Monday, July 2, 2018

THỂ THAO CŨNG LÀ DAO HAI LƯỠI



Ai cũng hiểu thể dục thể thao có lợi sức khỏe, nhất là khi tác dụng chống stress được xác minh qua nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây. Chính vì thế mà không thiếu người mê thể dục thể thao đến độ “không mệt lả không về”. Không sai nhưng cũng chưa hẳn là tốt nếu lạm dụng chuyện đổ mồ hôi vì huy chương nào cũng có hai mặt. Các chuyên gia ngành y khoa thể dục ở châu Âu mới đây đã cảnh báo về vài điều hiểu sai của người định mượn thao trường để tránh thầy thuốc nhưng rồi vẫn chạy trời không khỏi nắng!

Thí dụ:

1. Nếu tưởng các loại thể dục trẻ trung như aerobic giúp người tập trẻ mãi không già thì lầm. Thường chỉ được nước bề ngoài. Người tập nhiều khi già trước tuổi là khác vì chất oxy-hóa bội tăng thấy rõ sau giờ nhảy cà tưng. Ngược lại, các phương pháp trầm tĩnh hơn nhiều như yoga, thiền định, các môn thể thao chậm rãi như golf, đi bộ… lại rõ ràng có tác dụng trì hoãn tiến trình lão hóa.


2. Đừng dùng thể dục thể thao như biện pháp chống mệt mỏi. Không cần thiết mỗi ngày nhất là khi “vận động viên” mệt nhoài sau giờ tập. Trái lại, đừng quên nên tôn trọng nguyên tắc 40 phút chơi cần 20 phút nghỉ. Trong lúc mệt mỏi nếu ngày tập ngày nghỉ càng hay.

3. Vận động buổi sáng sớm khi bụng còn đói là một sai lầm nghiêm trọng. Cơ thể khi đó phải huy động nguồn năng lượng dự trữ. Hậu quả là “vận động viên” dễ bị tụt đường huyết, huyết áp và hạ canxi ngay trên thao trường!


4. Vọp bẻ không hẳn lúc nào cũng là hậu quả của thiếu khoáng tố hay do tích lũy chất sinh mỏi cơ (acid lactic) vì thao tác quá độ. Trong đa số trường hợp, nguyên nhân là do chấn thương ở bắp thịt. Người bị vọp bẻ vì thế phải nghỉ tập ít ngày cho dù thấy khỏe.

5. Rất nhiều trường hợp vọp bẻ không vì thiếu canxi mà do thất thoát manhê (Mg). Điểm kẹt là để điều trị phải dùng tối thiểu 500mg. Với liều này nhiều người dễ bị tiêu chảy. Do đó, nên dùng manhê ở liều thấp hơn, nhưng thường xuyên và trước buổi tập thay vì đợi đến vọp bẻ.


6. Đổ mồ hôi nhờ chơi thể thao đúng là biện pháp giải độc cho cơ thể, nhưng hoàn toàn bất lợi khi đang cảm cúm vì có thể dẫn đến trụy tim mạch. Người đang sốt phải ngưng chơi cho đến khi bình phục hẳn hòi.

7. Đừng tưởng người già không nên chơi thể thao. Trái lại là khác vì đó là biện pháp trì hoãn tiến trình lão hóa, nhất là bệnh Alzheimer. Đáng lưu ý là nên chọn các môn nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi vận động toàn thân và phối hợp thao tác như bách bộ, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ…


8. Đừng tưởng phải chạy nhanh mới tốt cho trái tim. Các nhà nghiên cứu ở đại học Harvard đã quả quyết đi bộ đúng là biện pháp chống xơ vữa mạch máu đồng thời điều hòa huyết áp và nhịp tim. Nhưng muốn có tác dụng phải đi bộ mỗi lần tối thiểu 3000 bước. Với vài trăm bước mỗi ngày thì chỉ làm thầy thuốc mau vui!

9. Vận động đúng là biện pháp tốt nhất để giảm cân. Nhưng đừng vì thế mà lạm dụng với hy vọng có thể giảm cân nhanh. Người béo phì nếu đi bộ liên tục hơn hai giờ mỗi ngày dễ bị thoái hóa khớp gối do áp lực của sức nặng trên mặt khớp. Đi quá nhanh, quá nhiều lắm khi chỉ đến… bệnh viện! Leo cầu thang thay vì dùng thang máy là điều nên làm vì người mỗi ngày leo 200 bậc thang giảm tỷ lệ nhồi máu cơ tim 50%. Nhưng nếu dùng thao tác này để giảm cân thì uổng công vì leo 300 bậc thang mỗi ngày không bằng 10 phút chơi thể thao.


10. Bên cạnh thao tác đi bộ, đừng xem thường khiêu vũ. Đó vừa là giải pháp giảm cân nhẹ nhàng, vừa là phương pháp chống trầm uất theo kết quả khảo sát kéo dài hơn hai năm với cả ngàn đối tượng ở Hoa Kỳ. Tác dụng này càng rõ nét với các điệu vũ trẻ trung, thay vì cổ điển như valse.

11. Bơi lội đúng là phương pháp tiêu hao năng lượng vì “vận động viên” mất gần 500 kcal sau một giờ ngụp lặn. Nhưng nếu dùng cách này để giảm cân thì ít khi hiệu quả vì thường đói bụng cồn cào sau giờ thao tác nên đâu lại vào đó. Mặt khác, nếu tưởng bơi lội là môn thể thao tốt nhất thì lầm. Người có vấn đề với cột sống cổ, viêm quanh khớp vai và thoái hóa khớp gối không nên bơi lội trong lúc cơn đau đang hoành hành vì bệnh khó thuyên giảm, nhất là khi bơi sải và đầu nổi cao hơn mặt nước.


12. Thao tác thể dục thể thao, dù dưới hình thức nào cũng thế, bao giờ cũng gây kích ứng ít nhiều trên bắp thịt. Tình trạng này đi đến chỗ thái quá, như thường gặp trong trường hợp vận động viên thể hình, cử tạ… lại dễ trở thành đòn bẩy cho nhiều căn bệnh thậm chí nghiêm trọng. Người chọn môn thể dục thể thao nặng nhọc không nên ngày nào cũng tập luyện căng thẳng. Trái lại, nên bữa nhiều bữa ít, hay thậm chí nghỉ xả hơi 1-2 ngày trong tuần.

Thầy thuốc ở Áo đã chứng minh là lạm dụng thể dục thể thao cũng có hại không kém hút thuốc lá. Trái lại, vận động trong tiết độ, thay vì với định kiến càng nhiều càng hay, chẳng hạn mỗi tuần chỉ 3 lần, mỗi lần không cần lâu hơn 45 phút có thể giúp kéo dài tuổi thọ 7-10 năm. Trường đồ tri mã lực, không riêng gì thể dục thể thao, chuyện gì cũng cần giữ cho được tính trung dung. Khó chính ở chỗ đó.

(trích từ ấn phẩm “Viết vì người muốn chơi tới bến”)
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng

No comments: