Thursday, August 29, 2019

KỲ VĨ HOÀNH SƠN QUAN

“Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”

Năm 1558, sau khi Nguyễn Kim bị đầu độc, Nguyễn Hoàng - con trai của Nguyễn Kim sợ anh rể là Trịnh Kiểm ám hại đã đến hỏi Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm kế sách dung thân. Bỉnh Khiêm không đáp mà chỉ vào non bộ trước sân nhà, ngâm câu thơ "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân"*Hoành Sơn Quan qua góc nhìn nghệ thuật

Hoành Sơn Quan qua góc nhìn nghệ thuật

Xuôi theo Quốc lộ 1A qua địa phận Hà Tĩnh, cảnh sắc thay đổi đột ngột bởi một dãy núi cao cắt ngang hình thái địa lý bằng phẳng và xuôi chiều theo hướng Bắc - Nam vốn rất quen thuộc ở vùng đất duyên hải Bắc Trung bộ.

Hoành Sơn (dãy núi Ngang ) nằm phía nam huyện Kỳ Anh (nay là thị xã Kỳ Anh),dài 50 km, chạy từ dãy Trường Sơn ở phía tây ra Biển Đông. Đỉnh cao nhất trong dãy núi có độ cao tuyệt đối là 1044m. Xưa nó là biên giới tự nhiên giữa hai quốc gia cổ Việt - Chiêm, nay là địa giới hai tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình. Khối núi này chiếm diện tích 1.500 km2, kéo dài từ phía tây Vọng Liệu, Kỳ Anh - Tuyên Hoá, Quảng Bình đến mút phía đông là mũi Đao, mũi Độc (Kỳ Nam). Núi chỉ có độ cao trung bình 400m, nhưng cũng có đỉnh cao tới 646m (như Động Nậy), hoặc 823m (ngọn Ba Cốc)

Ảnh: Instagram

Hoành Sơn cũng là biên giới khí hậu bắc - nam. Phía Hà Tĩnh, mùa đông có gió mùa đông bắc mạnh, còn mùa hè gió Lào dữ dội, lượng mưa rất lớn 3.000 mm/năm. Trong khi đó, Quảng Bình chỉ cách 10km mà gió mùa rất yếu...Do điều kiện khí hậu, cây cỏ phát triển nhanh và mạnh. Ngày xưa toàn bộ dãy Hoành Sơn bao phủ một thảm thực vật dày đặc, những cánh rừng bạt ngàn. Dưới lớp rừng ấy là đủ loại động vật quý: voi, hổ, tê, ngựa, hươu, nai, gà lôi, công, trăn, rắn,.. "nhưng qua thời gian rừng đã bị tàn phá, khai thác, bây giờ chỉ còn lại lau và cây bụi khô cằn, mọc trên đất đỏ vàng, che lấp những miếu nhỏ, những thành lũy đổ nát ngày xưa còn lại" (Thiên nhiên Việt Nam - SĐD).Ngày nay, những rừng thông, rừng gỗ mới trồng đã bắt đầu trải màu xanh trên mái núi.

Đường lên Hoành Sơn Quan

Sử sách còn ghi, năm 1833 vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang, cửa cao 4 m, hai bên có thành dài 30 m, ở trên cổng đắp nổi ba chữ “Hoành Sơn quan”. Mở về hai phía, có 1.000 bậc thang lên xuống do thợ xẻ núi tạo thành. Khách bộ hành qua lại bằng lối này và thuộc nằm lòng câu ca: “Trèo đèo hai mái chân vân/ Lòng về Hà Tĩnh, dạ ân Quảng Bình”. Đứng ở đây nhìn về Quảng Bình hay Hà Tĩnh đều chiêm ngưỡng được nhiều cảnh đẹp, khiến lòng bồi hồi khó tả.

Nếu so với những tường thành khác trên dọc dài bắc nam như Hải Vân, đèo Cả thì có thể nói độ lớn và hùng vĩ của Hoành Sơn không thể sánh bằng. Nhưng đèo Ngang có những mạch nguồn cảm xúc độc đáo và đi vào thơ ca bởi những danh sĩ tài hoa như Lê Thánh Tông, Nguyễn Thiếp, Vũ Tông Phan, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Bà huyện Thanh Quan... Trong đó, nhiều người biết đến tuyệt phẩm “Qua đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan với những câu thơ quen thuộc: “Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà/Cỏ cây chen đá, lá chen hoa…”.

Du khách thích thú chụp hình lưu niệm trước Hoành Sơn cổ kính

Nằm trên biên giới Việt - Chiêm thời xa xưa rồi thời phân tranh Trịnh - Nguyễn, và sau này là vị trí quân sự hiểm yếu, Hoành Sơn luôn luôn là đất chiến địa, đất của gươm đao, súng đạn. Suốt trong quá trình lịch sử, cho đến những ngày chống Mỹ, ở đây không mấy buổi được yên. Huyền thoại về công chúa Liễu Hạnh cũng dựng lên hình ảnh cuộc đấu giữa bà chúa Liễu với Bát bộ kim cang...Nhưng luôn luôn Hoành Sơn vẫn là một danh thắng nhất nhì ở Nghệ - Tĩnh, với cảnh đèo Ngang kỳ tuyệt, với "luỹ cổ Lâm Ấp" đồ sộ, với cửa quan Hoành Sơn, với bảo Thống Lĩnh (Xuân Sơn) Phạm Quý Thích (1760 - 1825) có câu thơ về cảnh thiên nhiên bao la (TKĐ dịch):

"Cát trắng mênh mông, mây cát sôi Ngàn xanh thăm thẳm, bể xanh trôi..."

Và cụ Nghè Huỳnh Thúc Kháng (1876- 1947) cũng có bài thơ "Qua núi Hoành Sơn" với mấy câu :

"... Một đường xe điện dừng không đứng, Hai cánh rừng cây dậy muỗi bay. Thử hỏi nghìn năm hồn nước cũ Hồng Lam danh thắng vẫn xưa nay"

Góc nhìn từ Hoành Sơn Quan

Thỏa thuê dạo bước Hoành Sơn, trải nghiệm một cung đường đèo Ngang đẹp như tranh thủy mạc, mãn nhãn với thiên nhiên thủy tú. Dù chia tay cung đèo để vào Nam hay ra Bắc thì ở cả hai phía chân đèo đều có những bãi biển nhỏ nhắn, xinh đẹp và xanh mát. Dưới chân dãy Hoành Sơn về phía Bắc có bãi tắm Đèo Con sạch đẹp, bãi cát dài thoai thoải, mát mẻ và kín gió, những ngọn núi với hình thế đặc biệt như núi Cao Vọng, núi Ô Tôn, núi Bàn Độ, Vũng Áng tạo nên quần thể danh thắng mang một vẻ đẹp riêng không kém phần hấp dẫn.

Những bãi tắm nhỏ, hoang sơ cùng rất nhiều món đặc sản biển tươi nguyên hấp dẫn sẽ là nơi dừng chân lý tưởng cho những du khách dừng chân nơi đây.

*: Theo sử sách, câu nói của Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn dĩ là: “Hoành Sơn nhất đaí, khả dĩ dung thân”, nhưng nhà Nguyễn muốn tỏ ý thiên mệnh là vua của mình nên đổi thành “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”

Nguồn: Việt Nam sử kí 
Biên tập: Thu Hiền


No comments: