Wednesday, August 28, 2019

HUYỀN THOẠI TOMOE GOZEN - NỮ SAMURAI LÀM CẢ NƯỚC NHẬT PHẢI KHIẾP SỢ

Tuy đa số những chiến binh tàn bạo nhất trong lịch sử Nhật Bản đều là nam giới, vẫn có những người phụ nữ lật đổ chuẩn mực xã hội và trở thành những nữ chiến binh với tài nghệ xuất chúng. Một ví dụ điển hình là Tomoe Gozen - nữ samurai khét tiếng vào khoảng thế kỷ 12.

Bức họa "Tomoe Gozen xuất trận đồ" thực hiện bởi Shitomi Kangetsu, hiện được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Quốc gia Tokyo.

Câu chuyện về cuộc đời Tomoe Gozen vẫn còn nhiều bí ẩn, nhưng theo nhiều ghi chép lịch sử, bà xinh đẹp tuyệt trần lại càng tinh thông võ nghệ. Sở dĩ cái tên Tomoe Gozen khắc sâu dấu ấn trong lịch sử đến vậy là vì không những là một nữ samurai, bà còn là một chiến binh ưu tú và tàn bạo, khiến bao chiến binh khác phải khiếp sợ.

Nhật Bản vào thời của Tomoe Gozen

Những samurai đầu tiên xuất hiện từ thế kỷ 8, nhưng phải đến thế kỷ 11 thì họ mới thực sự nắm quyền lực. Họ trở thành những chiến binh trung thành với các lãnh chúa (daimyo) lúc này vẫn liên tục tranh chiến. Khoảng năm 1600, samurai mới được công nhận là một tầng lớp xã hội và được hưởng một số đặc quyền, bao gồm quyền được mang hai thanh kiếm bên mình.

Đa số samurai đều là nam giới: cũng như xã hội phương Tây lúc bấy giờ, phụ nữ trong xã hội Nhật Bản xưa đều thường lấy chồng, sinh con, và chăm nom gia sự trong khi chồng mình ra chiến trường - nhưng vợ của samurai lại là ngoại lệ. Những người phụ nữ này phải vừa có học thức vừa đảm việc nhà và bảo vệ được gia đình, một số họ còn giấu những thanh gươm nhỏ bên mình.

Tomoe Gozen đánh bại Uchida Saburo, bức họa được thực hiện bởi Tsukioka Yoshitoshi (1839 - 1892).

Từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 19 cũng có những người phụ nữ đã gầy dựng tên tuổi như những nữ chiến binh.

Thật vậy, từ trước khi samurai được công nhận thì đã có những người phụ nữ miệt mài rèn gươm để bảo vệ gia đình mình khỏi các thế lực xâm lăng. Họ được biết đến dưới cái tên Onna-bugeisha (女武芸者; Nữ Võ Vân Giả), đúng nghĩa là "nữ chiến binh".

Thanh kaiken thường được phụ nữ Nhật Bản xưa giấu trong kimono để tự vệ hoặc tự sát. Thời nay, kaiken là một trong những phụ kiện truyền thống được mặc cùng kimono nghi lễ như furisode (kimono dành cho thiếu nữ trẻ chưa chồng) hoặc uchikake (kimono dành cho ngày cưới hoặc diễn kịch).

Onna-bugeisha thường sử dụng những loại vũ khí như kaiken (gươm nhỏ chỉ samurai mới được sử dụng) và naginata (thanh kiếm với phần cán dài và lưỡi kiếm cong dài). Thanh naginata trở thành một biểu tượng gắn liền với onna-bugeisha, vừa là vũ khí vừa là dấu hiệu cho biết họ thuộc tầng lớp chiến binh. Những người con gái thuộc dòng dõi samurai sẽ mang một thanh naginata về nhà chồng, xem như của hồi môn.

Và trong số những nữ chiến binh này có Tomoe Gozen.

Truyền thuyết về Tomoe Gozen

Tuy Tomoe Gozen là một trong số ít nữ chiến binh nổi tiếng nhất Nhật Bản, những câu chuyện về bà đa phần là dựa trên truyền thuyết chứ không phải sự thật lịch sử.

Cũng không chắc rằng đây là tên thật của bà vì lúc bấy giờ, việc dùng tên thật để gọi phụ nữ được xem là thất lễ. "Tomoe" (巴) có thể ám chỉ hoa văn của phần giáp trên vai bà, và "Gozen" (御前) là một dạng kính ngữ cổ dùng để tôn xưng những người phụ nữ có vị thế.

Bức họa "Tomoe Gozen bên bờ sông Yodo", thực hiện bởi Toyohara Chikanobu (1838 - 1912).

Một trong những nguồn thông tin chính về bà là Truyện kể Heike (平家物語; Bình Gia Vật Ngữ) - một tư liệu lịch sử có từ khoảng năm 1240, tổng hợp những lời dân ca, truyện kể, và nhiều văn bản khác nhau để tạo nên một thiên sử thi hoành tráng.

Truyện kể về cuộc chiến giữa hai dòng họ Taira (平), còn được biết dưới cái tên Heike (平家), và dòng họ Minamoto (源; Nguyên). Tomoe là samurai dưới quyền Minamoto no Yoshinaka - một viên tướng thuộc nhà Minamoto.

Tương truyền rằng mẹ Tomoe từng là vú nuôi của viên tướng này, và Tomoe từ một người chị em nuôi đã trở thành một trong những tướng lĩnh trung thành nhất của ông. Tùy vào văn bản lịch sử mà bạn đọc thì sau này bà còn là vợ hoặc thê thiếp của Yoshinaka. Truyện kể rằng bà đã trực tiếp chỉ huy đến 1.000 binh lính.

Tomoe Gozen qua nét vẽ của Kikuchi Yosai (1781 - 1878).

Thực chất thì Tomoe không hẳn là một onna-bugeisha mà là một onna-musha - dùng để chỉ những người phụ nữ trực tiếp ra chiến trường chứ không chỉ bảo vệ nhà cửa gia đình. Và bà không phải là người duy nhất: bằng chứng khảo cổ cho thấy phụ nữ chiếm tỉ lệ không hề nhỏ trong quân đội Nhật Bản lúc bấy giờ.

Theo Truyện kể Heike miêu tả:

Tomoe đặc biệt xinh đẹp, với mái tóc đen dài và nước da trắng trẻo; hơn nữa còn là một người cưỡi ngựa tài ba, nàng trị được ngựa chướng và vượt mọi địa thế hiểm trở. Nàng múa kiếm dương cung chọi nổi quỷ thần, sức địch nghìn quân.

Tuy được lấy tên đặt cho một thanh naginata, tương truyền rằng bà thường hạ địch thủ bằng katana - loại kiếm dài, thẳng thường chỉ được samurai nam sử dụng.

Chiến công Lịch sử

Tuy tướng Yoshinaka lập được nhiều chiến công trong Cuộc chiến Genpei (1180 - 1185) chống lại nhà Taira, vinh quang cộng với tài lãnh đạo kém cỏi của ông đã biến gia tộc Minamoto thành kẻ thù. Năm 1184, quân đội của ông bị tàn sát và khi tháo chạy khỏi thủ đô Kyoto, ông chỉ còn 5 6 binh lính bên mình, trong số đó có Tomoe.

Theo một tư liệu, trong đợt rút lui khỏi kinh đô, Tomoe đã chạm trán với hai tướng quân lừng danh. Viên tướng đầu tiên, Hatakeyama Shigetada, bị Tomoe đánh bại hoàn toàn, đến nỗi ông phải tháo chạy để thanh danh gia tộc mình không bị ô uế bởi việc ông bị giết bởi một phụ nữ. Người thứ hai, Uchida Ieyoshi đã bị bà chém đầu.

Tomoe Gozen nghênh chiến với Uchida Ieyoshi và Hatakeyama no Shigetada. Tranh khắc gỗ của Yōshū Chikanobu, 1899.

Một phiên bản khác của câu chuyện này lại kể rằng khi Yoshinaka, Tomoe, và những chiến binh còn lại chuẩn bị tấn công quân đội của Minamoto no Yorimoto - anh họ của Yoshinaka trong Trận Awazu (1184), Yoshinaka đã bảo rằng Tomoe hãy chạy ngay đi, vì bà là phụ nữ.

Có lẽ ông muốn bà bỏ chạy để thực hiện lễ nghi tự sát (seppuku), hoặc ông muốn bà báo tin về cái chết của ông với gia tộc, hoặc ông không muốn mình phải chết trước mắt một người phụ nữ - hoặc tất cả các ý trên.

Tomoe Gozen trong Trận Awazu, bức họa được thực hiện bởi Utagawa Yoshikazu.

Bất chấp mọi lý do, Tomoe đã từ chối bỏ chạy. Theo Truyện kể Heike, bà muốn giết được một "địch thủ xứng đáng" cuối cùng vì danh dự của Yoshinaka. Không rõ địch thủ xấu số này là ai, mỗi tư liệu kể một khác, nhưng tương truyền rằng khi một nhóm địch đến gần, Tomoe cưỡi ngựa xông thẳng đến, tóm lấy thủ lĩnh và trảm hắn ngay trên yên ngựa.

Dư âm Văn hóa

Cũng như phần lớn cuộc đời Tomoe, câu chuyện về bà sau trận đánh cuối cùng vẫn là một ẩn số.

Có truyện kể rằng bà đã sống sót sau trận chiến, lúc này ở tuổi 28, và sau này trở thành một nữ tu đến khi qua đời ở tuổi 90. Theo Truyện kể Heike thì bà bị tướng Wada Yoshimori đánh bại và phải trở thành vợ hoặc thiếp của ông.

Lại có một truyện khác kể rằng Tomoe đã giết hết kẻ thù của Yoshinaka để báo thù và mang thủ cấp của ông trầm mình xuống biển để không ai có thể báng bổ.

Bia tưởng niệm Tomoe Gozen tại chùa Gichu, thành phố Otsu, tỉnh Shiga.

Tuy thực hư vô định nhưng lòng anh dũng và sự tàn bạo của bà đã khắc sâu dấu ấn trong nền văn hóa dân gian. Một vở kịch Noh về bà được thực hiện - một trong 18 vở kịch về chiến binh samurai trong tổng số 200 vở kịch Noh từ thế kỷ 15, và bà được vinh danh trong lễ hội Jidai được tổ chức vào ngày 22/10 hằng năm nhằm tưởng niệm những nhân vật lịch sử tại Kyoto.

Bà đã góp mặt trong bộ ba tiểu thuyết giả tưởng mang tên The Tomoe Gozen Saga được viết bởi tiểu thuyết gia người Mỹ Jessica Amanda Salmonson, và cũng xuất hiện nhiều trong văn hóa đại chúng.

Bộ ba tiểu thuyết về Tomoe Gozen được viết bởi Jessica Amanda Salmonson.

Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết thực hư danh tính của Tomoe Gozen cũng như những chiến công thực sự của bà, nhưng những câu chuyện về lòng gan dạ và sức mạnh kinh người này sẽ muôn đời được truyền lưu.

Nguồn bài: All That's Interesting