Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh
(Kiên Giang)
Sài Gòn có 2 ngôi trường nữ sinh rất nổi tiếng là Gia Long và Trưng Vương. Tên của hai ngôi trường này đi vào thơ, vào nhạc rất nhiều. Một ngôi trường nữ sinh khác, nhỏ hơn và ít được biết hơn, là trường Lê văn Duyệt. Người ta nói tại chữ “Lê Văn Duyệt” khó đưa vào nhạc, vào thơ như cái tên Gia Long hay Trưng Vương, chớ cứ nữ sinh là nên thơ, là đáng yêu…
Tui thì lại thắc mắc vì chuyện khác. Rằng trường nữ sinh mang tên Trưng Vương thì đúng rồi, nhưng tại sao lại mang tên ông vua (Gia Long) hay ông hoạn quan (Lê văn Duyệt)? Nhiều người cho rằng đây là câu hỏi ngớ ngẩn, vì đâu nhất thiết trường nữ phải mang tên phụ nữ, miễn đó là một tên danh nhân là được rồi. Ừ, đúng là ngớ ngẩn thiệt, nhưng mà…
Đứa con sinh ra có thể mang những cái tên chung chung như Tí, Tèo… nhưng thường là những cái tên mà cha mẹ dày công suy nghĩ để gởi gắm những ước mong, kỳ vọng của mình vào đó. Đứa bé gái có thể mang cái tên giống con trai, nhưng thường thì phải là một cái tên con gái. Tên công ty, và đặc biệt là tên một ngôi trường cũng vậy.
Chúng ta biết một ngôi trường, biết tên ngôi trường ấy là đã đủ rồi. Cố hiểu xem vì sao nó mang tên đó cũng… chẳng để làm gì. Không để làm gì thiệt, nhưng… để thỏa mãn sự tò mò cũng vui mà, phải không?
Vậy là tui đi rà soát tên các trường nữ sinh ở miền Nam thời ấy. Đa số trường đều mang tên nữ danh nhân. Ở Sài Gòn có trường Marie Curie, trường Trưng Vương. Quy Nhơn có trường Ngô Chi Lan. Đà Lạt có trường Bùi thị Xuân. Huế có trường Jeanne d’Arc. Mỹ Tho có trường Lê Ngọc Hân... Có trường không mang tên danh nhân, nhưng mang cái tên nhiều nữ tính, như trường nữ tu Couvent Des Oiseaux (Chim Non) ở Đà Lạt, trường nữ tu Thiên Phước ở Sài Gòn.
Trường nữ sinh Trưng Vương
Bên cạnh đó có nhiều trường không mang tên nữ danh nhân, cũng không mang tên nữ tính. Phần lớn là mang tên địa phương hay tên con đường nơi ngôi trường tọa lạc. Trường nữ trung học Lê Văn Duyệt nêu trên là một ví dụ, ngôi trường trên nằm ở đường Lê Văn Duyệt, Gia Định. Hoặc trường nữ trung học Quảng Ngãi ở tỉnh Quảng Ngãi, v.v…
Cũng có những trường mang tên nam danh nhân, như trường Gia Long ở Sài Gòn, trường Đồng Khánh ở Huế, trường Hồng Đức ở Đà Nẵng (toàn là tên vua!)… Các trường công giáo thì mang tên các vị thánh, như trường Nguyễn Bá Tòng (vị giám mục tiên khởi của Công giáo Việt Nam), trường Saint Paul ở Sài Gòn…
Trường Gia Long thời Pháp, mang tên “Trường của những thiếu nữ bản xứ”
Trở lại cái sự tò mò về nguồn gốc của tên trường nữ sinh Gia Long. Theo tài liệu chính thức ban đầu trường không phải tên Gia Long. Trường được khởi công năm 1913, năm 1915 xây dựng xong và khai giảng khóa đầu tiên. Toàn quyền Đông Dương khi đó là ông Ernest Nestor Roume và Thống đốc Courbeil là người cắt băng khánh thành và tuyên bố khai giảng. Khóa đầu tiên trường tuyển 42 nữ sinh, đồng phục khi này là áo dài tím, tượng trưng cho sự tinh khiết của phụ nữ Việt Nam, nên trường còn có tên là Trường Nữ sinh Áo Tím.
