng là một tiêu biểu rõ rệt nhất cho nền văn chương nhân bản của miền Nam trong thời kỳ 1954-1975."
"Sống giữa một thời không còn cấm kỵ, mà sôi nổi, mà cực đoan, Nhã Ca mạnh dạn tự mình chọn lựa tình yêu của mình, con đường hạnh phúc của mình, con đường đời của mình. Bà không ngần ngại bỏ nhà ra đi, đổi họ thay tên, phiêu lưu trong cái nghề viết văn làm báo. Tự do, bà thích nói đến tiếng ấy: tự do trong thể xác, trong đời mình..."
"Và văn chương bà, dù là văn chương viết về tuổi trẻ, vẫn trĩu nặng ưu tư. Nghệ thuật của bà là cuộc đời trước mặt. Ở bà, cá nhân là chính trị, là xã hội. Bà có chân dung đầy góc cạnh nhọn, như những bức tranh của Braque, của Picasso.
Nhã Ca là một nhà văn độc lập và bất khuất, bà cũng là một tiêu biểu rõ rệt nhất cho nền văn chương nhân bản của miền Nam trong thời kỳ 1954-1975."
(Sưu tầm trên mạng)