TÂM ĐỊA QUANG MINH, TÀI HOA UẨN TÀNG
Quân tử chi tâm sự, thiên thanh nhật bạch, bất khả sử nhân bất tri; quân tử chi tài hoa, ngọc uẩn châu tàng, bất khả sử nhân dị tri.
(Thái căn đàm – Lập đức tu thân)
(Thái căn đàm – Lập đức tu thân)
心地光明, 才华韫藏
君子之心事, 天青日白, 不可使人不知; 君子之才华, 玉韫珠藏, 不可使人易知.
(菜根谭 - 立德修身)
(菜根谭 - 立德修身)
TÂM ĐỊA QUANG MINH, TÀI HOA ẨN GIẤU
Bậc chính nhân quân tử có tu dưỡng đạo đức, hành vi tư tưởng của họ phải như thanh thiên bạch nhật, quang minh lỗi lạc, không có hành vi ám muội nào cần phải giấu; còn tài tình và năng lực của họ phải như châu ngọc, không dễ dàng hiển lộ ra ngoài làm loá mắt người khác.
Giải thích và phân tích
Không để cho người khác không biết về tâm địa của mình là phép tắc làm người của bậc quân tử; còn tài hoa của mình giống như châu ngọc không nên phô trương là phép tắc xử thế của bậc quân tử. Như vậy làm người xử thế có thể tránh được hoạ hoạn, tổn hại phẩm đức, cũng có thể khiến người khác từ bề ngoài mà nhìn thấy được nội hàm của họ. Tục ngữ có câu:
Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm
画虎画皮难画骨, 知人知面不知心
画虎画皮难画骨, 知人知面不知心
Tài hoa chân chính đều là nội hàm, cho nên muốn chân chính hiểu rõ một người rất khó, cần phải có một số phương pháp thông qua biểu tượng mà nắm bắt thực chất.
Khổng Tử 孔子 có 3 thuật xét người:
Thị kì sở dĩ, quan kì sở do, sát kì sở an
视其所以, 观其所由, 察其所安
视其所以, 观其所由, 察其所安
Thị kỳ sở dĩ (视其所以), là chỉ việc muốn hiểu rõ một người, thì cần phải xem mục đích và động cơ người đó làm việc. Động cơ quyết định phương cách, chúng ta xem người đó làm gì, càng cần phải xem người đó tại sao phải làm như thế. Nếu bị biểu hiện bề ngoài mê hoặc, chúng ta nhận thức về người đó được bao nhiêu?
Quan kì sở do (观其所由), chính là cách làm của người đó có nhất quán không. Bậc quân tử cũng yêu quý tiền của, nhưng quân tử khác với tiểu nhân, tiểu nhân có thể trộm, có thể cướp, có thể đoạt, thậm chí giết người để chiếm lấy; còn quân tử thì làm không được, cho dù tiền tài như hoa tươi bên cạnh có thể tuỳ ý hái, họ cũng phải suy nghĩ có phù hợp với đạo hay không. Có khi không phải ở chỗ một người làm thứ gì, làm lớn bao nhiêu, làm nhiều bao nhiêu, mà là cần phải xem người đó làm như thế nào. Làm quan lớn, hối lộ nhiều, tiền kiếm được nhiều, nhưng do lường gạt lừa dối mà có được, thì cũng là loại người không ai đếm xỉa đến.
Sát kì sở an (察其所安), chính là nói nhìn người đó an ở điều gì, cũng chính là hàm dưỡng bình thường. Ví như tâm tính nóng nảy, ví như nôn nóng thành công gần điều lợi, ví như có một chút thành tích đã tự thị thậm cao, không xem ai ra gì, ví như gặp chút gian nan đã co đầu rút cổ, oán trời trách người… đều là không có hàm dưỡng. Người như vậy khi làm việc có thể nữa đường vất bỏ, giao thiệp bạn bè có thể bội tin quên nghĩa. Chỉ có những nhân tài đạp lên thực tiễn, an tĩnh, mới không bị ảnh hưởng vật ngoài thân, mới có thể có thành tựu. Chỉ có những người như thế mới có khả năng tích chứa dồi dào mà phát lộ ít ỏi.
Nói tóm lại, 3 phương thức nhận biết người này đều dạy mọi người không nên dùng bề ngoài để chọn người, mà cần phải thông qua biểu tượng của hành vi bên ngoài, nhìn rõ bản chất nội tâm của họ. Làm người ưa dùng tâm cơ, vì thông minh mà bị thông minh làm sai lệch, người mà xử sự quá lộ ra ngoài, thường gặp phải tổn hại trước tiên.
Dương Tu 杨修 là chủ bạ của Tào Tháo 曹操, tài hoa xuất chúng, cuối cùng bị Tào Tháo giết. Nguyên nhân chủ yếu là ở chỗ ông ta qua phô trương tài hoa của mình.
Khi Dương Tu chủ trì xây dựng cổng lớn của phủ Thừa tướng, Tào Tháo đã đề bên trên một chữ 活 (hoạt). Dương Tu lập tức suy đoán được ý đố của Tào Tháo, đó là chê cổng quá rộng, lập tức hạ lệnh dỡ xuống làm lại. Một lần khác, Dương Tu và Tào Tháo cùng xem tấm bia Tào Nga 曹娥, thấy trên bia có đề:
Hoàng quyên ấu phụ, ngoại tôn tê cữu
黄绢幼妇, 外孙齑臼
黄绢幼妇, 外孙齑臼
Dương Tu liền nói với Tào Tháo ý nghĩa câu đó là “Tuyệt diệu hảo từ” 绝妙好辞.
“Hoàng quyên” 黄绢 là loại tơ màu, tức “tuyệt” 绝
“Ấu phụ” 幼妇 là thiếu nữ, là chữ “diệu” 妙
“Ngoại tôn” 外孙 là con của con gái mình, chính là chữ “hảo” 好
“Tê cữu” 齑臼 là loại dùng để đựng gia vị cay, chính là chữ “từ” 辞.
“Ấu phụ” 幼妇 là thiếu nữ, là chữ “diệu” 妙
“Ngoại tôn” 外孙 là con của con gái mình, chính là chữ “hảo” 好
“Tê cữu” 齑臼 là loại dùng để đựng gia vị cay, chính là chữ “từ” 辞.
Cứ như thế, dần dần Tào Tháo cảm thấy tài hoa của Dương Tu cao hơn mình liền sinh lòng ghen ghét, muốn trừ khử Dương Tu.
Về sau, trong một chiến dịch, quân Tào rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, Tào Tháo sơ ý dùng 2 chữ “kê lặc” 鸡肋 làm khẩu lệnh trong quân. Dương Tu tự ỷ thông minh, hạ lệnh ban sư. Tào Tháo sau khi được tin cho rằng Dương Tu đã làm nhiễu loạn quân tâm liền thét đao phủ lôi ra chém.
Quân tử hành sự, theo tính mà làm, quang minh lỗi lạc, không che đậy, không phô trương thanh thế. Tài hoa tiềm tàng không đồng nghĩa với không dùng, mà là thi triển nơi đáng thi triển, không quá phô trương. Quá phô trương rất có thể khiến bản thân mình rơi vào nơi lúng túng, thậm chí dẫn đến hoạ diệt vong. Dương Tu bị giết đó là do ông ta tự chuốc lấy, nếu tài hoa của ông ta tiềm tàng không bộc lộ, càng không nên để Tào Tháo khó xử trước đám đông, thì có lẽ ông ta có thể được bảo toàn tính mạng.
Sự thực là như thế, cao nhân chân chính luôn cao điệu làm người mà thấp điệu làm việc. Họ sống giống như người bình thường, hoài bão tự nhiên, lặng lẽ tu dưỡng tài hoa, vừa không để cho dục niệm trong lòng che lấp, lại không để cho tâm cảnh khiêm hoà bị hư vinh quyến rủ. Trong sinh hoạt, chúng ta cũng có thể nhờ cậy họ, khi làm người thì cao điệu một chút, yêu cầu nghiêm túc một chút, còn khi làm việc thì thấp điệu một chút, khiêm hoà một chút. Có lẽ sự cải biến như vậy không làm cho chúng ta trở thành cao nhân, nhưng chí ít cũng cho chúng ta có được cảnh giới.
Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguồn:THÁI CĂN ĐÀM
菜根谭
Tác giả: (Minh) Hồng Ứng Minh 洪应
(Sưu tầm trên mạng)