Sunday, October 30, 2016

VÔ TÂM

Vô tâm không phải là không có tâm. Vô tâm cũng không phải là vô cảm. Có một chữ tượng hình rất hay trong chữ Hán : 木 là mộc. 目 là mục. 心 là tâm.
 
Khi mộc ghép với mục thì thành tướng 相. Tướng vô tội. Không sanh sự. Nói khác đi, khi trần (mộc= cây) gặp căn (mục = mắt) thì chẳng có chuyện gì xảy ra!


“Sắc thanh hương…” đụng “nhãn nhĩ tỷ…” chả sao cả. Cận thấy kiểu cận, loạn thấy kiểu loạn, lão thấy kiểu lão.
 
Con người tội nghiệp. Nhãn thua loài cú. Nhĩ thua loài dơi, Tỷ thua loài chó… Con ong cái kiến cũng có căn có trần riêng của nó! Vậy mà con người cứ tưởng mình ngon nhất thế gian.
Làm được cái kính thiên văn đường kính rộng, nhìn lên bầu trời đã la hoảng khi thấy có hàng trăm ngàn tỷ thiên hà, trong khi xưa kia tưởng chỉ có mỗi một mặt trời vĩ đại của riêng ta thôi!
Nay mai có kính thiên văn đường kính rộng hơn nữa không biết chuyện gì sẽ xảy ra!
 
Trở lại chuyện Tâm. Căn với trần mới là tướng. Ghép thêm chữ tâm (心) vào thì mới thành tưởng 想.
 

Có tưởng là bắt đầu sinh sự. Tưởng vô vàn. Tưởng vô tận. Muốn thiên đàng có thiên đàng. Muốn điạ ngục có địa ngục.
 
Cho nên tu là tu Tâm. “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tất cả là do tâm bày vẽ ra.
 
Phật từ thời Hoa Nghiêm đã nói rõ như thế. Hạnh phúc khổ đau từ đó. So sánh hơn thua, chém giết nhau từ đó.
 
Tiếng Việt ta còn hay hơn: Tướng và Tưởng, chỉ khác nhau có mỗi cái dấu sắc, dấu hỏi… Mà đã ngàn trùng cách xa!
 
Vô tâm thì vô sự. Vô sự thì bình an. Bình an vô sự. Người ta chúc nhau như vậy.
 
Người ta lại chúc nhau « Vạn sự như ý »! Ý dẫn các pháp. Muốn « vạn sự » được « như ý » đâu có khó gì.


Một đám du khách hỏi anh nông dân: Hôm nay thời tiết ở đây thế nào anh? Hôm nay có thứ thời tiết mà tôi thích! Làm sao anh biết là có thứ thời tiết mà anh thích ?
 
Phải học, thưa ông. Không phải lúc nào tôi cũng có cái tôi muốn nên tôi phải biết muốn cái tôi có.
 
“Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Trần Nhân Tông).
 
BS Đỗ Hồng Ngọc
Theo: phatgiaoaluoi

No comments: