"Tà áo trắng nay tình ta đã hết
Chút tình này xin trả lại cho nhau"
Mấy hôm trước tôi có post lại câu chuyên về "Đồi thông hai mộ" nhưng tôi nay khi xem một clip của Challenge Me thì câu chuyện có khác đi đôi chút nhưng tựu chung cũng là 2 nhân vật chính của câu chuyện tình buồn và cái kết bi thảm. Tôi lên mạng thấy có bài viết gần như được kể lại trong clip nên post lên và thêm cả cái clip video để bạn nào chưa đến Đà Lạt có thể xem cho biết.(LKH)
Phía sau đồi thông hai mộ ở Đà Lạt là một thiên tình sử đầy bi thương mà ít người biết đến
Đồi thông hai mộ từ lâu vẫn luôn là một địa danh gắn liền với những câu chuyện ly kỳ và bí ẩn. Thế nhưng khác với những địa danh có nhiều giai thoại không được kiểm chứng, thì phía sau đồi thông hai mộ này là một câu chuyện có thật về mối tình ngang trái 60 năm về trước.
Đồi thông hai mộ từ lâu đã bị gắn với nhiều giai thoại kỳ bí.
Đồi thông hai mộ vốn là một địa điểm khiến nhiều người Đà Lạt lẫn du khách e dè mỗi khi có ý định ghé thăm vì những lời đồn ma mị bủa vây khu vực này. Nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6 km về phía Đông, thắng cảnh đồi thông hai mộ nằm trên đồi cao giữa rừng thông bạt ngàn, không gian hoang vắng và tĩnh mịch.
Chuyện tình đẹp nhưng đầy trắc trở của đôi uyên ương 60 năm trước
Tôi đến nơi khi chiều đã tắt nắng, thời điểm này đồi thông khá vắng khách du lịch, chỉ có hai người phụ nữ bán hàng rong đang ngồi chăm chú đọc báo bên ngôi mộ. Người phụ nữ tên Hiền (47 tuổi) nói rằng bà đã buôn bán ở đồi thông này được 14 năm và là người thường xuyên quét dọn chăm lo thờ cúng cho hai ngôi mộ.
Tại khu vực này có 2 người phụ nữ bán hàng rong và làm công việc chăm sóc mộ.
Khu vực này có một bảng thông báo, tóm tắt câu chuyện tình Đồi thông hai mộ, nội dung tóm tắt giống như những ghi chép trong cuốn sách "Đà Lạt, danh thắng và huyền thoại" của tác giả Trần Huy Hùng Cường. Theo đó, chuyện xảy ra vào năm 1956, cậu sinh viên Vũ Minh Tâm (Vĩnh Long) học tại trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt (nay là Học viện Lục quân Đà Lạt). Anh đem lòng thương một thiếu nữ người địa phương, tên là Lê Thị Thảo, giáo viên dạy Văn trường Bùi Thị Xuân.
Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt trước năm 1975.
Mỗi ngày từ bãi tập về, Tâm thường ghé qua một ngôi nhà cạnh hồ Than Thở và đặt một lá thư tình dưới mái nhà tranh. Chiều đi dạy về, cô Thảo cũng đến ngôi nhà bên hồ để đọc thư chàng gửi, và để gửi lại một lá thư cho chàng. Thời gian trôi qua, tình cảm của cả hai càng thêm thắm thiết. Tâm và Thảo đã ước hẹn nên duyên vợ chồng, chờ ngày anh ra trường sẽ làm lễ cưới.
Thế nhưng vì hoàn cảnh của Thảo khá khó khăn, cô vốn là trẻ mồ côi được các Sơ nhà thờ nuôi dạy từ nhỏ, còn Tâm lại là con trai độc nhất của một gia đình điền chủ giàu có ở Vĩnh Long. Chính vì sự chênh lệch về giai cấp, nên khi gia đình anh Tâm biết được chuyện của hai người liền ra sức ngăn cấm.
Ngày anh Tâm tốt nghiệp, gia đình bắt anh phải về quê cưới một người con gái giàu sang mà họ đã chọn sẵn. Vì giữ tròn chữ hiếu, anh Tâm đành rời xa cô Thảo. Khi biết tin anh Tâm đã có gia đình, cô Thảo như rơi vào tuyệt vọng. Và rồi một buổi chiều tháng 3/1956, cô đã gieo mình xuống hồ Than Thở để kết thúc cuộc đời. Trước khi tự tử cô Thảo đã xé tà áo dài trắng viết lên 2 câu thơ để lại trên bờ hồ:
"Tà áo trắng nay tình ta đã hết
Chút tình này xin trả lại cho nhau"
Đồng thời cô cũng để lại một bức thư nhờ người đời nếu ai vớt được xác của cô thì hãy chôn ở đồi thông bên cạnh hồ Than Thở - nơi ngày xưa hai người từng hẹn hò, để cô được ở cạnh những ký ức của mình".
Bảng thông báo của công ty Thùy Dương (công ty xây dựng lại hai ngôi mộ tại đồi thông) khẳng định câu chuyện ở đồi thông hai mộ là có thật.
Vài tháng sau đó anh Tâm quay trở lại Đà lạt thì hay tin người mình yêu đã chết. Chàng trai ra mộ nàng gần hồ Than Thở, than khóc một hồi lâu rồi quyết định viết đơn nhập ngũ. Trong một lần lâm trận, chàng đã bị thương rất nặng không thể cứu chữa được. Trước khi mất anh nhờ bạn bè đưa thi thể về Đà Lạt chôn cạnh mộ của cô Thảo và làm cho hai người một tấm bia chung, viết lên đó những dòng thơ trong cuốn nhật ký của anh, để trọn tình nghĩa với người anh yêu.
Trong cuốn nhật ký, anh Tâm viết về mối tình của mình như sau:
"Nước biếc non xanh dù biến đổi
Mối tình chung thủy Thảo trong Tâm
Chiều chưa xuống mà nắng vàng vội tắt
Đêm chưa về mà cỏ đã đầm sương
Cả núi rừng ngấn lệ tiếc thương.
Cho mối tình ngang trái của đôi uyên ương không thành..."
Tấm bia chung ghi những câu thơ trong nhật ký sau một thời gian đã phai mờ không còn nhìn thấy chữ.
Ít lâu sau, người vợ của anh Tâm lên Đà Lạt thấy hai ngôi mộ liền kề nhau đã đem lòng ghen tức. Cô để cho hai người nằm cạnh nhau được 3 năm. Mãn tang, cô liền đem thi hài anh về Vĩnh Long để chôn cất.
Gia đình anh Tâm đã đưa thi hài anh về Vĩnh Long, đồi thông hai mộ chỉ còn lại một ngôi mộ của cô Thảo.
Năm 1997, UBND thành phố Đà Lạt cấp phép cho công ty TNHH Thùy Dương cải tạo lại khu vực hồ Than Thở và đồi thông hai mộ để khai thác du lịch. Công ty này đã tiến hành sửa sang lại ngôi mộ cho cô giáo Lê Thị Thảo, đồng thời xây một ngôi một gió kế bên đề tên Vũ Minh Tâm để hoàn thành di nguyện cuối cùng của hai người.
Công ty Thùy Dương đã xây dựng lại hai ngôi mộ khang trang hơn.
Những sự trùng hợp ngẫu nhiên khiến đồi thông hai mộ trở nên ma mị
Người Đà Lạt cho rằng sau khi xảy ra câu chuyện bi thương của Thảo và Tâm thì hồ được đổi tên thành hồ Than Thở. Tuy nhiên, ông Hiền (Trưởng phòng tư liệu - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Lạt) cho biết, trước đây hồ có tên là Lac Des Soupirs. Vào năm 1956 (trùng với năm mất của Thảo) ông Nguyễn Vĩ, Chủ tịch Hội đồng thị xã Đà Lạt lúc bấy giờ, đề nghị đổi từ tên Pháp ra tên Việt thành hồ Than Thở.
Từ năm 1975, hồ Than Thở được đổi tên thành hồ Sương Mai, nhưng người dân Đà Lạt mỗi khi nhắc đến hồ này đều gọi là hồ Than Thở nên sau đó hồ được khôi phục lại tên cũ vào năm 1990. Như vậy cái tên hồ Than thở không phải bắt nguồn từ bi kịch của chuyện tình Tâm - Thảo.
Hồ Than Thở được dịch ra từ tên tiếng Pháp, chứ không bắt nguồn từ câu chuyện tình của Tâm và Thảo.
Khu vực đồi thông hai mộ vốn hoang vắng nên bị đồn thổi nhiều chuyện.
Khi tôi hỏi về những lời đồn ma mị trên đồi thông hai mộ, bà Hiền (người bán hàng rong tại khu vực mộ) xua tay nói: "Cô buôn bán ở đây hơn chục năm, ngày nào cũng ở đây từ sáng sớm đến chiều tối, có thấy ma quỷ gì đâu. Cô khẳng định là ở đây rất bình thường không như lời đồn có ma ám gì hết. Nếu có dịp lên Đà Lạt thì có thể ghé qua đây thắp một nén nhang cho người đã khuất chứ đừng đồn đoán những điều không căn cứ".
Bà Hiền bán hàng rong tại khu vực hai mộ khẳng định bà chưa từng thấy ma quỷ ở đây.
Thế nên xin đừng nhuốm màu u tối lên đồi thông hai mộ bằng những lời đồn thất thiệt, vì nó chất chứa một câu chuyện tình thật đẹp đáng để mọi người ngưỡng mộ. Cũng vì thế mà vào năm 1965, nhạc sĩ Hồng Vân khi đến thăm mộ của Thảo và Tâm, ông đã tức cảnh sinh tình viết nên ca khúc nổi tiếng "Đồi thông hai mộ". Ở cuối bản thảo của ca khúc nhạc sĩ viết: "Em ơi dưới lòng đất lạnh... Chỉ hai đứa mình để dệt lại chuyện xưa".
Lời đồn thì chỉ vẫn là lời đồn, đồi thông hai mộ vẫn chất chứa câu chuyện của riêng mình.
Theo: Trí Thức Trẻ
No comments:
Post a Comment