Đến tháng 9/1922, toàn quyền Albert Sarraut khai giảng lớp đầu tiên của bậc Trung học Ðệ nhất Cấp. Một phiến đá bằng cẩm thạch khắc chữ Collège Des Jeunes Filles Indigènes (Trường của những Thiếu nữ Bản xứ) được dựng lên trước cổng trường, tuy nhiên trường vẫn được biết đến nhiều hơn với cái tên Trường Nữ Sinh Áo Tím.
Năm 1940, quân đội Nhật chiếm đóng trường trong lúc học sinh nghỉ hè. Cũng trong năm này, trường đổi tên thành Collège Gia Long (Cao đẳng tiểu học Gia Long), rồi Lycée Gia Long (Trường trung học đệ nhị cấp Gia Long).
Năm 1953, đồng phục áo dài tím được thay thế bằng chiếc áo trắng với phù hiệu của trường – đóa mai vàng – khâu lên trên áo, trường được đổi tên là Trường Nữ Trung Học Gia Long. Tên này được duy trì tới 1975.
Có chút mơ hồ trong việc chuyển đổi từ 2 cái tên ban đầu (một tên không chính thức nhưng thông dụng là trường Nữ sinh Áo Tím và cái tên chính thức nhưng không thông dụng là Collège Des Jeunes Filles Indigènes) sang tên Gia Long. Đó là ai đặt (người Nhật, người Pháp hay người Việt) và tại sao đặt là Gia Long? Không thấy nguồn tư liệu nào giải thích. Tui tự giải thích như sau, để thỏa mãn cái sự tò mò của mình chớ không dám cho rằng đúng.
Chúng ta hãy trở về với ngôi trường Nữ sinh Đồng Khánh ở Huế. Ngôi trường này được khởi công xây dựng năm 1917, sau khi khánh thành trường Áo Tím 2 năm. Lúc bấy giờ đó là ngôi trường nữ sinh đầu tiên và duy nhất của Trung kỳ, giống như Áo Tím là ngôi trường nữ sinh đầu tiên và duy nhất của Nam kỳ. Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi trường này có sự hiện diện của vua Khải Định, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, Khâm sứ Trung Kỳ J.E. Charles, quyền Khâm sứ Bắc Kỳ J.Le Galler, các hoàng thân, các vị Thượng thư và một số quan chức cao cấp người Pháp tại Đông Dương.
Trường nữ sinh Đồng Khánh
Dễ thấy lý do ngôi trường nữ đầu tiên và duy nhất của Trung kỳ này được đặt tên là Đồng Khánh. Khác với Nam kỳ là xứ thuộc địa, Pháp chẳng quan tâm gì lắm đến việc đặt tên tiếng Việt cho trường mà chỉ có cái tên chung chung là Collège Des Jeunes Filles Indigènes (Trường của những Thiếu nữ Bản xứ), Trung kỳ là xứ bảo hộ, vẫn có vua tại vị. Lấy tên ông vua cha (Đồng Khánh) đặt tên cho ngôi trường để làm vui lòng ông vua con (Khải Định) là điều người Pháp chẳng mất gì, chỉ có được thôi. Dẫu sao Đồng Khánh vẫn là ông vua thân Pháp mà. Và cái tên Đồng Khánh vẫn được giữ mãi tới 1975, dù rằng ông vua này chẳng có gì hay ho cả!
Tại thời điểm đó, ngôi trường ngang tầm (hoặc hơn) trường Đồng Khánh là trường Áo Tím vẫn chưa có cái tên tương xứng. Thế rồi thời buổi lộn xộn thế chiến thứ 2, ai đó (có thể là Nhật) thấy rằng cần phải có cái tên mới thay cho tên Pháp Collège Des Jeunes Filles Indigènes. Họ nghĩ đến tên của ngôi trường tương tự ngôi trường này ở Huế. Tên mới sẽ tương tự tên Đồng Khánh nhưng ở đẳng cấp cao hơn. Thế là họ chọn tên Gia Long, ông vua khai sáng triều Nguyễn luôn!
Đó là tui nghĩ như vậy, chẳng có chứng cứ nào hết, nhưng tui thấy… có lý! Ai thấy không có lý cũng chẳng sao. Mà ai đó thấy rằng tìm hiểu điều này thật là vớ vẩn và ngớ ngẩn thì cũng… đúng thôi. Tại tui thích và tò mò thôi mà!…
Theo Phạm Hoài Nhân
No comments:
Post a Comment