Friday, August 24, 2018

GỎI MĂNG CỤT, ĐẶC SẢN MIỆT VƯỜN LÁI THIÊU

Với địa thế nhân hòa, được thiên nhiên ưu đãi và nằm trải dài bên sông Sài Gòn, khu vực An Sơn, Bình Nhâm, Lái Thiêu (TX.Thuận An, Bình Dương) quanh năm được phù sa bồi đắp nên các vườn cây ở đây luôn được đất mẹ nuôi dưỡng để sản sinh những trái cây ngon như măng cụt, dâu, mít, sầu riêng…


Măng cụt ở An Sơn, Lái Thiêu là trái cây đặc sản tiêu biểu cho xứ “cây ngọt trái lành” - Đất Thủ, Bình Dương. Với vị ngọt thanh tao, ngọt mà không gắt mang đến cho người ăn một cảm giác đê mê, ngọt ngào của đất mẹ. Ngoài việc dùng măng cụt khi chín thì măng cụt còn được dùng vào nhiều mục đích khác, trong đó được sử dụng làm nguyên liệu chính của món gỏi măng cụt - một trong những đặc sản ẩm thực của miệt vườn Thuận An. So với các món gỏi truyền thống của Việt Nam như gỏi ngó sen, gỏi bắp chuối… thì gỏi măng cụt có những đặc trưng riêng, mùi vị riêng và cách chế biến riêng. Điều này thể hiện sự tinh túy trong chế biến món ăn của người Việt, tận dụng hết những gì thiên nhiên và đất mẹ ban tặng.

Nguyên liệu làm món gỏi măng cụt là những trái mang cụt còn sống (vỏ còn xanh nhưng phần cơm (ruột) đã chín tới). Theo cô Nga, người chuyên làm gỏi măng cụt ở xã An Sơn thì “măng cụt để làm gỏi phải là những trái măng cụt chưa chín, không quá non mà cũng không quá già, cơm măng vừa giòn vừa ngọt, vừa có độ chua vừa phải”.


Măng cụt sau khi hái được gọt sạch vỏ và rửa sạch mủ. “Việc gọt vỏ măng cũng thể hiện “nghệ thuật” của người chế biến do vỏ măng chưa chín (lúc chín chuyển sang màu tím đậm) thì việc gọt rất khó do mủ măng còn nhiều, gọt măng làm sao vừa nhanh để măng không bị thâm và không phạm vào phần cơm măng, đó chính là “bí quyết”, “nghệ thuật” và “kinh nghiệm” của người chế biến”, cô Nga cho biết thêm.

Tùy theo khu vực mà cơm măng được cắt ngang để tạo thành hình hoa hoặc tách từng tép (múi) riêng, mỗi cách làm đều có “vị đặc trưng” riêng. Theo cảm nhận của người viết, cơm măng cụt cắt ngang thành hình hoa thì những gia vị nêm nếm và vị của cơm măng hòa quyện vào nhau cùng lúc khi dùng; còn tách từng tép khi dùng sẽ cảm nhận được gia vị nêm nếm thấm vào đầu lưỡi trước và khi cắn cơm măng vị măng mới hòa quyện với gia vị. Đây chính là điểm “độc đáo” của gỏi măng cụt.

Việc cho thêm gia vị và các thành phần phụ khác của gỏi măng sẽ khác nhau theo từng khu vực và theo khẩu vị của người dùng, có nơi gỏi măng được trộn với tôm, tép, thịt heo ba chỉ, một số nơi còn dùng thịt gà nhưng có một gia vị không thể thiếu là đậu phộng (đậu lạc) rang vàng giã nhuyễn và rau răm. Chính vị giòn, béo và cay nồng của rau răm làm tăng thêm vị đặc trưng của gỏi măng cụt – sự hòa quyện giữa âm và dương mà không cần thêm tiêu hay ớt. Ăn kèm với gỏi măng cụt là nước mắm tỏi ớt, bánh tráng (bánh đa) nướng hoặc bánh phồng tôm.


Gỏi măng cụt với cơm măng giòn, ngọt kết hợp với vị béo của tôm, thịt, vị cay thanh của rau răm, vị cay nồng của nước mắm tỏi ớt sẽ thấm vào đầu lưỡi và âm thanh giòn tan của đậu phộng, bánh tráng sẽ tạo cho người dùng một cảm giác ngon khó tả và khi thưởng thức dường như hình ảnh thanh bình của vùng quê, về nơi “chôn nhau cắt rốn” và nơi ta sinh ra và lớn lên được tái hiện.

Như câu ca xưa:

“Đêm rằm mười sáu trăng treo
Anh đóng giường lèo cưới vợ Lái Thiêu”

Thuở trước, có biết bao chàng trai người Minh Hương bỏ tiền ra mua được cho mình một chiếc giường lèo (một loại giường bằng gỗ có chạm trổ) với ước mong cưới được những cô con gái hương sắc ở Lái Thiêu.


Từ dạo đó, Lái Thiêu đã được biết bao nhiêu người biết đến qua những nét đặc trưng về văn hóa, ẩm thực, con người mang đậm tính nhân văn và văn hóa dân tộc Việt.

Ai đã đi qua vùng An Sơn, Bình Nhâm, Lái Thiêu nhớ ghé ăn món gỏi măng cụt để nhớ về một thời tuổi thơ, nơi đất mẹ đã nuôi dưỡng ta và để hòa mình vào thiên nhiên sau những khoảng thời gian vất vả mưu sinh.

(Sưu tầm trên mạng)