Từ nhiều năm nay, ngôi chùa nhỏ nằm trên vùng Nha Mân, được biết đến là cái nôi sản sinh con gái đẹp nổi tiếng phương Nam luôn tấp nập khách thập phương. Họ đến để tận mắt ngắm loài hoa sen khổng lồ có một không hai trên đất Việt Nam. Và, để trải nghiệm cảm giác ngồi trên lá sen dập dềnh trên mặt nước, tha hồ ngắm đất trời, cây cỏ và những loài cá hiền hòa dưới lòng hồ.
Vì sao lá sen có khả năng chịu đựng trọng lượng của một con người? Vì sao lá sen khổng lồ ấy lại chỉ mọc trong ao một ngôi chùa nhỏ tận vùng Đồng Tháp? Câu hỏi đó, hiện nay đang là đề tài nghiên cứu hấp dẫn và hóc búa của giới khoa học trong và ngoài nước.
Từ chợ Nha Mân, chúng tôi dễ dàng hỏi thăm về nơi đang giữ huyền tích lá sen khổng lồ, người dân vui cười chỉ dẫn tường tận và sẵn sàng xác nhận rằng, lá sen “cõng người” là sự thật. Hầu hết bà con ở quanh vùng đều ít nhiều được đứng hay ngồi chễm chệ trên là sen.
Chủ nhân của ngôi chùa nhiều dị biệt ấy, sư thầy trụ trì đời thứ 4 Thích Huệ Từ (75 tuổi) là người am tường sự việc nhất. Đã nhiều năm nay, ông không còn lạ lẫm gì với những câu hỏi và sự ngạc nhiên của bàn dân thiên hạ đồn đoán về loài sen khổng lồ trong ao chùa. Theo sư thầy, thì đó chỉ là sự ngẫu nhiên, một đột biến dị thể của loài sen.
Đó là một buổi sáng trong lành ngày 8/1/1992 (âm lịch), như bao buổi sáng khác ở làng quê Đồng Tháp. Sư thầy xắn tay áo xuống hồ nhổ ngó sen ra chợ bán như thường lệ, ra tới giữa hồ, sư thầy phát hiện một bông sen nở to khác thường, lại có gai bao bọc xung quanh. Hoa sen mang màu đỏ thắm phía ngoài, trong lại có màu trắng tuyết, nhiều gai. Sư thầy lặng lẽ quan sát, thì phát hiện ra đây không phải là bông hoa bình thường, vì hoa đổi màu liên tục theo thời gian trong ngày.
Buổi sáng, sen nở màu trắng ngà, đến tầm 9 giờ thì chuyển màu hồng rồi cúp lại. 3 giờ chiều sen nở ra màu đỏ thắm rồi chuyển dần sang màu tím, khi hoàng hôn vừa khuất núi, sen chuyển hẳn sang màu hồng và cúp lại. Vòng đời của sen tồn tại trong vòng ba ngày, ngắn hơn sen bình thường.
Vậy mới có câu chuyện, có hai người khách vào chùa ngắm sen. Một ông ngắm buổi sáng thấy hoa màu trắng, ông ngắm buổi chiều thấy hoa màu hồng. Hai ông này về kể lại cho bà con thì mỗi người một kiểu, họ cự cãi nhau, tranh luận rất gay gắt. Họ kéo đến hỏi sư thầy cho rõ ngọn ngành và phân đúng sai. Sư Thích Huệ Từ mỉm cười: “Cả hai ông đều đúng, sen trong chùa thay đổi màu theo thời gian trong ngày”. Từ đó, tin đồn về loài sen lạ nhanh chóng lan đi, phật tử và khách thập phương tìm về chùa ngày một đông.
Ngoài hoa sen lạ, thì cùng thời điểm đó, lá sen bắt đầu phát triển và to ngoài sức tưởng tượng. Lá sen hình giống một cái nia, bề rộng chừng 2m cứ xếp lớp mọc kín bưng ao sen, bề mặt lá sen nhẵn nhụi chia thành những ô vuông nhỏ, phía dưới có nhiều gai. Đặc biệt vào mùa nước nổi khoảng tháng 9 tháng 10 (âm lịch), sen no nước nên phát triển rất nhanh và mạnh. Lá sen có thể tới 3m. Người dân thường gọi là sen vua hay sen nong nia.
Ngày đó, trong chùa có nuôi một chú Hạc rất thông minh và có thể hiểu được tiếng người. Sư Thích Huệ Từ liền bảo chú Hạc bay xuống lá sen đứng. Lúc đầu, Hạc đứng lên do tiếp xúc với móng chân sắc nhọn làm lá bị rách, nước thấm vào, xong sư thầy lấy chiếc mâm đặt lên trên bề mặt của lá sen, Hạc đứng lên thì không rách lá nữa. Thấy lạ, sư thầy đứng thử lên và thật ngạc nhiên, lá sen trụ vững ở sức nặng có trọng lượng hơn 50kg. Người dân ùn ùn kéo đến, đua nhau kiểm nghiệm sự thật là sen “cõng người”, tất cả đều sửng sốt khi đứng trên lá sen khổng lồ.
Thầy Huệ Từ giải thích: “Tất cả mọi người khi đến chùa thì việc đầu tiên là họ phải ngồi trên lá sen cho bằng được. Bạn có thể ngồi, có thể đứng tùy thích mà không hề có cảm giác chao đảo hay bồng bềnh. Lá sen giữ vững thăng bằng, chắc chắn như bức bê tông vậy. Theo tôi ở đây không có gì huyền bí cả. Là do lá sen rất to, tự thân nó đã tạo cân bằng và giữ lực khi tiếp xúc với mặt nước. Nó giống một chiếc thuyền độc mộc vậy. Người nào có trọng lượng trên 60kg thì lá cũng chỉ dập dềnh một lúc thôi, không sao cả”.
Loài sen lạ không mọc bất cứ đâu ngoài Phước Kiển Tự
Hòa thượng Thích Huệ Từ cho biết: “Đây là loài sen có nguồn gốc từ Amazon, vùng Nam Mỹ. Sự xuất hiện của nó tại chùa Phước Kiển Tự cho đến thời điểm này, vẫn chưa ai biết”. Phước Kiển Tự được xây dựng vào năm 1847 thời vua Thiệu Trị thuộc dòng họ Đoàn. Trải qua bao biến cố thăng trầm, từ ngày thầy Huệ Từ theo chú vào tu ở chùa vẫn chưa có gì đổi khác.
Ngày đầu, thầy trồng sen Bá Biển (sen trăm cánh), trải qua binh biến, chiến tranh, lũ lụt, sen Bá Biển tuyệt chủng. Với niềm yêu thích loài sen, hễ đi đâu thấy có hoa sen, hoa súng lạ là ông lại xin về trồng trong ao chùa. Có thời điểm, trong ao quy tụ hàng trăm loài sen, súng. Chúng đua nhau nở hoa các loại, tạo nên vẻ đẹp lấp lánh, rực rỡ đủ mùi hương sắc. Năm 16 tuổi, khi người chú của ông viên tịch, thì ông chính thức làm chủ trì Phước Kiển Tự cho đến bây giờ.
Thời chiến tranh, bom rơi đạn lạc, Phước Kiển Tự cũng chịu chung số phận với đồng bào Nam bộ, ao sen trăm hoa đua nở bị hai quả B52 xới tung, cánh sen tan tác, rũ rượi khét lẹt mùi thuốc súng. Ao sen thay bằng hố bom sâu hoắm, tù đọng nước đen như mực. Sau ngày giải phóng, thầy Huệ Từ tìm về, phục dựng lại chùa cũ và cải tạo hố bom trồng các loại sen, súng.
Cuộc đời tu hành của thầy Huệ Từ chưa bao giờ ông thấy loài sen kỳ lạ như vậy. Bản thân ông không hề biết xuất xứ của loài sen ấy, ông cố công tìm hiểu thì cũng chỉ biết nguồn gốc của loài sen này có xuất xứ từ Nam Mỹ. Đứng bên hồ sen, thầy trải lòng: “Có cả khách nước ngoài tìm về đây, họ cứ trầm trồ tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Cũng có một vài đoàn nhà khoa học, nhà nghiên cứu sinh vật đến đây lấy mẫu nước, mẫu sen về nghiên cứu nhưng chưa thấy kết luận gì cả.
Thầy Huệ Từ. |
Mối lương duyên định mệnh của Rùa và Hạc giữa ao sen
Xung quanh câu chuyện về loài sen khổng lồ, người dân nơi đây vẫn kể cho nhau về tình bạn giữa Rùa và Hạc trong Phước Kiển Tự. Đây không phải câu chuyện cổ tích, mà đây là câu chuyện có thật mới xảy ra trong chùa, giữa ao sen.
Hạc và Rùa là hai con vật được thầy Thích Huệ Từ mang về nuôi trong chùa nhiều năm trời. Trong đó, Rùa đến trước và sống lâu năm hơn Hạc. Rùa theo chủ nhân của nó từ thời chiến tranh, một thời gian chạy loạn, thầy Thiện Từ bị thất lạc mất chú rùa. Sau khi trở về, thầy cất công đi tìm nhưng mãi không thấy.
Đôi hạc – rùa làm bạn với trụ trì Thích Huệ Từ |
Năm 1999, khi đang ra chợ, thầy Huệ Từ thấy con Hạc bị người thợ săn trói thắt cổ đem rao bán. Nhìn thương quá, thầy bỏ tiền mua chú Hạc rồi cởi trói và phóng thích Hạc về rừng. Nhưng Hạc không bay, nó lủi thủi theo chân thầy về tận chùa. Vậy là từ đó, thầy Huệ Từ có hai con vật làm bạn là Rùa và Hạc.
Từ ngày có Hạc, Rùa nhanh nhẹn hẳn lên, hễ thầy đi đâu, làm gì đều có hai con vật theo cùng. Hơn 3 năm ngày Hạc về chùa, thì nó phạm giới cấm của nhà Phật. Buổi sáng hôm đó, Hạc đứng hít khí trời trên lá sen, bỗng nó thấy con cá liền thò mỏ xuống rỉa và nuốt sống chú cá. Sư thầy trông thấy cảnh Hạc phạm giới, ông lặng lẽ quay vào đọc hết bài kinh. Rồi ông “nói” với Hạc hãy bay đi. Ở đây, không chấp nhận việc làm đó của Hạc. Hạc bay vòng vo mấy lượt quanh chùa, nó đậu trên ngọn cây bồ đề kêu lên thảm thiết một hồi mới cất cánh bay về hướng Nam.
Rùa ngay sau đó không còn hăng hái đi theo sư thầy ra vườn, hay tụng kinh hàng giờ nữa. Nó nằm thu mình trong một góc, không ăn không uống ba ngày thì chết. Sư thầy Huệ Từ cảm thương Rùa và Hạc, lập bàn thờ chúng ngay trong chùa và ngày ngày tụng kinh cho chúng siêu thoát. Trên tấm bia khắc tưởng niệm Rùa, Hạc, thầy Huệ Từ khắc “1948 – 29/7/2002”.
“Ông Quy”, được thầy Thiện Từ lưu giữ cẩn thận. |
Một hiện tượng lạ, một câu chuyện lạ, để thấy rằng, cuộc sống này có rất nhiều điều con người chưa khám phá hết.
Ngọc Thiện
Nguồn: quangduc.com
No comments:
Post a Comment