Đây là thổ lâu Điền Loa Khanh (田螺坑土楼) được bảo tồn gần như nguyên vẹn và không phải là một cái mà là một cụm thổ lâu gồm có 5 cái mà họ đặc cái tên cho vui là một bàn ăn có "4 món ăn bên một cái lò" mà từ trên cao bạn có thể mường tượng ra như vậy. Nó giống như những tấm ảnh mà tôi đã xem trên mạng nhưng bây giờ tận mắt bạn mới thấy đẹp hơn và cảm xúc hơn. Có những trãi nghiệm như thế các bạn mới cảm nhận được cái sung sướng tuyệt vời khi đi du lịch.
Rồi từ trên đài quan sát cả đoàn chúng tôi sẽ theo những bậc thang từ trên cao mà bước dần xuống những cái thổ lâu này, từng bước, từng bước leo xuống ngắm khung cảnh hai bên và rồi thì cũng đến. Nếu bạn có xem qua phim ảnh thì bây giờ tận mắt nó cũng như vậy nhưng đơn sơ hơn và thật hơn với những người chụp ảnh ghép rao mời và các người bán hàng bày hàng bán đủ thứ trong đây.
Phúc Kiến Thổ Lâu (福建土楼; nghĩa đen: "Tòa nhà bằng đất Phúc Kiến") là các nhà ở xây bằng đất nện của người Khách Gia ở vùng núi phía đông nam tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Hầu hết các công trình này được xây dựng từ thế kỷ 12 đến 20.
Một thổ lâu là một cấu trúc lớn bằng đất, có hình dạng phổ biến là tròn hoặc chữ nhật, với những bức tường có độ dày rất lớn cao từ ba đến năm tầng và bên trên cùng lợp ngói. Một thổ lâu có sức chứa có thể lên tới 800 người. Bên trong những bức tường dày này là những sảnh, nhà kho, giếng và khu vực sinh hoạt, toàn bộ cấu trúc giống như một thành phố pháo đài nhỏ.
Những bức tường được tạo bằng cách trộn đất nện với đá, tre, gỗ hoặc các vật liệu có sẵn khác để tạo thành những bức tường dày đến 6 foot (1,8 m). Cành cây, gỗ và tre thường được đặt sâu trong tường giúp gia cố. Kết quả là, một tòa nhà lấy ánh sáng tốt, thông gió, chống gió, động đất, ấm áp về mùa đông và mát mẻ về mùa hè. Thổ lâu Phúc Kiến thường chỉ có một cổng chính được che chắn bởi bốn cánh cửa gỗ dày từ 4–5 inch-thick (100–130 mm), được gia cố bên ngoài thêm các tấm thép. Tầng cao nhất của thổ lâu có những lỗ súng nhằm mục đích phòng thủ.
Hầu hết các thổ lâu tại Phúc Kiến ngoại trừ ở Hoa An tập trung trong một khu vực địa lý tương đối nhỏ giữa Vĩnh Định và Nam Tĩnh. Chúng được quản lý như là một địa điểm du lịch gọi là Thắng cảnh Thổ lâu Nam Tĩnh, với lối vào ở thị trấn Thư Dương. Tổng cộng có 46 thổ lâu ở Phúc Kiến đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào tháng 7 năm 2008 như là "ví dụ đặc biệt về truyền thống xây dựng và minh họa chức năng cho một kiểu tổ chức sinh hoạt và phòng thủ chung trong mối quan hệ hài hòa với môi trường". Một số cụm thổ lâu nổi tiếng có thể kể đến Thổ lâu Sơ Khê, Điền Loa Khanh, Hà Khanh, Cao Bắc, Đại Địa, Hồng Khanh, Dụ Xương, Thừa Khải, Chấn Thành, Tập Khánh.
(Theo Wikipedia)
Sau đó anh dẫn đoàn nói chúng tôi sẽ lên xe đi đến một cái thổ lâu lâu đời nhất Trung Hoa, có tên là lầu Dụ Xương (裕昌楼), nơi có nhiều đạo diễn đến làm phim và gần như đa số các cảnh thổ lâu mà chúng ta xem phim đều được thực hiện ở đây. Mời các bạn xem clip video mà tôi kèm theo phía dưới bài nhé.
Xế trưa thì gần như chúng tôi đã tham quan hết chương trình ngày hôm nay sau khi đi qua một cái thôn có tên là Tháp Hạ (塔下村), cái thôn mà chúng tôi đã đi qua để vào lầu Dụ Xương. Lưu ý nhé các bạn nhiều khi mình đã đi qua nhưng không hỏi thì mình sẽ không biết đấy.
Sau đó là chúng tôi trực chỉ sang tỉnh Quảng Đông để đến Sán Đầu, ăn tối trong một nhà hàng thật đẹp, thật sang với các món ăn thật tuyệt và gần gũi vì trong bữa ăn tối nay tôi có dịp ăn lại món hàu con chiên trứng và đồ khìa kiểu Tiều ở ngay trên đất Triều Châu quê hương của nó. (Món hàu con chiên trứng lần trước được ăn ở Vũng Tàu năm 2000 cho tới bây giờ. Ở Úc hàu tươi sống rất nhiều, rất to, rất ngon nhưng hàu con thì chẳng bao giờ có.)
(Còn tiếp)
LKH